Giáo sư... da ếch
“Con nhất định phải trở thành tiến sĩ”Cho dù hiện nay đã “sở hữu” học hàm, học vị cao nhất trong ngành y, nhưng GS.TSKH Lê Thế Trung vẫn không bao giờ quên lời mẹ dặn từ những ngày thơ bé. Cứ mỗi dịp Tết Trung Thu, năm nào mẹ cũng muacho cậu bé Trung một ông tiến sĩ giấy và mỗi lần tặng quà cho con trai duy nhất, bà mẹ đều dặn dò: “Con phải cố gắng học hành cho thật giỏi. Con phải trở thành tiến sĩ!”.
Trung rất ngoan, nghe lời mẹ chăm chỉ học hành. Nhưng có một lần, cậu bịbệnh thương hàn rất nặng. Ngày đó, ai bị mắc bệnh thương hàn đều ít có cơ hội sống sót, đặc biệt là trẻ em, khi sức đề kháng còn quá yếu. Bị bệnh, Trung gầy như lá tre, đầu trọc lóc vì rụng hết tóc.Bố Trung thương con, mỗi lần đứng bên giường với con trai, ông đều lén lau nước mắt. Còn nước còn tát, ông tìm đến cầu cứu thầy lang ở phố Khâm Thiên, Hà Nội. Chẳng hiểu ông thầy lang cho uống loạithuốc gì mà bé Trung khỏi được bệnh thương hàn. Sự biết ơn sâu sắc những người làm trong ngành y khiến cậu bé nghĩ nhất định mình sẽ trở thành bác sĩ và cố gắng thực hiện mong muốn của mẹ.
Học xong phổ thông tạiTrường Bưởi nổi tiếng, Trung vào lớp y tá Vệ quốc đoàn. Rồi anh tham gia lớp quân y sĩ khoá I năm 1949, lớp y sĩ cao cấp khóa I năm 1956 tại Hà Nội. Tốt nghiệp bác sĩ y khoa năm 1960, Trung tiếp tụchọc chuyên khoa bỏng (1964), lấy bằng phó tiến sĩ năm 1975 và tiến sĩ khoa học năm 1986. Rất hiếm có vị giáo sư đầu ngành nào tại Việt Nam lại đi lên từ một y tá giống như GS.TSKH Lê ThếTrung.
Tháng 1-2004, ca ghép gan đầu tiên của Việt Nam thành công. Một trong những người theo dõi chặt chẽ nhất trường hợp ghép gan cho cháu Nguyễn Thị Diệp chính là GS. Lê Thế Trung. Ông đã túc trực cạnh bên giường của bé suốt 40 ngày đêm liên tục. Sau khi được ghép 1/2 lá gan từ bố là anh Nguyễn Quốc Phòng, trong 40 ngày đầu, cơ thể bé đã hai lần cho thấy tình trạng thải ghép cấp. Cứ 2-3 giờ đêm, GS Trung lại lặng lẽ đến theo dõi tình trạng của bé. GS Trung còn khoe rằng, nhờ sự vận động của ông mà lương y Đinh Thị Phiển, giám đốc Trung tâm Thuốc y học dân tộc Hòa Bình đã nhận tài trợ 100 triệu đồng, mỗi năm 10 triệu cho bé Diệp để hỗ trợ gia đình tiền thuốc uống chống thải ghép. Nay thì bé Nguyễn Thị Diệp lại được líu lo với bạn bè ở trường lớp.
Giáo sư danh tiếng về bỏng trên thế giới
Nổi tiếng ở trong nước về chuyện ghép gan, nhưng với giới khoa học trên thế giới, GS.TSKH Lê Thế Trung của Việt Nam lại được biết nhiều về các kỹ thuật điều trị bỏng. Năm 1965, tại chiến trường Liên khu V; năm 1968, tại mặt trận Khe Sanh và trong cuộc tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân, GS Trung đã tìm mọi cách để chữa bỏng cho bộ đội. Ngày đó, các nước tiên tiến trên thế giới đều dùng da lợn hoặc da người để cấy ghép da cho người bị bỏng. Nhưng thời chiến tranh, làm sao mà có được hai loại da đặc biệt này! Da lợn cũng rất hiếm, nếu có thường được để dành cho bộ đội ăn lấy sức. Da người sống đương nhiên không được, da người chết cũng không được phép lấy. Vậy là GS Trung nghĩ ra một độc chiêu là lấy... da ếch thay thế. Bắt ếch rất dễ, đầy ngoài cánh đồng, phần thịt ếch bộ đội ăn, phần da ếch GS Trung sử dụng để đắp lên vết bỏng cho thương binh. Cứ một vết bỏng đắp hai miếng da ếch, một miếng da người. Xen kẽ như thế, những vết bỏng dần dần kín miệng, ăn da non, “vết thưuơng đẹp không chê vào đâu được” - GS Trung hồi tưởng lại. Sau này, hòa bình rồi, GS Trung vẫn sử dụng phương pháp độc đáo này. Việc sử dụng da ếch trong kỹ thuật điều trị bỏng của GS Lê Thế Trung đã khiến nhiều đồng nghiệp trên thế giới ngưỡng mộ. Tờ báo khoa học nổi tiếng Science et Vieđã viết về ông với nhiều lời khen ngợi. Cuối bài là câu khẳng định “Kỹ thuật điều trị bỏng bằng thuốc nam và da ếch ở Viện Bỏng Hà Nội đã khiến GS Trung nổi tiếng trên thế giới”.
Trung thực, khiêm tốn và ham học - đồng nghiệp nhận xét về GS.TSKH Lê Thế Trungnhư vậy. ông từng nói rằng đừng bao giờ giấu cái dốt của mình, không biết điều gì thì phải học hỏi. Bác sĩ mà dốt thì bệnh nhân phải thiệt, học trò thiệt.
Có những chuyện xảy ra từ rất lâu rồi, nhưng mỗi khi nhớ lại, tim ông đều đau thắt. Năm 1953, vào chiến dịch giải phóng tỉnh Hòa Bình, bác sĩ Trung ở trung đoàn 209, đại đoàn 312 (trung đoàn này rất nổi tiếng vì sau đó một năm, năm 1954, ở Chiến dịch Điện Biên Phủ đã bắt sống tướng De Castries). Trung đoàn có 300 thương binh thì khoảng 15 người bị bỏng. Vì ngày đó chưa được học về điều trị bỏng nên bác sĩ Trung và các bác sĩ, y tá chiến trường chỉ biết băng bó và truyền dịch cho những người bị bỏng mà thôi. Nhìn các chiến sĩ bị bỏng đau đớn gào thét mà các bác sĩ chẳng thể làm được gì hơn để giúp họ. “Đó là sự ân hận rất lớn đối với tôi, cả đến tận sau này” - Giọng GS Trung trầm lại.
Chuyện khác, năm 1967, khi đi sơ tán ở Hà Đông, bác sĩ Trung mổ một ca bướu cổ cho bà cụ già. Bướu rất to mà khí quản lại bị xẹp. Khi mổ, mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, việc cầm máu cũng tốt. Nhưng tối đó, bác sĩ trực theo dõi bệnh nhân không kỹ, đèn dầu lại tù mù, bệnh nhân có đàm nhiều mà không hút kịp nên tình trạng khó thở là tất yếu. GS Lê Thế Trung kể: “Lẽ ra lúc đó, bác sĩ trực phải mở khí quản ngay, nhưng anh ấy lại không làm điều đó, mà cũng không đi gọi tôi. Khi tôi đến nơi, bà cụ già đã ở trong tình trạng thiếu oxy và hôn mê sâu rồi. Sau đó, cụ mất. Tôi nhìn bệnh nhân đã ra đi mà không cầm được nước mắt và cũng rất giận đồng nghiệp đã không gọi tôi sớm hơn hoặc xử lý tình thuống kịp thời”. Sau này, GS Trung rút kinh nghiệm, cứ mở khí quản sẵn dự phòng mỗi khi ông mổ bướu cổ. Ông cũng dạy học trò của ông những kinh nghiệm xương máu này.
Hạnh phúc của nhà khoa học
Khi được hỏi: “Hạnh phúc của một nhà khoa học là gì?”, GS Lê Thế Trung trả lời: “Một nhà khoa học khi mất đi phải để lại con cái, lớp học trò kế tục và các công trình khoa học”. Vậy thì GS.TSKH Lê Thế Trung là người vô cùng hạnh phúc. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Dịnh, vốn là y sĩ trưởng của Khoa Bỏng, Bệnh viện Quân y 103. Ông bà có cả thảy 4 người con. Con cả của ông là đại tá, PGS.TS Lê Trung Hải, chủ nhiệm Khoa Ngoại bụng, Học viện Quân y 103, hiện đang là người ghép thận chính của Bệnh viện 103. Con gái Lê Thị Hoa là một cô giáo. Anh con trai kế tiếp Lê Trung Lân là cảnh sát hình sự công an Hà Đông và cậu con trai út Lê Trung Thắng là trưởng ban công nghệ tin học, Học viện Quân y. GS.TSKH Lê Thế Trung hiện có 8 cháu nội, ngoại quây quần xung quanh. Tối nào ông cũng đi ngủ thật sớm, ngay từ lúc 20 giờ, rồi sáng ra, mới 1 giờ 30 là ông tỉnh giấc. Ông “giáo sư... da ếch” nổi tiếng trên thế giới sống đạm bạc trong ngôi nhà nhỏ nhiều cây bên cạnh Học viện Quân y 103 ở thị xã Hà Đông. Sau khi làm vài vòng bách bộ và tập thể dục, GS.TSKH Lê Thế Trung ngồi vào bàn viết để viết sách. Các công trình nghiên cứu của ông đều được “khai sinh” từ những giờ khắc yên tĩnh nhất của đêm như thế.
Nguồn: Thế giới mới Ất Dậu 2005, số 622