Giàn cày cải tiến dành cho ruộng mía: Hiệu quả bước đầu
Trước đây, người trồng mía ở Ninh Hòa vẫn phải dùng sức kéo của bò để cày ruộng, rồi hì hục bón phân, lấp đất... Công sức, thời gian bỏ ra nhiều nhưng hiệu quả chưa cao. Trực tiếp trồng chung 42ha ruộng mía với người em, ông Huỳnh Văn Thông (57 tuổi, thôn 3, xã Ninh Thượng) thấu hiểu nỗi khổ này và tâm sự với anh Nguyễn Quốc Tuấn (39 tuổi, Tân Khánh 1, xã Ninh Sim) về việc phải chế tạo một công cụ gì đó giúp người dân trồng mía. Ông Thông đã mày mò trên mạng, tìm hiểu những mô hình máy cày cải tiến của nông dân miền Nam, rồi chỉ cho anh Tuấn xem.
Kinh nghiệm chưa có, trong tay chỉ có nghề làm cơ khí nhưng anh Tuấn vẫn quyết tâm thử sức. Anh đi mua các lá sắt thép về và hì hụi cắt, hàn, bắt ốc, gò uốn... Ròng rã cả năm, “có công mài sắt có ngày nên kim”, năm 2009, giàn cày ngầm và bón phân của anh Tuấn đã hình thành. Đem lắp vào đầu máy kéo, nhìn giàn cày chạy băng băng trên ruộng mía nhà ông Thông, lưỡi cày rạch sâu mà không để lại luống, hai nông dân đã khấp khởi mừng. Nhưng khi cày sang ruộng mía nhà hàng xóm, giàn cày lại bộc lộ hạn chế: Chưa chủ động bỏ lượng phân như ý, cũng chưa cày được ở các ruộng mía trồng dày, thưa khác nhau.
Anh Tuấn tiếp tục những đêm mất ngủ, hết lắp vào, rồi lại tháo ra... Hai chú cháu dành cả năm 2011 để thử nghiệm trên ruộng nhà ông Thông, rồi chỉnh sửa thêm. Đến năm 2012, giàn cày ngầm và bón phân đã thao tác trơn tru trên mọi ruộng mía, điều chỉnh lưỡi cày lên xuống với độ nông, sâu, chiều rộng luống và bỏ lượng phân như ý. Cấu tạo của giàn cày ngầm và bón phân này khá đơn giản, vận hành dễ, người trồng mía chỉ cần nhấn nút và lái máy kéo chạy. Nhờ thuận tiện nên chỉ trong năm 2012, 30 giàn cày ngầm đã được bán hết. Phấn chấn, anh Tuấn tiếp tục cải tiến để giàn cày hoàn hảo hơn. Từ đầu năm 2013 đến hết tháng 8, anh Tuấn bán tiếp được hơn chục chiếc.
Anh Tuấn tiếp tục cải tiến giàn cày tại xưởng cơ khí của mình
Thấy giàn cày phát huy hiệu quả, nhiều nông dân đã tìm đến đặt hàng anh Tuấn. Một vài cơ sở cơ khí khác trên địa bàn xã cũng gia công giàn cày này để bán cho nông dân. Anh Cao Trọng Quý (34 tuổi, tổ 11 Tân Lập, Ninh Sim) cho biết, từ khi mua tới nay, giàn cày hoạt động tốt và phát huy hiệu quả. Cụ thể, giàn cày rạch được 2 hàng (cày bằng bò chỉ rạch được 1 hàng), đường cày sâu (từ 25 - 30cm), giúp phá rễ, thông đất, tăng độ tơi xốp của đất; lại bón phân, lấp đất luôn. Hơn nữa, do thân hai lưỡi cày máy rất mỏng nên không để lại luống, đất không bị lún sâu, mía không bị cỗi gốc. Thực tế, lắp giàn cày này vào đầu máy kéo công suất khoảng 24CV, có thể cày được 3ha/ngày, chi phí tối đa 18 lít dầu và 1 công người điều khiển. Trong khi đó, nếu cày bằng bò, 1ha phải làm trong 3 ngày. Anh Quý cho biết, có nhiều người ở tận M’Đrắk (Đắk Lắk), Khánh Vĩnh, Suối Dầu... cũng tới hỏi anh địa chỉ để mua. Ông Lưu Phương Thảo (thôn 1 xã Ninh Thượng, nguyên Chủ tịch UBND xã) cho hay, cuối vụ mía 2012, ông cũng mua giàn cày ngầm để phục vụ ruộng mía 8ha. Giàn cày này ông nối vào đầu máy kéo 20CV, hoạt động rất tốt.
Theo ông Thông, tính ra, 1ha cày bằng bò và bón phân, lấp đất, tổng chi phí tới 2 triệu đồng, trong khi sử dụng giàn cày này, tính cả tiền dầu, tiền công cho 1 người vận hành, chi phí khoảng 300.000 đồng. Trường hợp thuê cày máy cũng chỉ tốn 1 triệu đồng, rẻ một nửa so với lao động thủ công. “Giàn cày ngầm được thiết kế để lắp vào bất cứ đầu máy kéo nào nên những hộ đã có đầu máy kéo chỉ bỏ thêm 20 triệu đồng là mua được. Tuy đây là số tiền đáng kể với nông dân, nhưng về lâu dài, hiệu quả và lợi ích thấy rõ. Còn nếu chung nhau mua 1 giàn cày thì máy có thể đáp ứng kịp thời vụ cho 3 - 4 hộ” - ông Thông nói.
Được biết, hiện anh Tuấn đang tìm cách cải tiến tiếp để giàn cày ngầm và bỏ phân có thể rạch được hàng, nông dân chỉ việc bỏ mía vào trồng.
Ông Nguyễn Định - Chủ tịch UBND xã Ninh Sim: “Đây là mô hình cải tiến phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của Ninh Sim - nơi có chất đất xấu, còn phụ thuộc nhiều vào nước trời. Việc dùng giàn cày này giúp đẩy nhanh tốc độ làm đất, bón phân, giảm đáng kể chi phí lao động, góp phần bảo đảm lịch thời vụ, tạo thuận lợi cho cây mía phát triển, năng suất tăng, chữ đường tốt”.