Giải thưởng sáng tạo khoa học kỹ thuật TP Hồ Chí Minh năm 2005: Những công trình vì cuộc sống
Thu phí giao thông bằng giấy mã vạch
Đề tài của nhóm tác giả kỹ sư Đặng Hữu Quang (ảnh), cử nhân Nguyễn Xuân Hiền, cử nhân Thân Đức Phương (Công ty Cổ phần Công nghệ Tiên Phong) đoạt giải nhất sáng tạo khoa học.
Xuất phát từ nhu cầu cấp bách về trang bị, lắp đặt thiết bị thu phí tại các trạm thu phí giao thông đường bộ tại TP Hồ Chí Minh, nhóm tác giả đã xác lập công nghệ thu phí bằng giấy mã vạch. Theo đó, giấy thu phí chỉ cần in kèm mã vạch trên liên kiểm soát được khai báo trong cơ sở dữ liệu. Sau khi vé được đọc, dữ liệu sẽ được hủy.
Vì vậy, với loại vé này khả năng chống làm giả cao, kẻ xấu không thể lợi dụng các vé thất lạc, không thể quay vòng và cũng không yêu cầu điều kiện bảo đảm đặc biệt như vé từ...
Với những đặc tính như vậy, giá thành rẻ (tương đương giá thành in vé giấy), hiện nay công nghệ này đã được áp dụng tại các trạm thu phí: xa lộ Hà Nội (16 làn bán tự động và 40.000 lượt xe ngày đêm), Kinh Dương Vương (8 làn bán tự động, 20.000 lượt xe ngày đêm), An Sương – An Lạc (22 làn bán tự động, 20.000 lượt xe ngày đêm) và chuẩn bị được triển khai tại Bình Dương, Hải Phòng...
Sắp tới, quy trình này cũng được áp dụng ở 23 trạm thu phí trên Quốc lộ 1 theo dự án “Hiện đại hóa mạng lưới thu phí trên hệ thống Quốc lộ 1”.
Dùng siêu âm để điều trị gãy xương
Khi bắt tay vào thực hiện ý tưởng sử dụng biện pháp siêu âm để phát hiện, nắn sửa di lệch trong điều trị gãy xương, bác sĩ Vũ Công Tầm gặp phải không ít khó khăn. Nhiều đồng nghiệp cho rằng điều đó là không thể. Từ trước đến nay chưa có một bệnh viện, cơ sở y tế nào trong nước sử dụng siêu âm để “xem xương” như ý định của bác sĩ Tầm vì xương rất khó “siêu âm”. Theo cách điều trị truyền thống, bác sĩ sẽ sờ nắn xương, bó bột, khi vết thương đã lành thì chụp X-quang để xem lại. Lúc này nếu xương đã thẳng thì không cần mổ để chỉnh lại, nếu không thì phải sử dụng biện pháp phẫu thuật... Sử dụng cách này, nhiều ca bệnh phải chỉnh sửa đến lần thứ 3 nhưng vẫn không cho kết quả như ý. Bác sĩ Tầm quyết định lấy tay mình làm mẫu để siêu âm thử.
Từ năm 2004 đến nay, bác sĩ Tầm đã điều trị trên 100 ca sửa di lệch xương bằng biện pháp siêu âm, kết quả chính xác đến 100%. Những nơi xương khó như khuỷu tay, cẳng tay qua siêu âm cũng có thể nhìn thấy hiện trạng xương ở mức 97%.
Nói về hiệu quả của kỹ thuật này, bác sĩ Tầm cho biết: Nó giúp giảm đau cho người bệnh, giảm được số lần phải nắn xương, sửa xương thẳng, đẹp, giảm chi phí cho người điều trị, nhất là tránh được tia X và không cần phẫu thuật.
Tạo đất sinh học từ... mụn dừa
Trước thực tế nhiều loại đất bị bạc màu và các chế phẩm xơ dừa, mụn dừa, bẹ dừa... giàu chất hữu cơ đang bị thải ra với khối lượng lớn có nguy cơ ô nhiễm môi trường, thạc sĩ Võ Thanh Liêm đã nghĩ đến việc cải tạo đất bằng... mùn dừa. Tác giả đã áp dụng biện pháp sinh hóa để phân giải lignin trong cấu trúc mùn dừa, dùng làm chất nền để bổ sung thêm nguồn hữu cơ, vi lượng và hệ sinh vật có ích, kháng bệnh tạo thành đất sinh học hữu cơ biosol làm tăng độ phì nhiêu cho đất, thích hợp với mọi cây trồng khác nhau.
Qua thử nghiệm tại một số nơi: Công viên Cây xanh TP Hồ Chí Minh, Công ty Phú Mỹ Hưng, thị xã Bến Tre..., đất sinh học biosol đã chứng tỏ khả năng cải thiện được đất bạc màu, giúp đất tơi xốp, dễ hút nước, giữ ẩm lâu, ngoài ra còn cung cấp được các nguyên tố vi lượng như Ca, Mg, Zn, Cu, Mn, Fe... dễ tiêu, không gây độc với các loại cây trồng.
Đào tạo lái xe bằng cabin mô phỏng
Cabin này được thiết kế như một ô tô thực sự, có vô lăng, có màn hình biểu hiện tốc độ, có chướng ngại vật để người học lái xe tập dượt. Mặt khác, nó có thể hiển thị thời tiết và những âm thanh trên đường y như đang tham gia giao thông.
Theo tác giả, cabin này rất phù hợp cho giai đoạn đầu đào tạo lái xe, khi người học chưa quen với xe hơi, vừa tiết kiệm được chi phí vừa an toàn cho người học. Cabin mô phỏng này hiện đã được áp dụng tại nhiều cơ sở lái xe của TP, sắp được triển khai trên toàn quốc.
Nguồn: NLD; nhandan.org.vn 9/5/2006