Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2005: Công nghệ sản xuất thuốc tập hợp tuyển quặng apatit loại 3 Lào Cai
Với mục đích nhằm từng bước thay thế một phần và tiến tới thay thế hoàn toàn thuốc tuyển nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước, tập thể các tác giả: PGS.TS Mai Ngọc Chúc, KS Hà Văn Vợi, ThS Bùi Ðăng Học, GS.TSKH Hồ Quý Ðạo, KS Lê Thị Hoa, ThS Nguyễn Hoài Vân, TS Trần Hữu Bửu, PGS.TS Vũ Thế Trí, TS Hoàng Văn Hoan, KS Lê Thị Kim Liên, KS Nguyễn Trọng Phú, KS Nguyễn Văn Tạo thuộc Viện Hóa học công nghiệp đã chủ động đề xuất và được Nhà nước giao nhiệm vụ nghiên cứu thuốc tập hợp hữu cơ để tuyển nổi quặng Apatit loại 3 Lào Cai.
Trong giai đoạn từ năm 1991 đến 2004, các nhà khoa học tham gia công trình đã nghiên cứu thành công công nghệ tách a-xít béo từ dầu thực vật và phế thải công nghiệp; nghiên cứu thành công thế hệ phụ gia có tính chọn lọc và tập hợp cao; từ thuốc tập hợp VH-2000 đã tiếp tục nghiên cứu thuốc thế hệ VH-2003, VH-2004 có tính chọn lọc và tập hợp cao hơn hẳn để tuyển quặng Apatit loại 3 Lào Cai. Viện Hóa học công nghiệp đã kết hợp một số đơn vị trong nước để thiết kế và chế tạo, lắp đặt thành công các thiết bị và dây chuyền sản xuất thuốc tuyển quặng với công suất đăng ký là 500 tấn/năm, nhưng thực chất khi nghiệm thu, dây chuyền có công suất 1.000 tấn/năm; nâng cao năng lực sản xuất của thiết bị lên từ ba đến mười lần so với trước đây, góp phần giảm giá thành sản phẩm; xử lý chất phế thải, bảo vệ môi trường.
Sự thành công của các nhà khoa học không chỉ về mặt công nghệ, mà còn thành công cả về phương pháp quản lý khoa học, công nghệ; tập hợp được sức mạnh, sự đoàn kết của các cán bộ khoa học trong và ngoài Viện, gắn nghiên cứu khoa học với sản xuất, kinh doanh. Với việc hợp tác khoa học, kỹ thuật và tiếp nhận công nghệ, thiết bị của CHLB Nga, chúng ta đã học tập được nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, làm chủ được công nghệ ô-xy hóa pa-ra-phin để làm thuốc tập hợp nói riêng và chế tạo các a-xít béo, an-cơn béo cũng như một số hoạt chất động bề mặt khác nói chung. Kết quả cho thấy, hàm lượng quặng tinh đạt trên mức yêu cầu, hàm lượng quặng thải nằm trong giới hạn cho phép. Với độc tính thấp hơn nhiều so với thuốc tuyển MD, sản phẩm nói trên đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho Nhà máy tuyển quặng Apatit Lào Cai.
Trước đây, hằng năm sản lượng sản xuất chỉ đạt khoảng 260 nghìn tấn quặng tinh. Hiện nay, do dùng thuốc tập hợp nội với chất lượng cao, cho nên sản lượng quặng tinh đã đạt được trung bình 320 nghìn tấn/năm (tăng trung bình 60 nghìn tấn/năm). Với giá bán 320 nghìn đồng/tấn, Nhà máy tuyển quặng Apatit Lào Cai đã thu thêm khoảng 19 tỷ đồng/năm. Ðó chưa kể còn tiết kiệm được năng lượng, tiền lương và các chi phí khác.
Hội đồng Giải thưởng Quốc gia đánh giá: Các nhà khoa học tham gia công trình đã thành công trong việc sử dụng pa-ra-phin lỏng thay thế cho nguyên liệu pa-ra-phin tách ra từ dầu đi-ê-den và nghiên cứu thành công công nghệ ô-xy hóa trực tiếp pa-ra-phin, tạo ra các chất a-xít béo có chất lượng cao, để sản xuất thuốc tập hợp hữu cơ tuyển nổi quặng Apatit loại 3 Lào Cai làm nguyên liệu phù hợp cho sản xuất phân lân với những tính năng và đặc trưng không kém thuốc tuyển nhập của Thụy Ðiển và không gây ô nhiễm môi trường.
Việc sử dụng thuốc tuyển do trong nước sản xuất, đã góp phần giảm giá thuốc tuyển do nhập khẩu từ 3,5 USD/kg xuống còn 2,9 USD/kg. Do chất lượng thuốc tuyển trong nước được nâng cao, tiêu hao thuốc cho một tấn quặng tinh từ 1,2 kg giảm xuống còn 0,89 kg, công trình nói trên đã mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho đất nước và các doanh nghiệp.
Nguồn: nhandan.com.vn 6/12/2005