Giải thưởng Nhà nước 2005 về Khoa học - Công nghệ:<BR>Người sản xuất vaccine cho đất nước
Phải tự sản xuất được vaccine cho đất nước
Các phương pháp thụ động như diệt muỗi, diệt bọ gậy bằng hoá chất không hiệu quả cao vì muỗi truyền bệnh viêm não Nhật Bản là loại Culex tritateniorhynchus - một trong 30 loài muỗi truyền virus viêm não Nhật Bản chủ yếu, lại sống và sinh sản ở đồng ruộng lúa nước. Biện pháp hiệu quả nhất là chủ động tiêm phòng bằng vaccine.
Trước năm 1995, riêng bệnh viêm não Nhật Bản, Việt Nam có 2.500-3.000 ca/năm với tỷ lệ tử vong 40-60%. Số khỏi bệnh hầu như để lại di chứng thần kinh và bệnh không có thuốc đặc trị... |
Tuy vậy, trước những năm 1990 điều kiện kinh tế Việt Nam còn rất khó khăn trong khi giá thành nhập vaccine là 4-5 USD/liều. Do đó, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ đã cử chị Liên sang ĐH Osaka để tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine vào tháng 5-1989.
Lẽ ra việc tiếp nhận thường phải mất 12 tháng nhưng do kinh phí hạn hẹp nên chị Liên chỉ có thể đủ tiền theo học trong... một tháng để tiếp nhận quy trình công nghệ gồm 28 công đoạn với kỹ thuật cao. Tiếng là một tháng nhưng nếu trừ ngày lễ, ngày nghỉ thì thực tế, chị chỉ còn đúng 21 ngày cho học lý thuyết và thực tập. Lúc đó, không ai nghĩ Việt Nam có thể sản xuất được vaccine với thời gian học ngắn ngủi như vậy...!
Tận dụng máy bỏ, lọ vaccine quá "đát" để nghiên cứu...
Bệnh viêm não Nhật Bản gây hội chứng viêm não cấp, đặc biệt ở trẻ em 1-15 tuổi. Bệnh có mặt ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Đông Nam Á, các nước khu vực Tây Thái Bình Dương, Ấn Độ... với tỷ lệ mắc 50.000 ca/năm. Tỷ lệ tử vong là 20-60%. 60-70% số khỏi bệnh để lại di chứng thần kinh như liệt vận động, rối loạn tâm thần...
Bệnh viêm não Nhật Bản không truyền trực tiếp từ người sang người mà qua muỗi. Động vật khuếch đại là bò, dê, la, lừa, ngựa... và động vật nhạy cảm nhất, thường xuyên mang virus viêm não Nhật Bản là lợn và một số loài chim di trú như liếu điếu, cò và một số loài chim ăn quả. Muỗi đốt lợn hoặc chim mang virus rồi truyền virus sang người.
Trở về nước, TS Liên bắt tay ngay vào thử nghiệm từng công đoạn của quy trình để chọn lọc phương án tối ưu, phù hợp và cho hiệu quả cao trong sản xuất ở Việt Nam .
Chẳng hạn, để chuột liệt đạt tỷ lệ cao nhất (93-95%) sau mỗi lần gây nhiễm virus viêm não Nhật Bản, TS Liên và cộng sự phải thử nghiệm nhiều lần để xác định lượng virus tối ưu. Được biết tỷ lệ này cao gấp hai lần so với công nghệ của Thái-lan.
Ngoài ra, theo quy trình tiếp thu công nghệ, não chuột chỉ được nghiền một lần nhưng TS Liên cùng cộng sự đã nghiền hai lần. Kết quả cho thấy năng suất tăng lên rõ rệt...
Mặc dù những công việc trên tốn nhiều thời gian và được tiến hành trong điều kiện cơ sở vật chất phòng thí nghiệm nghiên cứu còn rất nghèo nàn trong những năm 1989-1990 nhưng TS Liên không nản chí, vẫn quyết tâm và say mê với công việc.
Nữ cán bộ khoa học này đã vào kho phế liệu để tìm một số dụng cụ, thiết bị đã hỏng về dùng tạm, chẳng hạn như sửa máy nghiền đã bị bỏ đi của Đức để nghiền não chuột. Sau khi bào chế xong vaccine, TS phải vào kho nhặt mấy lọ vaccine quá đát để xúc rửa rồi đóng vaccine mới, gửi sang Nhật Bản kiểm nghiệm. Rồi có những hôm ở lại phòng thí nghiệm tới nửa đêm để hoàn thành công việc, đành gác lại công việc nội trợ để chồng con phải chia sẻ và chịu thiệt thòi.
Làm lợi cho đất nước hàng trăm triệu USD
Sau một năm, thành quả của những nỗ lực tột bậc nói trên là bốn loạt vaccine viêm não Nhật Bản đầu tiên do Việt Nam sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế 100%, tinh khiết tối đa và rất an toàn. Các loạt tiếp theo cũng cho kết quả tương tự, đạt chất lượng như của Nhật Bản. Đó là thành quả thực sự của những người làm khoa học sáng tạo nghiêm túc. Với thành công này, Việt Nam trở thành nước thứ tư tại châu Á, ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái-lan, sản xuất được vaccine viêm não Nhật Bản bằng công nghệ bất hoạt từ não chuột - công nghệ duy nhất hiện được Tổ chức Y tế thế giới công nhận. Cho tới nay, vaccine viêm não Nhật Bản đã được sản xuất ở quy mô công nghiệp với công suất 350.000 liều/loạt, đủ cung cấp cho cả nước và xuất khẩu.
Hiện giá vaccine viêm não Nhật Bản dành cho Chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam là gần 7.000 đồng/2liều trẻ em 1-5 tuổi và 10.000 đồng/liều người lớn, so với 71.325 đồng/liều do Nhật Bản sản xuất. Nếu phải mua 25 triệu liều vaccine của Nhật Bản để tiêm cho trẻ em Việt Nam từ năm 1990 tới 2004 thì Nhà nước cần 112.500.000 USD. Như vậy, việc sản xuất vaccine trong nước đã tiết kiệm cho Nhà nước gần 100 triệu USD, đấy là chưa kể doanh thu từ xuất khẩu.
Trước năm 1995, số ca hội chứng não cấp ở trẻ em do viêm não Nhật Bản gây ra chiếm 76-80%. Sau hơn 10 năm dùng vaccine của Viện Vệ sinh dịch tễ TW, con số này chỉ còn 30-35% do trẻ em chưa tiêm vaccine, chưa tiêm đủ 2-3 liều hoặc tiêm không đúng lịch.
Với những đóng góp to lớn, tích cực và hiệu quả vào công tác phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản ở nước ta, công trình ""Vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản"" đã được Chủ tịch nước ký quyết định trao Giải thưởng Nhà nước về Khoa học - Công nghệ năm 2005.
Nguồn: nhandan.com.vn 1/10/2005