Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 28/10/2020 18:02 (GMT+7)

Giải Nhất Vifotec 2019 đã tạo hướng phát triển cho cây sả chanh

Việc tìm ra các giải pháp đồng bộ để phát triển cây sả chanh, hoàn thiện công nghệ chưng cất tinh dầu và sử dụng bã sả sau chưng cất để làm vật liệu hữu cơ xử lý chất thải chăn nuôi đã mở ra hướng phát triển bền vững cho ngành Nông nghiệp Thủ đô và cả nước. Công trình này của Tiến sĩ Lê Văn Tri và các cộng sự ở Công ty cổ phần Phân bón Fitohoocmon vừa vinh dự nhận giải thưởng kép.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc trao Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2019choTiến sĩ Lê Văn Tri (ngoài cùng bên trái) và cộng sự.

Tạo nhiều sản phẩm từ cây sả

Sả chanh là loài cây được trồng nhiều ở Việt Nam, trong đó có Hà Nội để lấy củ làm gia vị hoặc sử dụng trong các bài thuốc chữa bệnh; lấy tinh dầu để sử dụng trong các ngành công nghiệp hóa mỹ phẩm, dược phẩm. Tuy nhiên, trên thực tế, việc trồng, chế biến và kinh doanh các sản phẩm từ cây sả chanh, chưng cất tinh dầu cũng như xử lý nguồn bã thải sau chưng cất ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến môi trường.

Gần 30 năm nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ sinh học, vi sinh, xử lý môi trường, sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh và gần 10 năm nghiên cứu cây sả, Tiến sĩ Lê Văn Tri và các cộng sự ở Công ty cổ phần Phân bón Fitohoocmon (Công ty Fitohoocmon), phường Láng Thượng, quận Đống Đa đã tổng hợp và phát triển thành công công trình “Công nghệ trồng và tạo ra các sản phẩm giá trị từ cây sả chanh phục vụ đời sống và phát triển kinh tế - xã hội”.

Cụ thể, Công ty Fitohoocmon đã triển khai nhiều mô hình nghiên cứu, như: Sơ chế đóng gói 50 tấn củ sả Bio bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng TCCS 08:2017/FITO và mô hình sản xuất 4.500 lít siro sả chanh bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng TCCS 12:2017/FITO tại Hà Nội cung cấp cho các siêu thị, nhà hàng phục vụ người tiêu dùng. Đáng chú ý là mô hình ứng dụng vật liệu hữu cơ từ bã sả sau chưng cất tinh dầu làm đệm lót sinh học cho chuồng nuôi gà để tạo phân ủ hữu cơ phục vụ trồng trọt...

Theo kỹ sư Nguyễn Minh Hoàng, phụ trách mô hình sử dụng 60 tấn đệm lót sinh học xử lý chuồng nuôi 5.000 con gà đẻ và 5.000 con gà thịt ở huyện Quốc Oai (Hà Nội), sau 4 tháng mô hình này thu được 380 tấn hỗn hợp phân thải đệm lót, giúp giảm chi phí đầu tư đệm lót, chế phẩm (từ 18,05 đến 19,23 triệu đồng) và tăng doanh thu từ việc bán phân thải được khoảng 20-21 triệu đồng/năm. Còn tại trang trại gà trứng thương phẩm Hòa Phát (tỉnh Phú Thọ), mô hình sử dụng 110 tấn bã sả làm chất độn để hấp thụ và xử lý 1.000 tấn phân gà trong chăn nuôi công nghiệp, sau 40 ngày xử lý thu được 670 tấn phân ủ, giúp giải quyết hiệu quả lượng phân gà lớn để cung cấp cho các hộ trồng cây tại địa phương.

Tiến sĩ Lê Văn Tri cho biết: “Việc khó nhất mà lúc đầu chúng tôi phải hoàn thành là làm sao để thu được lượng tinh dầu rất ít trong lá cây sả chanh bằng công nghệ mới. Sau thành công trong việc chiết tinh dầu, thấy lượng bã thải phát sinh nhiều, nhóm tiếp tục nghiên cứu làm thành phân bón vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp”.

Nhân lên những niềm vui

Ông Lê Xuân Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) nhận xét, công trình của Tiến sĩ Lê Văn Tri và cộng sự được đánh giá cao về tính sáng tạo, tính mới, hiệu quả kinh tế - xã hội và khả năng ứng dụng rộng rãi trong điều kiện của nước ta. Lần đầu tiên ở Việt Nam có một công trình nghiên cứu bài bản về công nghệ sơ chế và bảo quản củ sả tươi cũng như phương pháp thu nhận tinh dầu sả chanh trên thiết bị chưng cất áp lực để rút ngắn thời gian và đạt hiệu suất thu hồi tinh dầu tối đa. Công trình cũng đã đưa ra công nghệ sản xuất sản phẩm mới là siro sả chanh và sử dụng hiệu quả bã thải sau chưng cất tinh dầu... Công trình đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 5 bằng độc quyền giải pháp hữu ích và 2 bằng độc quyền sáng chế.

Ngoài ra, với những lợi ích thiết thực và hiệu quả kinh tế - xã hội cao, công trình “Công nghệ trồng và tạo ra các sản phẩm giá trị từ cây sả chanh phục vụ đời sống và phát triển kinh tế - xã hội” của Tiến sĩ Lê Văn Tri và các cộng sự ở Công ty Fitohoocmon đã vinh dự nhận giải thưởng kép: Giải Nhất giải thưởng Sáng tạo khoa học - công nghệ Việt Nam 2019 trong lĩnh vực sinh học phục vụ sản xuất và đời sống; Giải WIPO 2019 do tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới trao tặng.

Đánh giá về công trình này, ông Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Phó Trưởng ban Tổ chức Giải thưởng Sáng tạo khoa học - công nghệ Việt Nam 2019 cho biết, việc nghiên cứu và đưa ra các giải pháp đồng bộ về cây sả chanh của Tiến sĩ Lê Văn Tri cùng cộng sự đã mở ra hướng phát triển bền vững. Sau nghiên cứu này, cây sả chanh được phát triển một cách toàn diện, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường. Đặc biệt, đây là những đóng góp thiết thực, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống người nông dân Hà Nội và nhiều địa phương của cả nước.

PV.

Xem Thêm

Tin mới

Trao Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2024
Tối 28/5, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ tổng kết và trao Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ (KHCN) Việt Nam năm 2024.
Quảng Ngãi: Tổ chức Hội nghị tuyên truyền cho trí thức
Chiều 9/5, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh Quảng Ngãi, Liên hiệp hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh uỷ tổ chức Hội nghị thông tin, tuyên truyền cho đội ngũ trí thức và Hội viên của Câu lạc bộ Lê Trung Đình tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề “Tình hình Biển Đông gần đây và chính sách của Việt Nam”.
Đắk Lắk: Hội nghị phản biện Dự thảo Nghị quyết về bảo đảm thực hiện dân chủ cơ sở
Sáng ngày 27/5/2025, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk (Liên hiệp hội) đã diễn ra Hội nghị phản biện và góp ý đối với Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Đắk Lắk về việc quyết định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Thanh Hoá: Hội thảo KH về giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, lao động trực tiếp tham gia SX nông nghiệp
Sáng ngày 27/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiêp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất ở khu vực nông thôn, lao động có kỹ thuật, tay nghề cao trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”.
Phát động Chiến dịch phục hồi rừng “Rừng xanh lên 2025” tại Sơn La
Hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học 22/5 và Ngày Môi trường Thế giới 05/06, ngày 25/5, Liên Hiệp Hội Việt Nam (LHHVN) đã phối hợp cùng Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Hạt Kiểm lâm Vân Hồ, Trung tâm Nghiên cứu Sáng kiến Phát triển cộng đồng (RIC) và chính quyền địa phương phát động trồng hơn 18.000 cây bản địa tại hai xã Song Khủa và Suối Bàng, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.
Bình Thuận: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
Sáng ngày 27/5, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.
VinFuture 2025 nhận 1.705 đề cử toàn cầu – tăng 12 lần số đối tác đề cử sau 5 mùa giải
Giải thưởng Khoa học Công nghệ toàn cầu VinFuture đã chính thức khép lại vòng đề cử cho mùa giải thứ 5 với 1.705 hồ sơ đến từ khắp nơi trên thế giới. Đặc biệt, số lượng đối tác đề cử chính thức của Giải thưởng đã tăng trưởng vượt bậc, đạt 14.772 đối tác.
Hỗ trợ thực hiện các giải pháp bảo tồn và phục hồi rừng tự nhiên gắn với cải thiện sinh kế bền vững
Dự án Hỗ trợ phục hồi rừng tại huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình do Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt là Chủ dự án với mục tiêu hỗ trợ việc thực hiện các giải pháp bảo tồn và phục hồi rừng tự nhiên gắn với cải thiện sinh kế bền vững cho cộng đồng.
Vĩnh Long: Tập huấn nâng cao nhận thức về ứng phó khí hậu gắn với kinh tế xanh
Sáng ngày 23/05, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Vĩnh Long (Liên hiệp hội) phối hợp với Chi cục Môi trường và Kiểm lâm – Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh, Đảng ủy, UBND xã Thuận Thới, Hợp tác Xã Thuận Thới tổ chức Hội nghị “Tập huấn tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác, ứng phó khí hậu gắn với kinh tế xanh”.
Liên hiệp hội Hà Tĩnh: 30 năm một chặng đường phát triển
Kể từ khi mới thành lập đến nay, hệ thống tổ chức của Liên hiệp hội tỉnh Hà Tĩnh không ngừng được bổ sung, kiện toàn và phát triển. Bên cạnh việc xây dựng và phát triển tổ chức, Liên hiệp hội đã bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị của từng thời kỳ, khắc phục thách thức, nắm bắt cơ hội để tạo động lực vươn lên.
Đoàn đại biểu VUSTA viếng đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Chiều ngày 24/5/2025, đoàn đại biểu Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam do TSKH. Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam làm trưởng đoàn đã tới kính viếng đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Thanh Hoá: Tập huấn Bình dân học vụ số cho cán bộ, hội viên
Ngày 22/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa tổ chức Hội nghị tập huấn về Công nghệ số ứng dụng trong sản xuất và đời sống (Bình dân học vụ số) cho gần 200 cán bộ, hội viên của các hội thành viên, trung tâm trực thuộc, đơn vị liên kết trong hệ thống Liên hiệp hội.