Giải Nhất Giải thưởng sinh viên nghiên cứu KH: Mang niềm vui cho người hiếm muộn
Trần Quang Huy, Trần Quang Tiến Long, Nguyễn Trung Tiến, Hoàng Đào Chinh, Phạm Bảo Nghĩa là sinh viên trong một tập thể lớp Dân y 1A. Năm chàng trai tiến hành nghiên cứu đề tài: "Nghiên cứu ảnh hưởng của sóng siêu cao tần và tác dụng của chế phẩm Azolla Microphyla đến số lượng và chất lượng tinh trùng".
Một năm trời họ quần quật với những con chuột trong phòng thí nghiệm. Việc mổ những con chuột bé xíu (loại chuột nhỏ, 4 con mới được 1 lạng), rồi lấy tinh trùng (TT) của những sinh vật bé tẹo này, đếm qua kính hiển vi... đối với các chàng trai cao lớn lộc ngộc không phải là chuyện dễ làm - các sinh viên nhớ lại bước khởi đầu.
Có cả những ngày mưa bão, tết nhất lặn lội vài chục cây số để mang thức ăn cho chuột từ Học viện lên tận Trung tâm Sinh thái và phải chiều chuột hơn cả chiều... bạn gái. Hồi hộp đợi chờ. Sau kỳ nuôi dưỡng, những con chuột hàng ngày được mang đi chiếu loại sóng siêu cao tần không thể sinh nở trong khi những con chuột bình thường đã kịp sinh 7-8 con trong cùng thời gian nuôi. Kết quả này khiến các chàng trai mừng rỡ khôn xiết.
Chuyện nghiên cứu trên chuột thật khó nhưng không khó bằng lấy mẫu xét nghiệm ở người bởi đây là chuyện tế nhị, riêng tư. Lặn lội từ đơn vị bộ đội này qua đơn vị bộ đội khác, vận động, thuyết phục bằng tình cảm và họ đã thành công.
Có thể, nụ cười mãn nguyện của người cha mãi đến năm 46 tuổi mới có hai đứa con đầu lòng đã là cái đích để các SV nghiên cứu thêm quyết tâm hoàn thành đề tài.
Những bệnh nhân hiếm muộn uống chế phẩm Azolla Microphyla đã được cải thiện về chất lượng và số lượng TT. Anh Quản Hoàng Lâm, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Mô phôi Học viện cho biết, có khoảng 2.000-3.000 lượt người đến chữa bệnh ở Trung tâm Công nghệ Phôi từ năm năm qua và đã có hàng trăm đứa trẻ ra đời. Trong phác đồ điều trị vô sinh của Trung tâm chế phẩm Azolla Microphyla là thuốc chính, có kháng phổ rộng.
Với Trần Quang Huy, nhóm trưởng, niềm vui còn nhân lên gấp bội bởi chế phẩm Azolla Microphyla chính là do cha anh, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Phôi, nghiên cứu và chiết xuất được từ bèo hoa dâu trước đây.
Công trình được đánh giá là "lần đầu tiên ở Việt Nam, đề tài công bố về ảnh hưởng của bức xạ sóng siêu cao tần đến số lượng và chất lượng TT của chuột nhắt thực nghiệm và của người; lần đầu tiên ở Việt Nam có đề tài công bố tác dụng của chế phẩm Azolla Microphyla làm hồi phục số lượng và chất lượng TT trên người; các kết quả này có ý nghĩa thực tiễn và khoa học, góp phần bảo vệ, thăm sóc sức khoẻ sinh sản bảo vệ nòi giống cho những người tiếp xúc, làm việc trong môi trường bức xạ sóng siêu cao tần.
"Hãy biết bảo vệ mình" là thông điệp nhóm tác giả muốn gửi đến mọi người trong xã hội hiện đại. Trần Quang Huy đại diện cho cả nhóm cùng Trưởng Ban TN Học viện Nguyễn Xuân Trung vừa nhận giải thưởng cho công trình của mình - giải nhất Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học, một giải thưởng có uy tín trong nhiều năm qua.
Cùng lúc công trình của họ được nhận giải nhất Giải thưởng "Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam - VIFOTEC" của liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Họ sẽ tiếp tục ấp ủ ước mơ mở rộng đề tài nghiên cứu trên người khi chịu ảnh hưởng của sóng ra đa và điện thoại di động để đưa ra phương hướng điều trị cho người hiếm muộn.
Nguồn: Tien phong