Giấc mơ “học viện chất dẻo” của ông tiến sĩ
Tóc bạc nhiều thêm, tuổi 51 hiện ra rõ hơn, nhưng vẫn còn nguyên đó tác phong "bụi bặm", nụ cười cởi mở, lối nói nồng nhiệt, thường xuyên chen lẫn tiếng Việt và tiếng Anh, NTM trước mắt tôi ngày càng dấn sâu vào thực tế ngổn ngang, phức tạp ở VN.
"Ở Canada, mình không làm gì cả vẫn có thể thu vô mỗi năm vài triệu USD từ tiền cho thuê bản quyền" - người có 50 bằng phát minh đẳng cấp quốc tế bộc bạch. "Nhưng mà sống như thế nó không... đã, mà phải xông pha, chấp nhận khó khăn, thậm chí rủi ro để được tham gia vào quá trình gợi mở và tác động lớp trẻ VN phát huy tài năng theo mức thụ hưởng cao".
Chính vì thế, ngoài giấc mơ "chất dẻo", NTM còn có ý tưởng mở loại hình "du lịch hội nghị quốc tế" đầu tiên ở VN... Cty hoá chất ML đang là doanh nghiệp chuyên sản xuất VLQĐT thứ 12 trên toàn cầu.
Sản xuất VLQĐT ở VN, thực ra là có rủi ro?
- Có chớ. Trước hết là độ ẩm quá cao. Mình phải nghiên cứu thay đổi qui trình, thay đổi chất xúc tác, huấn luyện lại CN. Trước khi khánh thành Cty ML, mình sản xuất thử 50 kg bột màu hồng ngoại, nhưng cho ra tới 3-4 màu khác nhau, không thể bán cho khách hàng nước ngoài.
Điều kiện tổng hợp hóa chất (HC) ở Việt Nam khắc nghiệt lắm, hổng dễ làm đâu. Nhưng cái đó mình khắc phục được. Khó nhất là tình trạng không đồng bộ. Mua HC từ nước ngoài về tổng hợp lại vướng phải tình trạng nhũng nhiễu của hải quan. Đến nỗi các hãng lớn, chuyên vận chuyển quốc tế như FedEx, UPS, DHL... cũng chào thua. Hãng FedEx bảo mình, chuyển hàng cho ông chỉ ăn có 70-100 USD (do chỉ nhập 100-200 gram mỗi đợt) nhưng phải túc trực ở hải quan mấy ngày, làm sao có lãi? Rốt cuộc mình phải mua HC của mấy Cty vô trước, đã quen nước quen cái, dĩ nhiên là giá cả mắc hơn.
Dẫu vậy NTM vẫn không nản lòng, bởi theo chính ông nhận xét, lãnh đạo tỉnh Trà Vinh hết sức quan tâm, luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai dự án. Tháng 6.2006 tại Khu CN Long Đức sẽ diễn ra lễ động thổ Cty in ML, chuyên sản xuất bản kẽm CTP với tổng vốn đầu tư 10 triệu USD, trong đó Tây Ban Nha góp vốn 20%, Hàn Quốc 2%, phần còn lại của NTM (nhưng thực ra cũng là tiền các Cty này thuê bản quyền 2 bằng phát minh của ông). So với VLQĐT, đây cũng là lĩnh vực đầu tư siêu lợi nhuận.
Giá bán bản kẽm CTP trên thế giới dao động từ 5,50 - 9,50 USD/m2. Đầu ra không hạn chế. Chẳng hạn Trung Quốc hơn 1 tỉ dân mà chỉ có 2-3 Cty sản xuất được bản kẽm CTP với chất lượng không tốt lắm. Năm đầu, Cty in ML sẽ sản xuất từ 3-5 triệu m2 tùy theo tình hình cung cấp điện, đến năm thứ 5 tăng lên hơn 10 triệu m2. Mỗi m 2chỉ cần lãi 1 USD thôi, sẽ rất mau hoàn vốn.
Ông từng kiến nghị Chính phủ đặc biệt quan tâm phát triển ngành hóa học (HH) và vật liệu (VL)?
- Vì đây là công nghệ cơ bản của bất kỳ quốc gia nào. Như ở Mỹ, HH và VL là ngành đem lại lợi nhuận cao nhất. Đức, Nhật cũng vậy. Hơn nữa, Việt Nam mình có mỏ dầu, ngành hoá dầu sẽ cung cấp đủ các loại HC cơ bản. Ngay Cty ADS của mình, sản xuất VL nano (như Fullurene C60 và C70) chỉ bỏ ra 100-200 USD mỗi gram, nhưng có thể bán vài ngàn USD. Bình quân mọi loại VLQĐT, mức lãi mỗi gram đều từ vài chục tới vài trăm USD.
Ông từng nói rất muốn trả lương cho nhân viên VN mỗi năm 55.000 USD, giống như 2 chuyên gia Canada sang TV tập huấn kỹ thuật...
- Chỉ với điều kiện duy nhất là nhân viên Việt Nam phải giỏi và hiệu quả. Làm việc thoải mái hơn, nhẹ nhàng hơn, thông minh hơn là mong muốn của mình, nhưng tìm người không dễ. Đã 2 năm liên tiếp mình tặng phần thưởng cho sinh viên giỏi hoá ĐH Cần Thơ (10 suất/năm, mỗi suất 1 triệu đồng). Ngoài ra, còn tài trợ du học thạc sĩ ngành hoá tại Canada (27.000 CAD, tương đương 25.000 USD/năm), nhưng tới nay chỉ chọn được 1 người. Đó là anh Nguyễn Bảo Toàn ở ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM từ năm 2004, đến giữa năm 2006 sẽ hoàn tất luận án thạc sĩ tại ĐH Montreal.
Lại nghe nói ông đang có ý định mở "học viện chất dẻo"?
- Tên tiếng Anh "institute of active polymers", tạm dịch "học viện cao phân tử linh động". Là gọi vui vậy thôi. Mình cùng vài người bạn như anh Phạm Tiết Khánh - Hiệu trưởng Trường CĐ cộng đồng Trà Vinh, anh Tống Minh Viễn - Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TV, anh Võ Văn Trương - Phó Hiệu trưởng ĐH Concordia ở Canada (quê gốc TV)... muốn góp phần hỗ trợ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ngành HH và VL cho VN nên nghĩ ra ý tưởng liên kết. Giai đoạn đầu, các em sẽ được học lý thuyết và thực tập tại TV (Trường CĐ cộng đồng và Cty ML), sau đó sẽ đưa sang Canada nghiên cứu (ĐH Concordia và Cty ADS). Như thế sẽ tiết kiệm hơn mà hiệu quả hơn.
Và sau khi tốt nghiệp, không nhất thiết phải làm việc ở Cty ML?
- Mình chỉ muốn góp phần cung cấp cho đất nước nhiều tài năng trong ngành đang mang lại lợi nhuận cao nhất tại Mỹ, Đức, Nhật và các nước tiên tiến khác. Một khi đã giỏi, các em có thể làm việc ở bất cứ đâu. Mười năm trước ở Thượng Hải, lương chuyên gia HH chỉ vài chục USD mỗi tháng, hiện giờ tăng lên vài ngàn USD. Mình mơ 10 năm nữa, ở TV cũng sẽ có mức lương như vậy.
Nguồn: Lao động;tuoitre.com.vn, 08/05/2006