Gia Lai: Sáng kiến làm lợi gần 100 triệu đồng/năm
Anh Ngọc cho biết: Trước đây để điều chỉnh lưu lượng nước qua Turbine, phải sử dụng 24 cánh hướng nước tương ứng với 24 cảm biến vị trí chốt cắt. Khi có một hay nhiều cảm biến tác động thì sẽ có một tín hiệu chung báo đứt chốt cắt cánh hướng tại bảng điều khiển tổ máy ở màn hình máy tính phòng điều khiển trung tâm. Khi đó để xác định chốt cắt cánh hướng nào bị đứt là rất khó khăn, phải tháo toàn bộ 12 nắp sàn tua burbine để kiểm tra mới phát hiện được chính xác chốt cắt bị hỏng. Công việc này đòi hỏi phải cô lập phần cơ tổ máy rồi mày mò tìm kiếm tốn nhiều thời gian để phát hiện và xử lý sự cố. Tại Nhà máy có 12 nắp sàn turbine nên tôi đã đề xuất lãnh đạo Nhà máy thiết kế lại mạch báo tín hiệu báo đứt chốt cắt cánh hướng thành 12 đường tín hiệu để đơn giản và dễ thực hiện. Mục đich của tôi là làm thế nào để giảm thiểu thời gian xác định chốt cắt cánh hướng bị đứt bằng cách bổ sung các đường cáp tín hiệu báo đứt chốt cắt cánh hướng, nhờ đó giảm được thời gian dừng tổ máy để xử lý sự cố và đồng nghĩa với việc tăng thời gian phát điện, tăng sản lượng điện của Nhà máy.
Với giải pháp của anh, các cảm biến được đánh dầu từ 1 đến 24 được đấu thành 12 cặp tương ứng. Như vậy 24 cảm biến sẽ có tương ứng 12 đường tín hiệu, thay cho 04 đường tín hiệu như trước đây. 12 đầu dây tới tủ sẽ được chia thành 04 nhóm, tiếp tục nhóm lại thành 02 cụm…Việc xác định chốt cắt bị đứt bằng cách sử dụng đồng hồ vạn năng đo lần lượt theo cụm, nhóm, hàng kẹp sẽ xác định được nhanh chóng cặp chốt cắt cánh hướng bị hỏng và chỉ mở một nắp sàn turbine để kiểm tra cụ thể chốt cắt nào bị hỏng.
Ý tưởng của anh Ngọc được Nhà máy trình lên Giám đốc Công ty Thủy điện Ia Ly ra Quyết định công nhận và cho triển khai áp dụng như một đề tài hợp lý hóa sản xuất tại phân xưởng 3, nhà máy Thủy điện Sê San 3.
Theo tính toán của nhà máy: Trước đây khi có báo hiệu chốt cắt bị đứt, để xử lý xong mất khoảng 01 giờ 30 phút. Sau khi áp dụng giải pháp chỉ mất 1 giờ, tiết kiệm được 30 phút/sự cố. Trung bình mỗi năm sự cố thường xẩy ra vài lần, áp dụng giải pháp của anh Ngọc, mỗi lần làm lợi 65.000 kwh/sự cố, như vậy ước tính làm lợi khoảng gần 100 triệu đồng/năm.