Gia Lai: Đa dạng hoá các giống vật nuôi
Ngoài 2 con giống chủ lực là bò và lợn, tỉnh đã mạnh dạn đưa một số loại vật nuôi khác vào để phát triển như ong mật, dê Bách Thảo, hươu, ba ba, tôm càng xanh…mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi năm ngành chăn nuôi của tỉnh sản xuất ra khoảng 20.000 tấn thịt hơi, cung cấp sản phẩm cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Gia Lai có đàn gia súc tăng nhanh, từ chỗ chỉ có khoảng 100.000 con năm 1975, nay đã có tổng đàn hơn 600.000 con, trong đó có 262.000 con bò và gần 320.000 con lợn. Chất lượng của 2 con giống chủ lực này đang từng bước nâng lên thông qua việc triển khai thực hiện các dự án có quy mô lớn. Hai dự án “cải tạo đàn bò” và “nạc hoá đàn lợn” đã được triển khai thực hiện trong những năm gần đây, tạo sự bứt phá lớn trong bước chuyển dịch của ngành chăn nuôi. Trong 3 năm (2002-2004), các hộ nông dân trong tỉnh đã tạo ra được 5.000 con bê lai, nâng tổng số đàn bò lai chiếm tỷ lệ 28% và mức lợi nhuận đạt hơn 20 tỷ đồng. Đàn lợn hướng nạc cũng tăng nhanh, với số lượng khoảng 1.500 con lợn nái ngoại, mỗi năm sản xuất và bán ra thị trường hơn 30.000 con lợn thịt hướng nạc gồm lợn ngoại và giống F2, sinh lợi từ 4-4,5 tỷ đồng so với việc nuôi lợn nái giống địa phương. Mục tiêu của dự án đến cuối năm 2005 đạt: Tại thành phố Pleiku và các vùng phụ cận đạt tỷ lệ 30% lợn hướng nạc và tăng tỷ lệ lợn lai kinh tế lên 30% tổng đàn. Nhiều trang trại nuôi lợn thịt hướng nạc đang hình thành, có 22 trang trại nuôi lợn nái ngoại sinh sản quy mô 20-150 con trở lên và từ 500-1.000 con lợn hướng nạc. Đàn dê phát triển được khoảng 30.000 con và đang từng bước cải tạo giống theo hướng dê Bách Thảo cho năng xuất cao. Đàn cừu cũng đang được nuôi khảo nghiệm thành công tại vùng ngoại ô Pleiku và huyện Krông Pa. Nghề nuôi ong lấy mật cũng được phát triển khá mạnh dựa vào 2 loại cây chủ lực cao su và cà phê có gần 150.000 ha. Hiện nay, trong toàn tỉnh có 400 hộ nuôi ong, với hơn 82.000 đàn, bình quân mỗi năm cho sản lượng mật khoảng 2.000 tấn.
Gia Lai còn lợi thế về mặt nước ở các sông suối, ao hồ là điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Với 226 công trình thuỷ lợi kiên cố và hàng ngàn ao hồ nhỏ đã tạo ra diện tích mặt nước thoáng đến 15.000 ha, trong đó diện tích có khả năng nuôi trồng thuỷ sản hơn 10.000 ha. Hiện đã có khoảng 5.000 ha mặt nước được khai thác đưa vào sử dụng, chủ yếu là nuôi thả các loại cá mè, chép, trôi, thát lát…mỗi năm cho sản lượng hơn 1.000 tấn. Riêng hồ chứa nước Ajun Pa có diện tích mặt nước rộng khoảng 3.000 ha đạt sản lượng 200 tấn/năm và còn tạo ra được 2 triệu con giống mỗi năm cung ứng phát triển nghề nuôi cá nước ngọt cho nhân dân trong vùng. Một số mô hình nuôi cá chim trắng, nuôi cá ao thâm canh, nuôi tôm càng xanh…cũng được khảo nghiệm thành công, đạt năng suất và hiệu quả cao. Được biết, theo kế hoạch đến năm 2010 ở địa bàn Gia Lai được Trung ương đầu tư xây dựng thêm một số công trình thuỷ lợi, thuỷ điện lớn như hồ la Malh (huyện Krông Pa), hồ la Mơ (huyện Chư Prông), thuỷ điện Sê San 4… tăng diện tích mặt nước lên đến hàng chục ngàn ha. Đây là điều kiện thuật lợi để nghề nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh phát huy có hiệu quả, góp phần tăng nhanh nguồn lợi và giá trị của ngành chăn nuôi - một trong những thế mạnh của địa phương.
Nguồn: Tạp chí Chăn nuôi, 9/2005 (theo báo Nông nghiệp VN số 71, 11/4/2005)