Gặp lại “Vua dừa” Cồn Ốc
TỪ GIỐNG DỪA PB 121
Đó là vào thời điểm năm 1996, khi trái dừa rớt giá. Vườn dừa lại lão hóa, cao nghệu, trái ít, bán không có bao nhiêu tiền, ông Tám Thưởng (Đỗ Thành Thưởng) quyết định thay thế bằng một cây trồng khác. Nghĩ lại cây dừa đã gắn chặt mấy đời với gia đình nên ông không nỡ bỏ luôn. Ông mới tính: “Thôi thì mình đốn dừa lão trồng lại giống dừa mới và trồng xen quýt và chanh. Các loại cây ăn trái cho thu hoạch đến khi tàn thì mình có thêm vườn dừa mới vậy là vẫn được sống với cây dừa”. Trong lúc ông Tám Thưởng đang đi tìm dừa giống về trồng thì gặp cô Diệp Thị Mỹ Hạnh - công tác ở Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM- gợi ý đưa cho ông trồng giống dừa PB 121 để thí nghiệm (dừa này lai giữa dừa lùn Mã Lai với phấn dừa cao của Tây Phi). Tự nhiên được cho dừa giống trồng, ông Tám Thưởng rất mừng nhưng cũng lo vì giống mới không biết trồng ra sao. Ông bấm bụng làm đại, hai bờ dừa lão chừng 6 công đất bị đốn hạ thế vào giống dừa PB 121 và xen cây ăn trái. Ông kể: “Tôi đem mấy chục trái dừa giống, mỗi trái không được 1 kg về trồng, bà con ai đi ngang thấy cũng la trời cho rằng tôi đem giống dừa gì đâu mà trái có chút xíu, bán bao nhiêu tiền. Tôi cũng buồn, song đã mướn người ta chở 4.500 đồng/trái không lẽ bỏ, mà còn lời hứa nữa. Tự an ủi mình tôi nghĩ thôi lỡ rồi...”.
Không biết có phải ông Tám Thưởng mát tay hay là vùng đất Cồn Ốc giàu phù sa mà 75 cây dừa PB 121 sau khi trồng phát triển rất nhanh. Sau 3 năm, dừa ra bông và cho trái, buồng nào buồng nấy sai trái thấy ham. Trong thời điểm này là năm 1999, nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Hiệp hội dừa Châu Á Thái Bình Dương(Asian and pacific coconut community - APCC), hiệp hội có xét trao giải thưởng cho những người trồng dừa giỏi. Bến Tre cử vài người để xét giải. Cuối cùng qua bình chọn, khảo sát ông Tám Thưởng với giống dừa PB 121 và dừa ta trồng sai trái được chọn trao giải thưởng chiếc mề đai vàng 18k trọng lượng 3,5 chỉ và phù điêu “tree of life award” - giải thưởng cây của cuộc sống. Cái biệt danh “vua dừa” được gán cho ông Tám Thưởng kể từ đó.
LUÔN “TẦM” NHỮNG GIỐNG MỚI
Hôm chúng tôi đến ông Tám Thưởng phấn khởi khoe về các giống dừa mới mà ông “tầm” trong thời gian qua. Nào là giống dừa núm 2 mo nan xanh, vàng; giống dừa ẻo xanh đỏ; dừa dứa... Nghe ông kể đặc tính của từng loại dừa thật hấp dẫn.
Giống dừa núm 2 mo nan ông Tám đem về trồng được 15 cây lấy giống từ vườn dừa của cha vợ mua trước đó ở Rạch Giá. Dừa núm 2 mo nan của ông Tám nay đã cho trái, bán được 14.000 - 15.000 đồng/chục (bán dừa nạo). Trái dừa núm 2 mo nan lớn hơn trái dừa xiêm một chút, nước uống thì ngọt hơn, giá bán bao giờ cũng cao hơn dừa xiêm “2 lai” -2.000 đồng. Nếu như trái dừa xiêm phần đít có ba khía thì dừa núm 2 mo nan có núm, phần đầu bầu lại. Giống dừa này đang được ông Tám ương giống và cung cấp hơn 2.000 cây với giá 12.000 đồng/cây.
Ông Tám (phải) và các giải thưởng của Hiệp hội dừa Châu Á Thái Bình Dương |
Giống dừa dứa được xem là đặc sắc nhất. Ngoài hương vị đặc trưng thơm mùi lá dứa của nước dừa, cái dừa, giống dừa này còn hấp dẫn với giá bán cao: 5.000 đồng/trái. Ông Tám Thưởng được tổ chứcCogent (thuộc Hệ thống tài nguyên di truyền quốc tế) kết hợp với Viện cây có dầu thực vật Việt Nam tài trợ trồng 65 cây dừa dứa. Hiện nay giống dừa này được ương bán với giá tới 50.000 đồng/cây mà tỷ lệ ương sống lên rất thấp. “Mấy chú biết không, ông Mười Tài ở trong xóm cá với tôi là đưacho tôi 20 trái dừa dứa để ương chỉ lấy 4 cây giống. Chăm sóc đã đời lên đúng 4 cây, tôi thành người làm mướn không công” - ông Tám Thưởng kể về giống dừa khó ương này. Mới đây, ông Tám Thưởng tự“nghiên cứu” ra một cách ương mới. Khi cây dừa mới trổ bông, ông dùng túi bọc bông lại không cho các loại côn trùng làm thụ phấn chéo và xịt thuốc dưỡng phấn N.A.A (hợp chất kích thích tăng đậu tráivà điều hòa sinh trưởng). Sau hai lần ương mỗi lần 3 trái, ông đã ương lên được 2 trái mỗi lần.
Hiện tại với 2,5 mẫu đất của mình đã có 12 loại dừa được ông Tám Thưởng trồng. Trong đó dừa ta xanh, đỏ, vàng chiếm số lượng nhiều nhất, mỗi cây cho trên dưới 100 trái/năm với giá bán dừa khô thường xuyên hơn 20.000 đồng/chục. Còn những cây dừa PB 121 sau 8 năm tuổi mỗi cây cho khoảng 140 trái/năm với giá bán dừa khô 14.000 - 15.000 đồng/chục, tính ra cũng không thua dừa ta. Chỉ riêng về phần cây dừa, mỗi năm ông thu nhập khoảng 50 triệu đồng. Ở tuổi 68, nhưng ông Tám Thưởng vẫn còn “sung” khi tuyên bố: “Tôi sẽ tìm thêm những giống dừa mới để xen vào vườn dừa. Không tin vài năm nữa mấy chú tới sẽ biết”.
Nguồn: baocantho.com.vn 9/8/2004