Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 10/05/2006 13:33 (GMT+7)

Gặp gỡ "Ông đậu tương" Phạm Nguyễn

Vượt qua đoạn đường khoảng 40 km từ Hà Nội về thị trấn Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Tây, chúng tôi bắt gặp một không khí lao động khẩn trương tại một doanh nghiệp cơ khí nông nghiệp. Một người đàn ông có mái tóc đã bạc trắng nhưng dáng vẻ còn rất khoẻ mạnh đang miệt mài làm việc cùng cánh thợ trẻ trong xưởng. Người dân ở đây yêu quý đặt cho ông cái tên “Ông đậu tương”, cũng bởi sáng kiến làm ra máy gieo đậu của ông đã giúp không ít người thắng lớn trong vụ đậu tương đông năm trước. Tạm ngừng công việc, ông tâm sự với chúng tôi về lòng quyết tâm của mình, cùng những khát khao, ấp ủ của một người công nhân đã về hưu nhưng không muốn mình trở thành vô dụng.

Lập doanh nghiệp

Ông Tuỳ đã có gần 30 năm gắn bó với ngành cơ khí nông nghiệp sau khi xuất ngũ năm 1973. Hết công tác tại Bộ, về Sở, cuối cùng ông chuyển về công tác tại Xí nghiệp Máy kéo huyện Ứng Hòa. Khi về hưu, ông bị rơi vào tình trạng “cấy không hay, cày không biết”, trong khi sức khoẻ, kinh nghiệm cùng với bầu nhiệt huyết trong ông vẫn sôi sục: Ông ấp ủ ý định phải làm một cái gì đấy để chứng minh “sự tồn tại” của mình trên mảnh đất quê hương và để khẳng định về hưu vẫn còn hữu ích. Được gia đình động viên, Hội Cựu chiến binh (CCB) địa phương khuyến khích, ông hạ quyết tâm thành lập doanh nghiệp cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đầu năm 2002, Doanh nghiệp Cơ khí Nông nghiệp CCB-502 của ông ra đời, “đại bản doanh” đóng tại thị trấn Vân Đình.

Doanh nghiệp của ông có 15 công nhân, vào thời điểm nhiều việc, con số đó có thể tăng gấp đôi. Lương tối thiểu mỗi người cũng được 1,3 triệu đồng/tháng. Trong số họ, có nhiều người được ông nhận vào đào tạo bài bản từ đầu. Sản phẩm làm ra đều được thị trường đón nhận, hưởng ứng. Có những khách hàng ở Lạng Sơn, Thái Bình, NamĐịnh... cũng tìm đến đặt hàng. CCB-502 giờ đây đã thành địa chỉ quen thuộc của nhiều người nông dân, doanh nghiệp kinh doanh máy nông nghiệp ở nhiều nơi trên đất nước.

Chế tạo máy gieo hạt đậu tương

Ông Tuỳ chính là tác giả của chiếc máy gieo hạt đậu tương - sản phẩm đã đoạt giải Khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 8 (năm 2005), Bằng Lao động sáng tạo của TổngLiên đoàn Lao động Việt Nam, Bằng khen của Hội Nông dân Việt Nam trong cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông...

Ý tưởng làm ra chiếc máy gieo hạt đậu tương được ấp ủ từ năm 2003, khi ông thấy việc gieo đậu tương của nông dân quê mình trong vụ đông có nhiều bất cập, lãng phí giống, không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật. Thời điểm gieo trồng đậu tương vụ đông lại vỏn vẹn trong khoảng 10-15 ngày. Nếu gieo thủ công thì rất tốn công sức mà năng suất lại không cao, trong khi tỉnh Hà Tây quê ông đang có phong trào đẩy mạnh trồng cây đậu tương vụ đông bởi hiệu quả kinh tế mà nó đem lại.

Nghĩ là làm, ông bắt đầu thức đêm, hí hoáy vẽ những bản thiết kế. Nhiều đêm, công việc chưa xong, ông đã thức trắng đến sáng để làm. Sau nhiều bản nháp, bản vẽ chi tiết đã hoàn thành, ông huy động anh em công nhân cùng mình gia công và lắp ráp máy. Cuối cùng, “con cưng” của ông cũng đã chào đời năm 2004. Thế nhưng, khi đưa “con cưng” của mình ra thực nghiệm, ông lại thấy nhiều bất cập: Máy chỉ gieo được đậu ở những vùng đồng đất thuận lợi, không gieo được ở những nơi đồng sâu, mấp mô; những hạt đậu gieo ra không đều, máy cồng kềnh, di chuyển khó khăn...

Không cho phép mình lùi bước, ông lại hì hục tìm tòi sách vở, nghiên cứu, học hỏi. Sau 7 lần phá dỡ, làm lại, cuối cùng chiếc máy gieo hạt đậu tương của ông cũng đã hoàn thiện. Bộ chia hạt được tập hợp thành bộ chia tập trung chứ không gắn riêng lẻ vào từng ống chia, sử dụng vật liệu nhẹ để máy dễ di chuyển, nhiều tính năng được cải tiến đa dạng hơn, độ vỡ của hạt được giảm thiểu xuống còn 0,05% để tránh lãng phí. Máy gieo đậu của ông giờ đây có thể “leo” lên những vùng đồi, “lội” xuống những vùng chiêm trũng và “đi” trên vùng ruộng đồng bằng một cách hoàn thiện với những thao tác chuẩn xác liên hoàn như: Gieo đậu, phạt gốc rạ phủ hạt tạo độ ẩm, đè hạt tiếp đất làm tăng khả năng nảy mầm. Máy có thể gieo hạt theo 3 mật độ, phù hợp với từng yêu cầu kỹ thuật gieo trồng (30-35 hạt/m2; 40-45 hạt/m2 và 50-55 hạt/m2). Ông đã cho công nhân lái máy làm thử nghiệm trên mọi loại hình đồng đất, kết quả thật mĩ mãn: Năng suất gieo của máy đạt 5 ha/ngày, gấp gần 200 lao động thủ công.

Mục tiêu đã đạt, “nhưng chẳng lẽ nông dân mua máy về chỉ làm mỗi cái việc gieo đậu tương vụ đông rồi bỏ không máy thì lãng phí quá”. Ông lại tiếp tục tìm tòi, thử nghiệm để chế tạo ra một chiếc máy có thể kết hợp làm được nhiều công việc khác nhau. Cuối cùng, chiếc máy của ông đã thực sự làm nhiều người nông dân ưng ý, trở thành một cái máy “đa năng”. Ngoài việc gieo hạt đậu, máy còn đảm nhiệm các công việc khác như cày ải, cày ruộng nước, làm nhỏ đất gieo trồng cây vụ đông, bơm nước, vận chuyển nội đồng phục vụ khâu chăm bón và thu hoạch... “Với thao tác đơn giản, chỉ cần tháo bộ phận này ra, lắp bộ phận khác vào là đã đổi “tính năng” của máy” - ông Tuỳ cười.

Tâm sự với chúng tôi, ông nói: Nếu không có sự giúp đỡ về kỹ thuật nông học của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tây thì cái máy của ông khó mà hoàn thiện được. Là một người hoạt động trong ngành cơ khí, ông không hiểu rõ được đặc tính của từng loại cây trồng. Chính những cán bộ của Trung tâm đã giúp ông điều đó.

Những ấp ủ của người... không vô dụng

Máy gieo hạt đậu tương tuy đã thành công nhưng vẫn chưa làm “ông đậu tương” Nguyễn Hữu Tuỳ thoả mãn. Ông còn đang ấp ủ nhiều ý định, “nhưng đầu tiên là phải tìm cách cho ra đời một chiếc máy gặt đập liên hợp với mục tiêu: Cải tiến bộ phận đập, làm nhẹ máy, dùng nguyên lý đập tuốt... Bộ phận cắt, di chuyển ở các loại vùng chiêm trũng, đồng bằng đã hoàn thiện, nhưng còn đang băn khoăn ở khâu hoàn thành bộ phận đập”... Ông đã đến Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội đề nghị hợp tác với mong muốn hoàn thành bộ phận đập không theo nguyên lý trống đập, có chi phí thấp nhất, kết cấu gọn nhẹ để hợp lý việc gặt đập trên ruộng lúa nước Việt Nam .

Ông cho rằng như vậy “mới chỉ chứng minh được mình không vô dụng, không ăn bám vợ con chứ chưa làm được gì to tát cả”, nhưng với nhiều người, ông đã làm được một điều kỳ diệu, mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể: Giúp nông dân tiết kiệm được thời gian, chi phí trong việc trồng cây vụ đông, cải thiện thói quen sản xuất manh mún, mở rộng diện tích cây trồng. Nhiều người dân ở các tỉnh xa cũng tìm đến, gọi điện đặt hàng mua máy gieo hạt đậu. Ông nói: Sẽ cố gắng cho ra hàng loạt máy gieo hạt đậu tương đúng thời điểm của vụ đông năm 2006 để phục vụ nhu cầu của nhân dân. Và ông đang cố gắng hoàn thành chiếc máy gặt đập liên hợp trước khi bắt đầu một ý tưởng mới đang thường trực trong đầu.

Nguồn: Tạp chí Hoạt động khoa học, số 4/2006

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.
Trí thức tiêu biểu Nguyễn Tiến Quyết - Người chinh phục khoa học để lấy mạng sống cho con người!
Nhắc đến ông là nhắc đến chân dung của một người thầy thuốc tâm huyết, nhà khoa học nhiệt thành và một nhà giáo với tình yêu nghề đậm sâu. Có thể nói, xuyên suốt chặng đường cống hiến không ngừng nghỉ đã qua, bằng tâm sức, niềm đam mê khoa học bất tận, ông đã có những cống hiến đáng tự hào cho nền y tế nước nhà.

Tin mới

Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức KH&CN & LHHVN trong hoạt động của MTTQVN các cấp
Nhằm thảo luận, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh và phát huy sức mạnh trí tuệ của đội ngũ trí thức trong hệ thống LHHVN tham gia vào các hoạt động của MTTQVN, nhất là trong hoạt động TV,PB&GĐXH, LHHVN tổ chức Hội thảo Giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức trong hoạt động của MTTQVN các cấp. Hội thảo được tổ chức vào chiều ngày 19/11, tại trụ sở LHHVN.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…