Gặp chủ nhân 2 giải thưởng Vifotec và Wipo
Sản phẩm hữu ích cho người dân nuôi tôm
Nguyễn Văn Tuấn sinh ra và lớn lên ở Quỳnh Xuân, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Sống trên mảnh đất có nghề nuôi tôm, qua 3 vụ chăm sóc ao tôm cho ông ngoại, Tuấn nhận thấy người nông dân gặp phải nhiều rủi ro trong quá trình nuôi. Trong đó, hiện tượng tôm bị ngạt khí chết hàng loạt gây thiệt hại nhiều nhất.
Nguyên nhân do tôm lớn làm mật độ trong ao nuôi dày hơn, ngoài ra trong khoảng thời gian từ 1-3 giờ sáng, tảo trong nước không quang hợp được nên tôm thiếu oxy. Một nguyên nhân khác khiến tôm bị ngạt khí là do hệ thống guồng quay tạo oxy bị hỏng đột ngột mà chủ nuôi không biết để xử lý.
Tuấn luôn trăn trở trước những khó khăn mà người nông dân quê mình gặp phải trong quá trình nuôi và băn khoăn làm thế nào để bà con giảm bớt thiệt hại. Tuấn dành thời gian đến hỏi chuyện bà con trong vùng để tìm hiểu nguyên nhân tôm bị chết, tìm ra đặc tính hoạt động của tôm. Suy ngẫm vài đêm, Tuấn hình thành ý tưởng sau đó bắt tay ngay vào thực hiện.
Với vốn kiến thức của một cậu học sinh cấp ba, Tuấn tâm sự: "Em gặp nhiều lỗi kỹ thuật trong quá trình tạo ra sản phẩm, hệ thống vi mạch còn bị đứt không đạt như mong muốn".
Tháng 7 năm 2008, máy phát hiện và xử lý tôm ngạt của "kỹ sư nhỏ tuổi" Nguyễn Văn Tuấn đã ra đời. Nhờ những kiến thức thực tế và hiểu biết có được trong quá trình thu thập thông tin, máy phát hiện và xử lý tôm ngạt khí của Tuấn hoàn thành, bước đầu mang lại hiệu quả tốt đẹp.
Máy đặt ở góc ao, nơi có ít oxy hơn những chỗ khác. Máy bao gồm một hệ thống tia Laze, hệ thống phát và thu. Khi bị ngạt khí tôm có xu hướng nổi lên mặt nước. Hệ thống tia Laze có tác dụng kiểm tra đàn tôm, tôm bị ngạt nổi lên mặt nước sẽ đóng tia laze, kết hợp với hệ thống kích điện gây giật một vài con làm chấn động tấm lưới. Từ đó máy chủ trong nhà lập tức đóng cầu giao để dàn quạt tạo oxy hoạt động.
Việc sớm phát hiện tôm ngạt khí sẽ giúp chủ nuôi xử lý kịp thời bằng đánh vôi hoặc đánh bột đá tạo oxy cứu đàn tôm. Qua quá trình thử nghiệm ở chính ao nuôi trong nhà Tuấn, máy đã đem lại kết quả tốt.
Tuấn cho biết, em chỉ đầu tư 700.000 để mua các vật liệu đơn giản như khung nhôm, bộ điều khiển từ xa, hệ thống mạch phát, thu tín hiệu từ tia Laze để kích hoạt hệ thống kích điện.
Không chỉ là chủ nhân của máy phát hiện và xử lý tôm ngạt khí, Tuấn còn sở hữu trong tay nhiều sản phẩm sáng tạo khác như máy hót rác, hệ thống vi mạch được chế tạo kết hợp với điện thoại di động có chức năng chống trộm …
Mong ước hiện tại
Năm nay, Tuấn được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An giới thiệu đi dự Chợ Công nghệ và Thiết bị Việt Nam ASEAN+3 (Techmart Viet Nam ASEAN+3) cùng 13 nhà sáng tạo quần chúng khác. Gian hàng nhỏ bé của Tuấn đã thu hút đông đảo khách tham quan.
Anh Nguyễn Công Thành, ở Đống Đa, Hà Nội cho chúng tôi biết: "Tôi rất tán thành với ý tưởng sáng tạo của cậu bé này. Theo tôi, máy phát hiện và xử lý tôm ngạt khí sẽ mang lại hiệu quả tốt đẹp, giúp bà con nuôi tôm tránh khỏi rủi ro".
Tuấn thamgia Chợ Công nghệ và Thiết bị năm nay với mục đích giới thiệu ý tưởng của mình. Tuy nhiên, em cho biết, hiện máy vẫn còn dùng nhiều thiết bị cơ học, Tuấn mong muốn cải tiến đưa thêm vào các thiết bịđiện tử để máy chạy được chính xác hơn. Muốn làm được việc đó, Tuấn cần các nhà khoa học, các kỹ sư giúp đỡ để sản phẩm hoàn thiện hơn trong tương lai.