Einstein đã nhầm về vận tốc ánh sáng?
Kết quả nghiên cứu của chuyên gia vật lý James Franson đến từ Đại học Maryland (Baltimore, Mỹ) đang gây tranh cãi vì phủ nhận giả thuyết đã được công nhận hơn một thế kỷ qua của Einstein. Ông Franson rút ra kết luận này khi tìm hiểu lí do tại sao các hạt ánh sáng của siêu tân tinh SN 1987A lại đến trễ 4,7 tiếng đồng hồ so với dự kiến.
Các nhà khoa học đã quan sát được sự sụp đổ của ngôi sao SN 1987A từ Trái đất vào năm 1987. Sự cố đã làm khởi phát một vụ nổ neutrino - một loại hạt hạ nguyên tử cơ bản, trung tính về điện và tương tác yếu.
Theo lập luận của Einstein, hiện tượng phải xảy ra gần 3 tiếng đồng hồ trước sự bùng nổ ánh sáng quang học, và từ thời điểm đó trở đi, các xung giữ nguyên tốc độ và di chuyển với tốc độ của ánh sáng. Tuy nhiên, ánh sáng quang học đã xuất hiện gần 7,7 tiếng đồng hồ sau các hạt neutrino, tức là chậm trễ 4,7 tiếng đồng hồ so với cách tính toán của Einstein.
Nhà vật lý Franson tin rằng, sự chậm trễ có thể vì ánh sáng trong thực tế đã bị tình trạng "phân cực trong chân không" làm chậm lại khi di chuyển. Trong quá trình này, các hạt photon được cho là phân chia thành các "positron" và electron trong một phần nhỏ của giây, trước khi kết hợp lại một lần nữa. Khi các hạt phân chia, cơ học lượng tử tạo ra khả năng hút giữa cặp hạt "ảo".
Tiến sĩ Franson lập luận rằng, quá trình trên có thể đã tác động dần dần đến tốc độ của các hạt photon, đồng nghĩa với sau 168.000 năm ánh sáng, các hạt photon có thể bị chậm trễ gần 5 tiếng đồng hồ.
Nếu giả thuyết của ông Franson, các nhà khoa học sẽ phải tính toán lại mọi thứ, từ khoảng cách giữa Trái đất với Mặt trời tới một số thiên thể xa xôi nhất, có thể quan sát được trong những thiên hà khác.
Nghiên cứu của tiến sĩ Franson đã được đệ trình lên tạp chí New Journal of Physics và đang trải qua quá trình bình duyệt của các chuyên gia.