“Duyên” sáng chế
Chuyện “bén duyên sáng tạo” của kỹ sư Nguyễn Văn Tân bắt đầu từ tháng 6 năm ngoái. Lúc này, giá một máy dán nhãn tự động của Đài Loan hơn 300 triệu đồng nhưng lại còn một số hạn chế như: không dán nhãn được trên các loại chai nhựa mềm; mâm cấp chai không phù hợp với thực tế sản xuất tại công ty... Sau một thời gian nghiên cứu, kỹ sư Tân đã có giải pháp cải tiến lại băng dán chai và mâm cấp chai phù hợp yêu cầu sản xuất, nhờ đó giảm khoảng 80% lượng nhãn hao hụt. Máy được chế tạo phù hợp tiêu chuẩn GMP, vừa giảm được chi phí nhập ngoại vừa làm tăng năng suất 80 - 90 nhãn/phút. Thế nhưng, khi vừa cải tiến xong, đem ra vận hành thử, nhiều vấn đề kỹ thuật lại phát sinh... Có người nản chí bảo Tân: “Cải tiến thì cải tiến chứ làm sao bằng máy nhập ngoại được. Biết đâu, chỉnh cái này tốt cái khác lại sụt sịt...”.
Tân không nói gì. Anh chỉ nghĩ: “Chẳng lẽ bó tay?”. Sau đó, nhiều đêm liền anh gần như thức trắng, cặm cụi nghiên cứu, tìm hiểu từng chi tiết, tính toán kỹ nhiều phương án khắc phục... Trong quá trình nghiên cứu thay thế các thiết bị, một ý nghĩ mới lóe lên trong đầu: phải nghiên cứu chọn lại các phần đệm, thiết bị, loại keo với tính kết dính phù hợp... Cuối cùng rồi mọi việc đâu vào đấy. Khi lắp đặt thiết bị để dán được nhãn cho chai loại 10ml, nhựa mềm, Tân đã thành công khi máy đảm bảo đúng các thông số kỹ thuật. Hôm vận hành báo cáo cùng tập thể để hoàn chỉnh đề tài được nghiệm thu, chiếc máy hoạt động khá chuẩn xác. Tân và các cộng sự hạnh phúc đến rơi nước mắt. Không chỉ dán nhãn chai thuốc, chiếc máy này còn có thể dán nhãn cho tất cả các chai có dạng tròn trong ngành dược phẩm, thực phẩm và một số ngành sản xuất khác.
Đến phân xưởng 1 để tìm hiểu hiệu quả thực tế của chiếc máy dán nhãn tự động do Tân cải tiến, tôi được anh Phan Bửu Lập, một công nhân ở đây, cho biết: “Từ ngày có chiếc máy dán nhãn mới của anh Tân, anh em đỡ mất thời gian, tiết kiệm được hao hụt nguyên liệu, công suất tăng từ 30 - 40% so máy cũ. Ông Tân này coi hiền hiền vậy mà chế tạo nhiều cái “chiến đấu” thiệt”.
Hôm tôi đến tìm, kỹ sư Tân đang cùng các cộng sự chế tạo chiếc máy dán nhãn tự động thứ ba cho công ty. Hòa trong tiếng máy là tiếng cười nói rôm rả của các thành viên Phòng Cơ điện. Trò chuyện với tôi về chuyện cải tiến máy dán nhãn, Tân chỉ cười, nhỏ nhẹ nói: “Có được thành công này, tôi rất cảm ơn sự tin tưởng của lãnh đạo và sự giúp sức của tập thể. Đó là nguồn sức mạnh giúp tôi có được quyết tâm vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ”.
Đầu năm 1997, kỹ sư Nguyễn Văn Tân vào công tác tại Xí nghiệp Liên hợp Dược Hậu Giang (tiền thân của CTCP Dược Hậu Giang hiện nay) với nhiệm vụ quản lý hồ sơ thiết bị theo tiêu chuẩn ISO 9001 - 2000. Năm năm sau, anh được chọn tham gia nhóm chế tạo, lắp ráp, hiệu chỉnh các thiết bị máy ép thuốc gói 4 đường gai (thuốc bột, thuốc nước); máy đóng gói thuốc cốm; máy ép thuốc gói bột ngang; máy dán nhãn tự động; máy ép tuýp nhựa cho phù hợp với yêu cầu sản xuất. Từ đó đến nay, Tân luôn miệt mài với công việc và tỏ ra có duyên với các sáng kiến, sáng chế cải tiến máy móc thiết bị cho công ty. Nhờ đó, tháng 6 - 2004, anh được lãnh đạo Công ty, tập thể Phòng Cơ điện nhất trí chọn thực hiện đề tài chế tạo máy dán nhãn tự động ...
Tân kể: “Hình như tôi có duyên với máy móc vì từ nhỏ đến nay, lúc nào tôi cũng luôn ham thích nghiên cứu, tháo lắp, sửa chữa máy móc. Kỷ niệm mà tôi nhớ hoài là thuở còn đi học phổ thông hễ dành dụm được chút tiền thì đạp xe lên thị xã Gò Công (Tiền Giang) tìm mua các loại đồ chơi như máy cày, xe hơi, xe lửa... Mua xong, mang về lại tháo ra, gắn vào. Thế là vui. Nhà tôi có 10 anh em, tôi là đứa thứ 11, cha mẹ làm ruộng rẫy nhưng vẫn quyết tâm lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Cha tôi từng bảo, các con phải gắng sức ăn học để giúp đất nước và nuôi thân. Vì thế, khi đi làm, tôi luôn cố gắng công tác tốt dù ở vị trí công tác nào”. Hôm gặp tôi, trong màu áo xanh công nhân kỹ thuật, Tân vừa trò chuyện vừa làm việc với nhóm cộng sự trẻ trong không khí rất thoải mái, tự tin. Tân bảo rằng vào làm ở đây, anh đã học được rất nhiều điều bổ ích từ các đàn anh đi trước như kỹ sư Nguyễn Trung Nghĩa, Phạm Việt Thắng... và các đồng nghiệp. Chính sức mạnh và tình thương yêu của họ, tập thể đã giúp anh tự tin hơn, bản lĩnh hơn trong công việc. Nhìn các anh làm việc tôi càng nhận ra một điều: môi trường lao động thoải mái cũng chính là động lực cho những sáng tạo, cải tiến.
Nhận xét về kỹ sư Nguyễn Văn Tân, kỹ sư Phạm Việt Thắng, Trưởng Phòng Cơ điện- CTCP Dược Hậu Giang nói: Tân là một trong nhiều kỹ sư trẻ năng nổ, nhiệt tình, chịu khó, ham học, tự thân phấn đấu. “Hiền như Bụt”, ít nói nhưng luôn hòa đồng với tập thể nên ai cũng quý mến”. Còn các anh Giang, Hiếu, Phúc, Thịnh (trong nhóm cộng sự với kỹ sư Tân) cũng cho biết thêm: Không chỉ miệt mài với công việc, mê sáng chế, tốt với anh em, Tân còn có điểm đáng quý là kiên trì tự học. Anh đã lấy xong bằng cao đẳng tin học và cũng là một cột trụ trong thực hiện các phần mềm tin học về vẽ kỹ thuật, thiết kế máy móc... phục vụ máy in phun để in các thông tin trên sản phẩm của công ty.
Không chỉ có thế, Tân còn là một cây thể thao (anh là một tiền đạo giỏi của đôi bóng, tay bóng chuyền khá của công ty). Nhưng, theo lời Dược sĩ Nguyễn Thị Hồng Loan, Giám đốc Sản xuất - Chủ tịch Công đoàn CTCP Dược Hậu Giang, một trong những điều đáng quý nhất của Tân là thường xuyên có mặt kịp lúc, đáp ứng mọi yêu cầu từ các bộ phận sản xuất khi có sự cố. Có lần đã nửa đêm tuy không phải ca trực, nhưng khi biết máy móc trục trặc, cần phải sửa chữa ngay, Tân đã đến tiếp sức cùng đồng đội sửa chữa để các phân xưởng tiếp tục hoạt động tốt trong thời gian sản xuất cao điểm.
Ở cơ quan là một công nhân luôn tận tâm với công việc sống chan hòa với tập thể, ở địa phương, Tân còn thường xuyên thắt chặt mối quan hệ “tình làng nghĩa xóm”. Nhiều hoạt động ở tổ, ở khu vực, nếu có điều kiện Tân và gia đình đều hăng hái tham gia. Hỏi thêm về chuyện gia đình, vợ con, Tân cho biết: Hiện nay, anh cùng vợ và đứa con nhỏ 4 tuổi đang sống cùng cha mẹ tại số nhà 30E/8, đường Mậu Thân, tổ 13, khu vực 7, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều. Vợ anh cũng là công nhân sản xuất cùng công ty. “Cả hai chúng tôi luôn động viên nhau phấn đấu và chia sẻ những khó khăn trong công tác, chăm sóc, nuôi dạy con. Những lúc tôi gặp trở ngại, khó khăn trong công việc, ngoài sự động viên của tập thể phòng và cơ quan, tôi còn luôn được “bả” ưu ái giúp đỡ về tinh thần. Có khi là những nụ cười khích lệ, có khi là lời động viên: “Ráng lên anh ơi! Không khó sao gọi là sáng chế”. Và có lẽ hạnh phúc nhất là sau đó bà xã lại tặng cho một nụ hôn để... vượt khó”.
Nhận xét về kỹ sư Tân, Tiến sĩ Phạm Thị Việt Nga, Tổng Giám đốc CTCP Dược Hậu Giang, nói: “Tân hiền, ít nói nhưng hễ nhận nhiệm vụ là làm tới nơi, tới chốn và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tân là mẫu người ham học, thích khám phá, sáng chế, đáng tin cậy”.
Với những phẩm chất và thành tích đã đạt được, kỹ sư Nguyễn Văn Tân, 35 tuổi, là một trong 12 cá nhân được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khen tặng Bằng Lao động Sáng tạo với thành tích “Cá nhân đạt danh hiệu Lao động Sáng tạo trong phong trào thi đua yêu nước năm 2004”. Hiện nay, Tân là một trong những đối tượng Đảng đang được xem xét để chuẩn bị hoàn tất các thủ tục kết nạp Đảng. n
Nguồn: baocantho.com.vn25/6/2005