Đường lối ngoại giao tâm công của Hồ Chủ tịch
Ngày 03/10/1945, với tư cách Bộ trưởng Bộ ngoại giao, Người đã công bố “Thông cáo về chính sách ngoại giao của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa” nêu rõ mục tiêu chính sách ngoại giao Việt Nam là “tự do, độc lập hoàn toàn và vĩnh viễn” và quyết tâm của nhân dân Việt Nam là đấu tranh đến thắng lợi “bằng mọi phương pháp êm dịu hay kiên quyết”.
Khi giặc Pháp tái xâm lược nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khôn khéo vận dụng đường lối ngoại giao tâm công đánh vào lòng nhân dân Pháp và lính viễn chinh Pháp, đánh thẳng vào lòng các chính khách Pháp, vào lòng nhân dân các nước thuộc địa và nhân dân toàn thế giới. Người hiểu rõ binh lính và hạ sỹ quan quân đội Pháp từng trải qua những ngày tủi nhục thua Đức, đều chán ghét chiến tranh, nay lại ngao ngán trước cảnh đất nước bị tàn phá, gia đình chia ly, do đó họ đều mong chấm dứt chiến tranh và được hồi hương.
Ngay từ ngày đầu kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu thi hành chính sách khoan hồng đối với tù binh. Khi nhà báo Pháp Léo Figuéres hỏi về vấn đề mức ăn của tù binh Pháp, Người trả lời: “Hiện nay chúng tôi đang tìm mọi cách để nâng cao mức sống của họ. Tù binh Pháp được ăn uống đầy đủ hơn cả bộ đội Việt Nam nữa. Họ đã gửi nhiều thư cho chúng tôi tỏ lòng biết ơn” (2). Người đã chỉ thị đơn phương thả nhiều tù binh Pháp và chính sách này đã tác động lớn đến nhân dân Pháp. Mẹ của Trung úy De Villeneuve thấy con được tha về mạnh khỏe đã viết thư cho Giám đốc Trại tù binh số I: “Tôi không quên rằng tôi yêu cầu ông xin ngài Chủ tịch Hồ Chí Minh tha cho con tôi, trung úy Xavier De Villeneuve… Xin bày tỏ với Chủ tịch lòng biết ơn sâu sắc và vĩnh viễn của tôi về hành động cao cả ấy của Chủ tịch”. Trung úy Emile Lepage phát biểu: “Ít có quân đội nào đối xử tốt như thế với tù binh”. Chứng kiến việc ta tha hàng trăm tù binh Pháp bị thương ở Điện Bên Phủ, thiếu tá quân y Gravvin nói: “Chúng tôi cũng như các tù binh Pháp vô cùng biết ơn Quân đội nhân dân Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Xuất phát từ chính sách tích cực ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa, Chủ tịch rất quan tâm đến vấn đề binh sỹ Phi châu đánh thuê cho Pháp. Không chỉ đối xử tốt với tù binh người Phi mà người còn chăm lo việc giác ngộ họ về tinh thần dân tộc, cổ vũ họ học tập để trở về giúp tổ quốc. Từ ý nghĩ đó Người đã đưa ra hai chủ trương quan trọng.
Thứ nhất, Người yêu cầu Đảng Cộng sản Maroc cử một cán bộ sang giúp ta làm công tác vận động binh sỹ Phi châu. Đảng bạn đã cử một Ủy viên Trung ương Đảng là đồng chí Marouf - lấy bí danh là Chiến Mã- sang ta nghiên cứu tình hình tư tưởng binh sỹ Phi, tự tay viết truyền đơn bằng tiếng Ả Rập và nhiều lần đến đồn bốt địch gọi loa kêu gọi binh sỹ Phi phản chiến. Đồng chí Mã còn thường xuyên lên lớp giảng dạy cho tù binh Phi châu hiểu rõ bản chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh do Pháp gây ra. Tin đồn có một người Bắc Phi làm tướng trong Quân đội nhân dân Việt Nam đã nhanh chóng lan trong hàng ngũ lính đánh thuê cho Pháp, gieo niềm tin cho binh sỹ Phi và gây hoang mang trong lính Pháp. Phấn khởi và xúc động trước câu chuyện này, một giáo sư trường Đại học Rabat ở Maroc đã tìm hiểu cuộc đời hoạt động của Marouf và viết thành sách.
Một chủ trương nữa là thành lập Đội quân Bắc Phi độc lập (DINA, viết tắt từ tiếng Pháp Detáchement de l’Independence Nord – Africaince), thực chất là một đơn vị nhỏ gồm các binh sỹ Bắc Phi chuyên làm công tác địch vận trong binh lính Pháp. Quy mô nhỏ, nhưng ý nghĩa của DINA rất lớn vì lúc đó Algeria và Madagascar đang vùng lên chống thực dân Pháp. Trong thư gửi DINA ngày 12/10/1949 Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Nước Việt Nam được giải phóng sẽ giúp cho sự giải phóng các nước bạn được dễ dàng. Việt Nam chiến thắng sẽ giúp các bạn chiến thắng sau này… Tôi tin rằng với sự giúp đỡ của những người bạn Việt Nam, với lòng quả cảm sẵn có và với tinh thần kỷ luật của các bạn, các bạn sẽ xứng đáng với danh hiệu vẻ vang của Đội quân độc lập Bắc Phi”.
Tướng Reves, một trùm thực dân Pháp, đã phải thừa nhận: “Mọi sự thất bại của Pháp ở châu Á sẽ báo hiệu sự tan rã của khối Liên hiệp Pháp”. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã cổ vũ nhân dân Algeria đứng lên vũ trang khởi nghĩa ngày mồng 1/11/1954. Nhiều chiến sỹ của đội DINA về nước đã trở thành những cán bộ đắc lực của phong trào giải phóng tổ quốc họ. Kết quả cuối cùng là hệ thống thuộc địa của thực dân Pháp đã hoàn toàn sụp đổ.
Đường lối ngoại giao tâm công của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần dấy lên cao trào phản chiến ở ngay trong lòng nước Pháp. Chị thợ Raymonde Dien dũng cảm nằm chắn đoàn tàu chở vũ khí sang Đông Dương. Anh lính thủy Henri Martin bất chấp lao tù đứng lên vạch trần sự thật về “cuộc chiến tranh bẩn thỉu ở Việt Nam”. Những bài diễn thuyết này lửa của các nghị sỹ Jeanne Vermech và Mendès France đòi chấm dứt chiến tranh vang lên không ngớt trên diễn đàn Quốc hội Pháp. Cùng với những thất bại thảm hại trên chiến trường Đông Dương, hàng chục nội các Pháp theo nhau đổ sụp. Đối với các tướng lĩnh Pháp trực tiếp cầm quân xâm lược nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khôn khéo phân loại và tranh thủ từng cá nhân. Trong hai lần gặp Đô đốc D’Argenlieu (cao ủy kiêm tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương, kẻ chủ mưu gây chiến) tại vịnh Hạ Long và vịnh Cam Ranh, Người đã giữ thái độ đàng hoàng và lịch sự, khiến tên cáo già thực dân này phải kính nể. Sau chuyến tháp tùng Chủ tịch đi Pháp, tướng Raoul Salan đã dành những lời kính phục chân thành để nói về Người trong cuốn hồi ký của mình. Riêng với tướng Leclerc (được dân Pháp coi là anh hùng giải phóng thành Paris, người phản đối tái chiếm Đông Dương bằng vũ lực), Người tỏ ra rất trọng thị và đã tranh thủ được cảm tình của viên tướng này ngay trong buổi gặp đầu tiên, như Sainteny nhận xét: “Với vài lời giản dị và rõ ràng, Leclerc lập tức gây cảm tình với nhà cách mạng lão thành, một người quá tinh tế để nhận ra ngay sự chân thành sâu sắc và trung thực của Leclerc” (3)
Thái độ ứng xử đôn hậu đầy tình người nhưng khôn ngoan sắc sảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh từng được nhiều khách nước ngoài mến phục. Sau lễ ký Hiệp định sơ bộ ngày 06/03/1946, Sainteny nâng cốc chúc mừng Chủ tịch, Người từ tốn đáp lễ: “Cám ơn ông. Nhưng thật ra tôi chưa vừa lòng. Ông biết đấy, Tôi muốn nhiều hơn. Tôi muốn nước tôi độc lập và chắc chắn nước tôi sẽ độc lập”.
Năm 1967, khi tiếp ba vị mục sư A.J.Muste 80 tuổi, Abraham Feinberg và Ambróe Reewes gần 70 tuổi, Người đã mời các cụ cùng uống ly rượu vang và thân tình kể chuyện lúc còn trẻ Người đã đi qua Anh, Mỹ. Khi chia tay, Người tặng mỗi cụ một chiếc ba toong. Biết cụ Feinberg mắt kém, Người tặng cụ chiếc ba toong đặc biệt sơn từng đốt đen trắng để dễ nhìn.
Cũng năm ấy, trước khi trúng cử Tổng thống Chi Lê, ông Allende sang Việt Nam có đến chào Chủ tịch Hồ Chí Minh. Câu đầu tiên Người hỏi ông là: “Thế bà ấy đâu?” Allende lúng túng: “Vì Mỹ đang ném bom Hà Nội nên tôi để bà ấy ở lại Hong Kong”. Người cười đôn hậu: “Không được” và chọn lấy từ bình hoa một bông hồng tươi đẹp nhất, đưa cho Allende và bảo: “Thế thì ông phải đem bông hồng này về cho bà ấy và nói đó là của tôi tặng đấy nhé!”. Allende kể lại cho tôi câu chuyện này khi chúng tôi đang cùng chờ máy bay ở Nam Ninh (Trung Quốc). Ông nâng niu bông hồng trên tay và xúc động nói: “Tôi có nhiệm vụ rất nặng nề là mang bông hồng này của Chủ tịch về cho vợ tôi!”
Trong ngoại giao cũng như trong giao tiếp bình thường, con người Hồ Chí Minh với những cử chỉ và lời nói ấy làm sao mà không chinh phục được người khác. Chủ tịch đã kế thừa và phát huy cao độ truyền thống ngoại giao tâm công của tổ tiên ta, góp phần đem lại thắng lợi vẻ vang cho dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX.
(1)Nguyên Trưởng ban Biên giới của Chính phủ
(2) Trả lời phỏng vấn của Léo Figuéres ngày 20/07/1950
(3)Jean Sainteny “Histore d’une Paix manquée” Nxb Amiot-Dumont, tr.191
Về tác giả Lưu Văn Lợi: Sinh năm 1913 tại Gia Lâm, Hà Nội. Luật gia, nhà báo. Chủ bút báo tiếng Pháp Le Peuple của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa (1945-46), Trưởng Phòng địch vận thuộc Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam (1947-49), Thư ký Tòa soạn báo Quân đội Nhân dân (1950-51); Thành viên phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị Việt Pháp ở Trung Dã (1954); Ủy viên thường vụ Hội Luật gia Việt Nam (1980-85); Cố vấn pháp lý của đồng chí Lê Đức Thọ và Xuân Thủy tại cuộc thương lượng Việt Mỹ ở Paris (1972-73); Trợ lý Bộ trưởng Bộ ngoại giao (1975-78); Trưởng ban Biên giới của Chính phủ (1978-89); Cố vấn Ban Nhà nước về Biển Đông và các hải đảo (từ 1990 tới nay).
Lưu Văn Lợi(1)
Nguồn: Tia Sáng, số tháng 9/2002