Dương Bá Cung- nhà ‘Nguyễn Trãi học’ thế kỷ 19
Vì sao thơ văn Nguyễn Trãi bị tiêu huỷ?
Nguyễn Trãi (1380-1442), hiệu là Ức Trai, quê gốc họ Nguyễn ở Chi Ngại (Chí Linh, Hải Dương), sau chuyển về Nhị Khê (huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Đông, này là Thường Tín, Hà Tây). Ông là nhà văn hoá lớn, tài năng lỗi lạc về nhiều mặt: văn học, chính trị, quân sự, ngoại giao, lịch sử, địa lý. Các tác phẩm chính của ông là: Bình Ngô sách(luận văn, 1420-1421); Bình Ngô đại cáo(tuyên ngôn, 1428); Quân trung từ mệnh tập(1423-1427); Ức Trai thi tập(thơ chữ Hán); Quốc âm thi tập(thơ chữ Nôm); Dư địa chí(1415), Ngọc Đường di cảo(thư, chiếu, biểu)…trong đó số phận bộ sách Ức Trai di tậplà đặc biệt nhất.
Cuộc đời Nguyễn Trãi biết bao lúc vinh thăng cũng như không ít phen chìm đắm mà đỉnh điểm là khi ông bị kết tội “phản nghịch”và tam tộc phải chịu cái án tru di oan khốc. Theo luật đương thời, tất cả tự tích của ông đều bị tiêu huỷ, không ai được tàng trữ. Mãi 22 năm sau, vua Lê Thánh Tông (1460-1497) mới xuống chiếu giải oan cho ông. Vua cũng phục hồi cho con cháu Nguyễn Trãi: Nguyễn Anh Võ, con trai của ông được giữ chức tri huyện Tây Trấn (nay là Nam Trực, Nam Định). Cho đến khoảng cuối thế kỷ 15, đầu thế kỷ 16, khi đã được trí sĩ, Anh Võ đã đưa con về quê cha - Nhị Khê (Thường Tín – Hà Tây) để thờ phụng tổ đường, làm nhà thờ trên nền trường học cũ của ông nội (Nguyễn Phi Khanh) tại xóm Hạ. Cùng với việc minh oan cho Nguyễn Trãi, nhà vua đã giao cho bề tôi là Trần Khắc Kiệm đi thu thập lại thơ văn của Nguyễn Trãi đã bị thất truyền những năm trước đó. Trong 10 năm, Trần Khắc Kiệm đã thu thập được 100 bài thơ của Nguyễn Trãi, biên soạn thành 3 tập. Đáng tiếc là bao nhiêu công lao của ông sau đó lại bị đổ xuống sông xuống bể: trong mấy trăm năm từ thời nhà Lê đến đầu thời nhà Nguyễn, do chính sự, xã hội thay đổi, tập thơ của Nguyễn Trãi lại bị thất lạc.
Công lao của Dương Bá Cung
Rất may là đời còn có Dương Bá Cung (1794-1868), vì kính đạo đức, trọng tài năng của Nguyễn Trãi nên đã bỏ công sức ra thu thập, tập hợp thơ ông. Dương Bá Cung hiệu Cấn Đình, cùng quê ở Nhị Khê, thuở nhỏ tên là Dĩnh, đỗ cử nhân năm Tân Tị (1821) đời Minh Mạng (1820-1840), thi Hội vào Tam trường, làm quan đến chức hành tẩu Bộ Công, sau đổi làm tri huyện Gia Bình, huấn đạo Đan Phượng, giáo thụ phủ Tiên Hưng, hội chính tỉnh Hưng Yên, chức cao nhất là giáo thụ tỉnh Biên Hoà. Khi về hưu, ông dạy học ở Hưng Yên. Ông là nhà thơ, nhà văn, nhà biên soạn sách, là soạn giả cuốn Hà Nội địa dư, ghi rõ hình thế, sông núi, di tích, phong tục, sản vật, tên các phủ, huyện thuộc tỉnh Hà Nội cũ. Nhưng công lao chính của ông lại là việc ông đã dành gần trọn đời cho việc sưu tầm, ghi chép, tập hợp thơ Nguyễn Trãi để cùng in trong bộ sách Ức Trai di tập. Ông có thuận lợi là người cùng làng Nhị Khê, lại là rể của dòng họ Nguyễn (ông lấy con gái ông Nguyễn Chúc, thuộc hàng cháu chắt của Nguyễn Trãi). Dương Bá Cung thuộc dòng dõi nhà khoa bảng Dương Công Độ (đỗ tiến sĩ năm 1683). Ông cũng tập hợp được nhiều bài bình luận của các học giả về Nguyễn Trãi, trong đó có bài tựa của nhà bác học lỗi lạc Lê Quý Đôn (1726-1784), đề tựa của Nguyễn Năng Tĩnh (viết năm 1833) và Ngô Thế Vinh (viết năm 1837), bài tựa của Trần Khắc Kiệm…Bản thân ông cũng viết bài khảo sát thân thế, sự nghiệp Nguyễn Trãi. Trong lời tựa bộ sách Ức Trai di tập, ông viết: “…Cung này thường vào Nam ra Bắc, gặp các bậc sĩ phu, thường dò hỏi di cảo của tiên sinh, may ra còn tìm được(…), may ra trong đời có ai cũng yêu văn chương Ức Trai như tôi, lấy dùng được chăng?”.Cuốn sách được in năm 1868 và in xong khi Dương Bá Cung đã mất được 7 tháng. Tuy ông không kịp nhìn đứa con tinh thần của mình nhưng ý nghĩa của cuốn sách đã vượt quá điều ông mong đợi: bao nhiêu thế hệ người Việt Nam đã yêu mến, ghi nhớ văn thơ Nguyễn Trãi, trong đó có bộ Ức Traidi tậpnhờ công của ông tập hợp. Nhiều câu thơ của Nguyễn Trãi đã trở thành danh ngôn về nguyên tắc sống, lẽ ứng xử ở đời, có giá trị lâu dài; nhiều bài thơ của ông đã trở thành đỉnh cao nghệ thuật thơ chữ Hán.
Bộ sách Ức Trai di tậpgồm 7 cuốn, tập hợp tương đối đầy đủ và hệ thống các tác phẩm của Nguyễn Trãi, trong đó, quyển II chép thơ văn của Nguyễn Phi Khanh, thân phụ Nguyễn Trãi; quyển VII chép Quốc Âm thi tập. Riêng phần thơ của Nguyễn Trãi vơi 105 bài được sắp xếp theo 5 phần chính: 1. Thơ làm trong khi chưa thành công (17 bài); 2. Thơ làm khi đã thành công và làm quan trong triều (31 bài); 3. Thơ tỏ ý chán nản và muốn quay về nghỉ (39 bài); 4. Thơ làm khi ở ẩn tại Côn Sơn (16 bài); 5. Thơ làm khi đi sang Trung Hoa (12 bài). Đó là những tác phẩm ghi lại tất cả những cung bậc tình cảm của Nguyễn Trãi trong sự nghiệp và cuộc đời ông, kể cả những giây phút hào sảng, những khi buồn chán cô đơn và những dự cảm mang nặng nỗi đau nhân thế.
Điều đáng nói thêm: trong khi bộ sách Ức Trai di tậpcủa Nguyễn Trãi do Dương Bá Cung sưu tầm được lưu truyền lại muôn đời thì chính số lượng sáng tác đồ sộ của ông (Dương Bá Cung) lại bị thất lạc hầu hết. Ngày nay, chúng ta không còn được biết nhiều về thơ văn Dương Bá Cung nhưng với những gì ông thể hiện qua công việc thu thập thơ Nguyễn Trãi đã ghi nhận đóng góp to lớn của ông đối với văn học nước nhà. Ông được coi là nhà Nguyễn Trãi họcở thế kỷ 19, người suốt đời sưu tầm, tìm hiểu và giới thiệu thơ của đại thi hào Nguyễn Trãi, người đặt nền móng cho ngành nghiên cứu về Nguyễn Trãi và là tấm gương cho những người làm sách tuyển tập, tổng tập với thái độ trân trọng tiền nhân và văn hoá nước nhà.
Nguồn: Thế giới mới, số 660