Dược Hậu Giang: Lãnh đạo đi đầu trong nghiên cứu
Hiệu ứng từ người lãnh đạo
Những hoạt động đổi mới sáng tạo của Dược Hậu Giang đều được tổng giám đốc Phạm Thị Việt Nga khuyến khích bởi nó sẽ “tạo ra sự đột phá để phát triển”. Nhận thức được vai trò quan trọng của khoa học công nghệ và nghiên cứu phát triển với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ngành dược, bà Việt Nga đã thúc đẩy việc thiết lập phòng R&D và Trung tâm nghiên cứu do giám đốc kỹ thuật phụ trách.
Với chức năng nghiên cứu, bộ phận R&D đã đi tiên phong trong việc phát hiện, tìm kiếm những hoạt chất mới, công nghệ đặc biệt, tạo nên các dòng sản phẩm độc đáo, có ưu thế cạnh tranh cho Dược Hậu Giang trên thị trường. Tổng số tiền đầu tư cho R&D tăng lên theo từng năm, riêng năm 2013 là 36 tỷ đồng.
Người đi đầu trong công tác nghiên cứu chính là bà Việt Nga khi đóng góp tới 34 đề tài nghiên cứu và sáng kiến. Theo tấm gương của bà Việt Nga, phong trào nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã lan rộng khắp công ty.
Vì vậy, Dược Hậu Giang đã có 126 đề tài nghiên cứu, 90 sáng kiến được đưa vào áp dụng trong thực tế, làm lợi cho công ty gần 29 tỷ đồng. Ví dụ như đề tài nghiên cứu “Sản xuất tá dược trơn Magnesi Stearate” của thành viên phòng R&D Đặng Thế Sơn đã góp phần tạo ra nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất dược phẩm của công ty và hơn nữa đem lại cho các đồng nghiệp “sự tự tin tiếp tục nghiên cứu các sản phẩm hóa dược khác nhằm góp phần nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh” như nhận định của bà Việt Nga. Sau đó, đề tài này còn được nhận giải ba trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ X tại Hà Nội, giải nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật thành phố Cần Thơ lần thứ V…
Từ những đề tài nghiên cứu, nhiều mặt hàng chủ lực của công ty đã được hình thành như dòng Naturenz (các enzym tự nhiên) là kết quả của đề tài nghiên cứu KC0417/HCN 2001-2005 và đã được thử lâm sàng trên 600 lượt cựu chiến binh nhiễm dioxin, thông qua Ủy ban điều tra hậu quả chiến tranh hóa học ở Việt Nam. Từ đó, bộ phận R&D còn tiếp tục nghiên cứu, bổ sung thêm những thành phần dược tính mới để phát triển thành hai loại, Naturenz caps có tác dụng giải độc gan, cải thiện sức khỏe cho những người bị viêm gan, suy nhược cơ thể và Naturenz LB hướng tới công dụng chăm sóc làn da phụ nữ. Hiện tại, Dược Hậu Giang có 398 sản phẩm, trong đó có 120 sản phẩm mới, 11 sản phẩm đạt tương đương sinh học đã được Bộ Y tế thông qua.
Phong trào sáng tạo của Dược Hậu Giang được mở rộng trong nhiều lĩnh vực. Ngay trong lĩnh vực sản xuất cũng xuất hiện nhiều cải tiến, sáng kiến góp phần nâng cao năng suất lao động, đó là trường hợp của kỹ sư Nguyễn Trung Nghĩa khi đưa ra sáng kiến thiết kế chế tạo máy móc thiết bị dùng trong sản xuất dược phẩm và trường hợp công nhân Đặng Phạm Phúc Hậu với thành tích giữ kỷ lục xây dựng dây chuyền thợ giỏi… Những đổi mới sáng tạo như vậy đã góp phần đem lại cho Dược Hậu Giang những lợi thế riêng biệt so với nhiều doanh nghiệp khác.
Đột phá trong môi trường kinh doanh
Trong thời kỳ đầu, khi chưa có thương hiệu trên thị trường, Dược Hậu Giang gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh. Tổng giám đốc Việt Nga cho rằng, “trong kinh doanh, chúng tôi có giá trị cốt lõi là tạo lợi thế cạnh tranh bằng sự khác biệt”. Vì vậy sau khi nghiên cứu thị trường dược, bà phát hiện ra khía cạnh còn ít được khai thác là hệ thống phân phối sản phẩm.
Nét khác biệt trong hệ thống phân phối sản phẩm của Dược Hậu Giang là quản lý được chi tiết các đơn hàng, doanh thu, kỳ hạn ký đơn hàng, thanh toán và thu hồi công nợ, tránh được những “căn bệnh truyền thống” là nợ khó đòi, tuồn hàng từ kênh điều trị ra kênh thương mại, trộn hàng giả với hàng thật… Như vậy uy tín của Dược Hậu Giang có được không chỉ ở chất lượng thuốc mà còn với các bạn hàng.
Với sự dám nghĩ dám làm của người lãnh đạo, Dược Hậu Giang đã xây dựng được một hệ thống bán hàng trên toàn quốc.Hiện tại mạng lưới phân phối của Dược Hậu Giang đã có mặt trên 64 tỉnh thành với 9 công ty phân phối, 28 chi nhánh và 67 nhà thuốc. Qua hệ thống này, Dược Hậu Giang đã phục vụ nhu cầu của gần 2 vạn khách hàng, trong đó quả nửa là khách hàng thân thiết, điều không phải bất cứ công ty dược phẩm nào ở Việt Nam làm được.
Năm 2013, Dược Hậu Giang còn tạo ra đột phá khi dẫn đầu trong thử nghiệm giải pháp bán hàng qua điện thoại di động DMS-eMobiz tại TPHCM và Đồng Nai trước khi chính thức áp dụng trên toàn quốc. Giải pháp này cho phép kiểm tra được hoạt động của toàn bộ nhân viên bán hàng và dễ dàng phát hiện ra các điểm bán hàng bị bỏ sót trong kế hoạch phát triển, chăm sóc khách hàng.
Trong các hoạt động quản lý, điều hành, Dược Hậu Giang còn thực hiện các công cụ quản trị hiện đại và hiệu quả như 10.5S, Balance Score Card, đồng thời thực hiện nhiều dự án như chiến lược 20/80: sản phẩm, khách hàng, nhân sự; công chiến lược “Kiềng 3 chân”: cổ đông, khách hàng và người lao động; dự án nâng cao hiệu quả hoạt động Công ty Con”; “Giải pháp hôm nay là vấn đề ngay mai” về kiểm soát chi phí, quản trị rủi ro và chính sách…
Hiện tại, ngoài thị trường trong nước, Dược Hậu Giang còn mở rộng ra thị trường quốc tế với việc xuất khẩu tại 12 quốc gia châu Á và châu Âu, ngoài ra còn tìm kiếm thêm thị trường ở nhiều quốc gia Đông Nam Á và châu Phi. Doanh thu xuất khẩu năm 2013 là 33,5 tỷ đồng.
Vào tháng 10 vừa qua, Dược Hậu Giang đã lọt vào danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam do Forbes bình chọn.