Đưa nôi trẻ - thói quen cần loại bỏ
Nguy hiểm nhất là rung lắc khi bế xốc trẻ trong tư thế đứng vì cổ bé yếu, dễ di chuyển theo hướng trước sau.
Thường là vô ý: lắc nôi, đưa võng để ru cho trẻ ngủ. Hầu hết là khi trẻ khóc quá, mẹ hoặc người giữ trẻ nóng ruột, hoặc bực bội, mất kiểm soát nên cố ru, cố lắc mạnh để làm cho trẻ nín; cưng nựng bé nên nhồi xốc bé, bồng bé đưa lên đưa xuống nhanh; ẵm bé đưa lên cao làm máy bay; trẻ chạy xe tập đi quá nhanh đụng mạnh vào tường gây chấn động ở não...
Khi rung lắc tác động đến não, trẻ bị kích thích, bứt rứt, quấy khóc, đờ đẫn, lơ mơ, ngủ mê, trương lực cơ giảm; da xanh tái, nhất là ở vùng trán; ăn khó, ngừng thở hoặc co giật. Chấn thương ở cổ: sưng, phù nề, cứng cổ, ngoẹo cổ về một bên, đầu khó quay qua quay lại.
Khó nhận thấy các triệu chứng bằng mắt thường, trong khi đó, chấn thương trực tiếp và chấn thương xoay tăng tốc làm đứt, rách mạch máu, nhất là tĩnh mạch gây xuất huyết dưới màng nhện, xuất huyết dưới màng cứng, xuất huyết trong nhu mô não hoặc giập não, phù não... Mắt bị xuất huyết nhãn cầu, xuất huyết võng mạc, phù gai thị hậu quả làm giảm thị lực, mù… Ngoài ra còn có chấn thương khác: cổ, cột sống, xương sườn.
Khi thấy trẻ có các biểu hiện do rung lắc, hãy gọi xe cấp cứu. Chú ý, đừng vận chuyển bằng xe thông thường, đừng bế xốc trẻ lên, không cố lắc để làm cho trẻ tỉnh lại, không cho trẻ ăn, bú. Nếu trẻ ngừng thở phải hô hấp nhân tạo. Nếu chấn thương cổ, tránh xoay trẻ, cố định cổ. Nếu trẻ nôn và không có chấn thương cổ cần xoay nhẹ đầu trẻ về một bên để tránh sặc và ngừng thở.
Theo BS. Duy Long, muốn đem lại niềm vui, điều tốt nhất cho trẻ, mong các bậc phụ huynh hãy chú ý đừng rung lắc trẻ dù chỉ vài giây, kể cả khi vui đùa hay giận dữ, khi trẻ thức hay khi trẻ ngủ. Khi di chuyển trẻ, hãy cố gắng giữ cổ ở tư thế cố định.