“Đứa con” tha hương đã trở về đất Việt
C uốn sách do tác giả Đinh Chân biên dịch, đích thân Trần Đức Thảo hiệu đính. Đây là sự cố gắng lớn lao của Khoa Triết học, Trường Đại học KHXH&NV Quốc gia và NXB Đại học quốc gia Hà Nội.
Công trình được chia làm hai phần: Phần I đề cập đến phương pháp của hiện tượng học và nội dung thực tế của nó, từ năm 1942 đến 1950, trình bày những đặc điểm chủ yếu của hiện tượng học từ một quan điểm lịch sử thuần tuý cũng như triển vọng của tư tưởng hiện tượng học. Thông qua một số hệ thống luận cứ vững chắc, Trần Đức Thảo đã chỉ ra những mâu thuẫn nội tại ngay trong chính tư tưởng cũng như tác phẩm của Husserl, người sáng lập ra hiện tượng học.
Phần II, hoàn thành vào năm 1951, Trần Đức Thảo đề cập đến Phép biện chứng và sự vận động của hiện thực. Ở đây tác giả vận dụng phép biện chứng Mácxít để xem xét những vấn đề mà hiện tượng học nêu ra, đặc biệt chú trọng phân tích bản chất của cảm tính và phép biện chứng của sự tiến hoá xã hội loài người như sự sinh thành của lý tính.
Dụng ý của tác giả ở phần này là nhằm khắc phục những mâu thuẫn nội tại trong các luận điểm hiện tượng học của Husserl. Tác giả đi đến kết luận: “Chủ nghĩa Mác là giải pháp duy nhất có thể nghĩ đến đối với các vấn đề của chính hiện tượng học nêu ra”. Như vậy, các vấn đề đã được tác giả giải quyết đầy đủ trong phương pháp luận của chủ nghĩa Mác, và từ tác phẩm này là một sự khẳng định sự biến chuyển tư tưởng đi tới khẳng định vững chắc lập trường Mácxít trong tư duy triết học của triết gia Trần Đức Thảo.
Tuy nhiên, chính tác giả cũng đã khiêm tốn thừa nhận rằng công trình này: “Mới đi đến thềm của chủ nghĩa Mác, chưa đi vào chủ nghĩa Mác”. Nhưng do tình hình tư tưởng tại nước Pháp thời bấy giờ, cuốn sách của ông được xem là tư tưởng cộng sản và không thể được chấp nhận trong giới đại học Pháp.
Sau này, trong một bản bổ sung lý lịch, triết gia viết: “Khách quan thì trong điều kiện năm 1951, cuốn sách ấy là một thắng lợi của chủ nghĩa Mác. Trên thực tế đã giúp nhiều nhà tri thức trong giới khoa học xã hội tư sản, làm cho họ bớt thành kiến với chủ nghĩa Mác, nhìn nhận quan điểm Mácxít là có lý và căn bản đúng. Một số người đọc cuốn sách ấy đã gia nhập Đảng Cộng sản Pháp.”
Hành trình đến với triết học và cách mạng
Trần Đức Thảo sinh ngày 26/9/1917 trong một gia đình viên chức nhỏ ở xã Song Tháp, huyện Từ Sơn (Bắc Ninh). Năm 1935 sau khi đỗ tú tài loại ưu, ông theo học Trường Luật tại Hà Nội. Năm 1936 đến 1939 ông sang Pháp học tại Trường Louis-Le Grand và Henri IV. Năm 1939, ông thi đỗ vào Trường Đại học sư phạm Cao cấp phố D’Ulm (école Normale Supérieure de la Rue d’Ulm). Đây là trường nổi tiếng trên toàn nước Pháp và thế giới, chỉ tuyển dụng các sinh viên xuất sắc nhất từ các nước theo học.
Năm 1943 ông tốt nghiệp thủ khoa nhận học vị thạc sĩ với luận án Phương pháp hiện tượng luận Husserl. Lúc ấy Trần Đức Thảo gần như trở thành tâm điểm chú ý của báo chí Pháp cũng như Đông Dương và được xem là một tài năng triết học thiên bẩm. Sau đó, ông đăng ký làm luận án tiến sĩ về Hiện tượng luận Husserl.
Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, Cách mạng Tháng Tám thành công, Trần Đức Thảo tích cực tham gia vào các hoạt động yêu nước Pháp và đau đáu hướng về Tổ quốc. Ông phân phát truyền đơn ủng hộ Việt Minh ở những quảng trường, đường phố đông người nhất Paris .
Cùng thời gian này, Tổng uỷ ban đại diện Việt Kiều mở một cuộc họp báo rộng rãi. Trong cuộc họp báo này, Trần Đức Thảo trình bày về vấn đề độc lập ở Đông Dương và trả lời những câu hỏi của báo giới Pháp. Trong lý lịch của mình, triết gia viết: Một nhà báo Pháp đã đặt một câu hỏi có tính chất tối hậu thư rằng: “Quân đội viễn chinh Leclecre sắp đổ bộ ở Đông Dương - Thế thì người Việt Nam sẽ đón tiếp thế nào?”. Tôi đã trả lời: “Bằng tiếng súng”. Cũng chính vì câu trả lời này mà ngay lập tức ông bị bắt giam và nhốt tại nhà tù La prison de la Santé 2 tháng với tội danh “xâm phạm an ninh nước Pháp trong những lãnh thổ có chủ quyền của Pháp”
Sau khi ra tù, đầu năm 1946, Trần Đức Thảo đến gặp ông Emille Bréhier, giáo sư hướng dẫn luận án cho mình. Vị giáo sư này đã cúi gằm mặt rồi vung tay chỉ ra cửa và thét: “Nếu ông không yêu nước Pháp thì ông đi đi, về nước của ông”… Sau hội nghị Fontainebleau, Bac Hồ đã tìm gặp và đề nghị Trần Đức Thảo về nước phục vụ cách mạng và ông cũng đã hứa với Bác sẽ về sau khi làm xong luận án tiến sĩ.
Trở về quê hương Việt Nam
Năm 1950, Trần Đức Thảo cho ra mắt cuốn Triết lý đi về đâu bằng tiếng Việtvà cuốn Hiện tượng luận và chủ nghĩa duy vật biện chứngbằng tiếng Pháp. Dùng số tiền nhuận bút từ cuốn sách trên, ông đã trở về Việt Nam theo con đường từ Paris - London - Praha - Moskva - Bắc Kinh, rồi về đến Tân Trào.
Trong những ngày tháng chiến tranh gian khổ ở Việt Nam , Trần Đức Thảo công tác trong ngành giáo dục. Sau hoà bình, ông từng giữ đến chức Phó Giám đốc Sư phạm Văn khoa, Chủ nhiệm khoa Lịch sử, rồi trở thành giáo sư lịch sử triết học của Đại học Tổng hợp Hà Nội…
Sau thời kỳ đổi mới, ông còn cho ra mắt cuốn Vấn đề con người và chủ nghĩa lý luận không có con ngườibằng tiếng Việt năm 1988, do NXB TP Hồ Chí Minh ấn hành. Năm 1992, ông sang pháp trị bệnh và lấy thêm tư liệu cho công trình Logique của cái hiện tại sống động(La logique du présent vivant), nhưng cuốn sách chưa hoàn thành thì ông ngã bệnh và ra đi ngày 14/4/1993, bỏ lại sau lưng một sự nghiệp triết học lớn và những công trình dang dở.
Bà Nguyễn Thị Nhất (80 tuổi) - vợ triết gia Trần Đức Thảo, cũng đã từng học ở Sorbone (Pháp) - kể lại: “Cuộc sống của ổng giản dị và khiêm nhường lắm. Ổng ấy rất đặc biệt khi tư duy, một khi ổng đã suy nghĩ điều gì, thì không hề quan tâm đến những việc xung quanh. Có lần không biết mải nghĩ cái gì, để chiếc bếp nấu ăn bốc cháy, khói nghi ngút cả mấy tầng nhà mà không hề hay biết. Hàng xóm thấy khói xông vào dập lửa, ổng vẫn đắm chìm trong suy nghĩ..."
Nguồn:http://vnca.cand.com.vn/viVN/lyluan/2004/12/49704.cand