Đồng bằng sông Cửu Long: Cây lúa, con cá trong chiến lược phát triển bền vững
Người khóc dưới ruộng, kẻ cười bên ao…
Sản lượng lúa Đông-Xuân năm nay của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) dự kiến đạt 9 triệu tấn, cao nhất trong các mùa vụ của năm, năngsuấttrung bìnhđạt 7 tạ/ha. Giá lúa Đông-Xuân giảm nhanh so với đầu vụ thu hoạch, mức giảm trung bình từ 500 đến 700 đồng/kg, hiện chỉ còn khoảng 1.900 - 2.200 đồng/kg. Với giá lúa thấp như thế, theo tính toán của người dân, trừ chi phí sản xuất như đầu tư phân bón, thuê nhân công, mỗi công lúa (1000m 2) chỉ thu lãi khoảng 300.000 - 400.000 đồng. Trong tháng 4 này, 500.000 ha lúa đông xuân sẽ thu hoạch xong. Nhưng, nảy sinh về giá hiện nay vẫn khiến cho nhiều nông dân lao đao vì giá lúa đang bị thương lái ép xuống quá thấp, không đủ chi phí cho sản xuất.
Lúa được mùa nhưng mất giá, bà con nông dân chịu thiệt. Nhưng ngược lại, những người chăn nuôi cá ba sa lại thu hoạch thắng lợi. Hiện nay, giá cá tra, cá ba sa nguyên liệu đang được bán với giá từ 13.000 đến 13.800đồng/kg, trung bình mỗi ki-lô-gam cá thương phẩm, bà con được lời từ 2.000 đến 3.000 đồng. Số hộ nuôi cá ít hơn so với năm trước nên sản lượng ít. Người chăn nuôi bán cá nguyên liệu ngay tại ao, bè cho thương lái, khiến cho nhiều nhà máy chế biến cá rơi vào khủng hoảng nguyên liệu. Bà Nguyễn Thị Huệ Trinh, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Thuận An (An Giang) cho biết: “Mua cá nguyên liệu lúc này hết sức khó khăn. Giá cá cao khiến doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu lao đao, hơn nữa nguồn cá nguyên liệu lại khan hiếm, không có cá để thu mua". Riêng ở An giang, hiện nay 10 nhà máy chế biến cá tra, cá ba sa hoạt động cầm chừng hoặc cho công nhân nghỉ việc do thiếu nguyên liệu.
Lợi trước mắt, hại... lâu dài
Bộ Thương Mại đã khuyến cáo nông dân đừng vội bán lúa khi giá lúa giảm ở mức thấp, nhưng vì sao nông dân vẫn bán lúa ngay sau thu hoạch? Tại sao không xây dựng kho bảo quản, tại sao cứ mùa thu hoạch rộ bà con phải bán lúa ngay?
Trong kỳ thu hoạch rộ lúa Đông-Xuân, chúng tôi đã đến nhiều vùng, nhiều cánh đồng của các tỉnh Hậu Giang, Cần Thơ, Kiên Giang để tìm hiểu. Hiện nay, nông dân sản xuất lúa vẫn đang ở trong vòng quay sản xuất vốn là tiền lệ từ trước đến nay: Đầu mùa vụ, các loại chi phí sản xuất như giống, phân bón, thuốc trừ sâu, tiền thuê nhân công, phương tiện máy móc… đều mua chịu của các chủ cửa hàng và hẹn đến ngày thu hoạch trả bằng lúa hoặc tiền mặt. Kiểu “gán nợ” trên ruộng đồng này đã diễn ra từ lâu. Ngay sau khi thu hoạch, trước sức ép của các chủ nợ, nông dân phải bán lúa ngay mặc dù bị thương lái lợi dụng ép giá. Hơn nữa, ở những vùng sâu, vùng xa, việc thu mua lúa thương phẩm đều dựa vào thương lái. Nếu nông dân tự đưa lúa ra các trung tâm hay doanh nghiệp chế biến để bán thì chi phí vận chuyển rất cao. Việc nông dân tích trữ lúa cũng khó có khả năng thực hiện được vì không có hệ thống bảo quản, nhà cửa còn tạm bợ, mưa nắng thất thường. Việc bán lúa ngay sau khi thu hoạch dẫn đến nguồn cung quá lớn, doanh nghiệp không đáp ứng vốn để mua gạo tích trữ, hoạt động đầu ra của lúa chỉ dựa vào thương lái. Ông Phạm Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Thuận, huyện Giồng Riềng-nơi có 100% diện tích nông nghiệp gieo trồng lúa-cho biết: Thương lái ép giá là chuyện bình thường từ nhiều năm nay. Nông dân cũng không thể giữ lúa chờ giá cao mới bán, vì họ cần phải bán gấp để trả nợ cho các "chủ nợ". Hai năm gần đây, giá nhân công thu hoạch lúa đã tăng gấp 2-3 lần so với trước; dịch rầy nâu đầu năm nay cũng gây tốn kém rất lớn trong chi phí thuốc diệt rầy, đẩy chi phí sản xuất cao hơn.
Thực trạng cá ba sa, cá tra được giá và khan hiếm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, dẫn đến tình trạng người dân đua nhau đào ao nuôi cá tự phát trở lại, vượt tầm kiểm soát của cơ quan chức năng, dự báo khủng hoảng thừa, rớt giá, trong mùa vụ năm sau. Giá con giống tăng lên từ 400 đến 700 đồng/con so với vài tháng trước. Hàng loạt cơ sở sản xuất cá giống ở Hồng Ngự (Đồng Tháp), Châu Đốc (An Giang)… không đủ cung, nhiều nơi giống kém chất lượng vẫn có người mua.
Thạc sĩ Dương Nghĩa Quốc, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho chúng tôi biết: “Sở NN-PTNT đã khuyến cáo người dân không nên thả nuôi quá nhiều vào lúc này, sẽ dẫn đến tình trạng thừa nguyên liệu và người nuôi sẽ chịu nhiều thiệt hại. Dù vậy, nhiều hộ vẫn làm vì thấy lợi trước mắt. Chủ trương của Đồng Tháp trong năm 2006 là ổn định khoảng 120.000-130.000 tấn cá nguyên liệu, cố gắng nuôi 80% cá sạch chất lượng cao".
Cần xây “nền” cho chiến lược
Thực trạng lúa đông xuân và cá ba sa, cá tra hiện nay đang chỉ ra “lỗ hổng” và chuệch choạc trong sự liên kết giữa sản xuất, chế biến và xuất khẩu.
Đặc biệt là “nhà nông”, được xem là “gốc”, là “nền” để phát triển sản xuất bền vững chưa được quan tâm thỏa đáng. Nông dân, người chăn nuôi là những người sản xuất trực tiếp, bỏ vốn đầu tư và theo sát quá trình sản xuất, quyết định đến chất lượng sản phẩm nông nghiệp và năng suất. Nhưng nhà nông đang rất "yếu" về lực, chịu thiệt rất nhiều. Do đó, cần phải có biện pháp hỗ trợ nhà nông trong chi phí sản xuất, định hướng và hướng dẫn kỹ thuật. Mạng lưới thu mua lúa trực tiếp giữa các doanh nghiệp cần được triển khai rộng khắp và có chính sách hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu. Bài toán vốn cho doanh nghiệp mua lúa, theo chúng tôi cần lập một nguồn quĩ vốn cho hoạt động xuất khẩu gạo và có cơ chế, thủ tục khơi thông nguồn vốn kịp thời, tạo sự ổn định cho giá cả, khống chế sự ép giá của tư thương; bảo đảm cho nông dân tái sản xuất sau thu hoạch.
Một nghịch lý lâu nay là công ty chế biến cá tra, ba sa vẫn “làm ngơ” trước giải pháp xây dựng vùng nguyên liệu cá tra, ba sa, bao tiêu sản phẩm cố định cho nông dân. Vì sao? Một cán bộ của một công ty chế biến, XNK thủy sản thừa nhận với chúng tôi: Việc đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm cho riêng công ty là “bước đi” mạo hiểm và phiêu lưu. Vì hiện nay thị trường xuất khẩu cá tra, cá ba sa vẫn còn trong tình trạng thiếu ổn định. Hoạt động xuất khẩu ẩn chứa nhiều rủi ro. Nếu xây dựng vùng nguyên liệu, nguồn vốn dự trữ, lưu động để bảo đảm sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân rất lớn, doanh nghiệp không thể kham nổi.
Ông Lê Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang cho biết: “Cá sạch, cá sinh thái được tập trung nuôi. Theo đó, các doanh nghiệp cần lập hội nuôi cá sạch có bao tiêu đầu ra. Phải khống chế bằng biện pháp kinh tế, liên kết chặt giữa người nuôi và doanh nghiệp mới ổn định được nghề cá”.
Tại hội thảo về giải pháp đồng bộ phát triển bền vững thị trường cá tra, ba sa ở ĐBSCL do Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL tổ chức ngày 28-3-2006, nhiều đại biểu đã nhấn mạnh đến giải pháp: Các nhà máy chế biến cá xuất khẩu cần đầu tư thức ăn, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho nông dân thì cả người nuôi và doanh nghiệp mới có thể cùng phát triển. Tình trạng mạnh ai nấy làm, khi cá tăng giá thì nhà máy chạy vạy đi tìm nguyên liệu, còn khi rớt giá, thương lái và nhà máy “làm khó” không mua cá, khiến nông dân lao đao.
Bằng nhiều biện pháp tạo “nền”, chiến lược phát triển, sản xuất nông sản ở ĐBSCL mới có thể phát triển bền vững: Làm giàu cho ĐBSCL, trước hết phải làm giàu cho nông dân.
Nguồn: quandoinhandan.org.vn 6/4/06