Đôi vợ chồng trẻ say mê nghiên cứu khoa học
Ðó là đề tài "Nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật gây trồng và phát triển rau bò khai, rau sắng tại Sơn La" của vợ chồng anh chị đã đoạt giải ba Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ (KHCN) Việt Nam năm 2012.
Chúng tôi đến thăm gia đình nhỏ của anh ở tổ 2, phường Tô Hiệu, TP Sơn La. Qua câu chuyện được biết, anh Phạm Quang Thắng, sinh năm 1981, ở một vùng quê nghèo của huyện Kim Ðộng, tỉnh Hưng Yên. Năm 2004, anh tốt nghiệp khoa Nông học, Trường đại học Nông nghiệp I Hà Nội.
Sau gần một năm công tác tại Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương, tháng 2-2005 anh xung phong lên công tác tại Trường đại học Tây Bắc. Tại đây anh Thắng và chị Hoa gặp nhau, trở thành đồng nghiệp, nên duyên vợ chồng cùng tham gia đề tài nghiên cứu khoa học và đã đoạt Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam.
Theo anh Thắng, thời gian công tác tại Viện Nghiên cứu rau quả, được cử lên Sơn La triển khai mô hình sản xuất rau sạch, anh đã có thiện cảm với vùng đất, con người nơi đây. Ðặc biệt, trong quá trình giảng dạy, tiếp xúc với sinh viên là con em của đồng bào các dân tộc thiểu số anh phát hiện ra một điều thú vị, vùng Tây Bắc rất đa dạng sinh học, nhiều cây rau bản địa giàu chất dinh dưỡng và là bài thuốc quý nhưng ít người nghiên cứu.
Năm 2008, anh cùng một nhóm sinh viên đi khảo sát thực địa trong rừng, tìm cách giâm giống cây rau bò khai và rau sắng là hai cây rau quý bà con dân tộc Thái thường dùng trong bữa ăn. Cây rau bò khai có công dụng bổ thận, rau sắng có vị hàn, giàu dinh dưỡng, vị ngọt đậm đà. Giá trị thực phẩm của hai loại rau này rất lớn, nhưng nghiên cứu phát triển đại trà, đưa chúng ra thị trường vẫn là băn khoăn với anh Thắng.
Bằng kiến thức học trong trường, trao đổi ý kiến cùng đồng nghiệp, anh và các sinh viên đã thực hiện ươm giống thành công. Ðiều thú vị là nếu trong điều kiện tự nhiên loại rau này chỉ khai thác được từ tháng 3 đến tháng 6 (phải có mưa) còn nếu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chăm sóc theo quy trình thì có thể khai thác quanh năm, trừ một hai tháng rét mùa đông.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, một ha rau bò khai, rau sắng có thể cho năng suất 5-7 tấn, nếu thâm canh tốt, năng suất còn cao hơn, trong khi mỗi nắm rau chừng vài lạng vẫn bán được 15-20 nghìn đồng thì một ha có thể thu lợi khoảng 100 triệu đồng. Trong điều kiện nhu cầu rau sạch rất lớn thì rau rừng như bò khai và rau sắng hứa hẹn một tiềm năng lớn.
Ðề tài "Nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật gây trồng và phát triển giống rau bò khai và rau sắng tại Sơn La" của vợ chồng anh chị Thắng, Hoa là một đề tài nhỏ, nhưng đã được Hội đồng xét Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam đánh giá cao ở cả ba tiêu chí: Tính mới, có khả năng ứng dụng rộng rãi và ý nghĩa xã hội, hiệu quả kinh tế cao.
Chỉ với nguồn kinh phí 318 triệu đồng của một đề tài nghiên cứu cấp tỉnh, triển khai trong hai năm 2009-2010, cây rau bò khai và rau sắng đã vượt qua hàng nghìn đề tài, để lọt vào danh sách một trong 38 đề tài được nhận Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam năm 2012.
Ðáng chú ý từ đề tài này, chị Ðinh Thị Hoa, vợ anh đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ cùng 10 sinh viên của Trường đại học Tây Bắc tốt nghiệp ra trường đạt bằng khá trở lên. Cũng từ đề tài này, sinh viên Tẩn Mý Dao và Lò Thị Phượng, khoa Nông - Lâm, Trường đại học Tây Bắc đã nhận được giải thưởng của Bộ Giáo dục và Ðào tạo năm 2010.
Ngoài ra, kết quả nghiên cứu còn được công bố rộng rãi trên các tạp chí, bản tin khoa học, được mọi người quan tâm. Theo GS.TS Nguyễn Quang Thạch, thì đây là một ý tưởng tốt, có tính ứng dụng cao, có khả năng giúp người dân địa phương vùng Tây Bắc xóa đói, giảm nghèo.
Chúng tôi đến bản Bó Phứa, phường Chiềng An, thành phố Sơn La, chị Lò Thị Chiến, Trưởng bản cho biết: Khi giới thiệu trồng thử cây rau bò khai ở bản, bà con rất háo hức, có người còn thắc mắc vì không được tham gia trồng thử nghiệm. Họ sẵn sàng bỏ tiền túi mua cây giống, nhờ hướng dẫn để trồng, vì cây rau này rất ưa thích trong bữa ăn của bà con.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông qua Dự án khuyến nông Trung ương đang triển khai Dự án: "Phát triển lâm sản ngoài gỗ làm thực phẩm" đối với hai loại rau này từ năm 2012 đến 2014 tại ba tỉnh Sơn La, Ðiện Biên và Lai Châu. Bộ Giáo dục và Ðào tạo triển khai Dự án: "Hoàn thiện quy trình nhân giống và sản xuất tập trung rau bò khai tại vùng Tây Bắc". Trong đó, hướng nghiên cứu quan tâm việc giới thiệu sản phẩm, bao bì, đóng gói, nhãn mác để đưa hai loại rau này ra thị trường, đến với người tiêu dùng.
Kết quả đề tài nói trên mới chỉ là một phần trong hành trang nghiên cứu khoa học của anh Thắng. Ðược biết, anh từng được nhận giải khuyến khích Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam năm 2007; nhận Giải thưởng Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Sơn La lần thứ nhất năm 2008. Tháng 5-2012, cả hai vợ chồng cùng được cấp Bằng lao động sáng tạo và được tặng Bằng khen của Trung ương Ðoàn dành cho những người trẻ tuổi say mê nghiên cứu khoa học và sản xuất, kinh doanh giỏi.
Trò chuyện với anh Phạm Quang Thắng, chúng tôi trân trọng ở anh một tinh thần đam mê lao động, nghiên cứu khoa học. Ðề tài mà anh lựa chọn luôn thiết thực với đời sống, mang tính cộng đồng và hướng tới phục vụ người dân nghèo. Với một nhà khoa học trẻ, đây là cái tâm đáng quý, điều đó sẽ còn giúp cho vợ chồng anh đạt được nhiều thành công hơn nữa.