Đội ngũ trí thức khoa học công nghệ - chung tay đẩy lùi covid
Quang cảnh buổi hội thảo
Ngày 14/7, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tiếp và trực tuyến với chủ đề “Đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ với việc ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch Covid-19”. Hội thảo do TSKH Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam và PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên -Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam chủ trì hội thảo.
TSKH Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, TSKH Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, ngay từ khi đại dịch bắt đầu, bên cạnh sự hy sinh thầm lặng của các chiến sỹ áo trắng, các nhà khoa học Việt Nam đã tích cực đồng hành với Chính phủ, thường xuyên bám sát tình hình dịch bệnh để nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, qua đó đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước các giải pháp phù hợp và hữu hiệu góp phần kiểm soát dịch bệnh.
Nhiều sản phẩm là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước đã và đang được thử nghiệm triển khai. Đặc biệt, các nhà khoa học trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam cũng đang tích cực tham gia trong việc nghiên cứu, ứng dụng các sản phẩm phòng chống covid: Viện Y dược Nano nghiên cứu chế tạo thuốc đặc trị - nhằm bổ sung hoàn chỉnh trong phòng chống dịch covid-19; Viện công nghệ VinIT nghiên cứu, chế tạo hệ thống khử khuẩn diệt virut công nghệ Plasma chống đại dịch covid-19; VIện nghiên cứu sức khỏe cộng đồng Ánh sáng triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội cho người bị ảnh hưởng của dịch covid…
Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong dự phòng và điều trị covid
Theo ý kiến của GS.TS Nguyễn Văn Kính – Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam cho biết, hiện nay đã có rất nhiều các ứng dụng khoa học kỹ thuật đã được áp dụng trong phòng chống dịch như Nghiên cứu về căn nguyên và tét thử nghiệm: Nuôi cấy, Giải trình tự gen, phát triển bộ tét PCR , tét nhanh phục vụ chẩn đoán. Nghiên cứu các biện pháp dự phòngnhư ngăn chặn, phát hiện sớm (tét trên diện rộng) , truy vết, cách ly, dập dịch; Nghiên cứu sản xuất khẩu trang Nano, chất sát khuẩn , 5K; Nghiên cứu sản xuất Vaccine; Nghiên cứu phục vụ điều trị: Xây dựng phác đồ điều trị, chế tạo máy thở, thử nghiệm thuốc trên lâm sàng, Robot phục vụ điều trị, các kỹ thuật cao (ECMO), lọc máu Oxiris, Thở máy, Kháng thể đơn dòng…
GS.TS Nguyễn Văn Kính – Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam
Tuy nhiên, theo GS Kính cho hay, do dịch diễn biến rất phức tạp, khó lường và virus luôn đột biến, chính vì thế theo tôi cần phải thực hiện chiến lược kép về phòng dịch và phát triển kinh tế.
Và để phòng chống covid tốt cần bám sát tình hình dịch tễ để triển khai phòng chống dịch; Tăng cường các đề tài nghiên cứu khoa học và vai trò của các nhà khoa học trong phòng chống dịch COVID-19; Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng chống COVID-19.
Nhu cầu vắc-xin Covid-19 trên thế giới và ở Việt Nam vẫn còn rất lớn do dịch bệnh còn có thể kéo dài và chưa biết được vắc-xin hiện tại có hiệu quả bao lâu. Do đó, cần phải cần phải chuẩn bị đủ lượng vắc-xin cho các năm tiếp theo. Tiếp tục chủ động nghiên cứu, hoàn thiện và chế tạo vắc-xin thế hệ mới dùng trong phòng chống và đẩy lùi dịch Covid-19 dựa trên các công nghệ nền sẵn có tại Viện CNSH, cũng như các công nghệ lõi đang được phát triển trên thế giới như di truyền ngược, protein tái tổ hợp, sản xuất tinh sạch kháng nguyên virus lượng lớn trên hệ thống thực vật.
Làm chủ các công nghệ nền liên quan đến chế tạo vắc-xin
Theo ý kiến của TS Đỗ Minh Sĩ – Giám đốc R&D, Công ty Nanogen Pharma đầu cầu tại TPHCM cho biết, trên thế giới đang có 4 công nghệ sản xuất vaccine Covid gồm: vaccine bất hoạt, vaccine DNA và RNA, vaccine virus và vaccine tái tổ hợp. Nanogen chọn công nghệ protein tái tổ hợp vì chúng tôi đã làm chủ công nghệ này 10 năm. Ngoài ra, Nanogen sử dụng trí tuệ nhân tạo với sự hỗ trợ của các robot hàng đầu trong nghiên cứu công nghệ sinh học để hỗ trợ quá trình nghiên cứu.
GS Nguyễn Đức Nghĩa – Viện trưởng Viện Y dược Nano
Còn đối với ý kiến của GS Nguyễn Đức Nghĩa – Viện trưởng Viện Y dược Nano cho biết, Nanomedicine và các thành phần của nó có thể đóng một vai trò quan trọng trong các giai đoạn khác nhau của phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị,tiêm chủng và nghiên cứu liên quan đến COVID-19. Công nghệ kháng khuẩn dựa trên nano có thể được tích hợp vào thiết bị cá nhân để đảm bảo an toàn hơn cho nhân viên y tế và con người. Nhiều vật liệu nano khác nhau như chấm lượng tử có thể được sử dụng làm cảm biến sinh học để chẩn đoán COVID-19. Công nghệ nano mang lại những lợi ích từ việc sử dụng các hệ thống nano, chẳng hạn như liposome, hạt nano polyme và lipid, hạt nano kim loại và mixen, để bao gói thuốc và tạo điều kiện cải thiện các đặc tính dược lý của thuốc. Các chức năng kháng vi-rút đối với các hạt nano có thể nhắm mục tiêu đến sự liên kết, xâm nhập, sao chép và nảy chồi của COVID-19. Các hạt nano vô cơ liên quan đến độc tính là một trong những yếu tố hạn chế việc sử dụng nó cần được nghiên cứu và sửa đổi thêm. Nanomedicine đã chứng minh được giá trị của nó thông qua ứng dụng phân phối thuốc và cảm biến nano trong các bệnh khác . Để làm được như vậy, trước tiên chúng ta sẽ xem xét bệnh lý của COVID-19 để đặt nền tảng nhằm vạch ra các cơ hội và lỗ hổng trong sinh lý bệnh của loại virus này, nơi có thể sử dụng nanomedicine.
Theo TS Nguyễn Trung Nam – Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ cho rằng, các nghiên cứu phát triển vắc-xin cho các virus gây bệnh mới là thách thức lớn nhất cho các nhà nghiên cứu hiện nay do tính đột ngột xuất hiện của dịch bệnh. Vì thế, Viện Công nghệ sinh học đã làm chủ được công nghệ tạo các kháng nguyên quan trọng có thể kích thích đáp ứng miễn dịch có khả năng bảo hộ với bệnh. (đã rất thành công tạo spike protein dạng trimer và oligomer có tính sinh miễn dịch cao có khả năng sản sinh kháng thể trung hòa virus gây bệnh tiêu chảy cấp trên lợn PEDV từ thực vật (nhóm Corona virus, cùng nhóm dịch bệnh Viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (SARS-CoV2). Với cách làm tương tự, các nhà khoa học Viện Công nghệ sinh học đã biểu hiện thành công dạng cấu trúc tự nhiên trimeric vùng gen S1, vùng gen tương tác thụ thể (RBD) của virus SARS CoV2 và đang nghiên cứu biểu hiện vắc xin vỏ virus (Virus-Like Particle hay VLP) và đánh giá khả năng kích thích tạo đáp ứng miễn dịch trên động vật thực nghiệm.
Đại biểu phát biểu tại hội thảo
Để cải thiện khả năng đáp ứng của hệ miễn dịch chống lại các mối đe dọa thường trực và liên tục của các chủng vi rút mới, hạt nano đã và đang mang lại một trong những giải pháp đột phá cho công nghệ sản xuất vắc xin thế hệ mới- nanovaccine. Việc ứng dụng công nghệ nano trong phát triển vắc xin dựa trên cơ sở khoa học là hầu hết các mần bệnh có kích cỡ nano giúp vắc xin nano được hệ thống miễn dịch nhận diện và xử lý hiệu quả. Kháng nguyên protein sau khi gắn lên trên hạt nano sẽ bền hơn, ổn định hơn cả in vitro lẫn in vivo. Viện Công nghệ sinh học đã rất thành công về khả năng dùng hạt nano kim cương (NDs) làm chất mang kháng nguyên vỏ virus H7N9 tái tổ hợp. Đánh giá hoạt tính kháng nguyên của protein trước và sau gắn hạt NDs cho thấy gắn hạt NDs làm tăng khả năng ngưng kết hồng cầu gà lên hơn 500 lần. Khi tiêm miễn dịch vào chuột thí nghiệm, NDs cho thấy hiệu qủa của nó trong việc làm tăng cường lượng kháng thể kháng HA/H7N9 sinh ra gấp gần 8 lần so với không sử dụng hạt. Như vậy, NDs là vật liệu nano giúp cải thiện mạnh mẽ tính kháng nguyên và khả năng đáp ứng miễn dịch đối với protein kháng nguyên tái tổ hợp .
Viện Công nghệ sinh học đã làm chủ công nghệ di truyền ngược trong chế tạo chủng giống gốc vi-rút để sản xuất vắc-xin cúm gia cầm A/H5N1. Nhóm nghiên cứu của Viện Công nghệ sinh học đã nghiên cứu thành công việc chế tạo giống vi-rút để sản xuất vắc-xin bằng công nghệ di truyền ngược, tạo ra được các chủng giống gốc vi-rút A/H5N1 IBTRG-01 (clade 1.1) và IBTRG-02 (clade 2.3.2.1c). Kết quả khoa học này đã được đăng tải trên tạp chí Vaccines. Công nghệ di truyền ngược cũng đã được các nhà khoa học trên thế giới áp dụng vào các nghiên cứu virus SARS-CoV2 với những công trình nổi bật đăng trên các tạp chí khoa học số 1 thê giới như Nature và Cell.Những kết quả này khám phá cơ chế lây nhiễm của virus trong hệ thống hô hấp của người và góp phần nghiên cứu sự tương tác giữa virus và vật chủ, từ đó đưa ra những giải pháp tốt hơn cho việc phòng/điều trị Covid-19.
HT