Đổi mới quản lý nhà nước đối với trụ sở làm việc của cơ quan hành chính nhà nước
1. Thực trạng quản lý nhà nước đối với trụ sở làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước
Hiện nay công tác quản lý tài sản công được tập trung thống nhất tại Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính. Cục Quản lý công sản đã triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2009) và những văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) hướng dẫn chi tiết thực hiện Luật này. Cụ thể là:
Trong những năm qua, Nhà nước đầu tư rất lớn cho việc xây mới, cải tạo, mở rộng trụ sở các cơ quan hành chính. Số tiền hàng năm trong cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) cho đầu tư phát triển ước khoảng 35% tổng chi; trong đó, đầu tư cho xây mới, cải tạo, duy tu sử chữa ước khoảng 20% tổng chi, ngoài ra còn chi đầu tư ngoài cân đối NSNN. Thực tế giai đoạn này có rất nhiều tỉnh, thành phố đang trong giai đoạn xây dựng cơ sở vật chất do chia tách, sáp nhập. Thông qua số tiền đầu tư này, trụ sở làm việc trong các cơ quan hành chính ở địa phương đã có chất lượng tốt hơn, phục vụ tích cực cho cơ quan hành chính hoạt động hiệu quả.
Tại thời điểm kiểm kê năm 1998, có 113.822 ha đất và nhà trên đất chiếm 51,5% diện tích cơ quan hành chính nhà nước (HCNN) quản lý được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất. Sau khi Nghị định số 14/1998/NĐ-CP về quản lý trụ sở các cơ quan hành chính ban hành, ngành Tài chính đã triển khai đăng ký trụ sở làm việc hiện có, trên cơ sở đó cấp giấy chứng nhận quyền quản lý và sử dụng trụ sở làm việc. Trong quá trình triển khai, gặp rất nhiều khó khăn do trụ sở được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau với những đặc điểm lịch sử kinh tế khác nhau, đồng thời hồ sơ giấy tờ theo dõi không đầy đủ.
Ngày 24/5/2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 80/2001/QĐ-TTg về việc xử lý sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Quyết định này làm thí điểm để rút kinh nghiệm triển khai đồng loạt ở các tỉnh khác. Qua bốn năm triển khai, đến cuối năm 2005, Bộ Tài chính quyết định thí điểm phê duyệt phương án xử lý sắp xếp 51 cơ sở nhà đất thuộc 32 đơn vị của thành phố. UBND TP. Hồ Chí Minh đã quyết định phê duyệt phương án xử lý, sắp xếp 514 cơ sở nhà đất của 102 đơn vị thuộc thành phố quản lý. Tổng số tiền thu được từ bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất là 5.846 tỷ đồng. Từ kết quả triển khai tại TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng đã cho phép áp dụng cho các địa phương khác như Lào Cai, Hậu Giang, Cần Thơ… và là cơ sở để Thủ tướng ra Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007. Theo đó, các cơ quan hành chính trực tiếp quản lý, sử dụng trụ sở làm việc có trách nhiệm: thực hiện quản lý, sử dụng trụ sở làm việc theo đúng quy định, tuyệt đối không được dùng trụ sở làm việc để cho thuê, sang nhượng, chia cho cán bộ, công nhân viên làm nhà ở hoặc điều chuyển cho đối tượng khác không đúng thẩm quyền. Trách nhiệm của cơ quan tài chính (Cục Quản lý công sản, Sở Tài chính các tỉnh, thành phố) chủ trì phối hợp với cơ quan kế hoạch và đầu tư, cơ quan xây dựng và các cơ quan liên quan xác định nhu cầu đầu tư xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa trụ sở làm việc của cơ quan hành chính để làm căn cứ cho các cơ quan có thẩm quyền lập và phê duyệt dự án đầu tư theo đúng quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng.
2. Hạn chế và nguyên nhân
a. Một số hạn chế trong quản lý đối với trụ sở làm việc trong các cơ quan HCNN hiện nay.
- Hiện tại, Cục Quản lý công sản chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu và phần mềm theo dõi về trụ sở làm việc trong các cơ quan HCNN. Cục Quản lý công sản không nắm bắt được tổng thể tình hình biến động tài sản nhà nước (TSNN) là trụ sở, đất do cơ quan hành chính quản lý biến động như thế nào.
Gần đây một số cơ quan hành chính có điều kiện đã tiến hành hiện đại hóa trụ sở làm việc, tuy nhiên lại chưa có bước đi cụ thể, thiếu tính đồng bộ và chuẩn hóa, chưa phù hợp với yêu cầu, điều kiện làm việc của cán bộ, công chức và trình độ tổ chức lao động trong cơ quan.
- Các cơ quan hành chính trực tiếp quản lý và các cơ quan chủ quản chưa tuân thủ đúng chính sách, chế độ quản lý trụ sở làm việc; chưa báo cáo kịp thời, thậm chí một số đơn vị không báo cáo về thực trạng TSNN là trụ sở làm việc theo đúng chế độ; việc đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng không qua thẩm định của cơ quan tài chính về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc dẫn đến xây dựng, mở rộng trụ sở làm việc vượt quá tiêu chuẩn cho phép; có đơn vị sử dụng sai mục đích, sử dụng để kinh doanh dịch vụ; có đơn vị tự ý tiến hành phá dỡ nhà, vật kiến trúc không có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền…
Công tác quản lý tài sản công tại cấp cơ sở bị coi nhẹ dẫn đến sự lãng phí và buông lỏng quản lý. Có nhiều cơ quan HCNN không có đủ diện tích làm việc nhưng nhiều cơ quan khác thì lại cho thuê, cho mượn. Quỹ nhà đất của cơ quan HCNN không được quản lý, hiệu quả không cao. Trong khi đó, một số nước áp dụng rất hiệu quả mô hình hợp tác giữa nhà nước và tư nhân hay mô hình quản lý theo giá cả và cơ chế thị trường bằng một doanh nghiệp đặc biệt.
- Hệ thống chính sách chế độ quản lý TSNN là trụ sở làm việc còn thiếu, chưa thống nhất, chưa đồng bộ; các chính sách, chế độ đã ban hành thì còn nhiều bất cập và hiệu lực thi hành chưa cao; trong khi đó, có nhiều cơ quan hành chính sử dụng lãng phí quỹ đất và nhà, công suất và công năng của trụ sở làm việc không được sử dụng tốt nhất.
- Việc xây dựng chế độ quản lý TSNN là trụ sở làm việc cũng như tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc còn chậm và chưa thực sự gắn với thực tế.
- Chưa có hệ thống đòn bẩy nhằm nâng cao hiệu quả thực thi chính sách: chính sách xử lý, sắp xếp trụ sở làm việc tại khu vực hành chính nhằm rút ra quỹ nhà đất dôi dư để kiến nghị bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tạo vốn đầu tư xây dựng mới, cải tạo trụ sở chỉ mới được thực hiện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và một số bộ, ngành, địa phương như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Lào Cai, Hòa Bình, Cần Thơ, Hậu Giang.
- Những chính sách, chế độ về quản lý TSNN là trụ sở làm việc tại khu vực hành chính bước đầu Chính phủ đã phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương được tự quyết định đầu tư, xây dựng, quản lý, thanh lý, xử lý. Tuy nhiên việc phân cấp vẫn còn bất cập.
- Một số chính sách, chế độ quan trọng chưa được ban hành, ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương hiện đại hóa trụ sở làm việc của Đảng và Nhà nước.
- Thiếu đội ngũ nhân lực lành nghề và hệ thống thiết bị và phần mềm quản lý hiệu quả.
Thực trạng tổ chức các cơ quan quản lý tài sản công cho thấy, đội ngũ nhân lực địa phương và các bộ rất mỏng, không đồng đều về trình độ. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý trụ sở làm việc nói riêng và tài sản công nói chung. Việc thiếu hẳn một hệ thống thông tin, thiết bị và phần mềm quản lý đã dẫn tới không cập nhật theo dõi kịp thời… đây chính là hạn chế lớn nhất có ảnh hưởng đến công tác quản lý.
b. Nguyên nhân của những hạn chế
Những hạn chế nêu trên đối với công tác quản lý công sở cơ quan hành chính có nhiều nguyên nhân từ khách quan cho tới chủ quan và chúng ta có thể khái quát như sau.
- Do thiếu thông tin: thông tin ở đây là thông tin thống kê về mặt định lượng của tài sản công, nên thiếu hẳn tính thuyết phục khi ra chính sách.
- Hệ thống văn bản về quản lý công sở nhà nước vừa thiếu, vừa chưa đồng bộ,quản lý tài sản công nói chung và quản lý công sở nhà nước nói riêng được điều chỉnh ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến chồng chéo như đất đai là trụ sở làm việc vừa được điều tiết bởi Luật Đất đai, vừa được điều chỉnh bởi Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
- Công tác tổ chức NSNN hiện nay tách rời giữa chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển, dẫn đến việc khai thác không hiệu quả giai đoạn đầu khi đưa trụ sở vào hoạt động.
- Các cơ quan hành chính chỉ quan tâm chủ yếu đến kinh phí, xin khinh phí mà chưa chú ý đến hiệu quả quản lý và quy trình theo quy định của pháp luật. Cụ thể là chưa gắn kết các công đoạn dự án, giải ngân và quyết toán kinh phí đầu tư, mua mới, sữa chữa.
- Chế tài xử phạt trong vi phạm QPPL về quản lý tài sản công chưa nghiêm và trong thực tiễn thì việc xử lý sai phạm chưa kiên quyết, triệt để và còn mang tính hình thức, hành chính.
- Chưa thấy hết được vai trò, quy mô, ý nghĩa của tài sản công tại các cơ quan bộ, ngành, địa phương. Một số nơi còn lợi dụng tài sản công vì mục đích nhóm hay cá nhân mà theo báo chí gần đây là “tư bản thân hữu với cơ chế hoạt động đặc biệt” (tức là chuyển dần tài sản công thành cổ phần, góp vốn rồi vào túi cá nhân quan chức, bỏ qua cấp chủ quản, báo cáo xin ý kiến trực tiếp cấp cao hơn).
3. Giải pháp đổi mới quản lý nhà nước đối với trụ sở làm việc của cơ quan hành chính nhà nước.
a. Mục tiêu chiến lược đổi mới quản lý tài sản nhà nướclà trụ sở làm việc trong hai thập kỷ đầu thế kỷ XXI của nước ta như sau:
Thứ nhất, cần nắm chắc về số lượng trụ sở làm việc, bao gồm cả bất động sản công của cơ quan hành chính nói riêng và khu vực tài sản công nói chung, đồng thời, từng bước xây dựng cơ chế quản lý trụ sở làm việc khu vực này gắn với chính sách đất đai; trong đó cần có cơ chế quản lý hiệu quả tiết kiệm, hợp lý tài sản nhà nước là trụ sở cơ quan hành chính, đất công sở.
Thứ hai, Luật Quản lý tài sản côngcần triển khai rộng khắp theo tinh thần đổi mới hướng đến chuẩn mực chung của hội nhập, trên cơ sở đó có biện pháp quản lý phù hợp, khai thác cao nhất nguồn lực từ tài sản công là trụ sở làm việc và khẳng định uy quyền cơ quan hành chính, phục vụ công tác quản lý nhà nước gắn với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
b. Giải pháp
- Kiện toàn bộ máy cơ quan quản lý tài sản công là trụ sở làm việc các cấp.
Để làm tốt công tác quản lý, cần có sự phân định rõ chức năng, nhiệm vụ các cơ quan tham gia và được tổ chức chặt chẽ theo ngành dọc về chuyên môn với những yêu cầu sau:
Rà soát phân định rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý tài sản công nói chung, trụ sở làm việc nói riêng giữa Bộ Tài chính với các bộ, ngành trực tiếp quản lý tài sản; giữa các bộ, ngành và Bộ Tài chính với các địa phương.
Củng cố và tăng cường bộ máy làm công tác quản lý tài sản công tại các bộ, ngành, tổ chức ở trung ương, các Sở Tài chính theo hướng thống nhất vào một đầu mối; cần duy trì mô hình phòng quản lý công sản thuộc Sở Tài chính. Riêng một số thành phố trực thuộc trung ương và địa phương có số lượng tài sản lớn như thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Kiên Giang… thành lập Chi cục quản lý công sản trực thuộc Sở Tài chính để quản lý tài sản công.
- Nâng cao trình độ cán bộ quản lý tài sản công nói chung và quản lý trụ sở làm việc nói riêng.
Để làm tốt những nhiệm vụ yêu cầu quản lý, đảm bảo ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong quản lý thì đào tạo đội ngũ chuyên gia cho công tác quản lý tài sản công là việc làm cần thiết và đòi hỏi cấp bách. Nhiều cơ quan còn quan niệm bất động sản công là một lợi ích miễn phí. Để khắc phục quan niệm này cần làm rõ mối quan hệ cải cách kế toán và quản lý tài sản công là trụ sở làm việc của cơ quan hành chính.
- Tăng cường vai trò giám sát, kiểm tra đối với việc quản lý tài sản công là trụ sở làm việc tại khu vực hành chính.
Công tác kiểm tra số lượng trình độ nhân lực cho công tác thanh tra và hệ thống văn bản QPPL phục vụ thanh tra, cũng như công tác tổ chức phối hợp công tác với các ngành cần được quan tâm và đẩy mạnh. Công tác thanh tra để phát hiện những hạn chế vướng mắc, chồng chéo của các văn bản thực hiện và việc đánh giá thực trạng sử dụng và quản lý trụ sở làm việc của Nhà nước cũng được kiện toàn.
- Khảo sát kinh nghiệm nước ngoài và hợp tác quốc tế trong quản lý tài sản công là trụ sở làm việc.
Thiết lập và đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế trong quản lý trụ sở làm việc là cần thiết trên cơ sở những kinh nghiệm tiên tiến về quản lý trụ sở làm việc ở một số nước. Tổ chức một số hội thảo khoa học với các chuyên đề đưa ra một số nội dung có thể áp dụng phù hợp với yêu cầu và thực tiễn của việc quản lý trụ sở làm việc ở Việt Nam trong thời gian tới như thành lập tổng công ty dạng đặc biệt mà các nước trên thế giới đã làm-tổng công ty đầu tư và kinh doanh bất động sản. Tổng công ty này có nhiệm vụ đầu tư xây dựng và quản lý trụ sở làm việc. Các cơ quan hành chính địa phương hay cấp trực thuộc trung ương tùy thuộc vào nhu cầu của mình sẽ đi thuê trụ sở làm việc từ doanh nghiệp này./.