Đổi mới công nghệ: yêu cầu tất yếu khi hội nhập
Khoa học và công nghệ có vai trò ngày càng to lớn để tăng trưởng kinh tế. Nếu quá trình tích luỹ, đầu tư mở rộng qui mô sản xuất được coi là tái sản xuất theo chiều rộng thì phát triển khoa học và công nghệ được gọi là quá trình tái sản xuất mở rộng theo chiều sâu. Trong nền kinh tế toàn cầu, chỉ số cạnh tranh của nước ta năm 2004 đứng thứ 77 trong số 104 nước được xếp hạng; với mức độ này, đóng góp của khoa học và công nghệ vào tăng trưởng kinh tế còn nhiều hạn chế. Theo tiêu chí đầu tư R&D bình quân trên cán bộ nghiên cứu, Việt Nam thấp hơn Thái Lan 4 lần, Trung Quốc 7 lần, 8 lần so với Malaixia và 26 lần so với Singapo. Đáng lưu ý là đầu tư R&D của khu vực ngoài Nhà nước đang còn quá thấp, mới đạt khoảng 19% trong khi mức độ này ở Trung Quốc là 45%, Malaixia 60% và Nhật Bản đạt trên 72%. Tính trung bình, các doanh nghiệp ở Việt Nam mới đầu tư chừng 0,03% doanh thu cho hoạt động khoa học và công nghệ (thấp hơn 100 lần bình quân chung của các nước công nghiệp phát triển). Có thể vì chính sách đầu tư và tổ chức quản lý chưa phù hợp nên số lượng bằng phát minh, sáng chế bình quân đầu người ở Việt Nam mới chỉ bằng 9% Trung Quốc, 1% so với Singapo và trong áp dụng công nghệ, tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu có sử dụng công nghệ cao mới đạt 8,2% (tỷ lệ này ở Malaixia là 67%, Thái Lan 39% và Philipin đã vượt 33%...).
Theo đánh giá của giới nghiên cứu, trình độ công nghệ trong nền kinh tế nước ta còn thấp, lạc hậu 3,4 thế hệ so với những nước công nghiệp phát triển, đứng thứ 92 trong số 104 nước được điều tra (WEF 2004) và thấp thua Thái Lan 49 bậc. Đáng buồn là tình trạng này trước thềm hội nhập WTO chưa được cải thiện mà lại có chiều hướng suy giảm. Kết quả phân tích trên 41.000 doanh nghiệp ở 30 tỉnh, thành phố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cuối năm 2005 cho biết, rất ít doanh nghiệp quan tâm đến thông tin về khoa học và công nghệ, chỉ có khoảng 8% doanh nghiệp đạt được trình độ tiên tiến (phần lớn là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Mặc dù còn yếu về công nghệ, nhưng chỉ có 5,6% doanh nghiệp điều tra có nhu cầu đào tạo. Trong số này, mong muốn được các nhà nghiên cứu và tư vấn đào tạo chỉ chiếm 15,2%.
Cuộc điều tra trên 7.850 doanh nghiệp công nghiệp của Tổng cục Thống kê trong năm 2005 cũng cho thấy, chỉ có 3,86% trong số 293 doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ, tỷ lệ này sút giảm gần 2 lần so với kỳ điều tra của năm 2002 (chiếm 6,14%). Mặc dù chế biến là ngành được khuyến khích mạnh mẽ, nhưng chỉ có 38 doanh nghiệp sản xuất thực phẩm và đồ uống (chiếm 3,4% số doanh nghiệp) đầu tư vào khoa học và công nghệ. Nhu cầu đổi mới công nghệ trong công nghiệp là một tất yếu khách quan để cơ cấu lại hệ thống công nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa; từ kết quả thống kê, các nhà phân tích cho rằng, đây là một hiện tượng đáng báo động để có giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào đổi mới công nghệ.
Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế thế giới mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra cho đất nước ta nhiều khó khăn cần phải vượt qua. Với lợi thế của nước đi sau, khoa học và công nghệ nước nhà có thể tiếp thu chọn lọc để thích nghi và làm chủ những công nghệ cần thiết mà chưa cần đổ nhiều tiền vốn và công sức vào nghiên cứu phát minh ở giai đoạn đầu tăng trưởng.
Thực tế công nghiệp hóa đã chỉ ra, hiệu quả kỹ thuật của khu vực công nghiệp đang còn hạn chế; điều này gợi ra cho khoa học và công nghệ nước nhà nhiều cơ hội để tăng năng suất lao động bằng nâng cao hiệu quả kỹ thuật công nghiệp, đó cũng là thời cơ để khoa học và công nghệ có những đóng góp thiết thực vào tăng trưởng kinh tế.
Nguồn: Khoa học & Phát triển