Đổi mới công nghệ nhưng chưa tích cực
Nhìn chung, việc đổi mới công nghệ ở các DN thường chỉ diễn ra theo kiểu: đi mua máy móc, thiết bị mới về và đi học để nắm các thao tác cần thiết nhằm vận hành các máy móc, thiết bị đó. Tức là hầu như không có những nghiên cứu bên trong để cải tiến, phát triển các công nghệ... Đổi mới công nghệ được tiến hành khá bị động theo sức ép của thị trường, của sản phẩm. Khi khách hàng đến đặt hàng, mặt hàng mới đòi hỏi công nghệ mới, do đó phải nhanh chóng đi tìm công nghệ mới. Đó là chưa kể, còn có cả những trường hợp đổi mới công nghệ diễn ra do gợi ý “cho tiền” từ trên và khi ấy, đổi mới công nghệ chỉ là một “hành vi giải ngân”...
Nếu chia đổi mới công nghệ thành hai loại, loại đổi mới công nghệ mang tính tiêu cực (với đặc điểm: thụ động tiến hành đổi mới, chỉ tiếp nhận những gì có sẵn và không phát triển) và đổi mới công nghệ tích cực (với đặc điểm: chủ động đổi mới công nghệ, có cải tiến và phát triển công nghệ nhập từ bên ngoài, tự mình tạo ra và tham gia chuyển giao công nghệ cho nơi khác), thì cơ bản, phải xếp các DN Việt Nam vào loại đổi mới công nghệ tiêu cực.
Như vậy, có thể khái quát tình hình đổi mới công nghệ trong các DN Việt Nam là: một phần các DN chưa tích cực đổi mới công nghệ và phần lớn các DN chưa tiến hành đổi mới công nghệ một cách tích cực. Và có lẽ, hạn chế trong đổi mới công nghệ chính là một trong những lý do cơ bản giải thích cho tình cảnh trình độ công nghệ không cao, chủng loại sản phẩm nghèo nàn, khả năng xuất khẩu thấp của các DN Việt Nam hiện nay.
Có rất nhiều nguyên nhân làm hạn chế hoạt động đổi mới công nghệ của các DN, tiêu biểu là: nhận thức về thách thức của hội nhập của các DN còn chưa đầy đủ; trình độ của đội ngũ lao động của DN còn thấp; thiếu vốn; thiếu thông tin về công nghệ... Theo phản ánh của các DN, nhân lực để tiếp nhận, lắp đặt, vận hành công nghệ thì có, nhưng nhân lực để khai thác triệt để, nâng cao thì quá hiếm. Còn thiếu vốn, đối với các DN, đó là “bệnh kinh niên”. Vay ngân hàng là không dễ, mà nếu có vay được thì cũng phải trả sớm, trước khi công nghệ mới phát huy tác dụng... Thiếu thông tin, khiến không ít DN buộc phải dấn thân vào cuộc phiêu lưu kiểu “bịt mắt bắt dê”, do vậy, nhiều khi chất lượng công nghệ nhập về không đảm bảo chất lượng.
Đấy là chưa kể, so với các DN ngoài quốc doanh, DN quốc doanh còn chịu nhiều trở ngại hơn nhiều trong đổi mới công nghệ. Thủ tục xét duyệt các dự án đổi mới công nghệ quá phức tạp, phiền toái, qua nhiều “cửa” và nhiều “cầu”. Không chỉ khi sử dụng nguồn vốn của Nhà nước, mà cả với nguồn vốn đi vay ngân hàng, DN cũng vẫn phải trải qua các trình tự tái thẩm định của các cơ quan nhà nước (mặc dù đã có thẩm định đầu tư của ngân hàng). Hậu quả của sự phức tạp, phiền toái này là vừa làm nản lòng DN, vừa kéo dài thời gian, làm mất cơ hội kinh doanh của DN. Bên cạnh đó, để công nghệ mới phát huy tác dụng thì cần có thời gian, phải bỏ tiền ra quảng cáo sản phẩm mới... Tuy nhiên, với quy định giám đốc DN nhà nước phải từ chức nếu để đơn vị lỗ hai năm, thì các giám đốc ít dám mạo hiểm tiến hành đổi mới công nghệ...
Đổi mới công nghệ có ý nghĩa quyết định tới khả năng cạnh tranh của mỗi DN và của cả nền kinh tế. Không hề sai khi khẳng định rằng, muốn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, muốn hội nhập thì trước hết phải bắt đầu từ đổi mới công nghệ ở các DN. Bởi vậy, những lực cản đối với đổi mới công nghệ cần được sớm quan tâm tháo gỡ.
Nguồn: vir.com.vn 24/03/2006