Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
Ngày 24/11, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Hóa học Việt Nam tổ chức Hội thảo “Việc thực hiện Nghị quyết số 29-NĐ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, TSKH Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, trước năm 2013, ngành giáo dục và đào tạo nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng chất lượng, hiệu quả vẫn chưa đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Vì vậy, ngày 4/11/2013, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW (Nghị quyết 29) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
TSKH Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo
Có thể nói, Nghị quyết 29 như một luồng gió mới thổi vào nền giáo dục – đào tạo đang còn rất nhiều tồn tại, bất cập, trì trệ, kìm hãm sự phát triển để mở ra một hướng đổi mới toàn diện cho hệ thống giáo dục đào tạo Việt Nam.
Đến nay, sau nhiều năm thực hiện Nghị quyết 29, sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước ta bước đầu đã tạo được chuyển biến căn bản về chất lượng. Tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn như trình độ và chất lượng giáo viên? Chế độ, chính sách đối với giáo viên, kể cả với những người làm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Việc đầu tư cho giáo dục đào tạo, công tác xã hội hóa giáo dục? Việc đào tạo gắn với quy hoạch và phát triển nguồn nhân lực như thế nào? Các giải pháp, kiến nghị về việc đổi mới toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục trong thời gian tới.
PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ - Nguyên Phó trưởng Ban Khoa giáo Trung ương
Theo ý kiến của PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ - Nguyên Phó Ban Khoa giáo Trung ương cho biết, sau nhiều năm thực hiện, Nghị quyết số 29-NQ/TW được triển khai tích cực, các nhiệm vụ và giải pháp được tiến hành khá đồng bộ, đạt kết quả quan trọng.
Theo PGS Vỳ cần đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.
Chỉ đạo tốt việc biên soạn và triển khai sách giáo khoa phổ thông mới. Hoàn thiện nội dung và ổn định phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia.
Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; bảo đảm các điều kiện cơ bản để thực hiện tốt chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Hoàn thiện và thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với nhà giáo và sinh viên các trường sư phạm, nhất là chính sách tiền lương.
Ưu tiên nguồn tài chính cho giáo dục, bảo đảm đủ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; Đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, coi trọng quản lý chất lượng, gắn trách nhiệm quản lý chuyên môn với quản lý nhân sự và tài chính. Tăng cường quản lý các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài và các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài.
Nâng cao hiệu quả đầu tư đối với công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáo dục, gắn kết chặt chẽ nghiên cứu khoa học với đào tạo, phục vụ sản xuất…
GS.TS Đinh Quang Báo – Đại học Sư phạm Hà Nội
GS.TS Đinh Quang Báo – Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, cần thu hút người giỏi, giỏi nhất vào sư phạm để đào tạo thành giáo viên giỏi bằng cách khảo sát, quy hoạch lại số lượng, cơ cấu các loại giáo viên phổ thông để xác định, điều chỉnh cân bằng cung – cầu.
Khi cân bằng cung cầu được thiết lập thì các trường sư phạm không phải gồng mình chạy theo số lượng sẽ có điều kiện đổi mới phương thức đào tạo theo tiếp cận gắn đào tạo với thực tiễn tác nghiệp tại nhà trường phổ thông cả trong giai đoạn đào tạo ban đầu, giai đoạn hành nghề ở phổ thôn. Cân bằng cung cầu sẽ có điều kiện đầu tư cao hơn cho suất đào tạo mỗi sinh viên sư phạm.
Cần phải quán triệt điều này, nếu không việc giảm chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm lại là thảm họa thiếu kinh phí cho các cơ sở đào tạo giáo viên.
Quy hoạch lại mạng lưới sư phạm để xây dựng các cơ sở đào tạo giáo viên với qui mô đảm bảo đào tạo chất lượng cao mọi chuyên ngàn, mọi trình độ đào tạo, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học nhờ có đủ số lượng cơ cấu và chất lượng ngũ giảng viên. Sư phạm là máy cái của máy cái nên nếu có đầu vào tốt, mô hình sư phạm tiên tiến tất yếu sẽ có đầu ra giỏi bổ sung, thay thế, cải tạo đội ngũ giáo viên.
Tại hội thảo, các chuyên gia và các nhà khoa học đã trao đổi, đưa ra nhiều ý kiến, cũng như các giải pháp và kiến nghị như có biện pháp mạnh mẽ, toàn diện và hiệu quả hơn để quán triệt trong toàn Đảng và toàn dân quan điểm giáo dục đào tạo cùng với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu.
Huy động đông đảo hơn các nhà khoa học của đất nước đóng góp vào việc phát hiện một số hạn chế của nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới đã được chỉ ra và sẽ còn được chỉ ra, đề xuất cách khắc phục như đã làm với môn học lịch sử, huy động các nhà giáo đóng góp những biện pháp để thực hiện tốt chương trình phổ thông mới.
Đề xuất những biện pháp cụ thể hơn về tăng cường dạy người thông qua dạy chữ và dạy nghề. Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị đạo đức. Hoàn thiện nội dung và phương pháp giáo dục phẩm chất đạo đức và phát triển năng lực cho học sinh sinh viên. Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Phát động trong toàn quốc phong trào thi đua đổi mới sáng tạo trong nội dung, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục phẩm chất đạo đức và phát triển năng lực học sinh sinh viên thông qua các môn học và các hoạt động tập thể.
Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Coi trọng hơn thực hành, kĩ năng xã hội, kĩ năng sống và khả năng tự học, khả năng sáng tạo. Thí điểm và mở rộng việc phối hợp nghiên cứu khoa học ở các cơ quan nghiên cứu khoa học với các đơn vị đào tạo ở các trường phổ thông, đại học và dạy nghề. Có chính sách đột phá phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
Đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Hoàn thiện chính sách tôn vinh, đãi ngộ người tài nói chung và người tài trong nhà giáo nói riêng.