Độc đáo sản phẩm máy bơm chìm thương hiệu Việt Nam
Đây là sản phẩm không những phục vụ tốt yêu cầu sản xuất, sinh hoạt mà còn có giá thành thấp, độ bền cao hơn nhiều so với các chủng loại máy bơm nhập ngoại có cùng công suất. Người tạo ra máy bơm chìm thương hiệu Việt này chính là anh Nguyễn Đăng Phong, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất bơm chìm Đăng Phong, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Anh Nguyễn Đăng Phong, sinh năm 1963, tại Sơn La; năm 1977, theo gia đình vào Đắk Lắk lập nghiệp. Ngay từ nhỏ, cậu bé Đăng Phong đã có niềm đam mê với máy móc cơ khí. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh đã thi ngay vào Khoa Cơ khí Trường Đại học Nha Trang.
Trong những năm học đại học, ngoài việc tập trung học tập, anh còn tranh thủ làm thêm như sửa chữa các trang thiết bị điện, động cơ… ở các tiệm cơ khí trên địa bàn thành phố Nha Trang để tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm về các quy trình sản xuất động cơ.
Tốt nghiệp đại học, về công tác tại nhà máy sản xuất nước đá có tên tuổi tại tỉnh Đắk Lắk, nhưng kỹ sư Nguyễn Đăng Phong vẫn thấy không phù hợp với mình. Năm 1991, anh quyết định rời công chức Nhà nước ra thành lập doanh nghiệp sửa chữa điện cơ-điện lạnh. Sau một thời gian, công ty đã “ăn nên làm ra” và được đổi tên thành Công ty sản xuất bơm chìm Đăng Phong do chính anh làm giám đốc.
Qua khảo sát, kỹ sư Nguyễn Đăng Phong nhận thấy, phần lớn người dân tỉnh Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung thường sử dụng các loại máy bơm đưa xuống sát mặt nước của giếng đào để hút nước bơm tưới cây, phục vụ sinh hoạt. Việc làm này tốn rất nhiều sức lao động (vì phải đưa máy lên, xuống tùy mức nước), lại mất an toàn, sơ ý máy bị ngập nước là bị cháy. Nếu để loại máy bơm này trên thành giếng, không thể hút nước ở độ sâu quá 10m do có những hạn chế về mặt kỹ thuật.
Từ thực tế đó, kỹ sư Nguyễn Đăng Phong đã có ý tưởng chế tạo ra loại máy bơm chìm, thả xuống nước, giúp đồng bào đỡ khổ, lại an toàn cho người sử dụng. Ngay sau đó, anh đã bắt tay vào tính toán, đo, vẽ. Trên cơ sở tính toán, anh đã xác định được cốt lõi của bơm chìm là kỹ thuật cột áp âm giúp không phải hút mà chỉ phụ thuộc vào công thức đẩy.
Từ kết quả nghiên cứu trên, kỹ sư Nguyễn Đăng Phong đã sản xuất thành công máy bơm chìm công suất nhỏ, với thương hiệu DAPHOVINA ra đời. Sản phẩm này có lợi thế là thả chìm dưới nước không bị cháy máy, nhưng lại có giá thành cao và mau hỏng vỏ. Nguyên nhân là do vật liệu bằng nhôm dễ bị ăn mòn ở những vùng nước có độ PH cao hoặc thấp.
Sau 3 năm thay đổi thiết kế, vật liệu chế tạo (từ vật liệu nhôm sang vật liệu inox), máy bơm đã không bị ăn mòn trong các vùng nước mặn, hay vùng nước có độ PH không bình thường với giá thành rẻ, chất lượng cao và mẫu mã đẹp hơn. Ba năm gần đây, cơ sở sản xuất máy bơm nước chìm của kỹ sư Đăng Phong đã sản xuất trên 200.000 sản phẩm các loại, không những được tiêu thụ rộng rãi khắp trong cả nước mà còn xuất khẩu sang các nước bạn Lào, Campuchia. Sản phẩm máy bơm chìm Đăng Phong còn được bảo hành miễn phí từ 1 đến 2 năm.
Theo kỹ sư Nguyễn Đăng Phong, máy bơm chìm được đông đảo người tiêu dùng trong và người nước chấp nhận vì thỏa mãn được các yêu cầu từ thực tiễn sản xuất nông nghiệp mà máy bơm nhập ngoại không đáp ứng được.
Cụ thể, máy bơm chìm của đơn vị có thể bơm nước ở độ sâu trên 100m và đẩy đi xa khoảng 500m bất chấp mọi địa hình đồi dốc, rất thích hợp cho các nông hộ sản xuất kinh doanh càphê. Trong khi đó, giá các loại máy bơm tưới chế tạo tại Đắk Lắk lại thấp hơn từ 3 đến 5 lần so với máy bơm tưới cùng loại do nước ngoài sản xuất.
Một chiếc máy bơm chìm loại 3 pha, 5 mã lực, cột áp cao 55m, lưu lượng nước 20 m3/giờ, có giá bán lẻ chỉ khoảng 3 triệu đồng. Trong khi đó bơm cùng loại do nước ngoài sản xuất có giá thành lên đến 14 đến 15 triệu đồng/chiếc.
Hay máy bơm chìm loại 20 mã lực có cột áp cao 120m, đẩy xa 600m, độ phun 8m do Công ty sản xuất có giá thành khoảng 30 triệu đồng, nhưng máy nhập ngoại có cùng các tính năng lại có giá cao khoảng 450 triệu đồng…
Kỹ sư Nguyễn Đăng Phong cũng cho biết thêm, các sản phẩm bơm chìm của đơn vị đã được đăng ký bản quyền nhãn hiệu, được cấp bằng bảo hộ độc quyền về kiểu dáng công nghiệp cho sản phẩm bơm chìm DAPHOVINA.
Ngoài ra, kỹ sư Nguyễn Đăng Phong và Trường Đại học Hải sản Nha Trang đang có kế hoạch nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ cán gân tăng cứng để sản xuất vỏ tàu hai lớp… nhằm phục vụ tốt cho bà con ngư dân đánh bắt cá xa bờ, mang lại hiệu quả kinh tế cao./.