Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ bảy, 04/11/2006 15:19 (GMT+7)

“Điều khó nhất là vượt lên chính bản thân mình!”

Có lẽ chẳng có ai ở vùng quê nghèo thuộc huyện Núi Thành, Quảng Namlại có thể nghĩ rằng: có một ngày đứa con gái của một gia đình bần nông ở xã Tam Nghĩa có thể trở thành một vị giáo sư - tiến sĩ đầu ngành Ký sinh trùng của Việt Nam . Cuộc sống nghèo khó, gian nan, thiếu thốn đủ đường... vẫn không khiến cô bé Lê từ bỏ tình yêu với thiên nhiên, cây cỏ - một tình yêu mộc mạc và mạnh mẽ, đủ giúp cô vượt lên bao khó khăn, vượt lên bao bạn bè cùng lứa để tiến bước trên đường đời. Tốt nghiệp xuất sắc khoa Sinh vật thuộc trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, chuyên ngành Thực vật, cô con gái của vùng đất Quảng Nam Nguyễn Thị Lê được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. Trong những năm tháng làm thực tập sinh tại Viện Thú y Matxcơva và nghiên cứu sinh tại Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, cô bắt đầu nghiên cứu sâu về Ký sinh trùng học – giun sán học, một ngành học đòi hỏi những nghiên cứu bền bỉ, lặng thầm. Cô gái nhà nghèo ở một vùng quê nghèo đã làm nức lòng cha mẹ và người thân khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngay tại Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô danh tiếng (năm 1980). Cùng với chồng là GS. TSKH Phan Phải (một nhà tạo giống nổi tiếng ở Việt Nam , người luôn ủng hộ, động viên, chia sẻ với vợ mọi buồn vui) và một cô con gái dễ thương, Giáo sư Lê đã có được một gia đình khoa học thật sự hạnh phúc. Những lúc thay nhau trông con để vợ hay chồng đi công tác, những khi cùng nhau “gỡ rối” bao thách thức trong công việc và cả những khó khăn không nhỏ của đời thường... cũng là lúc gia đình nhỏ ấy càng trở nên gắn kết. Cuộc sống tuy hạn hẹp về kinh tế nhưng lại đầy ắp ước mơ khi cả hai vợ chồng cùng chung tay góp sức vì một tương lai tốt đẹp hơn của nền khoa học nước nhà. Nhưng rồi số phận cướp ông đi một cách đột ngột, để bà choáng váng trước nỗi đau quá lớn và một gánh gia đình nặng chừng quá sức. Vừa làm mẹ, vừa làm cha, vừa nuôi con bằng đồng lương hạn hẹp, vừa làm khoa học một cách nghiêm túc... dường như chính bà cũng không bao giờ nghĩ mình có đủ sức mạnh để làm được nhiều việc như thế và trọn vẹn như thế! Sau khi ông mất, bà tiếp tục thành công trong khoa học với Giải thưởng Kavalevskaia và hàng chục công trình; sau khi ông mất, bà nuôi dạy con nên người – trở thành một thạc sĩ kinh tế có trái tim biết yêu thương, chia sẻ... Nhiều người ngạc nhiên trước tài năng và nghị lực của bà, nhưng chỉ bà là hiểu mình đã suy sụp đến thế nào trước thách thức quá lớn của số phận. Thực ra, phải mất khá lâu thời gian sau sự ra đi của chồng, bà mới có thể tìm được cách để tập sống cân bằng về mặt tinh thần. Một thời gian khá dài, bà đắm chìm trong nỗi đau tưởng chừng không vượt ra nổi... và chỉ khi ý nghĩ “mình vẫn phải tiếp tục sống và làm việc, nghiên cứu sao cho xứng đáng với người đã khuất” chợt đến thì bà mới có đủ sức mạnh để đứng dậy và bước tiếp. Để không phụ lòng tin của chồng và con gái, bà miệt mài nghiên cứu và viết sách. Giải thưởng Kovalevskaia dành cho nhà khoa học nữ xuất sắc nhất năm 1993 như ngầm đánh dấu sự “trở lại” của bà. Rồi những cuốn sách nối nhau ra đời mang lại cho sinh viên và nghiên cứu sinh rất nhiều kiến thức khi các thông tin luôn được bà hệ thống một cách mạch lạc, dễ hiểu, dễ nhớ. “Danh mục các loài sán lá - ký sinh ở chim và thú Việt Nam”, “Giun sán ký sinh ở gia súc Việt Nam”, “Giun sán ký sinh ở gia cầm Việt Nam”, “Ký sinh trùng đại cương”, “Giun sán học đại cương”, “Động vật chí Việt Nam”... là những cuốn mới nhất trong số đó. Bà viết để không phí kiến thức bao năm tích luỹ, không phí tiếng Nga khi hiện giờ các cán bộ khoa học trẻ thường tập trung vào tiếng Anh, tiếng Pháp; bà viết để học trờ có thể đỡ vất vả mỗi khi vào kỳ thi... Bà viết, nhiều cuốn không có tiền thù lao (hoặc nếu có thì cũng chỉ là rất ít), nhưng chẳng bao giờ bà lưu tâm đến điều đó, bà viết để trút nhẹ nỗi lòng, để thấy rằng mình đang có ích.

Hơn chục năm rồi, bà sắp xếp cuộc sống của mình rất khoa học, chỉn chu, như một thói quen không thể thay đổi khiến “cánh trẻ” trong Viện phải phục bà “sát đất”. Tuổi cao lên, bà tập làm cho đầu óc mình thư thái bằng cách bỏ qua những phiền toái phát sinh từ cuộc sống hàng ngày. Bà làm quen với hạnh phúc như một khái niệm không bao giờ trọn vẹn và dồn tất cả tâm sức vun đắp cho công việc và con cháu. Từ khi nghỉ hưu, không ít người mời bà làm giám đốc công ty nhưng bà đều từ chối để tập trung làm khoa học - một công việc không bao giờ mang lại nhiều tiền nhưng lại giúp tâm hồn bà thanh thản. Bà trăn trở trước thực tế nhiều cán bộ khoa học đang nghiên cứu những lĩnh vực quá hiện đại ở nước ngoài, khi học xong, về nước lại chưa đủ phương tiện vật chất để phát huy kiến thức. Bà mong mỏi những nhà hoạch định chính sách sẽ có những suy nghĩ “dài hơi” để sử dụng sinh viên, nghiên cứu sinh sau đào tạo cho có hiệu quả, tránh tình trạng “chảy máu chất xám”. Với những cán bộ trẻ có ý định xin vào Viện, bà thẳng thắn khuyên họ phải suy nghĩ thật kỹ trước khi bước vào con đường “chông gai” này. Làm cán bộ khoa học đã nghèo, làm cán bộ khoa học ở viên nghiên cứu lại càng nghèo hơn, vậy nên chỉ khi yêu thích thực sự, quyết tâm thực sự thì hãy gắn bó cả đời, nếu không dễ bị thất vọng. “Đã làm khoa học thì phải vươn lên không ngừng để phát huy khả năng, có thêm cơ hội học hỏi, giúp ích cho đất nước chứ không phải tìm một chỗ để “đứng yên”. Từ kinh nghiệm của bản thân mình, hơn ai hết bà hiểu phụ nữ làm khoa học nói riêng, muốn vươn lên trong xã hội nói chung phải cố gắng gấp đôi, ba lần so với nam giới. Làm phụ nữ đã cực, phụ nữ làm khoa học lại càng cực hơn bởi cân bằng được công việc và gia đình trước bao thử thách của cuộc sống là việc làm không đơn giản. “Cố gắng vượt bậc để vượt lên là chìa khoá thành công, trong đó vượt lên chính bản thân mình là thử thách khắt khe nhất”.

Đã hơn chục năm sau sự ra đi của chồng, mỗi khi nhắc về ông, bà vẫn không kìm được hai hàng nước mắt. Người phụ nữ đa cảm như thế, có tình yêu sâu sắc như thế mà chống chọi với số phận, vươn lên trong khoa học và nuôi dạy con thành đạt thì quả thật phi thường! Dù nắng hay mưa, ngày nào bà cũng tập thể dục rất đều, ngày nào bà cũng đến cơ quan, cũng đọc sách, suy nghĩ và cũng viết. Nồng hậu, hay cười, vẫn sung sức, hăng say với những dự định khoa học cho tương lai... vẻ bề ngoài của bà thường khiến người mới gặp nghĩ bà có một cuộc sống rất nhiều thuận lợi. Làm sao họ biết rằng sự thành đạt hôm nay là kết quả của bao tháng ngày vượt khó; sự tĩnh tâm bây giờ là khoảng lặng sau biết bao nước mắt, bao tháng ngày một mình chèo chống với nỗi đau để vượt lên chính mình? Một cuộc sống khoẻ mạnh về thể chất và cân bằng về tinh thần là những gì mà bà đã và đang phấn đấu. Và cứ mỗi ngày mới đến lại là một ngày để bà thêm cố gắng.

Nguồn: Những nhà khoa học nữ Việt Nam được giải thưởng Kovalevskaia, tr 281

Xem Thêm

An Giang: Anh nông dân truyền cảm hứng giáo dục STEM
Anh Nguyễn Ngọc Đệ - một nông dân chỉ học hết lớp 6, hiện sinh sống tại xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang - đã xuất sắc đoạt giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh An Giang lần thứ XIV (2024-2025) với giải pháp mang tên “Mô hình Hạm đội Trường Sa phục vụ giáo dục STEM”.
GS. Nguyễn Hữu Tăng trọn đời vì khoa học, nặng lòng vì đất nước
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Hữu Tăng, nguyên Phó Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, một nhà vật lý lý thuyết hàng đầu, một nhà quản lý khoa học tâm huyết đã từ trần vào rạng sáng ngày 22/6/2025, hưởng thọ 89 tuổi. Sự ra đi của ông để lại niềm tiếc thương vô hạn cho giới khoa học và các thế hệ học trò, đồng nghiệp.
Huỳnh Thúc Kháng: Ngòi bút sắc hơn trăm vạn quân
Được biết đến là một chí sĩ yêu nước, một nhà cách mạng và một chính khách đức độ, di sản rực rỡ và truyền cảm hứng bậc nhất của cụ Huỳnh Thúc Kháng còn ở sự nghiệp báo chí nơi ngòi bút được mài sắc thành vũ khí đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc. Tên Huỳnh Thúc Kháng cũng được đặt cho trường dạy viết báo đầu tiên ở nước ta.

Tin mới

Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh
Đại hội Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam (VUSTA) nhiệm kỳ 2025–2030 được tổ chức thành công vào sáng ngày 21/7. Tại Đại hội, đại diện Đoàn Thanh niên VUSTA đã có bài phát biểu chúc mừng đại hội. Bí thư Đoàn Thanh niên Lê Thị Thủy khẳng định: “Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh và luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc đổi mới đất nước”.
Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương
Hướng tới chào mừng Đại hội Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030, Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và biểu trưng (logo) Đại hội đại biểu Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 – 2030 được chính thức khởi động từ ngày 18/7/2025.
Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, tập hợp, đoàn kết trí thức KH&CN phục vụ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới
Kể từ khi Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) được thành lập ngày 26/03/1983, Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam đã trải qua 9 kỳ Đại hội, mỗi kỳ Đại hội đã thực sự trở thành những mốc son quan trọng, đánh dấu bước phát triển cả về tư duy chính trị lẫn phương thức hoạt động của toàn hệ thống.