Điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua: Người chí cốt với kỹ thuật hàng không
- Tôi sinh ra trong gia đình có nhiều điều kiện để học hành từ nhỏ. Năm 17 tuổi, sau khi tốt nghiệp Trường trung học phổ thông Việt-Đức (Hà Nội) và thi vào đại học, đủ điểm đi học tập ở nước ngoài. Nhưng theo sự hướng nghiệp của bố, tôi tình nguyện vào đào tạo tại Học viện Kỹ thuật quân sự. Sau đó, tôi được cử đi đào tạo tại Học viện Không quân Giu-cốp-xki (Liên Xô trước đây). Đó là một bước ngoặt, tôi gắn bó với ngành kỹ thuật hàng không quân sự từ đó.
Thời gian này, anh cũng rất bận rộn với công việc chế tạo máy bay siêu nhẹ VNS-41 trong kế hoạch năm 2005. Anh trở lại câu chuyện:
- Trong việc nghiên cứu lắp ráp máy bay VNS-41, từ khi triển khai nhiệm vụ do Bộ Quốc phòng giao đến khi bay thử nghiệm chỉ trong vòng vài tháng, tôi được giao chủ trì nghiên cứu thiết kế, chế tạo các hệ thống kiểm tra khách quan cho máy bay siêu nhẹ. Yêu cầu kỹ thuật đề ra cho thiết bị là phải làm việc tin cậy, ổn định, có độ bền cao. Nếu khi máy bay gặp rủi ro rơi xuống đất, bị cháy hoặc chìm trong nước, thiết bị kiểm tra khách quan đều phải lưu giữ được số liệu để làm cơ sở cho việc nghiên cứu điều tra…
Là một cán bộ khoa học kỹ thuật có nhiều kinh nghiệm, nên khi được giao đề tài nghiên cứu chế tạo thiết bị kiểm tra khách quan cho máy bay VNS-41, đại tá Quang sớm hoàn thành công trình với chất lượng cao. Kể từ khi tốt nghiệp chuyên ngành thiết bị hàng không Học viện Không quân Giu-cốp-xki về nước năm 1982, kỹ sư trẻ Vũ Hồng Quang được phân công về công tác tại nhà máy A45. Ở nhà máy, anh làm việc ở xưởng sửa chữa thiết bị đo lường hàng không, rồi làm trợ lý ban kỹ thuật nhà máy. Năm 1984, anh được chuyển về làm công tác nghiên cứu tại Viện kỹ thuật quân sự Quân chủng Phòng không-Không quân. Trong môi trường nghiên cứu của Viện, anh có điều kiện phát huy khả năng của mình. Chính tại đây, anh được tham gia dự án chế tạo máy bay cánh quạt nhỏ HN1-2 và trực tiếp thiết kế, lắp đặt thiết bị kiểm tra khách quan của máy bay. Những kinh nghiệm này đã được ứng dụng vào việc chế tạo thiết bị máy bay VNS-41. Hơn 20 năm qua, anh đã chủ trì nghiên cứu 10 đề tài khoa học kỹ thuật thuộc lĩnh vực thiết bị hàng không, trong đó có 3 đề tài cấp Bộ Quốc phòng, 2 đề tài cấp Tổng cục Kỹ thuật và 5 đề tài cấp Quân chủng Phòng không-Không quân. Anh cũng đã tham gia thực hiện nhiều đề tài thuộc các chương trình nghiên cứu trọng điểm về khoa học-công nghệ của Bộ Quốc phòng, thực hiện các nhiệm vụ kỹ thuật và dự án áp dụng tiến bộ công nghệ của Quân chủng. Các sản phẩm kỹ thuật từ các đề tài do anh chủ trì và tham gia nghiên cứu đều xuất phát từ thực tế công tác bảo đảm kỹ thuật của Quân chủng nên nhanh chóng được áp dụng, tạo hiệu quả cao. Nhiều sản phẩm và đề tài nghiên cứu của anh được nghiệm thu đánh giá xuất sắc, Bộ Quốc phòng tặng bằng khen. Riêng sản phẩm của đề tài thiết kế, chế tạo buồng tập lái máy bay MIG-21 mà anh là thành viên ban chủ nhiệm đã được Nhà nước tặng huân chương Chiến công hạng ba và đoạt giải nhì Giải thưởng sáng tạo khoa học-công nghệ Việt Nam năm 2000.
Có được những thành công trong hoạt động nghiên cứu khoa học-công nghệ là bởi anh biết tìm cách vượt qua mọi khó khăn, dám đương đầu với những vấn đề kỹ thuật phức tạp. Từ nước ngoài về công tác tại những cơ sở trong quân đội, đôi khi anh thấy nản lòng vì cơ sở vật chất kỹ thuật cho nghiên cứu rất thiếu thốn. Trong khi đó, có nhiều đồng nghiệp của anh đã rời khỏi quân đội để làm cho những công ty, cơ sở kỹ thuật thuộc ngành hàng không dân dụng và các cơ sở kinh tế khác có thu nhập rất cao. Nhưng với anh, trước sau như một, thủy chung gắn bó với ngành kỹ thuật hàng không quân sự. Ở lại thì phải đương đầu với khó khăn, nhất là khi Liên Xô tan rã, vật tư và linh kiện kỹ thuật hàng không ngày càng khan hiếm, khó mua, thế là anh và tập thể các nhà khoa học của Viện phải xoay xở, quyết tâm tạo ra sản phẩm tốt để bảo đảm kỹ thuật, hồi phục hoạt động của các khối, bảo đảm đủ trang bị máy bay phục vụ huấn luyện và SSCĐ an toàn và hiệu quả.
Thành công nổi bật trong hoạt động nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật của đại tá Vũ Hồng Quang là đã tạo ra những thiết bị kiểm tra mặt đất cho các loại máy bay. Các thiết bị này còn được áp dụng những tiến bộ khoa học-công nghệ mới như kỹ thuật vi xử lý, tự động điều khiển, ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi hoạt động, trong các quy trình làm việc, thay các linh kiện điện tử lạc hậu bằng các linh kiện bán dẫn hóa, khắc phục các phương pháp kiểm tra thủ công, bảo đảm kết quả đạt độ chính xác và tin cậy cao. Những sáng kiến kỹ thuật và thiết bị mới do anh nghiên cứu, chế tạo được áp dụng, giúp cho kíp kỹ thuật nâng cao năng suất lao động, rút từ hàng trăm bước thao tác xuống còn vài chục bước, thời gian thao tác giảm từ 3-4 giờ mỗi lần kiểm tra kỹ thuật xuống còn dưới 15 phút.
Thạc sĩ Vũ Hồng Quang tâm sự; trong quá trình nghiên cứu, anh tâm đắc nhất với đề tài nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống tự động kiểm tra trình trạng kỹ thuật và cảnh báo phi công để thay thế hệ thống ECRAN-03M trên máy bay X. Hệ thống ECRAN-03M rất quan trọng, được sử dụng để kiểm tra và thông báo lên màn hình trên buồng lái tất cả các hỏng hóc và sự cố nảy sinh của các hệ thống trong chuyến bay cũng như dưới mặt đất trong quá trình chuẩn bị trước khi bay. Thực hiện thành công đề tài này, anh đã trải qua không chỉ khó khăn về giải quyết những bài toán kỹ thuật phức tạp, thiếu thốn vật tư, linh kiện mà còn phải khắc phục khó khăn về hoàn cảnh gia đình. Thời gian này, bố anh ốm liệt giường rồi qua đời. Mẹ anh cũng đau ốm luôn. Có lần anh phải đi làm nhiệm vụ đột xuất ở miền Nam thì con trai anh phải đi viện. Nếu không có người vợ đảm đang, chị là nghệ sĩ ưu tú Ngô Kiều Ngân, đoàn trưởng đoàn ca múa Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam động viên, tạo điều kiện, chắc anh khó toàn tâm cho công việc. Gia đình, đồng nghiệp và Đảng ủy, chỉ huy Viện đã giúp đỡ anh hoàn thành đề tài, nghiệm thu đạt xuất sắc và ứng dụng hiệu quả trong thực tế.
Những thành công trong nghiên cứu và sự đóng góp khoa học của đại tá Vũ Hồng Quang đã góp phần đưa ngành kỹ thuật hàng không quân sự phát triển, bảo đảm cho lực lượng kỹ thuật Quân chủng Phòng không-Không quân làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật hàng không hiện đại. Anh đã được tập thể Viện tín nhiệm, 5 năm liền (2000-2004) được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp Quân chủng và toàn quân. Tháng 6-2005, anh vinh dự là một trong những điển hình tiên tiến của Quân chủng Phòng không-Không quân tham dự Đại hội thi đua Quyết thắng toàn quân lần thứ 7.
Nguồnwww.quandoinhandan.org.vn09/06/2005