Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 01/06/2011 21:28 (GMT+7)

Đi tìm mộ liệt sĩ nhờ năng lượng tinh thần: Thông tin từ cô giao liên năm xưa

Trong rất nhiều cách, một số gia đình đã tìm đến phương pháp giao lưu với vong linh để đi tìm mộ (áp vong) và đây cũng chính là một trong số nhữngchuyên đề được các nhà nghiên cứu tiềm năng con người thuộc Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người UIA tại số 1 - Đông Tác, Hà Nội đang theo đuổi. Bài viết được thực hiện theo nội dung thông tincung cấp từ UIA.

Lễ truy điệu trọng thể diễn ra tại Nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Lục Nam, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.

Cô Ba Điệp là ai?

Từ lúc biết được gia đình liệt sĩ Kính (bên kia sông) tìm được mộ liệt sĩ ở mãi tận trong rừng, ông Lê Huy Ân triệu tập mấy anh em lại họp gia đình bàn về việc đi tìm hài cốt em trai Lê Ngọc Bính. Nghe người mách về những khả năng đặc biệt xuất hiện tại số 1 - Đông Tác - Kim Liên, ông Ân cùng các em bàn nhau thử tìm đến để cố gắng "liên lạc" với chú ấy xem ý chú ấy thế nào, phương thức này vừa nhanh vừa tiện lợi. Cả nhà nhất trí làm ông phấn khởi ra mặt.

Ngày 15/12/2010, người em trai của liệt sĩ tới Phòng đăng ký tại số 1 - Đông Tác - Kim Liên - Đống Đa - Hà Nội. Sau khi được nghe phổ biến các nội quy cũng như thủ tục cần thiết, ông nhận được giấy hẹn - đã có ghi ngày được giao lưu vào sáng 23/12 (do gia đình thuộc diện chính sách nên được ưu tiên).

Đến hẹn, 7h sáng 5 anh em ông Ân đã có mặt tại Tam bảo (tầng 4) dâng lễ thắp hương khấn xin phép cho các vong linh nhà mình được vào phòng để giao lưu với con cháu. Do là lần đầu đi giao lưu nên gia đình ông không khỏi ngỡ ngàng khi mới đầu giờ sáng mà trong phòng giao lưu lác đác đã có gia đình vong về, "khóc lóc, nói cười, chuyện trò rôm rả" lắm. Mất gần 2 tiếng chờ đợi, vong nhà ông mới về.

Chú liệt sĩ về nhập vào cô em gái, khóc nhiều. Chú nói: "Em ở trong rừng Tây Ninh, lạnh lẽo, đau đớn lắm. Em xa quê bao nhiêu năm rồi, đưa em về với bố mẹ đi, nhanh nhé". Những người đàn ông rắn rỏi là thế, nhưng gặp em, nghe em nói, không ai cầm được nước mắt. Vong liệt sĩ còn "biết" Cảnh (em trai út) đã xây dựng gia đình, sinh được hai con gái. Liệt sĩ bùi ngùi nhắc lại ngày nhập ngũ, cô em gái mới mười ba tuổi, cả kỷ niệm tối hôm trước ngày tòng quân cùng được ngủ chung với anh cả Ân.... Liệt sĩ còn cho biết tin: "Em hy sinh vì bị sức ép của bom, có cô giao liên tốt lắm, cô ấy sẽ chỉ chỗ em nằm. Thôi, em đi đây, em lại vào Tây Ninh đây...".

Trở về nhà, các anh em lại họp bàn để định ngày đi tìm. Riêng ông Ân còn băn khoăn lắm. Lúc vong em lên nói: có cô giao liên tốt bụng, sẽ chỉ chỗ em nằm, ông lại nhớ đến trường hợp nhà liệt sĩ Kính bên kia sông. Liệt sĩ ấy đồng hương, cùng huyện nhưng khác xã (tỉnh Bắc Giang), cũng nhập ngũ năm 1965 nhưng báo tử năm 1967, còn em ông hy sinh năm 1969 (theo Giấy báo tử năm 1972).

Nhờ thông tin ngoại cảm, gia đình liệt sĩ đã tìm được cô Ba Điệp (là giao liên ở vùng ấy) chỉ cho phần mộ. Trong số hàng triệu người con miền Bắc tình nguyện vào Nam chiến đấu, có biết bao người tên Bính? Trùng cái tên là chuyện thường tình! Liệu có thể dựa vào thông tin này mà bắt đầu một chuyến xuyên rừng nữa hay không? Nhưng, không đi thì biết bao giờ mới có cơ hội đưa được em về?

Thông tin đáng tin cậy nhất từ buổi giao lưu là em trai không ở trong nghĩa trang Tây Ninh mà ở ngoài rừng, kết hợp với thông tin từ người nhà liệt sĩ Kính: có cô giao liên tên là Ba Điệp, đã chôn một liệt sĩ người miền Bắc - tên Bính. Ông Ân và chú Ất cùng cô Dậu mua vé máy bay bay vào Nam ngay ngày 25/12/2010.

Sau ngày Chủ nhật nghỉ tại nhà người em họ trong TP HCM, 4h sáng ngày thứ hai (27/12) bốn anh em (thêm một người em họ tên Quý) đi Tây Ninh. Đến nơi, lại điện cho người cháu là bộ đội biên phòng Tây Ninh đến cùng đi. 8h30’ cả đoàn đã đến Ủy ban nhân dân xã Suối Ngô. Đúng ngày làm việc đầu tuần, anh Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND ân cần, niềm nở đón tiếp và phổ biến các thủ tục thăm và bốc chuyển hài cốt liệt sĩ.

Nghe gia đình kể về trận đánh năm 1969, những thông tin về cô giao liên Ba Điệp, các anh cho mời đồng chí xã đội phó cùng một người nữa tới nhà bà Ba Điệp đưa bà đến Ủy ban. Cả đoàn vừa mừng lại vừa hồi hộp chờ đợi. Khoảng 30 phút sau, anh xã đội phó đã quay trở lại cùng bà Ba Điệp. Tuy đã ngoài 60 nhưng bà vẫn còn khỏe mạnh lắm. Tóc cắt ngắn, giọng oang oang (như giọng đàn ông), phong thái coi chúng tôi như người nhà. Bà có 4 người con đều đã trưởng thành, chồng mất cách đây đã 4 năm. Khi nghe anh em ông Ân trình bày việc đi tìm hài cốt em là liệt sĩ, có thông tin về việc bà từng chôn cất liệt sĩ tên Bính, người miền Bắc, bà bảo:

- Trời đất, hơn 40 năm rồi, tôi cũng nhớ mang máng vậy thôi.

Anh Cảnh nhanh nhẹn đưa tấm ảnh của anh Bính ra để bà xem, may ra thì nhận được mặt, nhưng bà xua tay nói:

- Chịu thôi, tôi nhớ sao nổi. Tôi làm giao liên từ lúc bé, đưa đón bộ đội, cũng có chôn cất cho một liệt sĩ tên Bính, người miền Bắc - ấy là người cùng đội cho biết tên và quê quán vậy, thấy nói đơn vị cũng có đánh dấu bằng lọ penicilin gì đó. Chứ tôi có được trò chuyện với anh Bính đâu mà biết nhiều!

Nói vậy nhưng bà vẫn nheo mắt nhìn tấm ảnh khi anh Cảnh đưa, nhưng bà lắc đầu nói không thể nhớ mặt ai với ai. Mấy anh em tràn trề hy vọng khi nghe bà kể "có chôn liệt sĩ tên Bính, người miền Bắc", anh em ông khẩn thiết trình bày với các anh bên chính quyền: cho phép bà Ba Điệp dẫn vào khu vực chôn cất liệt sĩ, xin phép được khai quật. Nếu tìm được bằng chứng tin cậy thì xin nhận hài cốt, còn không, thì coi như gia đình cùng chính quyền thực hiện nghĩa cử "đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn" - bốc cất hài cốt liệt sĩ đưa vào nghĩa trang. Sau khi bàn bạc, các anh bên chính quyền hoàn toàn nhất trí, ủng hộ gia đình.

Đoàn lại tiếp tục đi, nhưng không phải 5 mà là 10 người - cùng vào rừng.

Tìm thấy chiếc lọ penicilin

Bà Ba Điệp tuy không còn nhớ mặt liệt sĩ Bính, nhưng vẫn còn rất nhớ lối vào rừng - khu vực chôn cất một số liệt sĩ xưa. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, lại từng là giao liên bao năm kháng chiến, bà đã thuộc từng gốc cây, con suối, lối rẽ nào đi ra đâu.

Dẫn đường, bà chỉ cho mấy thanh niên (có cả con trai bà cùng đi giúp đoàn) phát cây rừng lấy lối đi. Khu rừng nguyên sinh im lìm trong giấc ngủ dài, nay bừng tỉnh theo bước chân đoàn người đi tìm mộ. Ánh nắng chỉ le lói vài tia mỏng manh qua kẽ lá, khu vực âm u không phân biệt được giờ nào trong ngày. Đoạn đường không xa nhưng phải mất hơn một giờ đồng hồ, đoàn mới tới nơi. Chỉ toàn cây với lá, không nhìn thấy mô đất nào để có thể gọi đó là nấm mộ.

Bà Ba Điệp (người đứng thứ 3 từ trái sang) cùng người nhà Liệt sĩ trong rừng Suối Ngô

Bà Ba Điệp dừng lại trước một khoảnh rừng, chỉ dẫn cho mấy thanh niên chuẩn bị. Đặt lễ ngay ngắn trên phần đất vừa được bà Ba chỉ, anh em ôngÂn kính cẩn làm lễ, khấn xin thần rừng, xin các hương linh liệt sĩ còn nằm lại đâu đó trong rừng phù hộ để anh em ông tìm được hài cốt người em trai. Bà Ba Điệp chỉ xuống phần đất trước mặt, mấytháng trước có một gia đình ở ngoài Bắc vào tìm mộ liệt sĩ, bà đã chỉ cho đào ở đó. Mấy thanh niên phát quang cây cối, dọn sạch rễ cây để chuẩn bị đào. Căn một khoảnh đất rộng chừng 2 chiếc chiếu, bàBa Điệp dùng 4 chiếc cọc đóng xuống 4 góc rồi xác định điểm giữa làm tâm, cứ thế đào rộng ra các hướng.

Ông Ân cũng xắn tay bốc đất, vừa bốc vừa quan sát. Hơn ai hết, anh em ông đau đáu nhìn vào từng xẻng đất. Rõ ràng khi "áp vong", em ông bảo: "Chỉ đào nông thôi nhé, em nằm không sâu đâu". Khu vực đào bới đã phát triển về các hướng, rộng đến 2m vẫn chưa thấy gì, chỉ thấy đất mềm, màu sẫm hơn so với lớp đất mặt. Ông Ân sốt ruột, nhắc anh em cẩn thận vì độ sâu cũng đã hơn 40cm rồi,  thì anh thanh niên đang đào (người địa phương) bỗng hô lên:

- Có cái gì đây này!

Tất cả xúm lại.

- Một chiếc lọ penicilin - ai đó reo lên.

Rồi mỗi người một tiếng, người giục đem lên, người giục mở ra, người hô cẩn thận... thấp thỏm, khấp khởi mừng. Anh Ất cầm lên xem. Một chiếc lọ penicilin nhỏ, trong đầy nước màu nâu sẫm như nước vối. Tim ông Ân rộn lên. Mấy anh em nhảy lên khỏi hố. Một người dân địa phương nhắc ông Ân:

- Bác cẩn thận, đừng mở. Để chúng cháu giúp cho!

Rồi anh nói như phân bua:

- Chúng cháu từng đào tìm mộ giúp một số gia đình rồi. Nếu không biết cách làm, có khi hỏng hết.

Nhấc chiếc lọ penicilin khỏi tay ông Ân, phủi những hạt đất nâu sẫm còn bám trên nút rồi anh nhẹ nhàng lau vào vạt áo. Anh kêu người nhà liệt sĩ (chị Dậu) chuẩn bị sẵn ít giấy ăn. Tất cả mọi người bỗng im bặt, nín thở chờ đợi. Khéo léo, anh mở nắp lọ, cùng với anh thanh niên (con bà Ba Điệp), đổ hết nước ra rồi nhẹ dùng hai chiếc que nhỏ gắp ra một mẩu giấy đen xỉn. Đặt rất khẽ mảnh giấy lên tập giấy ăn, chờ cho thấm hết phần nước màu nâu, anh đưa cho anh Ất mang ra chỗ có tia nắng đang le lói phơi. Không ai có phản ứng gì, răm rắp làm theo lời anh thanh niên.

Ông Ân lật đật chạy theo em, rồi tất cả mọi người cùng ùa theo, chờ cho mảnh giấy dần khô. Chừng mười lăm phút qua đi, giấy đã khô, đã có dòng chữ hiện dần lên. Run run đỡ lấy từ tay người em, ông Ân đọc trong nỗi xúc động đến tột cùng: "Lê Ngọc Bính - Đ.V.v-10-K.B - T.C. 388 - H.S. 18/10/1969". Lật mặt sau tờ giấy có ghi: "882.417". Trời ơi! Đúng là em ông đây rồi. Đôi mắt già nhăn nheo ứa lệ. Cô em gái Dậu không cầm được lòng, nức nở gọi tên anh trai. Không chỉ anh em ông khóc, gọi tên em, mà cả đoàn cũng khóc theo.

Nỗi xúc động hay sung sướng, đang dâng lên tột cùng. Âm dương cách biệt, sau hơn 40 năm đã gặp lại nhau. Thương thay, lại chỉ còn là nắm xương tan vụn trong đất cùng với kỷ vật duy nhất là mảnh giấy ghi tên em cùng tên đơn vị, ngày tháng hy sinh. Đúng như thông tin trên giấy báo tử gia đình nhận được năm 1972. May mà đơn vị chu đáo, đã chôn theo cho em chiếc lọ quý giá này. Nước mắt và những tiếng gọi em thiết tha. Tiếng gió, tiếng lá rừng lao xao huyền bí như thay lời hồi âm của liệt sĩ từ cõi giới thiêng liêng vọng về.

Thời gian nhắc nhở mọi người cần phải nhanh tay để kịp ra khỏi rừng khi trời còn nắng. Hóa ra, chính cái ụ to như ổ mối đùn mà ông Ân thấy lúc ban đầu chính là phần mộ của em, tìm thấy lọ penicilin cũng từ đoạn này. Mọi người quay trở lại hố đã đào, cẩn thận lọc phần đất quanh chỗ vừa tìm thấy chiếc lọ penicilin thì phát hiện thêm được những mẩu xương vụn - bám vào đất. Hót hết phần hài cốt cùng chút đất đen cho vào vuông vải đỏ, ông Ân cẩn thận gói lại cho vào túi vải. Làm các thủ tục lễ tạ thần rừng xong, các anh em cùng mọi người ra khỏi rừng vừa kịp nhạt nắng.

Vậy là việc tìm hài cốt em trai ông - liệt sĩ Lê Ngọc Bính - đã hoàn tất và thu được kết quả mỹ mãn đến không ngờ. Niềm vui sướng, hạnh phúc càng thúc giục anh em ông nhanh chân, hoàn tất các thủ tục với chính quyền địa phương sở tại để trở về quê hương.

Sau hơn 40 năm nằm lại nơi rừng sâu cô quạnh, ngày 29/12/2010 liệt sĩ Lê Ngọc Bính đã được trở về quê  hương trong niềm vui vô bờ bến của anh em, dòng họ, bà con quê hương. Tất cả những người đến dự lễ truy điệu đều thể hiện sự thán phục và vô cùng ngạc nhiên khi nghe kể hành trình đi tìm hài cốt  liệt  sĩ. Tất cả những thông tin từ  buổi "áp vong" tại  số 1 - Đông Tác - Kim Liên đều chính xác và hỗ trợ tối đa cho quá trình tìm mộ.

Xem Thêm

Yên Bái: Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà
Ngày 29/10, tại huyện Lục Yên, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lục Yên và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đã tổ chức hội thảo Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị và phát triển khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà.
Hướng tới một ngành chăn nuôi an toàn, hiệu quả và bền vững
Ngày 18/10 tại thành phố Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và tuần hoàn nâng cao hiệu quả sản suất trong chăn nuôi trang trại nhỏ và hộ gia đình.
Tìm giải pháp phát triển mô hình các tạp chí khoa học
Ngày 4/10 tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Vusta) đã tổ chức hội thảo “Giải pháp phát triển mô hình các tạp chí khoa học” . Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Gia Hưng và Trưởng ban Truyền thông và phố biến kiến thức Vusta Lê Thanh Tùng chủ trì hội thảo.

Tin mới

Đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp SX cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc
Ngày 12/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Sơn La và Hội Giống cây trồng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển công nghiệp sản xuất cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc” tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
HỘI KH&CN HKVN ĐỒNG HÀNH CÙNG CHUỖI HỘI THẢO QUỐC TẾ CỦA IATA “AIR CARGO DAY VIỆT NAM 2024”
Ngày 07-08/11/2024 tại Thủ đô Hà Nội, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế IATA và Công ty Cổ phần Triển lãm Hàng không Việt Nam, cùng với sự phối hợp của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam và Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam tổ chức chuỗi sự kiện Hội thảo khoa học này.
Thái Bình: Hội thảo về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên
Chiều 07/11, Liên hiệp hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo, Trường Chính trị tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học: “Chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới”. Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Đồng Thụy, Chủ tịch Liên hiệp Hội Trần Thị Hòa, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Nguyễn Đức Luận đồng chủ trì hội thảo
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…