Để nghề muối nước ta phát triển ổn định, bền vững
Ngay từ đầu năm 2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Bộ Công thương xác định, năm nay cả nước cần 1.380.000 tấn muối. Theo tính toán diêm dân trong nước chỉ có thể sản xuất được khoảng 1.100.000 tấn muối, nên cần phải nhập khẩu 280.000 tấn muối từ các nước.
Phải đi nhập khẩu muối cũng có nghĩa là nguồn cung trong nước không đáp ứng đủ cầu. Căn nguyên của sự thiếu hụt này do nhiều yếu tố, nhưng suy cho cùng là do diêm dân từ lâu đã không mặn mà với nghề làm muối, bởi thu nhập thấp và bấp bênh. Nghề muối từ lâu đã được coi là một nghề nặng nhọc, quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Chỉ những ai đã từng trần mình giữa cái nắng nóng của trưa hè ngoài ruộng muối mới có thể hiểu được nỗi nhọc nhằn, vất vả của bà con diêm dân. Trong công nghệ làm muối, hầu hết các khâu của quá trình sản xuất muối ở nước ta chủ yếu dựa vào sức người với những công cụ còn rất thô sơ nên năng suất kém, chất lượng không cao. Ngay cả trong điều kiện được mùa, hàng năm nước ta vẫn phải đi nhập muối sạch để phục vụ cho công nghiệp. Mặt khác, diện tích làm muối liên tục bị thu hẹp do chuyển đổi mục đích sử dụng sang nuôi trồng thuỷ sản hay quy hoạch làm các khu đô thị, khu du lịch… hệ quả tất yếu sảy ra là nguồn cung tạm thời bị thiếu hụt dẫn đến giá muối tăng đột biến, góp phần vào sự gia tăng của cơn bão giá và lạm phát hiện nay.
Giá muối tăng, nhiều diêm dân phấn khởi thu nhập được cải thiện đáng kể, ấy là đối với những hộ còn giữ được nghề và có muối dự trữ để bán. Song còn rất nhiều người không được hưởng lợi vì họ không có muối hoặc ruộng muối đã bị chuyển đổi mục đích sử dụng. Một khả năng hiện hữu là diêm dân rồi đây sẽ quay lại đổ xô vào làm muối, diện tích sẽ được mở rộng, giá muối sẽ sụt giảm xuống thấp và đời sống của diêm dân có thể lại lâm vào cảnh khó khăn. Câu chuyện về cây mía, chuyện phá ruộng trồng lúa hay cá tra quá lứa hiện nay… liệu có xảy ra với nghề muối?
Muối là mặt hàng thiết yếu phục vụ cho tiêu dùng và làm nguyên liệu cho một số ngành công nghiệp. Bởi vậy, bảo đảm an ninh muối cũng là một vấn đề đáng được lưu tâm từ phía các địa phương ven biển và ngành chủ quản. Nhìn từ góc độ lợi thế so sánh có thể khẳng định Việt Nam có lợi thế lớn trong sản xuất muối. Hơn nữa nghề này đầu tư không lớn, lại có thể góp phần giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo ở các vùng nông thôn ven biển. Phát triên nghề muối theo hướng hiện đại cũng góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế biển, đẩy mạnh CNH, HĐH ở các vùng ven biển. Nghề muối ở nước ta không chỉ có khả năng cung ứng đủ cho thị trường trong nước mà còn cần phải tính đến chuyện xuất khẩu sản phẩm muối chất lượng cao với khối lượng lớn. Sự thiếu hụt của thị trường trong nước hiện nay chỉ là tạm thời (trong vòng 50 năm qua đây mới chỉ là lần đầu tiên thị trường muối có biến động lớn, giá muối lên quá cao so với các nước trong khu vực). Thực tế này cũng cho chúng ta thêm một bài học về chiến lược phát triển của một ngành nghề vốn được coi là lợi thế của nước ta.
Để nghề muối có thể phát triển bền vững, hạn chế tình trạng sản xuất manh mún, tự phát góp phần giảm bớt rủi ro, bảo vệ quyền lợi cho diêm dân, các địa phương có nghề muối nên phối hợp với các bộ, ngành chủ quản và đơn vị kinh doanh muối có chiến lược quy hoạch các vùng trọng điểm sản xuất muối công nghiệp tập trung theo hướng hiện đại. Khuyến khích bà con diêm dân không nên mở rộng, thu hẹp diện tích một cách tuỳ tiện theo sự biến động của giá muối. Các vùng sản xuất trọng điểm cần tập trung vào khu vực miền Trung và miền Nam nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nghề muối.
Việc tập trung cho đầu tư nghiên cứu, phát triển công nghệ, ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất theo hướng hiện đại cũng là một điều kiện để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Gắn phát triển sản xuất muối nguyên liệu với công nghiệp chế biến nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở ngay cả những thị trường khó tính và yêu cầu sử dụng trong công nghiệp. Việc mở rộng chiến lược phát triển thị trường muối, hướng vào xuất khẩu sản phẩm muối tinh chế với chất lượng cao nhằm tạo đầu ra ổn định để diêm dân yên tâm với nghề làm muối. Sự hỗ trợ của Nhà nước cho diêm dân và phối hợp với Tổng công ty Muối thành lập quỹ bình ổn thị trường, có chiến lược thu mua, dự trữ phù hợp sẽ tránh được tình trạng bất ổn trên thị trường muối như hiện nay.
Nghề muối là một nghề truyền thống vốn từ lâu đã gắn liền với cuộc sống của diêm dân ở nhiều địa phương ven biển. Quy hoạch, phát triển nghề muối theo hướng hiện đại sẽ góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của nước ta. Bài toán xoá đói giảm nghèo, đẩy mạnh CNH, HĐH ở nhiều địa phương ven biển cũng có thể tiến hành gắn với quá trình phát triển nghề muối. Hy vọng rằng, tương lai không xa nghề làm muối ở nước ta sẽ vươn lên xứng tầm với tiềm năng và thế manh của một quốc gia ven biển.