Dấu ấn khoa học Vũ Tuyên Hoàng
Tiến sĩ (TS) Nguyễn Văn Hoan, Viện trưởng Viện nghiên cứu lúa của ĐH Nông nghiệp I cho biết: “Tôi vừa nhận công tác thì Thầy Hoàng chuyển đi. Nhưng thế hệ chúng tôi, ai cũng chịu ảnh hưởng từ những kết quả nghiên cứu của thầy.”
“Nghiên cứu lúa chiêm chuyển sang lúa mùa” là công trình lớn đầu tiên của GS Vũ Tuyên Hoàng khi mới tốt nghiệp ở Trung Quốc về làm giảng viên ĐH Nông nghiệp I. Ban đầu, ông vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu “phản ứng của lúa với ánh sáng yếu”. Và ông đề xuất ý tưởng đem lúa chiêm trồng vào vụ mùa.
Ở thời đó, ý tưởng trên đầy táo bạo. Cấp trên của ông, nhà nông học nổi tiếng thế giới Lương Định Của, cũng phản đối. Riêng ông vẫn cương quyết làm. Đồng nghiệp cùng thời kể lại, để thực hiện ý tưởng, một tháng ông "lội ruộng 29 ngày”. Giảng viên trẻ ĐH Nông nghiệp I Vũ Tuyên Hoàng lăn lộn trên ruộng để tạo loại lúa này, khiến nhiều người tưởng anh là nông dân thực thụ.
Nghiên cứu thành công. Lần lượt các giống lúa Đông Xuân 1, Đông Xuân 2, Đông Xuân 3 ra đời. Sinh thời, GS có lần nhớ lại cũng lắc đầu cười: “Thời đó mình liều thật”.
“Ngày nay nông dân không còn dùng các giống lúa Đông Xuân của Thầy Hoàng, nhưng việc nghiên cứu tạo ra nó vẫn còn giá trị khoa học. Các giống lúa NN8 và các giống của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế đều được tạo ra từ thành quả đó”, TS Nguyễn Văn Hoan nói.
Hai lần ở Liên Xô cũ (từ 1969 đến 1973 và 1975 đến 1977), GS Vũ Tuyên Hoàng dùng những công nghệ tiên tiến nhất để tạo lúa năng suất cao. Sau khi đánh giá kết quả dùng tia gama gây đột biến gene cho cây lúa, ông nêu ra giả thuyết về hai hệ thống gene trên quan điểm sinh học phân tử. Theo đó, một hệ thống gene của cây lúa kiểm soát sinh thực (tăng trưởng thân, lá, v.v), một hệ thống kiểm soát dinh dưỡng. Nếu điều phối được hai hệ thống gene này, năng suất của cây lúa sẽ đạt mức “chạm trần”.
Giả thuyết đã được Liên Xô sử dụng làm cơ sở khoa học để xây dựng quy trình thâm canh tăng năng suất lúa vùng Krasnodar rộng 200.000 ha.
GS Vũ Tuyên Hoàng (người thứ hai từ trái sang) hướng dẫn cán bộ khoa học Viện Cây lương thực, cây thực phẩm tại ruộng thí nghiệm. |
Về nước, nhận nhiều chức vụ quản lý, có lúc làm tới Thứ trưởng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam… nhưng GS Hoàng vẫn trực tiếp theo dõi các tổ hợp lai, cá thể trội để chọn ra giống cây trồng mới. Nhiều giống do ông chủ trì chọn tạo thành quen thuộc với nông dân như “táo ông Hoàng”, “vịt Bạch Tuyết”. Ở Lào, Campuchia, một số nước châu Phi… các giống lúa chịu hạn, kháng sâu, hàm lượng protein cao do ông và học trò nghiên cứu vẫn được sử dụng.
“Lúc ta còn thiếu lương thực, GS Hoàng chủ trương phát triển những giống cây có năng suất thật cao, chưa cần chú trọng đến chất lượng lắm. Sau khi vượt ngưỡng an ninh lương thực, giáo sư chủ trương tạo những giống cây chất lượng thật tốt”, GS Đào Xuân Thảng, học trò thân thiết của GS Vũ Tuyên Hoàng, hiện là Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, nhớ lại. 18 năm liền làm Chủ nhiệm Chương trình Quốc gia về cây lúa, Chủ nhiệm Chương trình cây lương thực và thực phẩm, nền nông nghiệp Việt Nam đến nay vẫn mang đậm “dấu ấn Vũ Tuyên Hoàng”. Theo GS Thảng, cống hiến của GS Vũ Tuyên Hoàng cho khoa học trong thời gian này mang tầm chiến lược: “Các Chương trình đã góp phần đưa nước ta từ thiếu lương thực thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới”.
Các nhà nghiên cứu lúa của ĐH Nông nghiệp I hiện vẫn đi làm với mũ cối, quần xắn móng lợn, đúng phong cách nông dân của GS Hoàng hồi đó. Người quen thân còn nhớ ông là người có tâm hồn nghệ sĩ. Họ thuộc thơ, hay vẫn giữ những bức chân dung ông vẽ tặng. “Xuất thân trong một gia đình trí thức nổi tiếng mà gần dân, làm nghiên cứu mà có tâm hồn nghệ sĩ. Nhưng trên tất cả, dấu ấn về giáo sư Hoàng là cái tâm của người làm khoa học”, GS Thảng đúc kết.
Vũ Tuyên Hoàng(2/12/ 1939 – 26/2/2008), sinh tại Hà Nội, là giáo sư, tiến sĩ khoa học ngành nông nghiệp, viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học nông nghiệp Liên bang Nga, viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Thế giới đang phát triển, Đông Nam Á. |
Nguồn: baodatviet.vn (02/06/08)