Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 15/08/2007 14:18 (GMT+7)

Đánh thức cơn "ngái ngủ" của giới khoa học

Những năm 1984 - 1989 đã có những cuộc đấu tranh căng thẳng xung quanh quan điểm nên xây dựng nền khoa học Việt Nam theo hướng tập trung vào cơ bản hay ứng dụng. Với giáo sư Trần Xuân Hoài và cộng sự, thành lập Viện Vật lý ứng dụng là một bước thực hiện chủ trương xây dựng nền kinh tế chất xám. Mặt khác, các nhà khoa học không nên quá dựa vào bao cấp, mà phải cố gắng ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) làm ra sản phẩm để nuôi mình và thúc đẩy khoa học nước nhà phát triển.

Năm tháng qua đi, từ buổi phải nhặt nhạnh từng đồng xu trong chế tạo vật liệu từ, tạo ra hàng triệu sản phẩm cung cấp cho cả nước, đến nay Viện đã đi vào những công nghệ cao như công nghệ Nano. Năm 2005 bình chọn top ten của các công trình khoa học cả nước, Viện chiếm hai vị trí là Kính hiển vi SPM nhìn thấy ở mức Nano và Nano-TiO2. Thiết bị diệt khuẩn NanoTiO2 trong máy thở cúm gà cũng là sản phẩm của Viện. Còn bây giờ, khi bộ công cụ điều hành SPM, bản thử nghiệm Alpha với 10 vạn dòng lệnh của Viện được đưa lên mạng dùng thử, đã có hơn 400 công ty, trường đại học, phòng thí nghiệm trên thế giới áp dụng và đánh giá cao.

Giờ đây, một số sản phẩm của Viện đã được thị trường chấp nhận.

Hiện nay, các nhóm SPM ở Mỹ, Đức, Ca-na-đa, Trung Quốc... trao đổi với Viện hoàn toàn bình đẳng về chất lượng khoa học.

Nhưng những ngày đầu, nhiều người đã tỏ thái độ không ủng hộ việc xây dựng Viện Vật lý ứng dụng...

Cơ bản hay ứng dụng đều cần thiết

Thưa giáo sư! Từng là thành viên ban lãnh đạo một viện lớn là Viện Vật lý, lại nổi tiếng với nhiều nghiên cứu cơ bản trình độ cao, tại sao giáo sư lại từ bỏ chức vụ để dành sức lực cho vật lý ứng dụng từ con số không?

GS Trần Xuân Hoài:Phân biệt cơ bản hay ứng dụng thì còn tranh cãi nhiều, nhưng theo tôi, cả hai đều là khoa học, đều tốt và cần thiết. Theo quan niệm chung của thế giới, những nghiên cứu trình độ cao nào nhằm khám phá tri thức mà chưa biết được, hay 15-20 năm mới có thể áp dụng thì được xếp vào nghiên cứu cơ bản. Tôi rất ủng hộ nghiên cứu cơ bản. Bản thân tôi cũng là một người làm khoa học cơ bản, được cộng đồng khoa học thế giới biết đến ít nhiều! Nghiên cứu cơ bản thực nghiệm thì rất hấp dẫn nhưng vô cùng tốn kém, nước ta không thể nào kham nổi. Là người trong cuộc, biết rõ hoàn cảnh đất nước, hiểu rõ bản chất của công việc cho nên chúng tôi phải tự cân nhắc thôi.

- Tôi nhớ rằng, nghiên cứu ứng dụng lúc đó chưa được ủng hộ, hay nói cách khác, đã có cuộc đấu tranh căng thẳng giữa những nhà khoa học chủ trương vật lý cơ bản và vật lý ứng dụng...

- Đó là do thói quen, sở thích của lãnh đạo và trào lưu khoa học lúc bấy giờ nên nghiên cứu ứng dụng chưa được ủng hộ. Chuyện cách đây cũng đã hơn 20 năm rồi...

Và giáo sư và các cộng sự chắc gặp nhiều khó khăn trong buổi đầu đáng nhớ đó?

- Khó khăn ư? Làm về ứng dụng cũng cần tiền, nhiều là đằng khác. Khó nhất là phải làm sao tồn tại được rồi mới tính chuyện làm khoa học. Chỉ còn cách chắt chiu, nhặt nhạnh từng đồng một mà thôi, chẳng mấy ai lưu tâm cả, vì tư duy của bọn chúng tôi hơi lạ, chưa đủ thuyết phục cấp trên. Nhờ lao động cật lực nên cuối cùng anh em, thầy trò chúng tôi cũng cùng nhau xây dựng được một cơ sở, như vẫn nói vui với nhau là có được một “túp lều khoa học” để chui ra chui vào. Viện Vật lý ứng dụng và thiết bị khoa học tuy còn nhỏ và nghèo, nhưng tương đối có ích và trình độ kha khá.

Phải chăng ra đời trong hoàn cảnh đó mà giờ đây, giáo sư chủ trương là chống bao cấp trong KHCN?

- Không, tôi chưa bao giờ chống bao cấp trong KHCN, mà chỉ có ý kiến rằng: “nên bao cấp cho KHCN như thế nào”… vì lợi ích của KHCN mang lại là lợi ích lâu dài, chung cho cả xã hội cho nên hình thức chi cho nó từ ngân sách, nói kiểu dân gian là đầu tư bao cấp, đã và sẽ là hình thức chủ yếu ở bất cứ nước nào. Nước càng phát triển thì tỷ lệ chi càng lớn. Vấn đề là phương thức chi như thế nào để bao cấp có hiệu quả nhất mà thôi.

Có hai kiểu chi cho KHCN: Chi cho cơ quan, tổ chức KHCN (bộ, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, địa phương, phòng thí nghiệm trọng điểm...) và chi cho việc thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ (ví dụ: Chương trình KHCN trọng điểm...), hoặc chi cho việc hỗ trợ KHCN (ví dụ: Chương trình hỗ trợ khoa học cơ bản, dự án hỗ trợ sản xuất thử nghiệm)... Hiển nhiên, để dễ cho cơ quan quản lý thì chi kiểu thứ nhất là đơn giản nhất, nhưng cũng dễ “rơi rụng” nhất. Chi theo kiểu thứ hai, tức là chi trực tiếp cho nhà khoa học theo công việc thì vất vả cho cơ quan quản lý, nhưng lại hiệu quả hơn.

Cần có “khoán 10” trong KHCN

Nói chuyện với giáo sư hôm nay, tôi chợt nhớ rằng, ngày 26-9-2005, trong buổi gặp mặt giữa Thủ tướng Phan Văn Khải lúc bấy giờ với giới KHCN, ông có đề nghị với Thủ tướng là cần phải có một chính sách bứt phá kiểu “khoán 10” trong KHCN...

GS Trần Xuân Hoài:Để cho dễ hình dung, tôi có nói với Thủ tướng là tình trạng KHCN chúng ta hiện nay hao hao như nông nghiệp trước khoán 10 vậy.

Nông dân mà chỉ đi làm theo tiếng kẻng như trước khoán 10 thì không thể có đủ gạo ăn chứ chưa nói đến xuất khẩu. Còn nếu cán bộ khoa học mà cũng làm theo tiếng kẻng như vậy thì chẳng những không làm ra sản phẩm gì mà còn ăn hại vào cả gạo mồ hôi của nông dân ấy. Nông dân trước khoán 10 còn có đất 5% để dồn sức vào kiếm sống, còn nhà khoa học thì chẳng có gì, ngoài việc chân ngoài dài hơn chân trong.

Cần phải có chính sách tương tự như khoán 10 để tạo ra động lực làm việc cho nhà khoa học, hơn thế còn phải khơi dậy lòng tự hào dân tộc, cộng với sự hấp dẫn vốn có của sự sáng tạo khoa học thì mới làm cho loại ... “dài lưng tốn vải”như trí thức chúng tôi đang ngái ngủ mau thức dậy mà làm ăn thật sự, nếu không thì chỉ là “ trí ngủ”mãi mãi mà thôi!

Như vậy theo giáo sư, cơ chế hiện nay của chúng ta chưa phù hợp với sự phát triển của KHCN?

- Mô hình tổ chức hệ thống KHCN của Việt Nam hiện nay quả thật là hơi bắt chước mô hình của châu Âu cuối thế kỷ 19, rập khuôn theo kiểu của Liên Xô thời Lưxencô-Mitxurin, cách đây đã bảy tám chục năm, tuy đã có “Việt hóa” ít nhiều. Sự thực là hiện nay về điều hành đối với KHCN thì dùng thủ tục của cơ quan hành chính (tập trung-quan liêu), về tổ chức thì sử dụng các biện pháp của một đoàn thể quần chúng. Có lẽ những cách làm đó không thực sự thích hợp để giải phóng một lực lượng sản xuất cao cấp. Chắc là cấp trên đã nhận biết nên bắt đầu có những thay đổi (như Nghị định 115 chẳng hạn). Nhưng tôi nghĩ cần phải làm quyết liệt, toàn diện và thông minh hơn nữa.

Đã đến lúc KHCN vào cuộc

Vậy thưa giáo sư, KHCN Việt Nam đang ở trình độ nào? Có người cho rằng nó chưa vượt ngưỡng để trở thành động lực cho sản xuất?

GS Trần Xuân Hoài: Nói văn hoa là chưa vượt ngưỡng, còn nói nôm na là chưa đủ tài giỏi, cả về chuyên môn cũng như tinh thần. Tôi may mắn được thử sức nhiều ở trong và ngoài nước với nhiều cương vị khác nhau, từ làm thầy đến làm thợ, từ làm quân đến làm tướng cho nên tự mình nhìn nhận đúng là chưa vượt ngưỡng thật. Nhiều người có thể khó chịu về cảm nhận đó, nhưng tôi nghĩ đó là sự thực. Cũng xin nói thêm, đúng là cần có khoán 10 cho KHCN, nhưng khác với một lực lượng nông dân hùng hậu, một nền nông nghiệp nhiệt đới có truyền thống, lực lượng KHCN của chúng ta còn rất non trẻ, yếu kém và suy dinh dưỡng. Vì vậy ngoài một chính sách tháo gỡ như khoán 10, còn cần phải có một chính sách nuôi dưỡng tinh thần và vật chất đặc biệt.

Nhưng thực ra, thưa giáo sư, học sinh Việt Nam đã giành được rất nhiều giải thưởng quốc tế về vật lý, toán học, tin học...

- Giành được các giải thưởng như vậy là điều rất đáng tự hào cho dân tộc Việt Nam, rất mong con em chúng ta cố gắng làm rạng danh giống nòi. Người Việt ham học, có chí tiến thủ và trong đó có một số thông minh đột xuất. Nhưng nhìn chung thì độ thông minh trung bình chưa cao và không có truyền thống kỹ thuật thực hành. Trước đây chưa ai xếp hạng nên tôi mạo muội tự đánh giá, xếp KHCN Việt Nam vào nhóm cuối khu vực, có thể có người không tin. Tôi cũng mong là mình đánh giá sai, nhưng đáng tiếc là đúng như vậy thật! Đây, mời anh xem tài liệu tôi vừa nhận được của TWAS (Viện Hàn lâm khoa học thế giới thứ 3), một tổ chức khoa học quốc tế rất có uy tín và thân thiện với Việt Nam, do UNESCO bảo trợ. Họ xếp chúng ta vào nhóm nước SLDC (Scientifically Lagging Developing Countries) dịch nghĩa là “nhóm nước đang phát triển lạc hậu về khoa học”.Họ đã dùng một từ rất lịch sự là “lagging”,nghĩa đen là đi lùi ở phía sau! Có 79 nước như vậy trên thế giới. Bạn đồng hành với ta trong khu vực ASEAN là Lào, Campuchia, Mianma và, còn có cả Inđônêxia nữa. Điều an ủi là từ nay về sau, các nhà khoa học chúng ta sẽ được ưu tiên xin tài trợ của TWAS nhờ sự lạc hậu này! (Cười buồn)

Việt Nam có đội ngũ khoa học công nghệ đông, tại sao nhiều nghiên cứu không gắn với thực tiễn mà chúng tôi chỉ thấy máy gặt lúa tốt, máy tẽ ngô hợp lý, thậm chí máy bay... lại do các nông dân chế tạo?

- Đó là một điều đáng mừng! Có thể lúc này có người cho rằng tại cán bộ KHCN Việt Nam kém cỏi, nhưng ngay cả khi đã rất giỏi như nhiều nước trên thế giới, sự việc đó vẫn xuất hiện như thường. Không phải chỉ có học nhiều mới sáng tạo được, bởi xác suất của những hiện tượng khác thường luôn luôn tồn tại. Những sự kiện như trên không hề phủ định nhau, mà là một sự bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau để cho xã hội hưởng lợi và kích thích các nhà KHCN chuyên nghiệp cố gắng hơn.

Nhiều nhà khoa học trẻ ngày nay không trông chờ vào Nhà nước, mà tự tìm lấy đường đi cho mình như thành lập công ty riêng, phòng thí nghiệm riêng. Giáo sư có cho rằng đó là tín hiệu đáng mừng?

- Đây là điềm đại phúc cho dân tộc. Cách đây 20 năm, lẻ tẻ đã có nhiều nhóm khoa học trẻ trăn trở tự tìm đường đi riêng cho mình, một số theo đường khoa học, một số theo đường kinh doanh. Theo tôi biết, số theo đường kinh doanh có nhiều thành công như nhóm FPT, MISA, VINCOM, TECHCOMBANK… đều khởi sự bởi các cán bộ khoa học ở Viện khoa học Việt Nam. Còn số theo tiếp con đường khoa học thì “chết“ gần hết, Viện chúng tôi sống sót là một sự may mắn hiếm có! Điều này cũng dễ hiểu, vì doanh nghiệp tham gia công cuộc đổi mới mạnh nhất, còn khoa học công nghệ dường như còn theo nếp cũ, ai làm khác đi là “chết” như chơi! Tôi tin rằng, đã đến lúc KHCN vào cuộc. Các bạn trẻ bây giờ không còn gì phải ngần ngại nữa. Chỉ cần có lòng tin và bản lĩnh thôi!

Xin cảm ơn giáo sư!

GS Trần Xuân Hoài tự giới thiệu: Tôi quê gốc ở Hà Tĩnh. Cha tôi vốn là một công trình sư thời Pháp thuộc, tham gia lãnh đạo ngành giao thông vận tải trong hai cuộc kháng chiến, mẹ bị bom Pháp giết hại lúc chúng tôi còn nhỏ. Tôi được gửi vào Trường thiếu sinh quân, sang Trung Quốc từ khi chưa đầy 10 tuổi, may mắn được hưởng sự giáo dục đầy đủ lúc nhỏ, lớn lên được đào tạo và làm việc ở nhiều cơ sở nghiên cứu lớn trên thế giới. Tôi nhận học vị Tiến sĩ rồi Tiến sĩ khoa học đều ở Đức, là Giáo sư mời (Visiting Professor) của một vài trường đại học ở châu Âu. Từ trước đến nay, tôi chỉ làm việc trên giảng đường và phòng thí nghiệm, cho đến giờ vẫn đang cầm mỏ hàn, gõ bàn phím...

Nguồn: Vật lý ngày nay, số 4, 8/2007, tr 30

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã có bức thư viết tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.
TSKH Nghiêm Vũ Khải: Thách thức lớn của Nghị quyết 57-NQ/TW là thể chế, hạ tầng và nhân lực
Nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học và công nghệ, chúng ta sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu. Điều này đòi hỏi sự đầu tư bài bản, định hướng rõ ràng và cam kết lâu dài từ cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và cộng đồng khoa học.
Gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025
Ngày 15/1, tại Hà Nội, Liên hiệp Hội Việt Nam (LHHVN) đã tổ chức buổi gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025. Đây là hoạt động thường niên của LHHVN nhằm bày tỏ sự quan tâm cũng như lòng tri ân sâu sắc của lãnh đạo, người lao động cơ quan LHHVN đối với các thế hệ đi trước.
Viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương
Trong những năm qua, VUSTA luôn chú trọng thực hiện các hoạt động thiện nguyện, góp phần thực hiện an sinh xã hội. Năm 2024 đã đánh dấu đậm nét những nỗ lực không ngừng nghỉ của VUSTA trong các hoạt động vì cộng đồng. Ngay đầu Năm mới 2025, VUSTA thực hiện chương trình thiện nguyện và xây dựng nông thôn mới, viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương tại tỉnh Cao Bằng.
Trà Vinh: 7 nhiệm vụ đặt ra cho công tác thi đua, khen thưởng năm 2025
Công tác thi đua, khen thưởng có vị trí, vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, là biện pháp để tố chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Thông qua việc tổ chức các phong trào thi đua nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các tập thể, cá nhân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.