Danh hiệu Chiến sỹ thi đua của Liên hiệp Hội không bằng cấp tỉnh là không đúng
Đây là ý kiến của Viện trưởng Viện OMEGA Đinh Văn Nhã tại hội thảo Góp ý kiến cho Dự thảo Nghị định thi hành một số quy định chi tiết Luật Thi đua, khen thưởng do Liên hiệp Hội Việt Nam (LHHVN) tổ chức sáng 17/4 tại Hà Nội.
Tham dự hội thảo có Tổng Thư ký LHHVN Nguyễn Quyết Chiến; Trưởng phòng nghiên cứu tổng hợp, Ban Thi đua khen thưởng Trung ương, thành viên Ban Soạn thảo Nguyễn Hữu Đoạt; cùng trên 50 đại biểu thuộc các hội ngành toàn quốc và Liên hiệp Hội địa phương thuộc các tỉnh lân cận Hà Nội.
Quang cảnh hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng Thư kí LHHVN Nguyễn Quyết Chiến nhấn mạnh, Luật Thi đua, khen thưởng đã được Quốc hội thông qua năm 2013. Để triển khai hiệu quả, Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn Luật thi đua, khen thưởng, trong đó, Bộ Nội vụ được giao dự thảo Chi tiết Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật. Trên cơ sở đề nghị đóng góp ý kiến của Bộ Nội vụ, LHHVN hôm nay tổ chức hội thảo này.
Trong thời gian qua, LHHVN đã tổ chức nhiều cụm khối thi đua, đã kịp thời khen thưởng nhiều tổ chức, cá nhân, tập thể trong hệ thống, kịp thời động viên, khích lệ các nhà trí thức; góp phần ươm mầm sáng tạo. Những kết quả đạt được trong công tác thi đua khen thưởng của LHHVN nói riêng và trong phong trào thi đua, yêu nước của Việt Nam nói chung.
Trước yêu cầu cụ thể hóa Luật thi đua, khen thưởng và trước thực tiễn của công tác này, LHHVN rất mong tại hội thảo các nhà khoa học, các tổ chức trực thuộc, Hội thành viên sẽ đóng góp chi tiết, cụ thể cho Dự thảo Nghị định để Nghị định thực sự sẽ đi vào thực tiễn và đáp ứng được các yêu cầu đạt ra trong giai đoạn hiện nay – Tổng Thư kí LHHVN Nguyễn Quyết Chiến mong muốn.
Tổng Thư kí LHHVNNguyễn Quyết Chiếnphát biểu khai mạc hội thảo
Tại hội thảo, PCT kiêm Tổng Thư ký Hội KH Thực phẩm Việt Nam, thành viên Hội đồng thi đua, khen thưởng LHHVN Nguyễn Duy Lâm nêu vấn đề về tiêu chuẩn tặng Huân chương lao động trong Dự thảo. Theo ông Lâm, đối với giới trí thức khoa học, họ đều cố gắng để khi về hưu có Huân chương Lao động Hạng 3, tự hào với cả một đời cống hiến. Vì vậy, trong dự thảo Nghị định, tiêu chuẩn dành cho giới trí thức, khoa học lại khác với Luật. Luật quy định cụ thể hơn, đầy đủ hơn. Trong khi đó, dự thảo Nghị định nhằm hướng dẫn lại không chi tiết, cụ thể như vậy; lại chỉ có lãnh đạo: Thứ trưởng, Vụ trưởng, không có cán bộ, người lao động. Trong khi đó, Tờ trình lại có hướng dẫn.
Cũng theo ông Lâm, cần có thêm tiêu chí dành cho những người được cử đi quốc tế và đạt giải, đây là điểm mới, nhưng rất khó cho hội đồng thi đua cấp phê duyệt. Vì ngay trong văn hóa nghệ thuật hay khoa học có rất nhiều giải thưởng. Vậy, tiêu chí nào xác định giá trị giải thưởng, tính chính thống của giải thưởng. Liệu giải thưởng có thực sự xứng đáng không? Hiện nay, nhiều giải thưởng có tính chất xã hội hóa, ai sẽ là người thẩm định giải thưởng đó. Vậy nên, Nghị định cần phải cụ thể hóa hơn về nội dung tiêu chí này. Vấn đề Nhà nước cử đi: các nhà khoa học đâu cần nhà nước cử đi. Tiêu chí này lại hơi khuôn phép và chỉ áp dụng cho đối tượng là học sinh, sinh viên. Quy định cần phải cụ thể, tạo ra sự công bằng. Vấn đề cống hiến, không thấy bóng dáng của các nhà khoa học, trí thức. Ví dụ, một viện có thể có một viện trưởng, nhiều viện phó. Nhiều nhà khoa học chỉ chú trọng, cống hiến về mặt khoa học, không chú trọng việc lãnh đạo. Nhưng họ lại cống hiến rất bền bỉ. Liệu chăng các Chủ tịch, Phó Chủ tịch các hội ngành toàn quốc, không phải là các tổ chức chính trị xã hội như Liên hiệp hội địa phương thì có nên vẫn là đối tượng được xét, dựa trên yếu tố/tiêu chí về sự cống hiến!?
PCT kiêm Tổng Thư ký Hội KH Thực phẩm Việt Nam, thành viên Hộiđồng thi đua, khen thưởngLHHVNNguyễn Duy Lâmgóp ý kiến
PCT thường trực Liên hiệp hội Yên Bái Nguyễn Bình Minh nhìn nhận, công tác thi đua, khen thưởng là công tác nguy hiểm. PGĐ Sở Nội vụ Yên Bái đã nói, vì không chỉ đơn giản là khen và thưởng, không chỉ đơn giản là các danh hiệu nhà nước. Hiện nay, công tác này bị biến tướng. Vì vậy, cần phải làm kỹ Nghị định để khi về cơ sở không bị mắc, không bị sai. Các công ty đang lợi dung khen thưởng để làm chưa đúng. Khoản 7, Điều 30 về quy định chung về thủ tục hồ sơ có ghi hồ sơ đối với doanh nghiệp phải có báo cáo, biên bản kết quả kiểm toán trong vòng 5 năm trở lên, nên sửa thành văn bản xác nhận kết quả kiểm toán trong thời gian đề nghị khen thưởng...
Các đại biểu tham dự hội thảo
Viện trưởng Viện OMEGA Đinh Văn Nhã cho rằng, công tác thi đua, khen thưởng là việc rất thiêng liêng nếu ta hiểu đúng bản chất của nó. Tôi đã đọc và nghiên cứu về lịch sử hình thành của công tác thi đua, khen thưởng này. Ở Việt Nam, bác Hồ đã có câu “Thi đua là yêu nước”, là câu bất hủ và luôn đúng trong mọi bối cảnh. Nếu thi đua không đúng nghĩa của nó, thì phản tác dụng. Thậm chí khi bình bầu thi đua, rất nguy hiểm và dẫn đến tình trạng mất đoàn kết. Việc thi đua là phải liên tục thay đổi, phải có ý nghĩa là động viên, khích lệ, góp phần tăng cường sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội.
Tại LHHVN, danh hiệu Chiến sỹ thi đua của LHHVN không còn tương đương cấp tỉnh là không đúng. LHHVN là mái nhà tập hợp nhiều nhà khoa học, trí thức. Vậy mà không tương đương thì không còn đúng bản chất. Nếu không có nhà khoa học thì không thể phát triển...Vì vậy, Dự thảo Nghị định cần phải đánh giá đúng, công bằng cho những cá nhân, tổ chức, nhà khoa học với những cống hiến của họ - ông Nhã góp ý.
Ngoài sự đồng tình với các ý kiến về chức danh tương đương trong Dự thảo Nghị định, đặc biệt theo Quyết định 35 vừa ban hành năm 2022 của Bộ Chính trị. Trưởng Ban Hợp tác Quốc tế LHHVN Dương Thị Nga nêu quan điểm: Về danh hiệu thi đua, khen thưởng cho thấy rất khó để có danh hiệu thi đua cho nhà khoa học, chưa có hình thức vinh danh những cống hiến cho các nhà khoa học. Vậy nhân cơ hội này, có thể cũng đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, xem xét một danh hiệu, hình thức phù hợp để vinh danh những cống hiến cho các nhà khoa học trong thời gian tới.
Trong nhiều năm qua, chúng ta cũng nói chung chung là có bằng này trí thức, bằng này kiều bào nhưng không có cơ sở dữ liệu để định lượng trí thức và kiều bào trong từng lĩnh vực.
Vậy nên chính việc thi đua, khen thưởng là một trong những công cụ để định lượng việc này. LHHVN nên đề xuất một giải pháp để xây dựng cơ sở dữ liệu, vinh danh những trí thức kiều bào. Vậy nên chăng trong thời gian tới, LHHVN cần triển khai và áp dụng, đề xuất giải thưởng về trí thức việt kiều – Bà Dương Thị Nga nói.
Phát biểu tại hội thảo, Trưởng phòng nghiên cứu tổng hợp, Ban Thi đua khen thưởng Trung ương, thành viên Ban Soạn thảo Nguyễn Hữu Đoạt đã đánh giá cao các ý kiến góp ý tại hội thảo, rất nhiều ý kiến chính xác, xác đáng.
Nhiều ý kiến mong muốn bổ sung thêm trong Nghị định những gì mà Luật chưa có. Tuy nhiên, theo quy định về văn bản pháp luật thì Nghị định chỉ hướng dẫn chi tiết những điều mà Luật quy định. Vì vậy, có những ý kiến mà các đại biểu đề nghị bổ sung thêm là không thể làm được. ông Nguyễn Hữu Đoạt cho hay.
Tổng Thư kýLHHVNNguyễn Quyết Chiếnphát biểu kết thúc hội thảo
Phát biểu kết thúc hội thảo, Tổng Thư ký LHHVN Nguyễn Quyết Chiến ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự hội thảo, 10 ý kiến góp ý đã được trao đổi, thảo luận trực tiếp, cởi mở, trên tinh thần xây dựng. LHHVN mong muốn những ý kiến của các nhà khoa học ngày hôm nay sẽ được Ban soạn thảo Nghị định lồng ghép, chuyển hóa trong Nghị định trước khi trình Chính phủ phê duyệt ban hành...