Đặng Lợi với dây chuyền sản xuất bột cá tự tạo
MÀY MÒ SÁNG TẠO
Anh Đặng Lợi sinh trưởng trong một gia đình thương buôn tại Sông Đốc, một thị trấn giàu có và sầm uất nhất Cà Mau. Lênh đênh trên biển bằng những chuyến tàu viễn dương, tìm hiểu, khám phá cái mới là một sở thích của anh. Cái ngành hàng hải được anh quyết định lựa chọn gửi gắm ước mơ của mình. Học hết 12, anh thi vào đại học hàng hải, nhưng lại trượt. Ước mơ không thành anh quay về với thực tế cuộc sống. Không thể sống bám vào cha mẹ, phải có cái nghề để nuôi sống bản thân, thế là anh theo học cơ điện. Khi có bằng tay nghề cơ điện, anh về chính quê hương Sông Đốc lập nghiệp. Một xưởng cơ điện khiêm tốn được anh dựng lên để sửa chữa điện cơ và cơ khí nhỏ cho tàu biển tại Sông Đốc. Tuy nhiên bầu nhiệt huyết với biển vẫn còn đó. Ý nghĩ không về với biển thì phải góp phần gì đó cho nghề biển quê hương cứ ấp ủ và thôi thúc anh.
Là thợ điện cơ, nhưng về quê hương chỉ sửa chữa cơ khí, anh phải tìm sách tự học và sửa chữa các thiết bị cơ khí. Theo thời gian, lắp ráp thiết bị cơ khí, sửa chữa các hỏng hóc trở thành biệt tài của anh. Cái nghề cơ điện dần chuyển qua cơ khí lúc nào không biết. Các nhà máy sản xuất chế biến sản phẩm cá tại Sông Đốc mà công nghệ nhập từ Thái Lan, Mã Lai đều có bàn tay anh từ lắp ráp đến sửa chữa. Và chính những nhà máy này với công nghệ nhập ngoại đã giúp anh phát triển tay nghề rất nhanh. Anh nói: “Mỗi lần lắp ráp mình học một chút về dây chuyền công nghệ hiện đại. Sau đó hư hỏng nhỏ thì mình sửa được, còn hỏng hóc lớn phải thuê chuyên gia, nhập linh kiện rất mắc tiền và tốn thời gian”.
Cứ mỗi lần sửa chữa lại thêm kinh nghiệm, những công đoạn về công nghệ chế biến bột cá được anh nhớ và về phác thảo thông qua những nét vẽ tay, sau đó là đưa vào máy vi tính thực hiện lại. Anh giải thích: “Những chỗ hư mình có thể sửa lại y như thế, nhưng ý nghĩ làm một cái gì đó thay thế để mang lại hiệu quả cao hơn cứ thôi thúc mãi”. Có lẽ kỷ niệm nhất là lần anh đi sửa chữa thuê cho nhà máy chế biến bột cá tại Gành Hào. Hư lò đốt phải thay toàn bộ và thợ ở TPHCM về báo giá phải trên 200 triệu đồng. Anh Đặng Lợi đã nhận sửa chữa với chi phí chưa đầy 140 triệu đồng. Anh nói: “ Lần sửa này đã giúp tôi phát kiến ra hệ thống tiết kiệm nhiên liệu từ việc tận dụng lại nhiệt phát sinh chính tại cái lò đốt ấy”.
Năm 1997, Công ty Sing Việt được xây dựng tại Sông Đốc, do dây chuyền công nghệ của Thái Lan nên thợ người Thái qua phụ trách lắp ráp. Anh chỉ phụ trách chế tạo các chi tiết phụ. Lần này anh cũng tranh thủ học được một ít kỹ thuật và sau này tất cả hỏng hóc từ nhà máy đều do anh phụ trách sửa chữa. Anh cho biết: “Tôi nghĩ, hư cái nào, chế cái khác tương tự để lắp vào thay thế đỡ tốn kém hơn. Có rất nhiều cái mình làm giống y nhưng thay vào chạy cứ hư tiếp, phải làm lại 3, 4 lần mới có kết quả.
HOÀN THÀNH Ý NGUYỆN
Tập hợp kinh nghiệm trong những lần làm công hết nhà máy này, dây chuyền khác, ngày qua ngày, dây chuyền chế biến bột cá cũng được anh phác thảo xong. Giữa năm 2003 anh đã bắt tay vào chế tạo một dây chuyền cho riêng mình.
Đầu kinh Thầy Chùa của thị trấn Sông Đốc mọc lên một xưởng cơ khí nhỏ nơi anh cùng các đồng sự tập trung biến ước mơ thành hiện thực. “Có đêm tôi không ngủ, hễ chợp mắt là những ý nghĩ về thiết bị cứ hiện về, phải ngồi đây phác họa lên máy vi tính để đó. Còn ngày thì cùng anh em, đến xưởng biến những cái trên hình vẽ thành linh kiện cho dây chuyền. Phải cải tiến, giảm chi phí đầu tư để có thể cạnh tranh khi đầu tư đưa vào sản xuất. Nhưng giảm bằng cách nào là cả một vấn đề nan giải”- anh tâm sự.
Vừa hướng dẫn mấy người thợ tiện những linh kiện máy tàu biển, anh vừa kể: “Sau nhiều đêm tôi suy nghĩ thiết bị mình tự chế tạo đơn giản nhưng chưa mang lại hiệu quả cao trong sản xuất. Chỉ có tiết kiệm ngay khâu sản xuất ra thành phẩm mới bảo đảm dây chuyền áp dụng có tính bền vững. Trong dây chuyền nước ngoài khâu sản xuất ra bột rất nóng phải qua hệ thống giải nhiệt tốn rất nhiều điện, trong khi sản xuất dây chuyền vẫn phải bơm nước khử mùi, tại sao mình không gộp lại để tận dụng nước khử mùi và làm lạnh? Từ suy nghĩ đó tôi vẽ sơ đồ và tính đến gộp hệ thống lại”.
Tất cả những cái đó đã được anh tận dụng hoàn hảo. Một băng tải 2 lớp được dùng bơm nước khử mùi anh cho rẽ nhánh chữ T, thế là nước chỉ cần bơm một lần có thể vừa dùng để giải nhiệt vừa tận dụng khử mùi. “Thế này là tiện cả đôi bề. Ngoài ra, còn khâu tận dụng nhiệt thừa từ trong lò đốt. Khâu này mấy kỹ sư nước ngoài không cho mình vào quan sát dây chuyền của họ. Tôi phải tự mày mò. Nhưng cái này phức tạp lắm nói anh cũng không hiểu. Mà còn lộ bí mật nữa chứ”- anh cười nói.
Khi chúng tôi hỏi về vốn đầu tư, anh nói: “Gần 1 tỉ đồng rồi, chủ yếu là vốn vay mượn anh em. Mình sẽ chứng minh bằng cách xin đầu tư xây dựng nhà máy tại Cái Đôi Vàm. Làm ở Sông Đốc rất tiện nhưng phải cạnh tranh. Tại đó nhà máy của mình công suất vừa phải cũng đủ nguyên liệu. Hiện nay nếu nguyên liệu chở từ đó qua Sông Đốc đội giá lên khoảng 100đồng/kg. Nếu công suất nhà máy chỉ chạy khoảng 50% là 20 tấn/ngày đã lãi khoảng 2 triệu/ngày, mỗi tháng cũng có trên 60 triệu đồng, chưa kể từ bán sản phẩm”.
Với công suất 40 tấn sản phẩm/ngày, dây chuyền sản xuất bột cá của anh Đặng Lợi đang được triển khai lắp ráp tại Cái Đôi Vàm. Với tâm quyết và những tính toán hợp lý, dây chuyền của anh có giá thành chỉ bằng 1/5 so với dây chuyền phải nhập từ nước ngoài. Khi chúng tôi hỏi khả năng thành công khi đưa vào hoạt động là bao nhiêu và vấn đề đăng ký bản quyền, anh quả quyết: “ 99,9%, không được thất bại. Mình đã thử và dự trù tất cả các tình huống xấu nhất rồi. Còn chuyện đăng ký bản quyền nghe nói rắc rối lắm nhưng phải cho nhà máy hoạt động rồi mới tính đến”. Khi chúng tôi từ biệt, anh còn không quên nhắc: “Khi nào khai trương nhà máy, mấy chú đến chia vui với anh”. Với dây chuyền trị giá khoảng 770 triệu đồng, nếu đầu tư thêm nhà xưởng tổng cộng khoảng 1,2 tỉ đồng, rất phù hợp với khả năng đầu tư tại địa phương. Dây chuyền chế biến bột cá của anh Đặng Lợi hứa hẹn sẽ góp phần không nhỏ vực dậy và phát triển hậu cần nghề cá tại Cà Mau trong tương lai.
Nguồn: baocantho.com.vn9/7/2006