Đắk Lắk: Sáng tạo phần mềm ngăn chặn sao nhãng trong giờ học
3 em học sinh lớp 11A10 Trường THPT Chu Văn An tỉnh Đắk Lắk là Trần Minh Giang, Nguyễn Đình Duy Phú, Nguyễn Hoàng Huynh đã sáng tạo phần mềm ngăn chặn sao nhãng trong giờ học khi học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong lớp học.
Việc sử dụng điện thoại trong lớp học với mục đích học tập của học sinh chính là khai thác các lợi thế kết nối của các thiết bị thông minh góp phần nâng cao hiệu quả học tập trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và thời kì chuyển đổi số. Tuy nhiên, sự đa dạng về chức năng và công dụng của điện thoại thông minh có thể tác động tiêu cực tới quá trình học tập của học sinh, gây mất tập trung, phân tán sự chú ý. Điện thoại thông minh có nhiều ứng dụng giải trí và một số chức năng ngoài mục đích học tập. Những học sinh có ý thức kém hoặc chưa nhận thức tốt có thể sử dụng điện thoại trong giờ học vào mục đích riêng khiến các bạn xung quanh bị phân tâm, sao nhãng trong việc tiếp thu bài giảng và ảnh hưởng đến sự tập trung cũng như thành tích học tập trong dài hạn, dẫn tới việc một số học sinh có kết quả học tập sa sút, suy giảm nhận thức về tầm quan trọng của việc học.
Ý tưởng của phần mềm này là để giúp quản lý hành vi sử dụng điện thoại di động của học sinh trong thời gian học để duy trì sự tập trung vào bài giảng; giảm sự phân tâm vào điện thoại ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả học tập của học sinh, đồng thời nhắc nhở và đưa ra hướng quản lý thời gian hiệu quả; thống kê báo cáo theo yêu cầu của nhà trường và thông báo cho giáo viên và phụ huynh về hành vi sử dụng điện thoại của học sinh trong giờ học giúp giáo viên và phụ huynh có thể theo dõi hành vi sử dụng điện thoại và sự tập trung trong học tập của học sinh.
Từ lịch học (gồm thời khóa biểu, phân môn tiết học và giáo viên đứng tiết của các lớp, các khối) do ban giám hiệu cung cấp (triển khai trên web genstudy.web.app), ứng dụng sẽ kích hoạt chức năng theo dõi để phân tích việc sử dụng điện thoại thông minh của học sinh trong khung giờ học của mỗi học sinh. Bên cạnh đó, phần mềm còn có các chức năng nâng cao như chế độ khóa điện thoại hoặc khóa các ứng dụng gây mất tập trung khác, thay vì ghi lại hành vi sử dụng. Việc này có thể được triển khai và quản lý bởi giáo viên bộ môn hoặc giáo viên chủ nhiệm.
Ứng dụng cập nhật dữ liệu thời khóa biểu của nhà trường và theo dõi việc sử dụng điện thoại, từ đó lưu lại trong cơ sở dữ liệu của nhà trường và phân tích, báo cáo cho phụ huynh và giáo viên để nắm được hành vi sử dụng điện thoại của học sinh trong giờ học. Ngoài ra sẽ có những nhận xét tổng hợp được phân tích bằng thuật toán của hệ thống, từ đó đưa ra giải pháp giải quyết cho tình trạng sử dụng điện thoại trong lớp học của học sinh. Giáo viên cũng có thể trực tiếp quản lý việc sử dụng điện thoại của học sinh và triển khai các tính năng nâng cao hơn, như chặn việc sử dụng điện thoại của nhiều nhóm học sinh hay các cá nhân cụ thể (thông qua việc quét mã QR code từ thiết bị của giáo viên, cá nhân học sinh cụ thể có thể xin quyền sử dụng thiết bị điện thoại và không bị tính vào hành vi sử dụng ngoài mục đích học tập). Vào khung giờ học dựa trên thời khóa biểu được nhà trường triển khai, ứng dụng sẽ bắt đầu chạy và theo dõi hành vi sử dụng điện thoại của học sinh. Nếu trong quá trình học tập học sinh thoát khỏi ứng dụng, cơ sở dữ liệu sẽ lưu lại và cập nhật, từ đó đưa ra các phân tích và đánh giá cũng như thông báo cho giáo viên và phụ huynh.
Thầy Hà Anh Tuấn, giáo viên hướng dẫn, nhận xét: Với việc xã hội ngày nay đang hội nhập và phát triển, ứng dụng sẽ giúp học sinh và giáo viên có thể khai thác sức mạnh và lợi ích công nghệ của thiết bị điện thoại thông minh như Thông tư của Bộ Giáo dục đào tạo đã đề ra, đồng thời triệt tiêu những phát sinh ngoài mong muốn của thiết bị điện thoại có thể gây nên đối với học sinh.
Phần mềm của Trần Minh Giang và các bạn được Ban giám khảo Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đắk Lắk lần thứ 10 năm 2022 đánh giá cao và đã được gửi tham dự Cuộc thi cấp Trung ương.