Đắk Lắk; Những hạn chế và nguyên nhân trong việc tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật
Vừa qua, Liên hiệp các Hội KH&KT Đắk Lắk đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh. Qua đề tài, chúng tôi nhận thức được các khó khăn, hạn chế trong việc tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật và nguyên nhân của vấn đề này.
Khó khăn, hạn chế
Đối tượng tham gia Hội thi còn ít và tập trung ở một số địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội phát triển. Sản phẩm tham gia các lĩnh vực dự thi không đồng đều, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực cơ khí và giáo dục. Chất lượng các sản phẩm dự thi chưa cao, chưa có nhiều sản phẩm đạt giải Hội thi toàn quốc. Sản phẩm có tính ứng dụng thực tế không nhiều.
Ban Tổ chức, Tổ Thư ký Hội thi hoạt động chưa đều tay. Việc triển khai công tác tuyên tuyền, vận động về Hội thi còn có mặt hạn chế. Các thành viên trong Ban Tổ chức, Tổ thư ký được cơ cấu khá đầy đủ nhưng đi vào triển khai thực hiện số lượng tham gia quá ít và không thường xuyên. Cơ chế phối hợp còn khó khăn, nhất là nhân lực của cơ quan thường trực còn thiếu cán bộ và chưa chuyên nghiệp. Thành viên Ban tổ chức, Ban thư ký đa số là kiêm nhiệm, nên chưa dành nhiều thời gian, công sức cho công tác tuyên truyền, vận động. Ban tổ chức có khó khăn trong việc tiếp nhận, phân loại, sàng lọc giải pháp, sản phẩm. Việc kiểm tra, phân loại và sơ tuyển tại cơ sở còn nhiều hạn chế, nhiều giải pháp, sản phẩm trùng ý tưởng, một số giải pháp, sản phẩm bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển,…nhiều hồ sơ không có hình ảnh minh họa nên gây nhiều khó khăn trong việc tiếp nhận, phân loại, sàng lọc sản phẩm.
Kinh phí được nhà nước cấp cho những lần tổ chức Hội thi còn rất hạn hẹp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế nên ảnh hưởng đến công tác triển khai. Mức chi giải thưởng chưa thỏa đáng với công sức tác giả bỏ ra, làm hạn chế sự say mê nghiên cứu sáng tạo. Việc triển khai ứng dụng và nhân rộng các giải pháp đạt giải Hội thi có khó khăn do không có nguồn kinh phí, thiếu cơ chế và chính sách hỗ trợ, đầu tư cho công tác này. Chủ yếu là do tác giả tự tiếp thị, quảng bá đưa sản phẩm ra thị trường, chỉ có số ít giải pháp gắn kết giữa sản xuất - kinh doanh và khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp. Các tác giả thiếu sự đầu tư để hoàn thiện và phát triển công nghệ sau khi tham gia hội thi.
Hội đồng chấm thi còn lúng túng khi chấm chọn các sản phẩm của nhiều lĩnh vực khác nhau và ở các đối tượng khác nhau. Việc tổ chức cho các thành viên Hội đồng chuyên ngành đi khảo sát hiện trường các giải pháp chưa đầy đủ, trong khi nhiều giải pháp tác giả không diễn giải hết nội dung, chỉ khi xuống hiện trường mới thấy được tính mới, tính sáng tạo,…của giải pháp.
Phương pháp trình bày bản mô tả giải pháp dự thi của phần lớn các tác giả chưa thật đầy đủ, dễ hiểu, chưa nêu bật tính mới. Một số giải pháp có chất lượng nhưng cách viết bản mô tả giải pháp chưa đạt yêu cầu. Có những tác giả lo sợ bản quyền bị đánh cắp nên không muốn tham gia Hội thi; có những nông dân với niềm đam mê, không ngừng cải tiến quy trình sản xuất, công cụ, phương tiện hỗ trợ lao động, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất và đời sống, tuy nhiên do hạn chế về trình độ học vấn nên không biết cách xây dựng giải pháp dự thi theo biểu mẫu hướng dẫn, thậm chí họ không biết sản phẩm của họ có tính sáng tạo.
Một số tổ chức, đơn vị, cá nhân trong thực tế đã có những giải pháp kỹ thuật có tính mới sáng tạo, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực, nhưng do nhận thức về Hội thi chưa đầy đủ nên còn e ngại không làm hồ sơ tham gia dự thi. Nhiều cá nhân còn cho rằng giải pháp STKT là đề tài nghiên cứu khoa học, phải có trình độ khoa học kỹ thuật cao, yêu cầu hiệu quả lớn… nên khó tiếp cận tham gia.
Số lượng các đề tài giải pháp đạt giải tại Hội thi STKT được ứng dụng rộng rãi trong học tập, sản xuất và đời sống chưa nhiều. Ban Tổ chức Hội thi chưa kết nối được giữa nhà sáng chế với các doanh nghiệp để thúc đẩy nhân rộng các giải pháp sáng tạo khoa học. Giải pháp xuất sắc qua các lần tổ chức Hội thi rất ít, giải pháp có số điểm trung bình chiếm tỷ lệ khá cao.
Nguyên nhân của khó khăn, hạn chế
Công tác tuyên truyền, vận động Hội thi không thường xuyên và hiệu quả chưa cao. Công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, các tác giả tham gia ở các cấp còn hạn chế, chưa sâu rộng và các biện pháp tuyên truyền chưa phong phú. Tuyên truyền trên Đài truyền hình tỉnh có hiệu quả cao nhưng kinh phí hạn chế. Công tác hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ chưa nhiều và chưa rộng ở các địa phương. Công tác tổ chức của một số địa phương còn lúng túng trong việc tổ chức thực hiện. Các thành viên trong Ban Tổ chức là kiêm nhiệm nên không có nhiều thời gian tham gia và chưa tích cực triển khai ở ngành mình. Hội thi có thời gian kéo dài 2 năm nên công tác tuyên truyền, vận động không thường xuyên, liên tục; thường tập trung vào năm thứ 2 để phát hiện, thuyết phục, đôn đốc, hỗ trợ các tác giả có sản phẩm dự thi. Việc tuyên truyền phổ biến, nhân rộng các giải pháp có lợi, giúp các tác giả đoạt giải tiếp tục hoàn thiện các công trình sáng tạo của họ để ứng dụng vào thực tiễn còn chưa làm được. Cách thức tổ chức triển khai Hội thi còn mang tính thụ động, có khuynh hướng thiên về việc gặt hái, thu lượm kết quả hơn là tìm tòi, phát hiện, nuôi dưỡng và hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo.
Kinh phí Hội thi hạn chế. Kinh phí Hội thi chỉ có ở cấp tỉnh và nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước quá ít. Thiếu kinh phí để đi triển khai cụ thể tại các địa bàn, để mời chuyên gia thẩm định và đánh giá các giải pháp dự thi. Các huyện, thị xã, thành phố không có hoặc ít có nguồn kinh phí tổ chức, triển khai Hội thi nên đã ảnh hưởng đến số lượng, chất lượng sản phẩm dự thi. Một số giải pháp có thể chế tạo thành sản phẩm được nhưng không có kinh phí để thực hiện chỉ dừng ở mức độ mô hình mô phỏng.
Ít có sự hỗ trợ cho sản phẩm sau khi đoạt giải Hội thi để giúp tác giả cải tiến sản phẩm, nhân rộng kết quả và khởi nghiệp. Việc triển khai rộng rãi, nhân rộng kết quả các công trình đoạt giải còn gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, thiếu thị trường tiêu thụ, tâm lý thích nhập ngoại. Thiếu hệ thống các dịch vụ khoa học công nghệ và sở hữu trí tuệ làm cầu nối giữa các nhà khoa học với các doanh nghiệp để đưa sản phẩm khoa học vào cuộc sống.
Chưa liên kết với các chương trình, tổ chức có liên quan để phát huy hiệu quả của sản phẩm đoạt giải dự thi nhằm giúp các sản phẩm dự thi có điều kiện hoàn chỉnh sản phẩm, đưa ra thị trường và khởi nghiệp. Qua các lần tổ chức Hội thi, tuy số lượng và chất lượng các giải pháp tham gia Hội thi có chuyển biến, nhưng nhìn chung Hội thi vẫn chưa thực sự trở thành phong trào rộng lớn trong quần chúng nhân dân và người lao động. Số lượng giải pháp tham gia Hội thi chưa xứng với tiềm năng sáng tạo của tỉnh, chưa có sức thu hút lan tỏa mạnh, vẫn còn nhiều đơn vị, địa phương và một số ngành, trong đó có các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh trên địa bàn tỉnh chưa tích cực tham gia Hội thi. Một số sở, ban, ngành, địa phương và nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm động viên, đôn đốc và hỗ trợ kịp thời các tác giả, nhóm tác giả có sáng kiến kỹ thuật về hồ sơ, thủ tục tham gia dự thi; một số lĩnh vực thủy lợi, xây dựng, vật liệu, hóa chất, năng lượng, y dược,... có các giải pháp tham gia còn hạn chế. Có ít giải pháp của các tác giả, nhóm tác giả trẻ tuổi.
Giá trị của giấy chứng nhận đạt giải của Ban Tổ chức Hội thi chưa được các đơn vị chuyên môn đánh giá đúng, dẫn đến việc có sự áp dụng ưu tiên chưa đồng bộ tại các phòng ban, huyện thị và sở, ngành. Hội thi STKT là hoạt động liên ngành, hoạt động sáng tạo đòi hỏi đầu tư chất xám lớn, công sức và tiền bạc, song khi đạt giải thì giấy chứng nhận lại chưa được ghi nhận sánh ngang giấy khen của cấp huyện tại một số đơn vị cấp huyện nên phần nào làm giảm nhiệt huyết của các tác giả khi nhắc tới việc tham gia Hội thi STKT, chưa xem kết quả này để xếp loại thi đua.
Tác giả ngại lộ qui trình tạo ra sản phẩm liên quan đến sở hữu trí tuệ; thiếu tự tin; ngại do chủ doanh nghiệp không ủng hộ (sợ lộ bí mật doanh nghiệp)./.