Đại học quốc gia TP.HCM: đưa khoa học phục vụ cộng đồng
Mục tiêu của hội thảo nhằm củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác phát triển giữa ĐHQG - HCM với các tỉnh, thành phố và các cơ sở đào tạo thuộc khu vực TP.HCM, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung bộ. PGS.TS. Hùynh Thành Đạt, phó giám đốc ĐHQG-HCM nhận định: “Giá trị của một đại học được đánh giá bằng những sáng tạo và đóng góp của đại học đó vào kho tàng tri thức, khoa học của nhân loại. Đồng thời, đại học đó cũng phải chuyển những giá trị sáng tạo, đóng góp ấy vào thực tiễn cuộc sống, phục vụ cộng đồng. Từ nhận thức đó, trong nhiều năm qua, ĐHQG-HCM đã thực hiện chiến lược gắn kết chặt chẽ với các địa phương bằng nhiều chương trình, dự án triển khai tại nhiều tỉnh thành, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương”.
Nhiều năm qua ĐHQG-HCM luôn là chỗ dựa vững chắc cho TP.HCM trong xây dựng và triển khai các đề tài trọng điểm, là hạt nhân giúp TP.HCM hình thành và phát triển các công nghệ mới, góp phần giải quyết các vấn đề nan giải về đào tạo, nguồn lực và khoa học công nghệ. Tại TPHCM, các đề tài, dự án thuộc lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng luôn bám sát các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm, tập trung vào các vấn đề cần giải quyết theo đơn đặt hàng của TP.HCM. ĐHQG-HCM đang tập trung hỗ trợ, phối hợp TPHCM thực hiện 3 chương trình lớn: phát triển công nghệ vi mạch (chương trình hợp tác KHCN giữa TP.HCM và Bộ KHCN); giảm ùn tắc giao thông; chống ngập đô thị.
Chương trình hợp tác giữa ĐHQG-HCM với tỉnh Bình Dương cũng đang phát triển tốt, tập trung vào các hoạt động hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua các dự án lớn: hợp tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa của Bình Dương; xây dựng và phát triển trường phổ thông năng khiếu; hợp tác, hỗ trợ đại học và doanh nghiệp của tỉnh. Riêng dự án “Hợp tác khai thác dự án bảo tàng sinh thái tre Phú An”, sau khi đi vào hoạt động, Làng tre Phú An đã được thế giới và cộng đồng đánh giá cao và được trao một số giải thưởng quốc tế. Một trong những hợp tác đáng chú ý giữa ĐHQG-HCM và tỉnh Bình Dương - tỉnh có mức phát triển nhanh nhất của miền Đông Nam Bộ - trong suốt nhiều năm qua chính là đào tạo nguồn nhân lực. Thành quả nổi bật của sự hợp tác này là sự ra đời và phát triển của 2 trường đại học của Bình Dương: Trường đại học Thủ Dầu Một, Trường đại học quốc tế Miền Đông (của Tổng công ty Becamex).
Trong những năm qua, ĐHQG-HCM đã liên kết đào tạo đại học với 13 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhằm xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cho địa phương, xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật và nâng cao nghiệp vụ chuyên ngành cho cán bộ, thực hiện nhiều hoạt động phối hợp hiệu quả về đào tạo và kiểm định chất lượng, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Bên cạnh hợp tác trong đào tạo đại học, ĐHQG-HCM đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo trình độ cao phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội vùng ĐBSCL. Các trường thành viên của ĐHQG-HCM như trường ĐHKH Tự nhiên, ĐH Bách Khoa, ĐH KHXH&NV, ĐH Kinh tế – Luật,.. có nhiều chương trình hợp tác với các trường đại học khu vực này để đào tạo đại học, sau đại học. Ngoài công tác đào tạo, ĐHQG-HCM cũng đã triển khai chương trình hỗ trợ các trường ĐH khu vực ĐBSCL về công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng thông qua các hoạt động trao đổi hợp tác về chuyên môn dưới hình thức tổ chức hội thảo, tập huấn, tham quan, trau dổi kinh nghiệm và mời cán bộ tham gia các đoàn đánh giá ngoài nội bộ tại ĐHQG-HCM. Song song các công tác nêu trên, ĐHQG-HCM tiếp tục là nòng cốt trong các chương trình tư vấn hướng nghiệp; tập huấn; bồi dưỡng giáo viên THPT về các hoạt động hướng nghiệp cho học sinh, góp phần phát triển cầu nối giữa địa phương với các trường đại học.
Với thế mạnh về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, ĐHQG-HCM đã tiến hành hợp tác với các tỉnh để nghiên cứu, giải quyết nhiều vấn đề của các tỉnh ĐBSCL, thể hiện qua các đề tài nghiên cứu khoa học như: nghiên cứu bảo tồn rừng U Minh, nghiên cứu đất ngập mặn Cà Mau, nghiên cứu thử nghiệm ứng dụng năng lượng gió nhằm phục vụ sản xuất và đời sống cho huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng,….. Viện môi trường và tài nguyên, ĐHQG-HCM đã phối hợp, tư vấn rất nhiều dự án về môi trường cho ĐBSCL trong các lĩnh vực như: quản lý môi trường (71 dự án), công nghệ môi trường (15 dự án), hóa học môi trường, chuyển giao công nghệ, tư vấn thiết kế (757 dự án),…
Tây Nguyên là một trong bốn vùng trọng điểm mà ĐHQG-HCM hướng đến để hỗ trợ, phối hợp, đưa khu vực kinh tế này từng bước vươn lên. Bước đầu đã xây dựng được một số hợp tác quan trọng với các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên như: Lâm Đồng, Đắc Nông, Đắc Lắc.
ĐHQG-HCM cũng là đơn vị tiên phong trong mô hình xây dựng ký túc xá bằng hình thức xã hội hóa, huy động được nguồn lực từ các tỉnh có sinh viên theo học cùng chung sức xây dựng ký túc xá. Hệ thống ký túc xá là sản phẩm tiêu biểu của việc kết nối thành công giữa ĐHQG-HCM với các địa phương trong việc hoàn thiện dịch vụ đào tạo. Đây là trung tâm ký túc xá đầu tiên trong cả nước áp dụng mô hình kết nối hợp tác giữa trường đại học với các địa phương. Với cách làm mang tính đột phá này, hiện nay, KTX của ĐHQG-HCM là một trong những khu KTX có diện tích và quy mô lớn nhất nước, đáp ứng khoảng 60 ngàn chỗ ở cho sinh viên ĐHQG-HCM và một số trường đại học phía đông bắc TP.HCM.