"Cứu" tôm thẻ chân trắng nhờ ứng dụng khoa học
Đáp ứng yêu cầu khắt khe của xuất khẩu
Mô hình của công ty Hải Nguyên có diện tích khoảng 60 ha, gồm khu nuôi trồng thủy sản sạch, chất lượng cao là 12,5 ha; khu công nghệ cao siêu thâm canh với diện tích 6ha và đang xây dựng thêm hơn 20 ha vào hai giai đoạn tiếp theo; khu nuôi tôm thâm canh với 22ha.
Ông Đinh Vũ Hải, giám đốc Kỹ thuật và Thương mại – Công ty TNHH MTV Hải Nguyên cho biết, vào năm 2011, tình hình dịch bệnh dẫn đến tình trạng tôm chết hàng loạt không rõ nguyên nhân trên tôm thẻ chân trắng ngày một lan rộng tại một số tỉnh miền Trung, miền Bắc và cả miền Tây Nam Bộ nước ta cũng như một số nước khác trên thế giới. Công ty Hải Nguyên cũng rơi vào tình cảnh thiệt hại nặng do tôm chết hàng loạt. Đứng trước tình cảnh đó, được sự giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương tỉnh Bạc Liêu, công ty Hải Nguyên đã cử cán bộ đi nghiên cứu học tập kinh nghiệm nuôi tôm thẻ chân trắng tại một số nước như Trung Quốc,Thái Lan và tìm kiếm một số tài liệu sách báo thông tin trên mạng về nuôi tôm thẻ chân trắng.
Khi đã tự tin với vốn kiến thức của mình, ông Đinh Vũ Hải và một số cộng sự đã đề xuất với công ty và được chấp thuận cho đầu tư nghiên cứu 1 đề tài khoa học đề tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục dịch bệnh trên tôm thẻ chân trắng. Tháng 9/2011, công ty quyết định khởi công xây dựng khu công nghệ cao siêu thâm canh – nuôi tôm trong nhà kính với quy mô ban đầu 4,5 ha để phục vụ cho việc nghiên cứu.
Giai đoạn 1 cho việc thử nghiệm gồm 6ha, trong đó có 3ha nuôi trong nhà kính đã hoàn thành 80% khối lượng công trình. Các khu nhà ương tôm giai đoạn 1, giai đoạn 2 và nhà nuôi tôm thương phẩm…đều hoàn thành tốt.
Do tôm thả nuôi với mật độ cao nên hệ thống dàn quạt và ô xy đáy phải hoạt động liên tục 24/24ha. Theo đó, định kỳ 5 ngày phải cấy vi sinh một lần và hàng tuần phải kiểm tra sự tăng trưởng của tôm để có thể điều chỉnh lượng thức ăn, môi trường nước kịp thời.
Điều đặc biệt, khi tôm được nuôi trong nhà kính không cần thay nước, quản lý theo quy trình công nghệ sinh học hiện đại, nguồn nước có thể được tận dụng để thả tôm nuôi những vụ tiếp theo. Do đó sẽ chủ động được khâu xử lý nước thải trong môi trường nuôi tôm – một vấn đề bức thiết mà lâu nay không có giải pháp khắc phục.
Ngoài ra, để quản lý tốt môi trường ao nuôi định kỳ 3-4 ngày phải thay xi phông một lần (hút bỏ các chất thải, bùn, độc tố tích tụ dưới đáy ao) góp phần làm sạch môi trường nuôi tạo ra sản phẩm nuôi sạch đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu.
Cần sự chung tay của nhà nước
Mô hình của công ty Hải Nguyên đã thực hiện nuôi thử nghiệm 6 vụ thành công, năng suất đạt từ 40 – 87 tấn/ha/vụ. Mô hình cũng thu được tôm đạt khoảng 42con/kg trong thời gian 72 ngày, mật độ 366 con/m2, năng suất đạt 87tấn/ha/vụ. Nếu nuôi 110 ngày thì trọng lượng tôm tăng đáng kể với 33 con/kg với mật độ 250 con/m2, năng suất đạt 55 tấn/ha/vụ. Năm 2013, công ty đang thực hiện nuôi tôm vụ thứ 7, 8 kết quả cũng rất khả quan với 60 ngày tuổi, 30 ngày tuổi và 15 – 20 ngày tuổi.
Với kết quả này, dễ dàng nhận thấy có thể nuôi tôm thương mại 3 -4 vụ/năm, năng suất bình quân đạt khoảng 150 – 200 tấn/ha/năm, lợi nhuận đạt 4- 6 tỷ/ha/năm.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng có nhiều ưu điểm mà các mô hình nuôi tôm truyền thống. Đó là chưa phát hiện dịch bệnh tôm chết hàng loạt không rõ nguyên nhân trong hệ thống nhà nuôi khi nuôi đối chứng với ao bên ngoài với mật độ 40 – 120 con/m2 có cùng lô tôm giống và quy trình kỹ thuật; mô hình có thể nuôi mật độ cao, cho năng suất cao, thời gian nuôi ngắn, kích cỡ tôm lớn đạt 25 – 40 con/kg và có thể sản xuất liên tục trong năm không cần mùa vụ, sử dụng ít nước phục vụ cho việc nuôi tôm, ít phải thay nước, sử dụng quỹ đất ít.
Từ kết quả trên, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của công ty Hải Nguyên cũng đã được nhân rộng ra nhiều địa phương trong cả nước.
Tuy nhiên, mô hình nuôi tôm trong nhà kính lại có vốn đầu tư lớn tới khoảng 10 tỷ đồng/ha mặt nước và bình quân khoảng 6 tỷ đồng/ha diện tích tổng thể. Với số tiền đầu tư lớn như vậy thì không phải nhiều người dám mạnh dạn đầu tư.
Do đó, công ty Hải Nguyên cho rắng, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh vừa cho năng suất cao, kiểm soát được dự lượng các chất hóa học không cho phép khi sử lý nước và môi trường, kiểm soát được dịch bệnh trên tôm. Có thể nói đây là khởi nguồn của quy hoạch, mở rộng sản xuất và dẫn đến ổn định nguyên liệu đầu vào cho ngành chế biến thủy sản xuất khẩu của tỉnh Bạc Liêu và toàn ngành thủy sản Việt Nam.
Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp có sự đầu tư nghiên cứu đột phá để tạo ra những công trình khoa học công nghệ thực sự giúp ích cho sự phát triển nền nông nghiệp Việt Nam. Các chính sách đó có thể là cho vay vốn ưu đãi không lãi suất, thủ tục vay vốn đơn giản, nhanh gọn. Hiện nay, vấn đề nhiều doanh nghiệp đó là vay vốn khó, lãi suất cao…những khó khăn này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác nghiên cứu và phát triển nhân rộng kết quả nghiên cứu khoa học của các doanh nghiệp.
Thái Bình