Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 28/09/2005 14:38 (GMT+7)

Cuộc sống dạy tôi yêu thương con người

Sinh năm 1942, là con út trong một gia đình trí thức tiểu tư sản tại TP Hải Phòng, ngay từ những năm học phổ thông ở trường Thái Phiên, trường Ngô Quyền, Nguyễn Văn Thưởng luôn là học sinh xuất sắc. Ông là sinh viên Đại học Y khoa Hà Nội, khóa 1962-1968. Tháng 5 năm 1968, ngay sau khi tốt nghiệp đại học với thành tích học tập xuất sắc, Nguyễn Văn Thưởng được chọn đi đào tạo chuyên khoa tại CHDC Đức. Nhưng cùng với những sinh viên yêu nước cùng lứa như liệt sĩ-bác sĩ Đặng Thùy Trâm, ông đã chọn con đường quân ngũ, vào phục vụ chiến trường. Cuộc đời nhà khoa học này bắt đầu được thủ thách bằng sự ác liệt của chiến tranh. Suốt từ tháng 5-1968 đến tháng 12-1972, Nguyễn Văn Thưởng đã cùng với bạn bè, đồng nghiệp lăn lộn cứu chữa thương binh, bệnh binh ở các binh trạm 11, 41 đoàn 559 khu vực đường 9 Nam Lào. Ở đây, ông đã mang những kiến thức mà mình được học để cứu sống hàng trăm thương binh, trong đó có những người bị thương nặng tưởng chừng như không thể cứu nổi. Chuyện kể rằng, những năm tháng ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ, những người lính đi qua khu vực ông làm việc đã kháo nhau "đi qua đoạn này yên tâm, nếu bị thương đã có bệnh viện của ông Thưởng"...

Trưởng thành trong chiến tranh, năm 1973, ông được về học ngoại ngữ ở trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội và từ năm 1974 đến năm 1978, Nguyễn Văn Thưởng đã hoàn thành xuất sắc chương trình nghiên cứu sinh tại Liên Xô.

Năm 1979, TS Nguyễn Văn Thưởng trở về Việt Nam và tiếp tục các công trình nghiên cứu khoa học-điều mà ông đam mê và đã thành công từ những năm chiến tranh khi ông công tác ở trạm xá đoàn 559 với đề tài "Đặc điểm sốt rét ác tính ở Trường Sơn". Phát huy những kiến thức học tập từ nước bạn, ở cương vị Phó chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm khoa dịch tễ, vi sinh vật, Viện Nghiên cứu Y học quân sự, Cục Quân y, TS Nguyễn Văn Thưởng đã chủ trì và tham gia hàng loạt các công trình nghiên cứu về dịch hạch, dịch tễ học lâm sàng bệnh nhiễm khuẩn do màng não cầu, phát hiện sớm bệnh nhân viêm gan siêu vi trùng, điều chế chế phẩm điều trị viêm gan và sốt Q... Những đề tài thiết thực liên quan trực tiếp đến bệnh dịch không chỉ ở trong quân đội mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhân dân ở các vùng Tây Nguyên, Quảng Ninh, Lào Cai và các vùng biên giới, hải đảo...

Năm 1988, TS Nguyễn Văn Thưởng trở lại Học viện Ky-rốp nước Nga để hoàn thành khóa học thực tập sinh cao cấp. Tháng 5 - 1990, ông bảo vệ xuất sắc luận án TSKH cùng một lúc hai đề tài liên quan đến dịch tễ học. Với khả năng của mình, ngay sau khi về nước, TSKH Nguyễn Văn Thưởng đã giữ những trọng trách quan trọng: Phó viện trưởng, Viện trưởng Viện Vệ sinh phòng dịch, Phó cục trưởng, Cục trưởng Cục Quân y và tháng 3-1994, ông được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Y tế.

Trong thời kỳ đổi mới, đặc biệt từ năm 1994 đến nay, ông đã thể hiện là một cán bộ có tầm tư duy chiến lược sắc sảo, có khả năng khái quát tổng hợp nhạy bén và kịp thời đề xuất với Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, chính sách sát với thực tiễn đem lại nhiều hiệu quả to lớn. Đặc biệt, không chỉ có đóng góp với ngành quân y, đề tài kết hợp quân dân y thành chương trình quốc gia do Thiếu tướng GS.TSKH Nguyễn Văn Thưởng đề xuất đã đem lại hiệu quả to lớn trong việc xóa các xã trắng về y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo.

Trưởng thành cùng chiến tranh, cái nghiệp của nhà khoa học này luôn gắn với con người, vì con người. Ngay cả khi đã ở trên cương vị Thứ trưởng Bộ Y tế, GS.TSKH Nguyễn Văn Thưởng đã cùng lãnh đạo Bộ Y tế chỉ đạo hệ thống y tế dự phòng cả nước phòng chống, ngăn chặn dịch tả, sốt rét, dịch hạch và đại dịch HIV/AIDS. Đặc biệt, ông có vai trò lớn trong trận chiến đấu ngăn chặn sự lây lan của dịch SARS đầu năm 2003. Về những ngày cam go ấy, ông tâm sự: "Sợ thì có sợ vì mình không biết đối thủ như thế nào, như là đánh nhau với người vô hình, nhưng mà mình tin là sẽ làm được...". Có thể nói rằng cuộc chiến ngăn chặn dịch SARS là cuộc chiến cam go nhất trong cuộc đời người lính, bác sĩ Nguyễn Văn Thưởng. Cuốn sổ tay của ông ken dày lịch làm việc một cách rất khoa học. Những đêm không ngủ khiến mái đầu của nhà khoa học  bạc trắng... Giờ nào làm việc với Tổ chức Y tế thế giới, giờ nào chỉ đạo các Sở Y tế, khoanh vùng dịch ở đâu?... Nói theo cách nói rất quân sự "Chặn đầu và khóa đuôi không cho dịch bùng phát"...

Với những thành công trong nhiều năm phòng, chống dịch, đặc biệt là chiến dịch phòng chống SARS, tháng 7-2003, GS.TSKH Nguyễn Văn Thưởng là người Việt Nam đầu tiên và cũng là một trong ba nhà khoa học nước ngoài vinh dự được Viện hàn lâm y học Nga tặng "Huy chương vàng"- phần thưởng cao nhất tặng cho các nhà dịch tễ học có công với con người.

Sau bao năm tháng gắn bó cống hiến cho ngành y tế chăm lo sức khỏe cho nhân dân, cuối năm 2003, ông được Đảng, Nhà nước giao cho nhiệm vụ mới: Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam . Và ở đây ông lại tiếp tục mang nhiệt tình và trí tuệ của mình cho hoài bão mà ông đã theo đuổi suốt đời "mang lại sự sống và hạnh phúc cho những con người".

Gần 3 năm về Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam , GS.TSKH Nguyễn Văn Thưởng đã thổi vào cơ quan nhân đạo này một luồng gió mới. Các hoạt động của Hội liên tục được triển khai một cách sáng tạo và hiệu quả từ nhiều ý tưởng rất thực tế và rất giàu ý nghĩa của ông. Chương trình tặng bò cho quản trang các nghĩa trang liệt sĩ do ông khởi xướng đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều trái tim nhân ái và được chuyển thành phong trào của báo Lao Động, chương trình hỗ trợ vốn cho người khuyết tật nghèo, nạn nhân da cam đã và đang thực hiện hiệu quả ở một số tỉnh, chương trình hỗ trợ đồng bào nghèo các tỉnh Tây Nguyên, xây nhà cho các cựu thanh niên xung phong...

63 mùa xuân đã đi qua cuộc đời và nhân cách của ông đã được một nhà thư pháp lừng đánh ở Huế đúc kết "Hạt cát nở thành hoa nên tình thương còn mãi...".

Danh hiệu Anh Hùng Lao động thời kỳ đổi mới mà Đảng và Nhà nước trao tặng rất xứng đáng với nhân cách và những cống hiến của ông...

Nguồn: quandoinhandan.org.vn     18/9/2005

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.

Tin mới

Viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương
Trong những năm qua, VUSTA luôn chú trọng thực hiện các hoạt động thiện nguyện, góp phần thực hiện an sinh xã hội. Năm 2024 đã đánh dấu đậm nét những nỗ lực không ngừng nghỉ của VUSTA trong các hoạt động vì cộng đồng. Ngay đầu Năm mới 2025, VUSTA thực hiện chương trình thiện nguyện và xây dựng nông thôn mới, viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương tại tỉnh Cao Bằng.
Trà Vinh: 7 nhiệm vụ đặt ra cho công tác thi đua, khen thưởng năm 2025
Công tác thi đua, khen thưởng có vị trí, vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, là biện pháp để tố chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Thông qua việc tổ chức các phong trào thi đua nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các tập thể, cá nhân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.
Chủ tịch Phan Xuân Dũng thăm, chúc Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025 tại tỉnh Ninh Thuận
Sáng ngày 13/01/2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN), đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận đã đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn các huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Sơn và Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận nhân dịp Năm mới và Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025.