Cuộc đời anh gắn với những đề tài khoa học
Mặc dù đã gần 20 năm làm công tác quản lý nhưng là một cán bộ khoa học được đào tạo cơ bản, anh có niềm say mê nghiên cứu khoa học một cách kỳ lạ. Có lẽ cuộc đời anh gắn liền với những con cá chép, cá rô phi , những loài cá mà anh đã quen thuộc, đã nghiên cứu và hiểu biết kỹ lưỡng về chúng trong thời gian dài. Từ năm 1972 đến năm 1977, anh tham gia đề tài "Lai kinh tế cá chép" và đã có những đóng góp quan trọng. Ðề tài thành công, anh được Tổng liên doàn Lao động Việt Nam cấp Bằng "Lao động sáng tạo". Tiếp đến năm 1978-1980, anh làm chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước "Di giống thuần hoá và lai kinh tế một số loài cá nuôi ". Kết quả đã tạo được cá lai giữa cá chép vẩy Hung với cá chép trắng Việt Nam và chép vàng Inđônêxia cho năng suất cao và được đưa vào sản xuất rộng rãi, đạt hiệu quả lớn.
Năm 1982, anh được tín nhiệm tham gia lãnh đạo Viện. Từ đó đến nay, anh đã có những đóng góp lớn đưa Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản I phát triển trở thành một trung tâm nghiên cứu thuỷ sản lớn hàng đầu đất nước và có uy tín trong khu vực. Mặc dù công việc bận rộn, anh vẫn làm chủ nhiệm nhiều đề tài cấp nhà nước có giá trị quan trọng. Từ 1981-1990 anh là chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước "Chọn giống cá chép Việt Nam ". Ðề tài đã thành công xuất sắc và theo kết quả của đề tài, sau 6 thế hệ đã chọn lọc được cá chép mới có năng suất cao, đưa năng suất nuôi cá chép tăng bình quân 50%. Cá chép chọn giống được người nuôi ở nước ta rất tín nhiệm, đặc biệt là ở vùng nuôi cá ruộng, cá ao và được đánh giá cao ở Ấn Ðộ, Bănglađet, Thái Lan và Lào. Từ 1991- 1995, anh là chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước "Nghiên cứu nâng cao chất lượng giống cá nuôi ở nước ngọt". Ðề tài đạt kết quả xuất sắc, được đánh giá cao, được Bộ Thuỷ sản tặng Bằng khen "Chủ nhiệm đề tài xuất sắc"và Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường tặng giải thưởng khoa học công nghệ. Từ năm 1997 - 2000, anh là chủ nhiệm đề tài độc lập cấp nhà nước " Nghiên cứu công nghệ di truyền điều khiển giới tính một số loài cá, tôm nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm". Qua 2 năm thực hiện, đến nay đề tài đạt kết quả tốt và tiến triển thuận lợi với sự hợp tác của một số cơ quan trong và ngoài ngành thuỷ sản.
Song song với công tác quản lý, điều hành các hoạt động của Viện, làm chủ nhiệm các đề tài khoa học trên, từ 1986-1996 anh còn làm chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước "Lưu giữ nguồn gen và giống thuỷ sản nước ngọt ". Ðề tài này đã đặt cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc bảo tồn lâu dài các loài cá nuôi, cá nhập nội, cá quý hiếm... với chất lượng cao. Ngoài ra anh còn làm chủ nhiệm các đề tài, giám đốc các dự án quốc tế. Từ 1994 đến nay, anh đã làm điều phối viên quốc gia 1 dự án quốc tế và làm giám đốc quốc gia 3 dự án quốc tế khác. Các dự án do anh tham gia đã kết thúc thành công hoặc đang tiến triển thuận lợi, đều góp phần cải thiện đáng kể năng suất, chất lượng một số loài cá nuôi, nâng cao chất lượng mô hình cá - lúa, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào nuôi cá trong ruộng lúa ở Nam Ðịnh và một số tỉnh thành khác. Tất cả các công trình nghiên cứu của phó giáo sư, tiến sĩ khoa học Trần Mai Thiên đã đóng góp rất quan trọng cho ngành thuỷ sản nước nhà, đưa khoa học công nghệ nuôi cá nước ngọt, đặc biệt trong lĩnh vực giống lên một bước phát triển mới.
Ngoài công tác nghiên cứu, anh cũng trực tiếp tham gia công tác khuyến ngư, chuyển giao công nghệ, cố gắng truyền kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng cho người nuôi cá trong nhiều năm. Anh tham gia tổ chức và trực tiếp giảng dạy sinh viên ở trường đại học, cao học và hướng dẫn nghiên cứu sinh về nuôi trồng thuỷ sản. Anh hoạt động rất tích cực trong công tác đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật cho Viện cũng như cho ngành thuỷ sản.
Với cương vị là người lãnh đạo Viện, khi làm Phó viện trưởng cũng như Viện trưởng, trong những năm đổi mới của đất nước, các cơ quan nghiên cứu khoa học gặp nhiều khó khăn khi không còn sự giúp đỡ của Liên Xô (cũ) và các nước xã hội chủ nghĩa Ðông Âu, anh luôn trăn trở, suy nghĩ tìm kiếm con đường đúng đắn cho sự phát triển của Viện. Anh cùng tập thể lãnh đạo Viện hoạch định chiến lược phát triển lâu dài, đưa Viện từ một cơ quan thuần tuý nghiên cứu cá nước ngọt trở thành một Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản với đủ loại mặt nước nuôi: nước ngọt, nước lợ và nuôi trên biển. Từ chỗ nghiên cứu gần như tách rời với các công tác khác, đến nay đã gắn 3 chức năng nghiên cứu, khuyến ngư và đào tạo với nhau, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Các hoạt động của Viện được gắn với sản xuất trên một địa bàn rộng, từ duyên hải miền Trung đến vùng núi cao, từ đó đã hình thành mối quan hệ gắn bó giữa Viện với các địa phương. Viện cũng chủ trương không ngừng mở rộng các mối quan hệ quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ của các nước, các tổ chức quốc tế và thông qua các việc làm của Viện đã gây được tín nhiệm với các tổ chức, cơ quan nghiên cứu khoa học của các nước trong khu vực và thế giới.
Là người nhiều năm giữ cương vị lãnh đạo của Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản I, anh đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của Viện, là người luôn đi đầu trong các mặt công tác của Viện cũng như gương mẫu trong sinh hoạt, giữ gìn đạo đức, tư cách, tác phong cho thế hệ trẻ noi theo. Với những thành tích xuất sắc, anh đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba. Anh cũng được nhận Huy chương Vì sự nghiệp phát triển nghề cá, Huy chương Vì sự nghiệp an ninh Tổ quốc, nhiều Bằng khen của Bộ Thuỷ sản, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường...
Dưới sự lãnh đạo của anh, Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản I đã không ngừng phát triển. Hiện nay Viện đang được Nhà nước xét duyệt để phong tặng danh hiệu Ðơn vị Anh hùng Lao động. Với những cống hiến lớn lao cho ngành thuỷ sản, cho đất nước trong thời kỳ đổi mới, Nhà nước cũng đang xét phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho phó giáo sư, tiến sĩ khoa học Trần Mai Thiên - người gắn bó cả cuộc đời với những đề tài nghiên cứu khoa học của ngành thuỷ sản.
Nguồn: mofi.gov.vn