Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 31/10/2005 14:35 (GMT+7)

Cụ Giản Chi - Một học giả, một nghệ sĩ

Cụ Giản Chi, nhà văn hóa, nhà thơ đáng kính và thân thiết với chúng ta, nhất là đối với những cư dân của thành phố Sài Gòn những năm chiến tranh và của 30 năm sau đó, đã không còn nữa. Nhà Hán học cao niên nhất Việt Nam, nhà thơ và phiên dịch thơ “các danh tài Hoa - Việt” như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Vương Duy, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát... nhà biên khảo nghiêm túc, sâu sắc cùng với Nguyễn Hiến Lê trong Đại cương triết học Trung Quốc, Hàn Phi Tử, Tuân Tử... đã không còn nữa.

Văn hóa Việt Nam mất một bậc lão thành - đàn anh, các học trò đã thọ giáo thầy Giản Chi mất một bậc thầy hiền từ, uyên bác…, các bạn bè, đồng nghiệp và những người có lòng với văn hóa Việt ở bốn phương mất đi một người bạn đồng hành và gia quyến mất đi một người ông, người cha thân yêu, mẫu mực.

Thay mặt cho tất cả, chúng tôi xin kính cẩn nghiêng mình trước linh cữu cụ Giản Chi, trước giờ cụ chính thức lên đường đi vào vĩnh cửu.

Cụ Giản Chi sinh ngày 23-9-1904 tại làng Hạ An Quyết (tên nôm là làng Cót), một làng nổi tiếng văn vật, thời nào cũng có người đỗ đạt, nay thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội. Thuở nhỏ cụ học chữ Hán cùng cụ Cử nhân Hoàng Thúc Hội, thân phụ học giả Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm, người cùng làng. 15 tuổi, cụ thi đỗ Khóa sinh chữ Hán. Nhưng thi cử chữ Hán bỏ, cụ chuyển sang học Trường Pháp Việt. Sau khi thi đậu Thành Chung, cụ vào học Trường Cao đẳng Công chánh Hà Nội.

Ra làm công chức, vì tính tình cương trực, cấp trên không ưa, bị đổi lên Sơn La - Lai Châu, các tỉnh miền ngược.

Sau Cách mạng Tháng Tám, cụ khẳng khái tặng hết ruộng vườn cho cách mạng, lại còn bỏ tiền rèn khí giới giúp kháng chiến. Như mọi tấm lòng yêu nước lúc ấy, lòng trai của cụ bay theo ngọn cờ đỏ sao vàng: Rừng cờ mở đỏ – ngôi sao bay vàng(1).

Những năm kháng chiến, cụ tản cư lên vùng thượng du, sống cuộc sống gian khổ của người dân Việt yêu nước khi đó. Rồi hồi cư, rồi vô Nam với tấm lòng xa xứ ngổn ngang: “ Cuộc sống đã đành khinh gió bụi - Lòng người ai chả có quê hương(2). Vào Sài Gòn cụ lại làm bưu điện cho đến khi về hưu (1965) thì được mời dạy môn triết học Trung Hoa ở Đại học Văn khoa Sài Gòn, Huế cho đến năm 1977.

Cụ đã cùng cụ Nguyễn Hiến Lê viết chung cuốn Đại cương triết học Trung Quốc, như đã nói ở trên. Nguyễn Hiến Lê nhận định rằng phần Vũ trụ luậnTri thức luậndo cụ Giản Chi chấp bút trong cuốn đó là “ khó có ai viết hơn ông được(3).

Nhưng Giải thưởng văn chương toàn quốccủa chế độ cũ về bộ sách đó đã bị cụ Giản Chi và cụ Nguyễn Hiến Lê từ chối. Lý do là “tôi không muốn nhận số tiền nào của chính phủ này hết” như lời cụ Nguyễn Hiến Lê.

Ngoài tư cách là một nhà biên khảo uyên thâm, một thầy giáo đại học tận tâm, cụ Giản Chi còn là một dịch giả tài năng. Dịch văn chương là việc rất khó, nói như Lỗ Tấn, còn khó hơn sáng tác vì bị rất nhiều ràng buộc. Cụ Giản Chi yêu quý Lỗ Tấn và dịch rất nhiều Lỗ Tấn: A. Q. chính truyện, Tuyển tập Lỗ Tấn... và cả thơ Lỗ Tấn.

Có lẽ trong những bài thơ ấy có chan chứa tâm sự của chính cụ về thời cuộc của Sài Gòn hỗn loạn đẫm máu nước mắt nên thơ dịch mà như thơ sáng tác: Đêm dài quen thói bỏ xuân trôi/Vợ dắt con mang, tóc bạc rồi/Nước mắt mẹ già mơ vẫn thấy/Mặt thành cờ vía, đổi như chơi/Bạn, giương mắt ếch trông người giết/Thơ, ngó rừng gươm vớt tứ rơi/Ngâm dứt, ngậm ngùi, không chỗ viết/Màu thâm áo vá bóng trăng soi. (Ghi lại để quên đi).

Tới đây, có thể nói rằng, Giản Chi tiên sanh cơ bản là một nghệ sĩ, một thi sĩ, một người hào hoa phong nhã, thích hoa, rượu, nhạc, nhất là thích ca trù.

Học giả Giản Chi (Nguyễn Hữu Văn), sinh ngày 23-9-1904 tại làng Hạ An Quyết, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông, nay là phường Yên Hòa quận Cầu Giấy Hà Nội. Ủy viên Hội đồng Khoa học Xã hội TP Hồ Chí Minh, đã từ trần lúc 2 giờ 55 phút ngày 22-10-2005, hưởng thọ 102 tuổi.

Cụ làm thơ thực ra không nhiều, vì chỉ khi nào thực có hứng cụ mới viết; nhưng thơ cụ nhiều thể, nhiều giọng, lúc cảm khái, khi thê lương, trầm hùng mà thanh thoát. Nếu những câu thơ như. “ Dành xuân trăng vẫn ưa bờ lạ - Giọt bấc sầu không nhỏ tối nay” (Bè say bến Vàng, làm năm 1947) là những câu thơ đẹp một cốt cách cổ điển, thì “ Trăm năm kiếp gởi thêm ngờ mộng - Ba trống canh buông dễ bạc đầu” cũng đúng là thơ của một nhà nho ưu thời mẫn thế.

Chất thơ và tài hoa của ngọn bút thơ Giản Chi đã hầu như trút hết vào các bản dịch tuyệt vời thơ Nguyễn Trãi, thơ Nguyễn Du, thơ Cao Bá Quát, thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Vương Duy... mà mỗi bài mỗi vần là sự chuyển từ chất thơ sang chất thơ, từ nhạc điệu sang nhạc điệu, từ phong cốt sang phong cốt... với tinh hoa tiếng Việt của một ngòi bút bậc thầy.

Khó ai có thể dịch bài Trà giang nguyệtcủa Cao Bá Quát hay hơn Giản Chi, vì cái giọng điệu hào sảng phấn khích trong đó được chuyển trọn vẹn từ Hán sang Việt: “ Người sông Đà, ông Tồn Chân, bạn cũ ta đây - Cần hải, người đi, sớm mai tiễn biệt. Đêm qua trời rộng mở cửa heo may. Móc trắng sương xanh, thấu xương gió rét. Cuộc nhân sinh sum họp khôn thường. Sẵn rượu đầy, rót ra ta thết: Trăng sông Trà - Trăng sông Trà. Xuống dòng nước bạc tựa vành gương. Làm trai chống kiếm bốn phương. Đi là đi phứt, chẳng vấn vương như đàn bà”. Cũng khó có ai dịch Độc Tiểu Thanh ký của Nguyễn Du tự nhiên, xuôi thoát được như thế: “ Vườn cũ Tây hồ, mai xác xơ/ Viếng ai song vắng một vần thơ/Phấn son đất lấp thương còn mãi/Giấy mực tro tàn lụy vẫn lưa/Hận sự xưa nay trời hỏi khó/Kì oan trăng gió tớ buồn vơ/Ba trăm năm lẻ người thiên hạ/Chả biết rồi ai khóc Tố Như”.

Giản Chi tiên sanh đã làm được cái việc khó nhất trong nghệ thuật dịch là chiếm lĩnh và chuyển đạt toàn bộ tác phẩm, tác giả sang một ngôn ngữ mới, mà giá như tác giả có viết bằng tiếng Việt thì cũng sẽ thể hiện như vậy.

Là người gắn bó với Sài Gòn yêu quý của chúng ta; trong suốt những năm công tác ở nội thành, hoạt động văn hóa và lãnh đạo phong trào, tôi đã biết tiếng và khâm phục khí tiết, tài hoa, kiến thức của cụ Giản Chi.

Cuộc đời cụ dù trải qua nhiều bước đường, nhưng bao giờ cũng là tấm lòng yêu nước, yêu văn hóa dân tộc, văn hóa Đông phương sâu đậm và tha thiết; bao giờ cũng là mảnh hồn thi sĩ bay ngang qua bầu trời Việt từ Bắc vô Nam trong một thời nhiều biến cố; và bao giờ cũng là một học giả, một bậc thầy xứng đáng với sự kính trọng của đương thời và hậu thế.

Cụ Giản Chi đã mất, nhưng di sản văn hóa, di sản tinh thần và phong thái kẻ sĩ của cụ sẽ còn lại mãi cùng chúng ta.

-------------------------

(1) Thơ Lòng trai bốn phương.
(2) Nguyễn Hiến Lê, Hồi ký, tr. 597
(3) Xem, nt, tr.703

Nguồn: nhandan.com.vn   26/10/2005

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.

Tin mới

Viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương
Trong những năm qua, VUSTA luôn chú trọng thực hiện các hoạt động thiện nguyện, góp phần thực hiện an sinh xã hội. Năm 2024 đã đánh dấu đậm nét những nỗ lực không ngừng nghỉ của VUSTA trong các hoạt động vì cộng đồng. Ngay đầu Năm mới 2025, VUSTA thực hiện chương trình thiện nguyện và xây dựng nông thôn mới, viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương tại tỉnh Cao Bằng.
Trà Vinh: 7 nhiệm vụ đặt ra cho công tác thi đua, khen thưởng năm 2025
Công tác thi đua, khen thưởng có vị trí, vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, là biện pháp để tố chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Thông qua việc tổ chức các phong trào thi đua nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các tập thể, cá nhân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.
Chủ tịch Phan Xuân Dũng thăm, chúc Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025 tại tỉnh Ninh Thuận
Sáng ngày 13/01/2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN), đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận đã đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn các huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Sơn và Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận nhân dịp Năm mới và Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025.