Công nghệ cừ đá trên đất “không chân”
Ông Ba Xên hoàn toàn không dùng cừ tràm trong xây dựng công trình 4 - 5 tầng trên nền đất yếu ĐBSCL. Ông đã lãnh hàng trăm công trình nhà dân và trụ sở làm việc tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Tiền Giang, An Giang và tại TP. Hồ Chí Minh thực hiện công nghệ cừ đá thay cừ tràm. Giải pháp này đã được ông Ba Xên phát hiện, nghiên cứu cách nay hơn 15 năm.
Công nghệ cừ đá như thế nào?
Là một kiến trúc sư được đào tạo chính quy tại trường Đại học Xây dựng Kiev thuộc Liên Xô trước đây, sau khi tốt nghiệp ông về nước công tác ở Bộ Xây dựng. Những năm 90, ông phụ trách xây dựng tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), qua nhiều nghiên cứu khoa học, ông đã tìm ra giải pháp mới mà trước đây ở Việt Nam cũng như trên thế giới chưa có để thay thế cừ tràm trên nền đất yếu. Giải pháp này sau đó ông nghiên cứu cùng GS.TS. Huỳnh Chánh Thiên, PGS.TS. Đặng Hữu Hiệp và ThS. Bùi Văn Chúng. Ông Ba Xên cho biết, ở đất “không chân” vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), lâu nay người dân theo thói quen, cứ đóng 25 cây tràm/m2 thi công các công trình trong khi cừ tràm có nhiều nhược điểm. Không thể có một thông số kỹ thuật ổn định vì các cây tràm không giống nhau về độ tròn cũng như độ phẳng, độ tuổi. Với công trình xây dựng tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), chi phí cừ tràm thường lên đến 20 - 30% giá trị công trình.
Thi công cừ đá. |
Giải pháp cừ đá của ông Ba Xên rất đơn giản, giữ lại lớp đất mặt chịu tải rồi dùng cừ đá (nguồn nguyên liệu dồi dào trong tự nhiên tại An Giang, Kiên Giang) đóng xuống thay cừ tràm. Giải pháp này ứng dụng cho nhà 4 - 5 tầng trở lại, nơi có lớp đất mặt sét từ 1,5 m trở lên. Chi phí thực hiện cừ đá hiện nay thấp hơn hoặc bằng 1/2 so với cừ tràm trong khi tải trọng gấp đôi, thời gian thi công nhanh gấp hai lần cừ tràm.
Xây nhà 4 – 5 tầng không cần cừ tràm
GS.TS. Huỳnh Chánh Thiên (Đại học Bách khoa TP.HCM) khẳng định, vùng đất yếu ở ĐBSCL sử dụng cừ đá tốt cho công trình, do sử dụng cừ đá biết được khả năng chịu lực (sức chịu tải của cừ) chính xác. Còn cừ tràm không tính được khả năng chịu lực. Mặt khác, nền công trình bằng cừ tràm trên đất yếu dễ lún lệch, lún sâu... ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình. Sử dụng cây tràm trên nền đất khô (không ngậm nước) sẽ không tốt, còn cừ đá ổn định nền móng tốt hơn. Cừ đá so với cừ bêtông thì có những đặc điểm sau: Đối với cừ đá, cường độ của đá không bằng cường độ bêtông (đá có thớ, bêtông toàn khối) nhưng đá bền vững hơn bêtông, bêtông chịu tác động của môi trường ẩm ướt kém hơn. Bêtông dễ bị phá hủy trong vùng nước phèn. Vùng nước ngầm cao (độ cứng nước cao), bêtông sẽ mềm đi theo thời gian, trong khi đá chịu đựng môi trường bền vững hơn. |
Công nghệ cừ đá của kiến trúc sư Võ Xên có cơ sở khoa học, đã thuyết phục được nhiều người ngay từ những ngày đầu. Ngay cả xứ tràm Đồng Tháp cũng ủng hộ giải pháp này. Năm 1992, UBND tỉnh Đồng Tháp và Sở Khoa học công nghệ & môi trường Đồng Tháp mời ông Ba Xên về quê lũ, hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài ứng dụng cừ đá trong xây dựng thay cừ tràm tại địa phương.
Đến nay, ông Ba Xên đã ứng dụng cừ đá trên 200 công trình xây dựng. Đầu tiên là nhà lồng chợ Cái Xoài (Chợ Mới, An Giang), sau khi gia cường đạt 1,7 kg/cm2 (trước khi gia cường là 0,6 kg/cm2). Khán đài C sân vận động Đồng Tháp, trụ sở Sở Khoa học công nghệ & môi trường tỉnh Đồng Tháp, cả tòa nhà của kỹ sư xây dựng thuộc Sở Xây dựng Đồng Tháp và sau đó là hàng loạt các công trình nhà ở 1 - 5 tầng tại tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Tiền Giang... Uy tín cừ đá ngày càng được nhiều người ủng hộ, nhiều căn nhà tại TP. Hồ Chí Minh đã ứng dụng giải pháp này, trong đó có tòa nhà 5 tầng tại số 336 Cao Đạt, Q.5. Công nghệ cừ đá, chẳng những tăng sức tải chính xác lên nhiều lần mà còn tiết kiệm lớn. Trụ sở Sở Khoa học công nghệ và môi trường Đồng Tháp thiết kế móng cừ tràm chi phí lên đến 87.094.000 đồng, ứng dụng cừ đá tốn 40.842.000 đồng, móng gia cường bằng cừ tràm đạt 1,00 kg/cm2 trong khi gia cường bằng cừ đá đạt 2,5 kg/cm2.
Nguồn: Khoa học phổ thông24/3/2006