Công nghệ cống “không mùi”
Ngoài hệ thống ngăn mùi và thoát nước mưa kiểu mới “triệt tiêu” mùi hôi, KS. Thảo cũng đã chế tạo thiết bị nạo vét cống ngầm chống ngập úng không cần công nhân chui vào lòng cống. Hai sáng tạo này đoạt giải thưởng Vifotec (Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam ), được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng bằng khen, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng giải thưởng “Sáng tạo trẻ”.
Hệ thống ngăn mùi hố ga đầu tiên ở Việt Nam
Hệ thống ngăn mùi và thoát nước mưa trên đường phố của KS. Hoàng Đức Thảo được thiết kế khá đơn giản, có 3 bộ phận chính gồm 2 hố thu nước (hố thu nước trên đường phố đặt sát mép vỉa hè, hố thu ngăn mùi đặt trên vỉa hè) và ống dẫn nước vào hố ga chính. Đây là hệ thống ngăn mùi được cấu tạo hoàn toàn mới và lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam , ngăn hoàn toàn mùi hôi bốc lên từ các hố ga vốn làm khó chịu cư dân đô thị và người đi đường. KS. Thảo cho biết, nguyên nhân gây ra mùi hôi thối từ hệ thống cống là nước sinh hoạt và nước mưa “ở chung” với nhau nên khó triệt tiêu chất thải và khí độc. Hệ thống ngăn mùi cùng với hố thu nước mưa đảm bảo ngăn mùi hôi, giảm ô nhiễm, thoát nước chống ngập úng, tăng cường độ bền vững của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, góp phần hoàn thiện mỹ quan đô thị. Ngoài ra còn đảm bảo chống xâm thực trong điều kiện địa chất, địa hình và thủy văn Việt Nam . Nhờ nguyên lý cấu tạo đơn giản, gọn nhẹ nên hệ thống thuận tiện sản xuất và lắp đặt, sử dụng nguyên vật liệu trong nước, đạt tiêu chuẩn Việt Nam . Hệ thống ngăn mùi kiểu mới này đang được lắp đặt trên các tuyến đường của thành phố biển Vũng Tàu. So với hệ thống hố ga trước đây, giá thấp hơn (khoảng 1,2 triệu đồng). Lắp đặt hệ thống mới này, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tiết kiệm hàng tỷ đồng.
“Cánh tay” vét cống ngầm
Ngay khi về nhận công tác ở Công ty thoát nước đô thị Bà Rịa - Vũng Tàu, KS. Hoàng Đức Thảo “xót lòng” và thấu nỗi cực nhọc khi ra công trường thấy công nhân chui vào lòng cống, dầm mình trong lớp cặn bã đen hôi thối và đặc sệt, vét từng xô bùn theo phương pháp thủ công, chẳng những độc hại, nguy hiểm rình rập mà hiệu quả không cao. Công nhân chỉ có thể chui vào đường cống chừng 3 - 5 m, trong khi mỗi nắp hố cách nhau hàng chục mét, cặn bã vẫn tồn tại trong lòng cống. Để khắc phục hạn chế này, nếu sử dụng xe chuyên dụng thì giá hàng tỷ đồng, hoạt động của xe có thể làm đứt, gãy sụp các mối cống. Còn sử dụng một vài thiết bị vét cống khác thì công nhân vẫn phải chui vào cống.
Sau bảy tháng mày mò nghiên cứu, KS. Thảo đã cho ra đời “cụm tời máy nạo vét cống ngầm” như “cánh tay” đưa sâu vào lòng cống với nhiều ưu điểm: vận hành đơn giản, dễ dàng nạo vét và đánh tan lớp bùn cặn dày đặc tồn tại lâu năm trong lòng cống đưa về miệng hố ga. Hệ thống này rất cơ động, sử dụng an toàn và đơn giản, công nhân không phải chui vào lòng cống tối om, hoạt động tốt trong điều kiện cống bị ngập hoàn toàn. Sau khi ứng dụng thiết bị vét cống ngầm này, hàng ngàn mét khối rác cặn tích tụ được thu gom, trả lại lòng cống thông thoáng, hạn chế “nghẽn mạch” gây ngập khi mưa lớn. Chi phí cho thiết bị này chỉ khoảng 10 triệu đồng, rẻ hơn hàng trăm lần so với thiết bị vét cống nhập từ nước ngoài.
Đột phá bằng sức trẻ
Là người con của “quê hương 5 tấn” Thái Bình, tốt nghiệp Trường công nhân kỹ thuật Việt Đức, kỹ sư trẻ Hoàng Đức Thảo về làm cho Công ty xây dựng 10 thuộc Bộ xây dựng. Sau đó anh rời Thái Bình vào Nam tham gia xây dựng nhà máy xi măng Hà Tiên (Kiên Giang). Trải qua nhiều vất vả thời kinh tế bao cấp, anh quyết tâm lấy bằng đại học tài chính kế toán loại khá. Trước khi được phân công làm giám đốc Công ty thoát nước đô thị Bà Rịa - Vũng Tàu (2003), anh từng làm kế toán rồi quản lý công trình… Nhận nhiệm vụ mới, anh tập hợp được nhiều kỹ sư trẻ có năng lực về đơn vị mình. Ngoài việc quản lý, duy tu, vận hành hệ thống thoát nước cho toàn tỉnh, công ty đang thực hiện quản lý đầu tư và xây dựng 15 dự án với vốn 2.800 tỷ đồng. Công ty còn cung ứng dịch vụ tư vấn và xây lắp cho tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh…
Chẳng những làm tốt công tác quản lý, anh Hoàng Đức Thảo còn say mê nghiên cứu khoa học, anh có rất nhiều nghiên cứu, ứng dụng mới trong ngành thoát nước, vệ sinh môi trường. Luôn lấy công nghệ, sáng tạo làm điểm đột phá hướng tới thành công, năm 2007 này, anh bắt tay thực hiện đề tài “Chế tạo, ứng dụng cống điều tiết nước triều để súc rửa, hòa loãng, thoát nhanh, giảm ô nhiễm môi trường ở các hồ điều hòa và kênh rạch thoát nước đô thị”. Riêng hệ thống vét cống ngầm, anh sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hơn để công nhân không phải tiếp xúc trực tiếp với cặn bã độc hại.