Con đường khoa học của nhà ngoại khoa tài năng
Năm 1963, anh thanh niên Tôn Thất Bách tốt nghiệp Trường PTTH Hà Nội 3B, có nguyện vọng học vô tuyến điện, nhưng anh chưa đủ 17 tuổi nên anh vào học ngành y. Mùa hè 1966, đang học năm thứ ba: "Mẹ tôi đưa tôi vào bệnh viện (BV). Tôi đã đi xem, hỏi han, tìm hiểu công việc và tôi bắt đầu thấy thích. Cuối năm thứ ba đi thực tập ở Sơn Tây - lúc đó đang chiến tranh, có nhiều bệnh nhân bị thương vào BV. Từ đó tôi hiểu, nghề mổ xẻ là nghề cứu được cho con người lúc bị nạn".
Là cháu của GS. Hồ Đắc Di - Hiệu trưởng; là con của GS. Tôn Thất Tùng, Giám đốc BV, Chủ nhiệm Bộ môn ngoại, nhưng anh không ỷ thế gia đình, không sống cách biệt mà chan hòa, cởi mở với bạn bè, chơi bóng đá, bóng rổ, biết đánh đàn piano và sau này sẵn sàng tham gia phục vụ tuyến lửa Khu IV và thường trực cấp cứu tại BV dã chiến Đồng Lộc, đi thực tế tại Sơn Tây, Hưng Yên, Cao Bằng...
Tháng 9/1969, anh tốt nghiệp bác sĩ y khoa, là cán bộ giảng dạy Bộ môn ngoại của Trường, được rèn luyện, học hỏi từ bố anh, GS. Tôn Thất Tùng, nhà phẫu thuật hàng đầu của ngành ngoại khoa Việt Nam, nhà bác học đã làm rạng rỡ cho nền y học Việt Nam trước quốc tế với công trình khoa học lớn "Phương pháp Cắt gan Tôn Thất Tùng". PGS. Bách kể: "Từ đây cuộc đời tôi gắn với hai chuyên ngành phẫu thuật tim mạch và phẫu thuật gan mật. Hầu như tất cả thời gian tôi sống ở BV, bận rộn với công việc, vừa ở phòng mổ, vừa ở bệnh phòng, vừa mổ xác và phẫu tích gan ngâm phoóc-môn". "Tôi chuyên đi phụ mổ cho bố tôi... Trong mổ gan, cần người có sức khỏe để dùng valve kéo thành bụng ra thật rộng. Tôi là vận động viên nên tôi rất khỏe vì thế tôi là người có đủ sức để đứng kéo trong vài tiếng đồng hồ mà không được thay đổi tư thế". Chỉ đứng giữ valve, anh vẫn quan sát để học hỏi. Rồi về sau anh được làm những công việc khó hơn với trình độ ngày càng nâng cao.
BS. Tôn Thất Bách được rèn luyện và trưởng thành trong những năm tháng cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt nhất. Công việc hàng ngày của anh là: "Ngày hai buổi đến BV, tối đọc sách. Dạo này mổ tương đối nhiều, có buổi sáng mổ 2 ca thành thử lắm hôm, mãi đến chiều mới về nhà ăn cơm. Một tuần 2-3 buổi chiều vẫn xuống làm ở phòng điện quang, chiều thứ hai học ngoại ngữ đều đặn, chiều thứ bảy lên làm việc tại phòng giải phẫu. Một tuần có một ngày mổ thực nghiệm, vẫn cảnh đứng từ sáng đến chiều, đói meo...".
Khi máy bay Mỹ tăng cường đánh phá nhiều nơi trên miền Bắc, kể cả thủ đô Hà Nội, các bác sĩ ngoại khoa BV Việt Đức phải làm việc nhiều nhất để cứu chữa cho nhiều người bị thương.
BS. Bách viết ngày 26/2/1970: "Hôm nay làm việc 1 ngày rất mệt, rất căng. Sáng nay mổ 1 ca đến 10h xong. Xuống thư viện đọc sách đến 11h kém 5 phút chuẩn bị về thì một loạt ca chấn thương đến: 14 đứa trẻ ở Yên Phụ nghịch bom bi bị nổ đưa đến bệnh viện. Chỉ còn mỗi anh Đệ trực, thế là mình và anh Đệ ra chọn lọc, phân loại vết thương và chuyển ngay mấy ca nặng nhất vào buồng mổ đến gần 7h tối mới tạm ổn. Thế là 1 ngày nhịn đói, mệt nhọc…”.
Bác sĩ phẫu thuật phải làm việc nhiều và vất vả trong hoàn cảnh môi trường rất khắc nghiệt: "...Mấy hôm nay trời bắt đầu nóng, chỉ khổ cho những người ngoại khoa đứng hàng tiếng đồng hồ căng thẳng trong chiếc áo blouse dày cộm với những ngọn đèn hàng trăm watt chiếu vào gáy, mồ hôi nhễ nhại".
"Muỗi nhiều vô kể. Lắm hôm trực, mổ buổi tối đứng không yên, vì nó đốt ở dưới chân nhiều quá".
"...Tóc dài gần kín tai mà vẫn chưa xếp hàng cắt được. Mai lại xuống nhờ ông cắt tóc cho bệnh nhân cắt hộ vậy, đỡ phải xếp hàng".
Tháng 5 và tháng 6/1972, BS. Bách và một giảng viên của Bộ môn ngoại đưa 2 tổ sinh viên Y6 đến tăng cường cho một BV ở tỉnh Hà Tây. Việc ăn uống của các thầy thuốc rất kham khổ:
"Tôi ăn chung với bếp sinh viên. Bữa cơm 1 suất 5 người có 3 chậu: 1 chậu cơm vàng khè toàn ngô, cứng và rời, một chậu rau muống luộc và 1 chậu nước chấm... Rất thường xuyên và rất ít thay đổi. Mỗi bữa ăn được 3 bát là cảm thấy vừa phải rồi. Sáng thì theo phương pháp chữa bệnh của ông Lý Ban là đổ vào dạ dày một lít nước".
Anh kể về những ngày máy bay Mỹ ném bom B52 tại Hà Nội, tháng 12/1972: "Chúng tôi sống và ăn ở trong BV. BV Việt Đức hoạt động như một nhà máy. Mỗi ngày, sau một đợt đánh phá của giặc có khoảng ba, bốn trăm bệnh nhân được đưa vào. Những người giỏi nhất làm nhiệm vụ chọn lọc, phân loại bệnh nhân rồi đưa vào một trong 10 bàn mổ đặt dưới hầm trong BV. Vào khoảng các ngày 24-26/12, sau khi máy bay Mỹ ném bom ở Hoài Đức, BV phải nhận hàng trăm trẻ em ở lứa tuổi nhà trẻ. Kíp mổ phải cắt cụt tay, cụt chân cho các cháu 4 - 5 tuổi". Nhìn những đứa bé bị nạn, các phẫu thuật viên vô cùng xót xa, lòng căm thù tội ác của quân giặc trỗi dậy, đã tạo cho họ cái sức mạnh để chống chọi qua 12 ngày đêm.