Con bù xè tạo trầm hương
Tốt nghiệp Đại học Nông lâm năm 1981, ông Quyến về làm việc ở Hạt Kiểm lâm huyện Tân Phú, mấy năm sau được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Vườn quốc gia.
Năm 2000, ông xin ra khỏi biên chế Nhà nước, chuyển hộ khẩu về xã Núi Tượng, đi vay vốn 1 tỷ đồng để đầu tư khu trang trại vườn rừng. Ông đi khắp nơi tìm những giống cây gỗ quý về ươm trồng, nhưng thu hút nhất chính là cây dó bầu (Aquilaria Crassna) cho trầm hương.
Nghe nói ngày xưa loài cây quý này cũng có nhiều ở những dốc núi hiểm trở ở ba tỉnh giáp ranh này. Chỗ nào có cây xay, nhiều thú rừng có sừng hung dữ thì cây dó dễ hóa trầm. Đến thời ông Quyến về công tác ở đây thì loài cây này đã bị khai thác tuyệt chủng. 1kg trầm loại 1 bán được đến 6.000 - 7.000USD/kg, còn nếu nó thành kỳ nam thì giá lên đến 50.000 - 60.000 USD/kg.
Cây giống trầm hương được ông Quyến mang về từ Phú Quốc, Khánh Hòa. Hợp thổ nhưỡng nên mới sáu năm cây đã có đường kính hơn 25cm, cho hạt bán được hơn 2 triệu đồng/kg vì nhiều vùng trong nước đang sốt cây giống.
Bù Xè hóa vũ. |
Bí quyết tạo ra trầm vẫn được mọi người giấu kín. Có người mới trồng còn tức tối nói rằng trồng cây dó để tạo trầm chỉ là một sự nói láo để bán giống. Nhưng tại trang trại Sơn Thủy, rõ ràng đây là những cây do chính PGS-TS Lê Ngọc Thạch ở trường Đại học Khoa học - Tự nhiên và là Phó Chủ tịch Hội trầm hương xử lý tạo trầm bằng phương pháp khoan vào cây, phun hóa chất vào. Này đây là cây của một nhân vật nổi tiếng về nghề ngậm ngải tìm trầm ở vùng rừng núi ven đèo Cả, nơi vẫn được mệnh danh là "Xứ trầm hương". Còn đây là cách tạo trầm thủ công. Chỉ việc cắt những miếng thép nhỏ rỉ sét, ngâm nước muối mấy giờ rồi đóng vào thân. Mấy tháng sau cây cũng mọc lan những tia trầm quanh cục u. Những tia này người Khơme và bà con trồng trầm ở vùng Bảy Núi, An Giang gọi là tóc.
PGS-TS Thạch đang có công trình nghiên cứu về tinh dầu thực vật cũng xác nhận tinh dầu trầm hương là mặt hàng có giá nhất. Nhưng ông Quyến nói rằng nếu xử lý bằng cách đóng miếng thép, hay dùng loại hóa chất FeSO 4thì tinh dầu trầm nhiễm chất sắt, chỉ bán được giá thấp.
Sống với rừng ông Quyến tình cờ khám phá được cách tạo ra trầm hương từ con bù xè - một con vật lạ lẫm, không tên tuổi. Nhiều bà con ở vùng rừng miền Đông lâu nay vẫn liệt nó vào loài vật có hại. Bởi lẽ khi trứng nở thành con ấu trùng, tức con bù xè có cái đầu và cặp răng nhọn giống như con dế, nó sẽ đục những lỗ tròn cỡ 2 - 3cm để chui vào thân cây nhai nghiến gỗ cho tới ngày "hóa vũ", thành bướm để bay đi xa. Cây dó bầu gỗ mềm và thơm nên nó thích ăn, nhưng ở những lỗ cây được con bù xè đục ăn, vài tháng sau gỗ lại dày những sợi tóc. Con bù xè có hại đã âm thầm tạo ra trầm hương trên cây dó.
Có lẽ chỉ có những nhà lâm học có con mắt tinh đời như ông Quyến mới phát hiện ra điều kỳ diệu này của thiên nhiên. Cuộc sống theo vòng chuyển hóa, luân hồi, con vật, khúc cây này là tiền đề sản sinh ra những vật khác.
Ông Quyến đã chuẩn bị lưới mùng khoanh một vùng nuôi dưỡng ra thật nhiều con bù xè vì ông đã ươm đủ cây giống để trồng ra 15ha trầm hương và cung cấp cho bà con nghèo nhận đất bảo vệ rừng vùng đệm.
Nguồn: Nông thôn ngày nay; nhandan.com.vn 27/1/2006