Cô gái trẻ làm rạng danh công nghệ Việt
Cô gái trẻ làm rạng danh Việt Nam ở 2 “đấu trường công nghệ” dành cho cộng đồng khởi nghiệp (startup) tầm thế giới nói trên là Trương Thanh Thủy, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập GreenGar - công ty có trụ sở tại TP HCM, chuyên phát triển ứng dụng cho 2 hệ điều hành iOS của Apple và Android của Google với vỏn vẹn 5 nhân sự gồm Thủy cùng 4 kỹ sư phát triển ứng dụng và thiết kế.
Trẻ, giỏi và bản lĩnh
Ở Việt Nam, nghĩ đến dân công nghệ thông tin, người ta thường cho rằng đó là công việc khô khan gắn liền với nam giới nhưng Thủy có thể chứng minh rằng nữ giới làm kỹ sư công nghệ mà không hề mất đi vẻ nữ tính. Thủy cũng có sở thích mặc váy và chụp hình như bao cô gái trẻ khác. Cô cũng thường hay trêu đùa và cười khoe 2 chiếc răng khểnh duyên dáng trong lúc trò chuyện. Có lẽ, mọi người chỉ có thể nhận ra “đặc tính công nghệ” từ cô gái này khi trực tiếp tiếp xúc và chứng kiến khả năng nói nhanh, không vấp váp như được lập trình sẵn của cô.
Thủy càng trông nữ tính hơn với bộ áo dài trắng tinh khôi khi thuyết trình trước hơn 1.000 khán giả và ban giám khảo tại cuộc thi Women 2.0. PITCH Competition 2013 tổ chức tại Mỹ vào đúng ngày lễ Tình nhân 14-2. Cô là đại diện châu Á duy nhất trong số 10 nữ CEO công nghệ được chọn tham gia chung kết cuộc thi Women 2.0 PITCH Competition 2013 diễn ra ở San Francisco. Đây là sự kiện kết nối những phụ nữ khởi nghiệp trong ngành công nghệ với các nhà đầu tư và đối tác tiềm năng nhất trên thế giới.
Chung cuộc, GreenGar đoạt giải nhì với ý tưởng kinh doanh Whiteboard trên iOS, Android và Mac (tính đến nay, Whiteboard đã có hơn 9 triệu lượt tải về sử dụng). Thủy kể toàn thể khán phòng hôm đó khá bất ngờ khi biết rằng 22 ứng dụng mà GreenGar phát triển cho đến nay đã có trên 14 triệu lượt tải về sử dụng và tất cả đều do một nhóm nhỏ kỹ sư hầu hết là người Việt phát triển, ngoại trừ anh Elliot Lee, người Mỹ gốc Hồng Kông, đồng sáng lập GreenGar với Thủy.
Sau cuộc thi, Thủy được một nhà đầu tư giới thiệu vào 500 Startups. GreenGar trở thành công ty đầu tiên ở Việt Nam được quỹ công nghệ 500 Startups, chuyên đầu tư những công ty có tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ trên thế giới, đài thọ tham gia chương trình đào tạo dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp kéo dài ba tháng ở Mountain View (Mỹ). Quỹ này sắp xếp cho GreenGar một nơi làm việc ở thung lũng Silicon và tài trợ một số tiền nho nhỏ để công ty phát triển sản phẩm.
Tại đây, các thành viên của GreenGar đã cật lực làm việc trung bình từ 10 đến 11 giờ mỗi ngày để đưa Whiteboard lên một tầm cao mới. “Cho đến thời điểm này, GreenGar chưa thành công lắm nhưng cũng không phải là một sự thất bại. Whiteboard đã và đang là một sản phẩm hữu dụng cho hàng triệu người dùng trên thế giới. Vẫn còn rất nhiều việc phải làm để Whiteboard vươn xa hơn nữa” - cô bộc bạch.
Luôn tiến về trước
Sau khi tốt nghiệp ngành khoa học máy tính ở trường ĐH Nam California năm 2009, Thủy trở về Việt Nam khởi nghiệp bằng cách lập ra chuỗi cửa hàng sữa chua kem tự chọn Parallel Frozen Yagurt rất được giới trẻ ưa chuộng.
Tuy nhiên, bước ngoặt mở ra khi Elliot Lee từ Mỹ qua TP HCM thăm Thủy vào năm 2010 và cả 2 cùng phát triển ứng dụng nhận diện màu sắc Color Identifier. Ứng dụng gây được sự chú ý với thế giới khi anh Austin Seraphin, một người Mỹ bị khiếm thị, viết trên blog rằng phần mềm này đã thay đổi cuộc đời anh khi giúp anh nhận biết được màu sắc xung quanh, một ước mơ mà anh chưa bao giờ dám nghĩ tới trước đó.
Trương Thanh Thủy chia sẻ đó cũng là một trong những lý do chính khiến cô quyết định ngưng kinh doanh chuỗi cửa hàng Parallel Frozen Yagurt vào tháng 4-2012 để dành toàn thời gian và tâm lực để phát triển GreenGar với mong muốn tạo ra nhiều ứng dụng hữu ích hơn cho những người kém may mắn.
Thủy nói cô mong muốn đưa “đứa con tinh thần” Whiteboard đến tất cả trường học trên thế giới, giúp cải thiện việc tương tác giữa thầy và trò trong lớp học. Cô đem ước mơ này đến diễn đàn Khởi nghiệp & Công nghệ do World Bank tài trợ được tổ chức tại Nam Phi vào tháng 5-2013 và ý tưởng này đã giúp cô đoạt giải cao nhất.
Anh Elliot Lee nhận xét về nữ đồng sự thân thiết: “Thủy luôn sẵn sàng tiến tới phía trước và lao động cực nhọc mỗi ngày. Chức danh CEO rất khó để đạt được cũng như rất khó để giữ. Cô ấy luôn tự tin để đối đầu với thách thức và tôi thực sự tự hào khi cô là CEO của GreenGar”.
Câu chuyện thành công bước đầu của GreenGar giúp tiếp thêm tự tin và tinh thần dám nghĩ dàm làm cho giới trẻ Việt Nam muốn khởi nghiệp ở lĩnh vực công nghệ, nhất là phái nữ. “Việt Nam mình có nhiều mẹ và nhiều vợ quá rồi nhưng thiếu nữ CEO” - Trương Thanh Thủy khẳng khái.