Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 27/10/2011 20:54 (GMT+7)

Cơ chế bảo vệ quyền con người bằng tòa án

Khi bàn về Quyền con người, Ayn Rand định nghĩa rất xác đáng rằng “Quyền con người là điều kiện mà bản chất con người đòi hỏi để tồn tại một cách thích đáng” 1. Bảo vệ quyền con người là nhiệm vụ của bất cứ nhà nước pháp quyền và không chỉ dừng lại ở những tuyên bố chính trị, ghi nhận trong pháp luật mà còn có cơ chế bảo vệ cụ thể và mục đích cuối cùng là thực hiện việc bảo vệ quyền con người trong thực tiễn. Bảo vệ quyền con người có nhiều cơ chế khác nhau. Là cơ quan thực hiện quyền lực tư pháp trong nhà nước pháp quyền, Tòa án có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người. Nói cách khác, bảo vệ quyền con người bằng tòa án là một trong những cơ chế hữu hiệu. Thậm chí có quan điểm cho rằng: Tòa án là nơi đầu tiên và trước nhất mà người dân trông cậy để gìn giữ quyền con người 2. Việt Nam đang chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân, một nhà nước mà quyền con người được tôn trọng và bảo vệ thì việc xây dựng hoàn thiện các cơ chế bảo vệ quyền con người trong đó có cơ chế bảo vệ quyền con người bằng tòa án cần được quan tâm.

1.Một số vấn đề lý luận về cơ chế bảo vệ quyền con người bằng tòa án

Thực hiện quyền con người trong thực tế bao gồm cả việc bảo đảm và bảo vệ nó. Nếu bảo đảm quyền con người là việc tạo ra các điều kiện thuận lợi về chính trị, kinh tế, xã hội, pháp luật văn hóa giáo dục để quyền con người được thực hiện thì bảo vệ quyền con người là việc nhà nước, xã hội thông qua pháp luật hành động chống lại những hành vi xâm hại đến quyền con người. Sự xâm phạm đến quyền con người có thể từ phía cá nhân trong xã hội cũng có thể là sự xâm phạm từ chính cơ quan công quyền. Sự xâm phạm này thể hiện ở mức độ khác nhau, cao nhất là hành vi tội phạm. Trong nhà nước pháp quyền, trách nhiệm bảo vệ quyền con người trước hết thuộc về nhà nước với các cơ quan trong bộ máy của mình trong đó có cơ quan tòa án. Bảo vệ quyền con người bằng tòa án là việc tòa án trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của mình và các quy định của pháp luật, xử lý những hành vi xâm phạm đến quyền con người hoặc giải quyết các tranh chấp trong xã hội nhằm bảo vệ quyền con người. Quyền được bảo vệ quyền con người là một trong những quyền cơ bản của con người. Theo Điều 8 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (UDHR) thì mọi người đều có quyền được bảo vệ bởi một phương thức khắc phục hữu hiệu (right to an effective remedy). Theo đó: “ Mọi người đều có quyền được các toà án quốc gia có thẩm quyền bảo vệ bằng các biện pháp hữu hiệu để chống lại những hành vi vi phạm các quyền cơ bản của họ mà đã được hiến pháp hay luật pháp quy định.3Như vậy, việc bảo vệ quyền con người bằng hệ thống cơ quan tòa án quốc gia (hay cơ quan tài phán quốc gia) là nghĩa vụ của nhà nước và là quyền của người dân.

Quyền con người được ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật. Nhưng để nó được bảo vệ trong thực tế cần có những cơ chế cụ thể, vận hành tốt không chỉ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tòa án thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền con người mà còn tạo điều kiện cho người dân tham gia tích cực vào quá trình bảo vệ đó. Mục đích cuối cùng là xử lý nghiêm minh mọi hành vi xâm phạm đến quyền con người và giải quyết các tranh chấp trong xã hội đạt được chuẩn công lý. Cơ chế bảo vệ quyền con người là khái niệm có ý nghĩa quan trọng trên nhiều phương diện. Cơ chế “ được hiểu là tổng thể các đảm bảo vật chất, chính trị, tư tưởng, pháp lý, tổ chức nghiệp vụ cho việc thực hiện một quyền nào đó hoặc một việc nào đó” . Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ định nghĩa: cơ chế là cách thức mà theo đó một quá trình thực hiện. Như vậy, nói đến cơ chế là nói đến cơ cấu tổ chức, quá trình vận hành của một hệ thống nào đó. Dưới góc độ pháp lý, quyền con người là tổng thể các quy định của Hiến pháp, pháp luật ghi nhận và bảo vệ nó và ở trong trạng thái tĩnh. Quá trình vật chất hóa, đưa các quy định đó vào trong thực tiễn bằng các cách thức, các bảo đảm khác nhau như vật chất, chính trị, tư tưởng, pháp lý, tổ chức chính là cơ chế bảo vệ quyền con người. Trên lĩnh vực quyền con người, cụm từ “cơ chế của Liên hợp quốc về quyền con người” (United Nations human rights mechanism) hay được sử dụng trong các tài liệu chuyên môn để chỉ bộ máy các cơ quan chuyên trách và hệ thống các quy tắc, thủ tục có liên quan do Liên hợp quốc thiết lập để thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người3. Cơ chế bảo vệ quyền con người bằng tòa án chính là cách thức, phương thức mà tòa án căn cứ vào quy định của pháp luật thực hiện việc xử lý các hành vi xâm phạm đến quyền con người và giải quyết các tranh chấp trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Điều này khác với cơ chế bảo vệ quyền con người bằng con đường hành chính, hay cơ chế bảo vệ xã hội.

Cơ chế bảo vệ quyền con người bằng tòa án có những đặc điểm riêng phân biệt với các cơ chế bảo vệ khác. Những đặc điểm riêng này do bản chất, chức năng, nhiệm vụ, vai trò và vị trí của tòa án quy định. Những đặc điểm đó là:

- Cơ chế bảo vệ quyền con người của tòa án được được các tòa án áp dụng đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Điều này xuất phát từ tính đa dạng và phức tạp của quyền con người khi nó hiện diện trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống mà không thể có sự phân biệt đối xử các quyền con người với nhau, không thể nói quyền nào quan trọng hơn quyền nào. Bên cạnh đó, chức năng của tòa án trong nhà nước pháp quyền là giải quyết mọi các tranh chấp tranh chấp trong xã hội (tội phạm xét cho cùng cũng là việc tranh chấp giữa nhà nước và người phạm tội). Đây là điểm khác biệt giữa cơ chế bảo vệ quyền con người bằng con đường hành chính. Từ góc độ này có thể nói, thẩm quyền của tòa án càng rộng, càng bao trùm tất cả các lĩnh vực khác nhau thì quyền con người càng được bảo vệ tốt nhất bằng con đường tòa án.

- Cơ chế bảo vệ quyền con người bằng tòa án được thực hiện thông qua con đường tố tụng.Tố tụng là toàn bộ trình tự, thủ tục giải quyết một vụ án tại tòa án. Tố tụng bao gồm tố tụng hình sự và tố tụng phi hình sự khác như dân sự, hành chính. Quá trình bảo vệ quyền con người bằng tòa án có thể bắt đầu ngay từ tòa án như việc giải quyết các tranh chấp dân sự, hành chính, cũng có thể là quy trình có sự tham gia của nhiều cơ quan qua nhiều giai đoạn khác nhau như việc giải quyết các vụ án hình sự. Chính vì vậy, cũng có thể nói bảo vệ quyền con người bằng con đường tòa án hay bảo vệ quyền con người bằng con đường tư pháp. Tuy nhiên, điểm cuối cùng của cơ chế bảo vệ quyền con người bằng con đường tòa án (hay tư pháp) vẫn là phán quyết của tòa án và đảm bảo thi hành phán quyết đó.

- Cơ chế bảo vệ quyền con người bằng tòa án là cơ chế pháp lý. Việc quy định tổ chức, thẩm quyền, quy tắc vận hành của hệ thống tòa án, cách hành xử của nhân viên tư pháp và thẩm phán; quyền, nghĩa vụ của các chủ thể tham gia vào cơ chế này đều do pháp luật quy định và đảm bảo thực hiện.

- Cơ chế bảo vệ quyền con người bằng tòa án chính là cơ chế hoạt động của hệ thống tòa án.Nói cách khác, bảo vệ quyền con người bằng tòa án – từ quy định của pháp luật đến thực tiễn vận hành xoay quanh trục chính là hoạt động của các tòa án và được quy định bằng chính những yếu tố bản chất, đặc thù của cơ quan này và làm nên sự khác biệt với các cơ chế bảo vệ quyền con người bằng con đường hành chính hay bằng hoạt động của các tổ chức xã hội. Đó chính là vấn đề độc lập xét xử của tòa án. Đặc điểm này được giải thích: “ Nếu nhánh quyền lực lập pháp và hành pháp thường được tổ chức và vận hành thoe mục tiêu công quyền thì tòa án được tổ chức vận hành theo mục tiêu vì công lý. Vì vậy, tư pháp độc lập sẽ là công cụ hữu hiệu để ngăn ngừa sự xâm hại trái pháp luật vào các quyền con người6. Bảo vệ quyền con người được đặt ra khi có sự xâm phạm từ cá nhân trong xã hội và từ phía công quyền. Mục đích xử lý tội phạm, giải quyết tranh chấp chỉ đạt đến công lý và bảo vệ được quyền con người chỉ được thực hiện bằng cơ chế tòa án khi vấn đề độc lập xét xử của tòa án được đảm bảo. Hệ thống tòa án được tổ chức và hoạt động nhằm bảo vệ công quyền hay bảo vệ quyền con người cũng là câu hỏi cần được giải đáp khi nghiên cứu cơ chế bảo vệ quyền con người bừng tòa án.

2. Thực trạng cơ chế bảo vệ quyền con người bằng tòa án ở Việt Nam

Cơ chế bảo vệ quyền con người được thực hiện ở 3 cấp độ: Cấp độ quốc tế, khu vực và quốc gia. Trong cơ chế bảo vệ quốc gia có cơ chế bảo vệ quyền con người bằng tòa án. Đề cập đến cơ chế bảo vệ quyền con người bằng tòa án ở Việt Nam tức là nói đến các yếu tố về tổ chức của hệ thống tòa án; thủ tục, cách thức thực hiện việc bảo vệ quyền con người tại tòa án của tòa án, các cơ quan nhà nước khác và cá nhân trong xã hội.

2.1 Thực trạng tổ chức Tòa án Việt Nam với nhiệm vụ bảo vệ quyền con người

Hiến pháp 1992 đã long trọng tuyên bố: Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân và vì dân. Chính vì vậy, việc tổ chức quyền lực nhà nước cũng phải đảm bảo theo mô hình của nhà nước pháp quyền. Quyền lực nhà nước là thống nhất có sự phân công phân nhiệm giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp là một trong những nguyên tắc quan trọng trong việc tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước và tổ chức bộ máy nhà nước ta. Như vậy, Hiến pháp đã khẳng định quyền tư pháp là một trong ba bộ phận của quyền lực nhà nước trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở nhận thức về vị trí, vai trò của quyền lực tư pháp như quy định của hiến pháp, việc tổ chức của hệ thống tòa án phải đảm bảo cho nó đảm nhiệm được nhiệm vụ của tòa án trong nhà nước pháp quyền. Nói cách khác tòa án trong nhà nước pháp quyền phải có nhiệm vụ bảo vệ quyền con người.
Về tổ chức tòa án, Điều 126 Hiến pháp 192 quy định: Tòa án nhân dân trong phạm vi chức năng của mình có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ tài sản của nhà nước, bảo vệ tính mạng, tài sản, tự do danh dự, nhân phẩm của công dân. Như vậy, trong rất nhiều nhiệm vụ của tòa án mà Hiến pháp đã liệt kê, bảo vệ tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm- những quyền con người đã được quan tâm. Chỉ có điều, quyền con người được xếp sau chế độ xã hội chủ nghĩa, tài sản của nhà nước. Việc bảo vệ chế độ, bảo vệ tài sản nhà nước và bảo vệ quyền con người nhiệm vụ nào quan trọng hơn nhiệm vụ nào là vấn đề cần bàn thêm. Tuy nhiên, bảo vệ chế độ cũng là bảo vệ quyền con người khi có sự hiện diện của một nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân.

Nhiệm vụ bảo vệ quyền con người của tòa án của chúng ta không thể không đề cập đến nguyên tắc tổ chức tòa án trong đó có các nguyên tắc cơ bản như: Độc lập xét xử, nguyên tắc tổ chức theo đơn vị hành chính, nguyên tắc chịu sự giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân….Trong đó, đòi hỏi việc tổ chức của tòa án trong nhà nước pháp quyền phải đảm nguyên tắc độc lập xét xử nhằm mục tiêu bảo vệ quyền con người. Điều 10 Tuyên ngôn nhân quyền 1948 và Điều 14 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị đã tuyên bố: Mọi người đều có quyền được xét xử một cách công khai, đàng hoàng và công bằng bới một tòa án độc lập, có thẩm quyền, khách quan và được thành lập theo quy định của pháp luật. Tiếp thu tư tưởng văn minh và tiến bộ này của nhân loại, Điều 130 Hiến pháp 1992 quy định: Khi xét xử, thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập chỉ tuân theo pháp luật. Quy định này thực chất là nguyên tắc hoạt động chứ không phải nguyên tắc tổ chức của tòa án. Tuy nhiên, muốn hoạt động của tòa án độc lập thì nó phải được tổ chức độc lập trong cơ cấu của một tòa án, trong quan hệ giữa tòa án và cơ quan khác và giữa các tòa án với nhau.

Kết quả của việc xử lý hành vi xâm phạm đến quyền con người, giải quyết các tranh chấp khác trong xã hội phải dựa trên bản án, quyết định đảm bảo sự thật khách quan, công bằng, công minh, đúng pháp luật, đạt đến chuẩn công lý. Muốn có được những tiêu chí như vậy, đòi hỏi chủ nhân của những bản án, quyết định đó phải có sự độc lập, vô tư và khách quan. Ngược lại sẽ không có những bản án, quyết định như vậy hậu quả logic là không đảm bảo được quyền con người nếu tòa án còn bị can thiệp, chịu sức ép từ bất cứ phương diện nào đặc biệt là sức ép từ công quyền. Chính vì vậy, việc tổ chức các cơ quan tòa án phải đảm bảo cho nó được độc lập chính là tiêu chuẩn để đánh giá đó có phải là tòa án trong nhà nước pháp quyền hay không đồng thời cũng là tiêu chí đầu tiên để người ta xác định một hệ thống tòa án có đủ năng lực bảo vệ quyền con người hay không?

2.2. Cơ chế Tòa án bảo vệ quyền con người bằng tố tụng hình sự

Trong thực tế, hành vi xâm hại quyền con người rất đa dạng và ở các cấp độ khác nhau. Trực tiếp nhất nguy hiểm nhất, hậu quả nặng nề đó là hành vi xâm phạm quyền con người ở dạng tội tội phạm. Để bảo vệ quyền con người trước sự xâm phạm của tội phạm không chỉ dừng lại ở việc nhà nước ban bố luật hình sự trong đó quy định hành vi nào là tội phạm và các chế tài dành cho nó mà còn thể hiện ở việc tạo cơ chế xử lý hành vi đó. Nói cách khác là phải có cơ chế để vật chất hóa các quy định của luật hình sự trong trường hợp cụ thể. Cơ chế đó chính là trình tự , thủ tục giải quyết vụ án hình sự hay còn gọi là tố tụng hình sự. Ở Việt nam Cơ chế đó bắt đầu bằng hoạt động của các cơ quan tư pháp như Điều tra, kiểm sát và kết thúc tại tòa án và bằng bản án quyết định của tòa. Nói cách khác, tòa án chỉ bảo vệ được quyền con người bằng tố tụng hình sự khi có sự hỗ trợ từ các cơ quan tư pháp khác thông qua hoạt động của các cơ quan này tạo nên cơ chế tố tụng hình sự. Cơ chế bảo vệ quyền con người bằng tố tụng hình sự cũng chính là cơ chế bảo vệ quyền con người bằng tòa án. Tố tụng hình sự bao giờ cũng được luật hóa bằng các quy định của luật tố tụng hình sự. Chính vì vậy, nghiên cứu cơ chế bảo vệ quyền con người bằng tố tụng hình sự với tư cách là cơ chế pháp lý, trước hết là nghiên cứu các quy định của pháp luật tố tụng hình sự về nhiệm vụ, các nguyên tắc tố tụng hình sự, các quy định về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp trong đó có tòa án, quy định các hoạt động tố tụng, các quyền tố tụng của người tham gia tố tụng….

Bảo vệ quyền con người bằng tố tụng hình sự đã được Bộ luật TTHS Việt Nam ghi nhận tại Điều 2: Phát hiện nhanh chóng, kịp thời, xử lý nghiêm minh mọi hành vi tội phạm không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Trong xã hội có giai cấp, Luật hình sự cũng như luật TTHS luôn được coi là ngành luật thể hiện rõ nhất tính giai cấp, tính quyền lực nhà nước. Tức là nó có nhiệm vụ bảo vệ sự tồn vong của một chế độ, một giai cấp. Tuy nhiên, trong một nhà nước pháp quyền- một nhà nước mà quyền con người là hạt nhân và quyền lực nhà nước luôn giới hạn thì mục đích của luật hình sự và tố tụng hình sự chính là bảo vệ quyền con người.

Nhiệm vụ của luật tố tụng hình sự Việt Nam được quy định rõ ràng gồm hai nhiệm vụ: Không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội. Luật TTHS trước hết là công cụ của nhà nước chống lại các hành vi tội phạm xâm hại đến lợi ích của xã hội bao gồm quyền con người. Chính vì vậy, không bỏ lọt tội phạm, xử lý nghiêm minh mọi hành vi tội phạm là nhiệm vụ quan trọng nhằm mục đích đó. Tuy nhiên, một trong những nguy cơ xâm phạm đến quyền con người một cách dễ dàng nhất và hậu quả không kém phần nghiêm trọng đó chính là sự xâm hại của công quyền. Trong tố tụng hình sự với sự yếu thế rõ rệt của những người bị buộc tội trước sự hùng mạnh của công quyền, quyền con người luôn bị đặt trong tình trạng đối mặt với mặt với sự xâm hại ở bất kỳ đâu và bất cứ lúc nào. Không thể nói một cơ chế tố tụng hình sự đảm bảo tốt nhất được quyền con người khi cơ chế đó hương tới mục đích phát hiện xử lý tội phạm bằng mọi giá kể cả bằng biện pháp và cách thức chà đạp lên quyền con người, trong đó có quyền con người của những người bị buộc tội. Nói như Lê nin: Không thể lấy mục đích bào chữa cho phương tiện. Ông Chủ tịch Ủy ban Cảnh sát hình sự quốc tế, ông Florent Louvage đã từng nói cách đây 50 năm : Nhất định phải thành công với bất cứ giá nào là một khẩu hiệu cần phải dẹp đi. Lắm khi một cuộc điều tra thất bại còn hơn thu được kết quả bằng những phương pháp đáng ngờ. Một xã hội văn minh thường cảm thấy bị xúc phạm khi phẩm giá con người bị chà đạp hơn là lỡ để một kẻ phạm tội trốn thoát7. Bảo vệ quyền con người bằng tố tụng hình sự bao gồm bảo vệ quyền con người nói chung và quyền con người trong tố tụng hình sự nói riêng. Cân bằng hai mục đích này là biểu hiện của tòa án văn minh vì con người.

Trong nhà nước pháp quyền, bảo vệ quyền con người luôn là nghĩa vụ của nhà nước. Tòa án muốn bảo vệ quyền con người phải bằng các quy định của luật tố tụng trong đó có luật tố tụng hình sự. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và tòa án nói riêng. Trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trước hết được thể hiện bằng đòi hỏi tuân thủ các nguyên tắc của tố tụng hình sự. Luật tố tụng hình sự Việt Nam quy định 32 nguyên tắc. Tuy nhiên, dưới góc độ bảo vệ quyền con người bằng tố tụng hình sự, có thể chia các nguyên tắc của luật TTHS Việt Nam thành 3 nhóm. Đó là: Nhóm những nguyên tắc quy định nghĩa vụ bảo vệ quyền con người của nhà nước; nhóm nguyên tắc đảm bảo cho sự tham gia của xã hội nhằm bảo vệ quyền con người trong tố tụng hình sự và nhóm nguyên tắc bảo vệ quyền con người trong tố tụng hình sự.

Nhóm nguyên tắc thứ nhấtbao gồm: Nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa đòi hỏi mọi hoạt động TTHS phải được thực hiện trên cơ sở các quy định của pháp luật. Nguyên tắc xác định sự thật của vụ án yêu cầu trách nhiệm xác định sự thật của vụ án thuộc cơ quan tiến hành tố tụng trên cơ sở pháp chế, tinh thần trách nhiệm và niềm tin nội tâm. Đặc biệt, các quyết định, bản án nhất là những bản án kết tội của tòa án phải dựa trên cơ sở sự thật khách quan đã được chứng minh. Nguyên tắc thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Nguyên tắc này đòi hỏi tất cả các tội phạm trong đó có các tội phạm xâm phạm đến quyền con người đều bị truy tố và xét xử tại tòa án. Bên cạnh đó, các hoạt động tố tụng hình sự đều được kiểm sát một cách chặt chẽ bới các cơ quan kiểm sát bao gồm kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử. Nhóm này còn có các nguyên tắc giám đốc việc xét xử, nguyên tắc hai cấp xét xử, nguyên tắc xét xử công khai, nguyên tắc trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án hình sự.

Nhóm nguyên tắc thứ haibao gồm các nguyên tắc: Xét xử có hội thẩm nhân dân tham gia, nguyên tắc xét xử công khai, Nguyên tắc đảm bảo sự phối hợp giữa các cơ quan THTT với các cơ quan Nhà nước khác các tổ chức xã hội và mọi công dân trong việc giải quyết vụ án, Nguyên tắc đảm bảo quyền khiếu nại, tố cáo của công dân đối với hoạt động của các cơ quan THTT. Các nguyên tắc này đảm bảo sự tham gia của xã hội vào việc bảo vệ quyền con người ở các phương diện trực tiếp tham gia hoặc tham gia với vai trò giám sát các hoạt động tố tụng đảm bảo công lý xã hội và pháp luật tìm được tiếng nói chung đồng thời xác định việc bảo vệ quyền con người không chỉ là nhiệm vụ của nhà nươc mà còn của xã hội.

Nhóm nguyên tắc thứ babao gồm các nguyên tắc: Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của tòa án. Đây được coi là nội dung cốt lõi của nguyên tắc suy đoán vô tội, một trong những nguyên tắc được coi là thành tựu vĩ đại của văn minh pháp lý nhằm bảo vệ quyền con người trong tố tụng hình sự. Bởi lẽ, khi chưa có bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của tòa án thì người bị buộc tội luôn vô tội và phải đối xử với họ như người vô tội. Nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân như các quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, danh dự nhân phẩm, tài sản….Nguyên tắc đảm bảo quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật. Nguyên tắc bảo đảm quyền được bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi của người bị oan. Các nguyên tắc này một mặt đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng cần tôn trọng và bảo vệ quyền con người của người bị buộc tội một mặt tạo điều kiện và cơ chế cho người bị buộc tội và những người tham gia tố tụng khác tự bảo vệ quyền lợi của mình. Các nguyên tắc này thể hiện ở việc trách nhiệm chứng minh thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng thông qua các hoạt động điều tra, truy tố, trách nhiệm bảo vệ và bảo đảm các quyền con người của người bị buộc tội.

Cơ chế bảo vệ quyền con người bằng tòa án kết thúc bằng hoạt động xét xử của tòa án. Chính vì vậy, vai trò của tòa án và vai trò của giai đoạn xét xử trong tố tụng hình sự là hết sức quan trọng. Các hoạt động điều tra, truy tố đóng vai trò chuẩn bị, tạo cơ sở cho hoạt động xét xử của tòa án. Trong tố tụng hình sự, giai đoạn xét xử của tòa án luôn đóng vai trò trung tâm. Giai đoạn xét xử bắt đầu bằng việc thụ lý vụ án hình sự và kết thúc bằng bản án, quyết định có hiệu lực của tòa án . Để đảm bảo cho tòa án đảm nhiệm đúng chức năng, vai trò, nhiệm vụ của mình là xét xử, luật tố tụng hình sự Việt Nam có quy định rất cụ thể về các nguyên tắc của việc xét xử, quy định rõ thẩm quyền của tòa án, các quyền, nghĩa vụ, các hoạt động tố tụng cụ thể của thẩm phán, hội thẩm nhân dân và những người tham gia tố tụng khác tại giai đoạn xét xử. Cơ chế hoạt động của tòa án trong tố tụng hình sự luôn đảm bảo tính độc lập của thẩm phán và hội thẩm nhân dân và tuân thủ triệt để các nguyên tắc của tố tụng hình sự. Tất cả những điều đó nhằm mục đích đảm bảo không tội phạm nào không bị xét xử và mọi người đều có quyền được xét xử bằng một tòa án công bằng hay nói cách khác là quyền có bản án công bằng, quyền kháng cáo bản án để xét xử phúc thẩm, quyền được nhanh chóng minh oan, quyền không bị kết tội hai lần về cùng 1 hành vi…

Các tư tưởng tiến bộ, nhân đạo này đã được Luật TTHS Việt Nam tiếp thu và thể hiện rõ trong các quy định về giai đoạn xét xử vụ án hình sự.

Như vậy, trước thực tiễn và nguy cơ quyền con người bị xâm hại bởi hành vi tội phạm, ở Việt Nam đã có cơ chế để tòa án bảo vệ quyền con người bằng tố tụng hình sự. Cơ chế này có tính đặc thù bởi tòa án tuy có vai trò trung tâm nhưng việc tòa bảo vệ quyền con người bằng tố tụng hình sự vẫn thấy sự hiện hữu và vai trò không thể coi nhẹ của các cơ quan tư pháp khác như điều tra, kiểm sát. Trong sự vận hành của cơ chế bảo vệ quyền con người bằng tòa án rất cần sự phối hợp, chế ước lẫn nhau giữa các cơ quan này với mục tiêu cuối cùng là bảo vệ quyền con người trong nhà nước pháp quyền chống lại các hành vi tội phạm xâm phạm quyền con người.

2.2. Cơ chế Tòa án bảo vệ quyền con người bằng tố tụng dân sự, hành chính

Trong quá trình thực hiện các quyền dân sự của con người không thể tránh khỏi những tranh chấp bởi sự vi phạm các quyền đó từ phía các chủ thể khác trong xã hội. Đó có thể là tranh chấp giữa cá nhân với nhau và có thể là tranh chấp giữa cá nhân và công quyền. Khi có tranh chấp, nói cách khác là có sự vi phạm đến các quyền con người của cá nhân trong xã hội thi xuất phát một nhu cầu tất yếu họ cần có người giải quyết các tranh chấp đó và cũng hình thành một nhu cầu tất yếu là cơ chế để thỏa mãn nhu cầu đó. Việc giải quyết các tranh chấp đã dạng trong đời sống do các tòa án đảm nhiệm. Để thực hiện vai trò đó, tòa án rất cần có cơ chế cụ thể. Tố tụng dân sự, tố tụng hành chính chính là cơ chế pháp lý cho tòa án bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực dân sự và hành chính.

2.2.1. Tòa án bảo vệ quyền con người bằng tố tụng dân sự

Cơ chế bảo vệ quyền con người bằng tòa án trong lĩnh vực dân sự ở Việt Nam từ 2004 đã có sự thống nhất với việc ra đời của Bộ luật TTDS chung. Điều này thể hiện quan điểm của nhà nước coi các quan hệ xã hội là quan hệ dân sự rộng hơn trước bao gồm cả các tranh chấp về kinh doanh thương mại, lao động. Sự hợp nhất các thủ tục tố tụng trong các lĩnh vực dân sựu, kinh doanh thương mại, lao động tạo điều kiện thuận lợi các chủ thể tự bảo vệ quyền lợi của mình, đồng thời cũng giúp các tòa án dễ dàng hơn trong việc thực hiện vai trò bảo vệ quyền con người của mình. Nói cách khác cơ chế bảo vệc quyền con người bằng tòa án đã bớt phức tạp hơn.

Cơ chế để tòa án bảo vệ quyền con người bằng tố tụng dân sự ở Việt Nam thể hiện trong các nguyên tắc của tố tụng dân sự (Bộ luật TTDS quy định 22 nguyên tắc). Đó là các nguyên tắc đặc trưng của Tố tụng dân sự: Nguyên tắc trách nhiệm cung cấp chứng cứ của cá nhân, tổ chức có thẩm quyền” (Điều 7); “Bảo đảm quyền bảo vệ của đương sự (Điều 10); “Trách nhiệm của cơ quan, người tiến hành tốtụng dân sự” (Điều 13); “Bảo đảm sự vô tư của những người tiến hành hoặc tham gia tố tụng dân sự” (Điều 14); “Trách nhiệm chuyển giao tài liệu, giấy tờ của Toà án” (Điều 22); “Bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo trong tố tụng dân sự” (Điều 24). Nguyên tắc bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự (Điều 8). Sự tự nguyện, bình đẳng và tôn trọng tự thỏa thuận là những tư tưởng xuyên suốt nội dung và hình thức và cơ chế vận hành của của luật tư trong đó có tố tụng dân sự. Điều đó cũng được thể hiện trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam hiện hành. Việc bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực dân sự do phía các đương sự tự nguyện và chủ động khởi xướng và thực hiện. Nó bắt đầu ngay từ khi khởi kiện hay không khởi kiện. Trong việc tiếp tục hay từ bỏ việc khởi kiện, cung cấp cứ, tham gia phiên tòa, tự bảo vệ hay nhờ người khác bảo vệ quyền lợi của mình. Nhà nước nói chung và tòa án nói riêng càng ít can thiệp vào các quyền tố tụng dân sự của đương sự càng tốt bởi lẽ “ việc dân sự cốt ở đôi bên”. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là tòa án đóng vai trò mờ nhạt trong cơ chế giải quyết các vụ án dân sự. Ngược lại, nhiệm vụ của tòa án là tạo điều kiện và cơ hội tốt nhất cho các bên tự bảo vệ quyền lợi của mình. Chính vì vậy, tố tụng dân sự Việt Nam có những quy định thể hiện rất rõ điều này. Đó là các quy định về thẩm quyền của tòa án. Các quy định về thủ thủ tục và cơ chế để các đương sự thu thập, giao nộp chứng cứ, tham gia tích cực và chủ động vào quá trình tố tụng, quy định các trường hợp cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội khởi kiện nhằm mục đích vệ lợi ích chung, về nghĩa vụ cung cấp chứng cứ của cơ quan nhà nước; các quy định về miễn, giảm án phí…Mục đích vừa đảm bảo cho các đương sự tự bảo vệ quyền lợi của mình vừa đảm bảo cho tòa án có quyết định, bản án đạt đến công lý. Vai trò của tòa án trong cơ chế bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực dân sự còn thể hiện trong các quy định về thẩm quyền theo vụ việc của tòa án các cấp. Theo đó, tòa án không chỉ là người phân xử các tranh chấp mà còn là cơ quan công nhận, khẳng định các quyền của con người thể hiện ở các thủ tục giải quyết các việc dân sự như: giải quyết các khiếu nại về danh sách cử tri; giải quyết các yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, tuyên bố một người mất tích hay đã chết v.v.

Như vậy, đặc trưng nổi bật trong cơ chế tòa án bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực dân sự đó chính là sự tôn trọng quyền tự quyết, tự thỏa thuận của đương sự và tòa án luôn đóng vai trò thúc đẩy và tạo điều kiện cho họ tự bảo vệ quyền con người của mình.

2.2.2. Cơ chế tòa án bảo vệ quyền con người bằng tố tụng hành chính

Như trên đã nói, quyền con người có thể bị xâm phạm từ phía các cá nhân trong xã hội nhưng cũng không loại trừ trường hợp nó có thể bị xâm phạm từ phía công quyền khi nhà nước thực hiện chức năng quản lý xã hội của mình. Công quyền xâm phạm đến quyền con người thông qua các quyết định hành chính, hành vi hành chính. Mặt khác, trong nhà nước pháp quyền, giữa nhà nước và công dân không chỉ tồn tại trách nhiệm một chiều giữa thần dân và ông vua chuyên chế như các nhà nước phong kiến mà là trách nhiệm qua lại. Điều đó thể hiện ở đòi hỏi nhà nước cũng phải có trách nhiệm với công dân và có thể bị dân kiện ra tòa nếu nhà nước xâm phạm đến quyền con người. Cơ chế để giải quyết những vụ việc “dân kiện quan” được gọi là cơ chế giải tòa án giải quyết các vụ án hành chính và thông qua cơ chế này tòa án bảo vệ quyền con người khi có sự xâm phạm từ phía công quyền. Ở Việt Nam cơ chế này được luật hóa bằng Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.

Có thể nói sự hiện diện của các tòa án hành chính ở Việt Nam là bước đột phá trong nhận thức cũng như trong pháp luật về vai trò của tòa án trong việc bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực hành chính. Bởi lẽ, con đường tài phán hành chính với ưu điểm công khai, minh bạch, độc lập không phụ thuộc vào cơ quan hành chính luôn là đảm bảo tốt nhất cho công dân bảo vệ quyền con người của mình và phù hợp với cơ chế chung của quốc tế khi mọi tranh chấp kể cả các tranh chấp giữa cá nhân và nhà nước đều phải được giải quyết bằng con đường tòa án.

Theo pháp luật hiện hành, các tòa án hành chính được tổ chức nằm trong hệ thống tòa án nhân dân. Đối tượng xét xử của tòa án hành chính chỉ là các quyết định hành chính cá biệt và các hành vi hành chính (bao gồm các hành vi hành chính của các công chức là Bộ trưởng trở xuống và khôngbao gồm các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan hành chính). Thẩm quyền của tòa án hành chính là giải quyết 22 loại việc phát sinh trong hoạt động quản lý nhà nước. Xu hướng mở rộng thẩm quyền của tòa án hành chính đang được đề xuất trong Dự thảo luật Tố tụng hành chính. Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính ở Việt Nam có thêm giai đoạn tiền tố tụng tức là trước khi khởi kiện ra tòa hành chính các đương sự phải thực hiện thủ tục khiếu nại theo con đường hành chính. Nếu không được cơ quan hành chính bao gồm cơ quan co quyết định hành chính, hành vi hành chính. Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính tại tòa hành chính cơ bản cũng giống thủ tục giải quyết các vụ án dân sự khác. Đó là việc bảo đảm cho các bên có quyền thực hiện các quyền tố tụng của mình, đưa ra bằng chứng và phản bác lại bằng chứng của bên kia qua việc kiểm tra chéo, mời người làm chứng là các chuyên gia và những người làm chứng khác. Vai trò của tòa án cũng là tạo điều kiện cho các bên thực hiện các quyền đó và phán quyết trên cơ sở độc lập, vô tư không thiên vị.

Kết luận:

Nhà nước pháp quyền còn có thể gọi là nhà nước nhân quyền. Bởi lẽ, nó ra đời từ đòi hỏi gay gắt của xã hội về bảo vệ quyền con người trước sự xâm phạm từ nhiều phía trong đó có sự xâm phạm quyền con người từ phía công quyền trong nhà nước phong kiến thời trung cổ ở phương Tây đang bị tôn giáo và thần quyền thao túng. Bức bối, phẫn nộ trước việc quyền con người bị chà đạp toàn diện, người dân đã dành lấy quyền tự tổ chức nhà nước của mình. Nhà nước đó cần phải dựa trên một bản Hiến pháp văn minh với nội dung cốt lõi là đảm bảo quyền con người. Chính vì vậy, quyền con người và bảo vệ quyền ấy là mục đích cũng là nhiệm vụ của bất cứ nhà nước nào một khi nó được thừa nhận là nhà nước pháp quyền. Điều 50, Hiến pháp hiện hành của Việt Namlong trọng tuyên bố: Ở nước Cộng hào xã hội chủ nghĩa Việt Nam , các quyền con người ….được tôn trọng.Sự tôn trọng quyền con người đã được thể hiện trong Hiến pháp và pháp luật, được bảo đảm thực hiện và bảo vệ trên thực tế bằng những cơ chế đa dạng. Nghiên cứu cơ chế bảo vệ quyền con người bằng tòa án ở Việt Nam là khẳng định những điều đó đồng thời nhằm hoàn thiện cơ chế này để quyền con người được bảo vệ tốt hơn trên thực tế.

Chú thích:

1. Quyền con người, Ayn Rand , bản dịch Phạm Đoan Trang truy cập http://chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Luan-Ly/Quyen_con_nguoi/

2. Josef Thesing, Nhà nước pháp quyền, NXB Chính trị quốc gia , 2006 , Tr. 261

3. Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Giáo trình Lý luận và pháp luật về quyền con người, NXB Chính trị quốc gia, 2009

4. Võ Khánh Vinh, Khái niệm, các loại, các lĩnh vực, nội dung và hệ thống các cơ quan giám sát đối với tổ chức và hoạt động thực hiện quyền lực nhà nước, trong cuốn Giám sát và cơ chế giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước ở nước ta hiện nay, Viện Nhà nước và pháp luật, NXB Công an nhân dân , 2003, tr.25.

5. Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Giáo trình Lý luận và pháp luật về quyền con người, NXB Chính trị quốc gia , 2009.

6. Nguyễn Như Phát, Quyền con người và nhà nước pháp quyền, Tham luận tại Hội thảo quốc tế Tính phổ biến và tính đặc thù của quyền con người do Viện KHXH Việt Nam và Viện KASS, CHLB Đức tổ chức tháng 3/2010.

7. Nguyễn Quốc Hưng- Hình sự Tố tụng, Nhà sách Khai Trí Sài Gòn 1957.

Xem Thêm

Đắk Lắk: Góp ý kiến văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng
Ngày 13/6, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức góp ý kiến đối với dự thảo kế hoạch tổ chức hội nghị lấy ý kiến văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2025 – 2030.
Hà Giang: Góp ý dự thảo sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm
Ngày 13/6, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp hội) tỉnh đã tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá (CLSPHH). Tham dự hội thảo có lãnh đạo đại diện các Sở, ban ngành của tỉnh, các hội thành viên Liên hiệp hộivà các chuyên gia TVPB.
Đắk Lắk: Hội nghị phản biện Dự thảo Nghị quyết về bảo đảm thực hiện dân chủ cơ sở
Sáng ngày 27/5/2025, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk (Liên hiệp hội) đã diễn ra Hội nghị phản biện và góp ý đối với Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Đắk Lắk về việc quyết định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Phú Thọ: Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Sáng ngày 20/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

Tin mới

Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh
Đại hội Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam (VUSTA) nhiệm kỳ 2025–2030 được tổ chức thành công vào sáng ngày 21/7. Tại Đại hội, đại diện Đoàn Thanh niên VUSTA đã có bài phát biểu chúc mừng đại hội. Bí thư Đoàn Thanh niên Lê Thị Thủy khẳng định: “Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh và luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc đổi mới đất nước”.
Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương
Hướng tới chào mừng Đại hội Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030, Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và biểu trưng (logo) Đại hội đại biểu Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 – 2030 được chính thức khởi động từ ngày 18/7/2025.
Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, tập hợp, đoàn kết trí thức KH&CN phục vụ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới
Kể từ khi Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) được thành lập ngày 26/03/1983, Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam đã trải qua 9 kỳ Đại hội, mỗi kỳ Đại hội đã thực sự trở thành những mốc son quan trọng, đánh dấu bước phát triển cả về tư duy chính trị lẫn phương thức hoạt động của toàn hệ thống.