Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 13/04/2007 22:44 (GMT+7)

Chuyện về chiếc máy vi tính đầu tiên của Việt Nam

Giải mã những bức điện của lính Mỹ, truyền in chế bản, áp dụng ngôn ngữ “basic Đồi thông” để viết phần mềm ĐT82 quản lý vật tư cho xí nghiệp máy may Sinco, xí nghiệp Điện tử Tân Bình... Đó là những ứng dụng của những chiếc máy tính đầu tiên mà GS Nguyễn Chí Công tham gia chế tạo.


Câu chuyện bắt đầu khi Uỷ ban Hợp tác KH&KT với Việt Nam (CCSTV) của Pháp được thành lập ("Đó gần như là cánh cửa duy nhất để Việt Nam có thể liên thông với thế giới KHKT đương đại” - lời của đại tướng Võ Nguyên Giáp). Năm 1977, Alain Teissonnière, chuyên gia người Pháp của CCSTV tình nguyện nhận chuyển giao công nghệ vi xử lý vào Việt Nam . Các kỹ sư của Việt Nam tham gia các buổi học về vi xử lý, một khái niệm hoàn toàn mới mẻ với giới kỹ sư trong nước. Alain Teissonnière vừa truyền giảng về lý luận vi xử lý, vừa giúp các dồng nghiệp nước bạn thực hành. Cùng sang Việt Nam chuyến này với ông còn có chuyên gia, kỹ sư điều khiển học Hoàng Thành Đào, Việt Kiều dân tộc Thái, cũng tận tình giúp đỡ các đồng nghiệp trong Viện.

Từ hồi đó đã nhận thức chip điện tử sẽ thay đổi thế giới, kỹ sư Nguyễn Chí Công cùng các bạn học trường Đại học Bách Khoa Tiệp Khắc như Nguyễn Văn Tam, Lê Võ Bạch Thông, Huỳnh Thúc Cước và các đồng nghiệp khác cùng bắt tay làm máy tính. Những ngày đầu khó khăn chồng chất. Phòng ốc chật chội, ẩm thấp. Chế tạo máy tính mà điện đóm chập chờn."Điện không có, một tuần mất điện mấy ngày, một ngày mất mấy lần" - Ông kể. Và khó khăn hơn hết là bị Mỹ cấm vận. Liên lạc, giao lưu cực khó khăn.
Trong cả nhóm chế tạo máy tinh, Công là người duy nhất học về máy tính, đúng chuyên ngành, những người khác cũng là du học sinh của Pháp, Liên Xô... nhưng đều theo chuyên ngành điện tử, toán học, vật lý... Vì thế mà ông được giao phụ trách việc đọc và xử lý các tài liệu. “Tài liệu lúc ấy cũng vô cùng khó khăn. Chiến tranh liên miên khiến thông tin bị trì trệ, khan hiếm. May mắn sao có được trong tay tài liệu của Mỹ do Trung Quốc copy được và gửi cho mình”.

Họ miệt mài ngày đêm nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Pháp Alain và anh Đào. Người thiết kế, người vạch kế hoạch, mỗi người phụ trách một bộ phận, tất cả đều còn rất trẻ, song tinh thần tập thể rất cao. Ông kể: “Nhớ lại thấy buồn cười. Chỉ hai tháng mà vừa tiếp thu lí luận do chuyên gia Pháp Alain cung cấp, vừa tự tay mày mò làm. Thô sơ và thủ công đến mức vỏ máy thì phải lấy dũa mài, còn màn hình là sử dụng từ chiếc ti vi Neptune trắng đen do Việt Nam lắp ghép theo thiết kế Ba Lan, phải dùng công tắc đưa từng bit dữ liệu vào thay thế bàn phím. Ngoài chip phải mua từ nước ngoài, tất cả bộ phận khác của máy đều được làm thủ công ở trong nước”. Khi ấy cũng như các anh em trẻ khác của Viện, Nguyễn Chí Công mới 28 tuổi.

Suốt hai tháng trời ròng rã, chiếc máy vi tính đầu tiên sử dụng chip Intel 8080A với tên gọi VT80 nhỏ gọn đã ra đời thay thế cho chiếc máy vi tính khổng lồ của Liên Xô. Sản phẩm VT80 được xây dựng theo thiết kế với kỹ thuật quấn dây điện nối các chân cắm, gồm bìa CPU, nhiều bìa RAM/ROM và I/O cùng các thứ lỉnh kỉnh từ bảng điều khiển đến vỏ máy, nguồn điện. Sau này, được tận mắt chứng kiến chiếc máy của Mỹ đi vào lịch sử công nghệ thông tin thế giới, ông thấy máy vi tính Việt Nam thậm chí còn nhỏ gọn hơn, và về cơ bản, hai máy mạnh tương đương.

Chiếc máy tính đầu tiên của Việt Nam ra đời song lại không có... phần mềm ứng dụng. Đến cả Mỹ cũng mới chỉ dùng máy tính để nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, tính ứng dụng chưa cao. Mấy tháng sau, Công được chọn sang Pháp để nghiên cứu và thực tập. Trung tâm nghiên cứu triển khai của Công ty Điện lực Pháp là nơi ông đầu tư nghiên cứu. Với lòng ham học hỏi, ông được chọn tham gia dự án: Tự động hóa các thiết bị điều khiển lưới điện cao áp bằng vi tính. Trong thời gian này, ông cũng tranh thủ tìm hiểu bộ vi xử lý Intel 8085 có khả năng mạnh về ngắt, rồi xây dựng một hệ phát triển cho chip mới này. Dự án thành công ngoài sức tưởng tượng, ông được toàn quyền sử dụng các thiết kế của mình vào những mục đích phi lợi nhuận. Và đó là những viên gạch đầu tiên trong ý tưởng xây dựng dòng máy vi tính VT8X. Chiếc máy tính thứ hai được cải thiện hơn nhiều so với chiếc đầu tiên, bởi đã có được màn hình và bàn phím, bộ vi xử lý thông minh hơn. Tết năm 1982, ông Công được Viện cử sang Pháp thực tập 6 tháng về thiết kế vi mạch cực lớn (LVSI) và mạng máy tính.

Tự đánh giá về thờikỳ ấy, GS Công cho rằng đóng góp quan trọng nhất không phải là việc làm ra chiếc máy vi tính, mà điều này chứng tỏ ngành tin học Việt Nam đã từng một lần có cơ hội "sánh ngang với cường quốc".

Xem Thêm

An Giang: Anh nông dân truyền cảm hứng giáo dục STEM
Anh Nguyễn Ngọc Đệ - một nông dân chỉ học hết lớp 6, hiện sinh sống tại xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang - đã xuất sắc đoạt giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh An Giang lần thứ XIV (2024-2025) với giải pháp mang tên “Mô hình Hạm đội Trường Sa phục vụ giáo dục STEM”.
GS. Nguyễn Hữu Tăng trọn đời vì khoa học, nặng lòng vì đất nước
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Hữu Tăng, nguyên Phó Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, một nhà vật lý lý thuyết hàng đầu, một nhà quản lý khoa học tâm huyết đã từ trần vào rạng sáng ngày 22/6/2025, hưởng thọ 89 tuổi. Sự ra đi của ông để lại niềm tiếc thương vô hạn cho giới khoa học và các thế hệ học trò, đồng nghiệp.
Huỳnh Thúc Kháng: Ngòi bút sắc hơn trăm vạn quân
Được biết đến là một chí sĩ yêu nước, một nhà cách mạng và một chính khách đức độ, di sản rực rỡ và truyền cảm hứng bậc nhất của cụ Huỳnh Thúc Kháng còn ở sự nghiệp báo chí nơi ngòi bút được mài sắc thành vũ khí đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc. Tên Huỳnh Thúc Kháng cũng được đặt cho trường dạy viết báo đầu tiên ở nước ta.

Tin mới

Hành trình phát triển văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục bền vững của Viện CLEF
Ngày 9/7, Viện Nghiên cứu Phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục (Viện CLEF) đã tổ chức lễ kỷ niệm 5 năm thành lập. Đây là dịp để nhìn lại hành trình hình thành và phát triển của Viện, là lời tri ân sâu sắc gửi tới các đối tác, chuyên gia và cộng đồng học thuật đã luôn đồng hành, hỗ trợ và tiếp sức cho những bước tiến của Viện trong suốt thời gian qua.
Tìm giải pháp thực hiện hiệu quả các dự án viện trợ không hoàn lại
Thủ tục hành chính thực hiện và quản lý các dự án viện trợ không hoàn lại hiện nay còn phức tạp; quy trình xét duyệt, giải ngân còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ và sự hài lòng của đối tác; năng lực quản lý hạn chế; một số đơn vị thành viên thiếu chuyên môn về giám sát tài chính, báo cáo theo chuẩn quốc tế; biến động kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nguồn viện trợ không ổn định....
Chủ tịch Phan Xuân Dũng tiếp xúc cử tri tỉnh Khánh Hòa sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Ngày 9-10/7, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa gồm ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, bà Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và ông Nguyễn Văn Thuận đã có các buổi tiếp xúc cử tri tại xã Bác Ái Tây và xã Phước Hà sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.